Một là, về chủ trương, chính sách thu hút:
Đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An: Thời gian qua, tỉnh Long An đã đề ra nhiều chủ trương, thực hiện các chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Tuỳ vào từng đối tượng và giai đoạn khác nhau mà tỉnh Long An có những chính sách phù hợp, linh hoạt. Các văn bản chỉ đạo, điều hành điều chỉnh chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về công tác tại tỉnh phù hợp với nhu cầu, tình hình, điều kiện phát triển của địa phương. Có thể kể đến các văn bản chỉ đạo sau đây:
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhằm định hướng phát triển, tiến tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cuộc sống của người lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cẩu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Long An.
- Chương trình số 11-CTr/TU, ngày 04/11/2011 của Tỉnh ủy về phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
- Nghị quyết số 45/2011/NQ-HĐND, ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
- Quyết định số 4415/QĐ-UBND, ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Thông báo số 47/SKHĐT-TH, ngày 16/3/2012 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc công bố, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Long An đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Kế hoạch số 73-KH/TU, ngày 03/11/2014 của Tỉnh ủy Long An về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”;
- Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đè án đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về khoa học và công nghệ của tỉnh Long An giai đoạn 2016 - 2020;
- Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/4/2021 của Tỉnh ủy Long An về thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh;
- Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh Long An về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025;
- Kế hoạch số 2372/KH-UBND ngày 23/7/2021 của UBND tỉnh Long An về triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2021.
Đối với khối doanh nghiệp: Theo Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, hiện nay trong cơ cấu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ lao động được đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi đó tỷ lệ lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo nghề chiếm gần 80%. Thực trạng trên đã phản ánh trình độ lao động trong các khu công nghiệp đang có sự chênh lệch đáng kể. Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chưa cao.
Do đó, để thu hút được nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ sở đào tạo và Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động thường niên, nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Tại phiên giao dịch, học sinh, sinh viên của trường được tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, trang bị những kiến thức về thị trường lao động, môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp... Đây cũng là cơ hội để các nhà tuyển dụng giới thiệu đến học sinh, sinh viên thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp và trực tiếp tuyển dụng được nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Thông qua hình thức trực tiếp và các phương triện truyền thông đại chúng và Cổng Thông tin điện tử của các Sở, ban ngành, một số văn bản, chính sách liên quan đến thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh. Hoạt động này giúp cho thông tin tuyển dụng được quảng bá, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng thu hút.
Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An đã rất chú trọng thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ bằng các chính sách rất thiết thực, mang tính khả thi như:
- Hỗ trợ nhà ở cho người lao động: Đối với các khu công nghiệp đã có quỹ đất, Ban Quản lý khu kinh tế tiến hành xây dựng nhà ở cho công nhân, ưu tiên bố trí nhà ở cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc cả vợ và chồng đều làm chung công ty.
- Thường xuyên tổ chức các Hội chợ việc làm, thực hiện các chương trình kết nối với các trường Đại học, đưa sinh viên tham quan, tìm hiểu về doanh nghiệp. Ngoài ra, hằng nằm tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo về nhân lực và lao động.
- Có kế hoạch xây dựng các Trung tâm đào nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tại chỗ, công nhân, người lao động.
Như vậy, tỉnh Long An đã có các chú trương, chính sách về thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về công tác tại tỉnh Long An đã ban hành khá đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức thực hiện thu hút cán bộ giỏi từ mọi nguồn.
Hai là, đối tượng và chế độ thu hút
Đối với các cơ quan nhà nước: Đối tượng thu hút được phân loại căn cứ vào độ tuổi và học hàm, học vị. Đối với nhóm có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ: Nam được giới hạn không quá 50 tuổi đối và nữ được giới hạn không quá 45 tuổi đối. Đối với nhóm có học vị thạc sĩ thì quy định về độ tuổi thấp hơn: Nam được giới hạn không quá 45 tuổi đối và nữ được giới hạn không quá 40 tuổi. Đối với nhóm đối tượng là: bác sĩ - dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú; người tốt nghiệp đại học và những trường hợp đặc biệt do UBND tỉnh quyết định quyết định. Cụ thể:
Nếu ở ngoài tỉnh thì đối tượng thu hút tập trung vào các nhóm sau: nhóm có trình độ Đại học, sau Đại học; những người có năng khiếu đạt giải cấp quốc gia trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; những người được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý thuộc các ngành GD - ĐT, Y tế, Văn hóa - Thông tin với điều kiện phải tự nguyện làm việc lâu dài từ 5 năm trở lên tại cơ quan, đơn vị theo sự phân công của tổ chức. Chính sách thu hút ngoài việc được hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp (nếu có) còn được hưởng trợ cấp ban đầu. Thời điểm để nhận trợ cấp ban đầu là sau 6 tháng tính từ ngày nhận công tác. Trường hợp một người đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, chỉ được hưởng hỗ trợ kinh phí tương ứng với trình độ, tiêu chuẩn cao nhất.
Nếu ở trong tỉnh thì đối tượng thu hút là những người có học vị từ trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên, có chuyên môn, chuyên ngành đào tạo phù hợp theo danh mục các ngành nghề, lĩnh vực cơ quan, đơn vị làm việc mà tỉnh cần thu hút (do UBND tỉnh công bố hàng năm), cam kết bằng văn bản tự nguyện về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh từ 5 năm trở lên, có kinh nghiệm thực tiễn hoặc những người có năng khiếu đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền điều động, tuyển dụng, hợp đồng về nơi làm việc xa nơi cư trú (tỉnh xuống huyện hoặc xã, huyện này sang huyện khác hoặc từ huyện về xã).
