Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An

CT&PT - Chất lượng nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực; đặc biệt là trong tiến trình hội nhập quốc tế thì năng lực cạnh tranh của các chủ thể dựa trên chất lượng nguồn nhân lực. Ngành khoa học và công nghệ cũng như ngành nghề khác, đang đặt ra nhiều mục tiêu, chiến lược phát triển đội ngũ nhân lực nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Bài viết khái quát tình hình nguồn nhân lực của tỉnh Long An, từ mục tiêu trong Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh trong thời gian tới.

1. Khái quát phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An

Khi nói tới nguồn nhân lực là nói tới yếu tố con người. Con người, nguồn lực con người luôn là vấn đề trọng tâm của mọi thời đại bởi con người là chủ thể của mọi quá trình phát triển, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò, vị trí của con người và nguồn lực con người càng trở nên đặc biệt trong thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ. Khi thông tin và tri thức trở thành yếu tố cốt lõi của cả hệ thống hiện đại thì nguồn nhân lực trở thành nguồn lực quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc; trở thành động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đối với tỉnh Long An, quan điểm phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được thể hiện tại “Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó xác định: Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn Tỉnh Long An thời gian tới dựa trên các quan điểm sau: (i) Khoa học và công nghệ với đổi mới sáng tạo là động lực để tạo bước đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế tri thức; (ii) Phát triển Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, thị trường khoa học và công nghệ gắn với việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hình thành, phát triển và khuyến khích sáng tạo từ các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ; tạo cơ chế liên kết hoạt động giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; (iii) Phát triển đồng bộ từ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất về khoa học và công nghệ, từng bước nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, kết nối hiệu quả các cá nhân và các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các doanh nghiệp; (iv) Phát triển khoa học và công nghệ dựa trên nguồn lực chính của tỉnh Long An, đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, các nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước; (v) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với các nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; (vii) Phát triển khoa học và công nghệ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả, nhân rộng mô hình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

2. Thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ tỉnh Long An và một số đề xuất giải pháp

* Thực trạng

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các kết quả từ các chương trình, đề tài, dự án đã góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc của xã hội, phục vụ thiết thực vào sản xuất và đời sống. Các kết quả từ các chương trình, đề tài, dự án đã góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc của xã hội, phục vụ thiết thực vào sản xuất và đời sống; Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cũng được duy trì ổn định; Tiềm lực khoa học và công nghệ từng bước được nâng cao, hình thành các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, đầu tư nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị sự nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 15/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ….

Có được những thành tựu đó, phần lớn là nhờ những thành tựu đạt được trong phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng số có 587 cán bộ, công chức đạt trình độ sau đại học (07 tiến sĩ, 395 thạc sĩ, 143 chuyên khoa I, 42 chuyên khoa II). Đến cuối năm 2015, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn chiếm 92,8% (cán bộ 67,1%), công chức từ cấp huyện trở lên đạt chuẩn trình độ chuyên môn chiếm 99,1%. Nhìn chung, nhân lực khoa học và công nghệ tuy đã có bước phát triển về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao; Một bộ phận bất cập về kiến thức; năng lực và trình độ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; khả năng ngoại ngữ còn yếu, hạn chế khả năng tiếp cận tri thức tiên tiến, năng lực nghiên cứu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Thiếu cán bộ đầu đàn ở nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao. Bên cạnh đó, năng lực của nhân lực khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ của tỉnh Long An trên tổng thể chưa mạnh, chưa thực sự là những lực lượng chủ đạo về nghiên cứu khoa học và công nghệ, chưa đảm đương những nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của tỉnh trong nhiều lĩnh vực, thiếu các chuyên gia đầu đàn trên các lĩnh vực.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong nguồn nhân lực làm công tác khoa học và công nghệ, nhưng tập trung chủ yếu ở nguyên nhân chủ quan: Nhận thức về tầm quan trọng của đội ngũ làm công tác này chưa đồng đều ở các khu vực trong tỉnh; năng lực của đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là kỹ năng vận dụng trong thực tiễn; bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ còn thiếu về số lượng, ngành nghề... nhất là ở huyện, cơ sở cho nên việc chuyển giao kết quả còn chậm, quy mô áp dụng nhỏ... Về nguyên nhân khách quan: cơ chế khuyến khích, thu hút người giỏi, người có tài về công tác cho tỉnh chưa đủ mạnh nên việc thu hút nhân tài còn nhiều hạn chế; chưa thu hút được nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao. Từ đó dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ yếu, thiếu những cán bộ đầu ngành về khoa học.

* Giải pháp

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ nói riêng. Thông qua hoạt động học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng về vấn đề phát triển khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực của ngành lĩnh vực này. Chính quyền địa phương quan tâm ban hành nhiều hướng dẫn, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách của cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ, tạo niềm tin và sự yên tâm trong công tác.

Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, trở thành tiêu chí cạnh tranh của các chủ thể kinh tế và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII. Trên cơ sở đó, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ: tri thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ứng dụng những thành tựu của khoa học ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đội ngũ này nhằm làm gương cho các ngành nghề khác ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, ngay cả trong hoạt động của đội ngũ nguồn nhân lực. Bên cạnh tri thức về chuyên môn trong hoạt động khoa học và công nghệ, đội ngũ này cần trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật, quản lý về hoạt động này nhằm thúc đẩy hiệu quả, tính hợp pháp của hoạt động khoa học và công nghệ.

Ba là, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ: Trong tuyển dụng viên chức khoa học và công nghệ, nên áp dụng hình thức thi tuyển kết hợp với phỏng vấn trực tiếp, kể cả đối với người tốt nghiệp bằng giỏi hay thạc sỹ, tiến sĩ. Điều này sẽ giúp mở rộng khả năng đánh giá chất lượng dự tuyển đầu vào, giúp tuyển dụng được viên chức có khả năng làm việc thực tiễn cao; trong công tác quy hoạch thì chính sách quy hoạch phát triển đội ngũ viên chức khoa học và công nghệ phải hướng đến việc quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức có chuyên môn giỏi, các chuyên gia đầu ngành, chuyên môn hóa ở các lĩnh vực; trong đào tạo, bồi dưỡng thì ưu tiên đào tạo các chuyên gia, viên chức khoa học và công nghệ có trình độ cao, coi đây là những giải pháp có tính đột phá trong chiến lược phát triển đội ngũ viên chức khoa học và công nghệ; việc bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái viên chức khoa học và công nghệ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, phù hợp với năng lực, sở trường; bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ cần dựa trên các thành tích đạt được và đóng góp khoa học công nghệ (có kiểm chứng thực tế những thành tích: phải qua đánh giá hiệu quả hoạt động nghề nghiệp, với những sản phẩm cụ thể. Một nội dung cần chú trọng nữa là việc khen thưởng và xử lý kỷ luật: hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan đến chế độ thi đua, khen thưởng đối với viên chức khoa học và công nghệ; đồng thời cần căn cứ vào đặc thù công việc và chuyên ngành hoạt động nghề nghiệp của viên chức khoa học và công nghệ để đưa ra những quy định về hình thức kỷ luật riêng trong quy chế làm việc, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp nhằm quản lý viên chức khoa học và công nghệ chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút trí thức trẻ cống hiến và phát triển; chính sách trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho những ngành, lĩnh vực ưu tiến phát triển của Tỉnh.

Bốn là, tập trung phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo phát triển lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có tay nghề, công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, những cán bộ khoa học và công nghệ hàng đầu. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ này đang công tác tại Trung tâm, Trạm, Trại các ngành tỉnh.

Năm là, rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở Tỉnh; khuyến khích việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ trẻ; ưu tiên dành kinh phí cho đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, có phương án (cách thức triển khai, nguồn tài chính...) thu hút chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam tham gia công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, giữ các chức vụ quản lý nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Tỉnh.

VIẾT TRƯỜNG

Viện Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/mot-so-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-cong-nghe-tinh-long-an-a8388.html