Đặc biệt, đối với người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Long An được tuyển dụng chính thức không qua tập sự và sẽ được bố trí nhà công vụ. Riêng đối với người có học vị thạc sĩ được tuyển dụng theo quy định hiện hành.
Nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 164/2014/NQ-HĐND, ngày 10/12/2014 về chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa bàn tỉnh Long An. Tỷ trọng ngân sách chi cho khoa học và công nghệ, giáo dục va đào tạo hằng năm đều tăng từ 5 - 10%, ngân sách phân bổ cho ngành khoa học và công nghệ tỉnh năm 2020 là 31.966 triệu đồng, cao gấp 4,8 lần so với năm 2002 là 6.670 triệu đồng.
Đối với khối doanh nghiệp: Khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ bằng nhiều cách thức và phương pháp khác nhau.
Thu hút bằng lương là biện pháp thu hút nhất cơ bản hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Long An, hàng tháng mỗi phòng sẽ được phân bổ một quỹ lương riêng, căn cứ vào kết quả thực hiện mục tiêu của phòng và số lượng, năng lực kinh nghiệm nhân sự của phòng đó, Trưởng phòng có tránh nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu và hiệu quả công việc để phân bổ cho từng người.
Ngoài chú trọng về lương, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề thưởng. Doanh nghiệp rất linh hoạt về hình thức khen thưởng. Để bảo đảm công bằng và bình đẳng, các doanh nghiệp thực hiện chế độ khen thưởng đúng người, đúng việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chú ý đến các chế độ phúc lợi để thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Đa số chế độ phúc lợi của các doanh nghiệp có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đều cao hơn so với các cơ quan nhà nước.
Ba là, về lĩnh vực thu hút
Đối với khối cơ quan nhà nước: Từ năm 2011, các Sở ban ngành và các cơ quan hành chính nhà nước chú trọng thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nhiều nhất ở lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo; y tế; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Đối với khối doanh nghiệp tập trung thu hút ở các ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông lâm thuỷ sản; sản xuất phân phối điện, khí, hơi đốt, hơi nước và điều hoà; thông tin và truyền thông; hoạt động ngân hàng và bảo hiểm.
Nhìn chung, cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh Long An ở khối Nhà nước chủ yếu tập trung vào các ngành thuộc khoa học xã hội. Tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong các ngành kỹ thuật, kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn, như: công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất sản phẩm từ khoáng vi kim loại khác, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) và sản xuất thiết bị điện…
Bốn là, kết quả thu hút
Đối với khối cơ quan nhà nước
Tính đến ngày 31/12/2020, tỉnh Long An đã thu hút được 739 người, trong đó có 25 tiến sĩ, 206 thạc sĩ và 691 người tốt nghiệp đại học. Đối tượng thu hút đang dạng ở cả trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên số lượng thu hút ở khối cơ quan nhà nước có hộ khẩu tại tỉnh cao hơn ở ngoại tỉnh nhằm giữ chân lâu dài, tăng mức độ gắn bó.
Đối với khối doanh nghiệp
Long An là một trong tỉnh ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào, giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, lao động giản đơn vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động. Tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người công nhân cổ cồn trắng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mặt khác, ở Long An vẫn đang phổ biến tình trạng “chảy máu chất xám” với việc nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao đang di cư mạnh mẽ tới các tỉnh có quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá diễn ra mạnh mẽ, có môi trường đầu tư thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Thực tế trên dẫn đến khối doanh nghiệp thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt ở bộ phận nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp ở Long An đã tích cực thực hiện nhiều chính sách thu hút thông qua nhiều hình thức khác nhau, kết quả tương đối khả quan: Số lượng nhân lực khoa học và công nghệ được thu hút tăng dần đều qua các năm. Nguồn cung có tính lâu dài chủ yếu là sinh viên xuất thân từ Long An, đi học ở các nơi sau đó trở về cống hiến cho quê hương. Một số ít là các chuyên gia ở các tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Đặc biệt, không những thu hút được nguồn nhân lực trong nước mà còn thu hút được lượng lớn nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nước ngoài. Cụ thể:
Tính đến tháng 5/2021, toàn tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 1.627 dự án đầu tư và giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động, trong đó có 2.500 người là lao động nước ngoài. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 12.880 doanh nghiệp đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, gồm 12.625 doanh nghiệp trong nước và 255 doanh nghiệp FDI đang hoạt động thu hút 200.000 lao động, trong đó có hơn 2.800 lao động người nước ngoài.
Trong 10 năm trở lại đây, số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Long An liên tục tăng qua các năm, do đó số lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn tỉnh cũng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016 cấp giấy phép cho 2.789 trường hợp, năm 2017 là 1.786 trường hợp, năm 2018 là 2.315 trường hợp, năm 2019 là 3.936 trường hợp, năm 2020 do tình hình dịch bệnh nên số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm còn 1.852 người. Tỉnh có hơn 750 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, gồm 74,12% là các chuyên gia, 14,38% là lao động kỹ thuật, 11,5% là lao động quản lý.
Tóm lại, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
VIẾT TRƯỜNG
Viện Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thu-hut-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-o-tinh-long-an-a8390.html