Vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An

CT&PT - Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế của Long An phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Bên cạnh những két quả đạt được, quá trình phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An trong thời gian qua còn đặt ra nhiều vấn đề thách thức.

Một là, số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh Long An mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn nhân lực của địa phương và mức độ phát triển về quy mô những năm qua còn chậm, mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu phát triển của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn hiện nay của tỉnh Long An. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều giữa các huyện/ thị xã của tỉnh về cả số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tập trung số lượng lớn ở các đơn vị hành chính lớn, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh như: Tân An, Bến Lức... Trong khi đó, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở các huyện khó khăn như huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Cần Giuộc… chiếm tỷ lệ thấp, do vậy, có ít cán bộ khoa học và công nghệ đảm nhận các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.
Trong thời gian qua, số lượng và quy mô nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh tăng nhanh qua các năm. Đặc biệt, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An được xem là nguồn nhân lực trẻ. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cán bộ khoa học và công nghệ/vạn dân trong tỉnh năm 2020 là chỉ đạt 4,2 người/vạn dân (trong khi đó mặt bằng chung của cả nước là 7 người/vạn dân).
Hai là, cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh chưa hợp lý, sự chuyển dịch cơ cấu còn chậm và chưa hợp lý với yêu cầu phát triển nhanh của ngành khoa học và công nghệ của tỉnh, đặc biệt là yêu cầu mới về phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Đội ngũ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh còn mất cân đối giữa các lĩnh vực, ngành nghề…. Còn thiếu nhiều cán bộ có trình độ cao trong các lĩnh vực mũi nhọn như khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế…
Những năm gần đây, nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh Long An đang có sự chuyển dịch nguồn nhân lực từ các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp đến các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân. Rõ nét nhất là việc nhiều bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ để đến làm việc tại các bệnh viện tư, hoặc chuyển về các tỉnh, thành khác. 
Một bộ phận không nhỏ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao không trực tiếp làm nghiên cứu, do cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay vẫn dựa trên các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về trình độ chuyên môn (học hàm, học vị) nên có tình trạng một số cán bộ lãnh đạo tập trung chủ yếu thời gian cho công tác quản lý, điều hành mà ít tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ba là, tình trạng thiếu hụt đội ngũ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ kế cận. Số lượng nhà khoa học có trình độ và kinh nghiệm đến tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng. Tình trạng “chảy máu chất xám” mặc dù giảm, nhưng vẫn còn diễn ra, đặc biệt là trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Bốn là, quy mô nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh tăng nhanh, nhưng chất lượng còn chuyển biến chậm. Một bộ phận đội ngũ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn bị động, chưa có những đề xuất nghiên cứu, thiếu khả năng nghiên cứu độc lập.
Kỹ năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ nhìn chung còn yếu. Thiếu sự hợp tác giữa các nhà khoa học, hoặc đã có sự hợp tác nhưng tinh thần hỗ trợ, tính gắn kết chưa cao. Các nhóm nghiên cứu liên ngành về cơ bản chưa có định hướng hoạt động lâu dài và bền vững. Do đó, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về số lượng và chất lượng. Đây là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến các nhiệm vụ khoa học và công nghệ rơi vào tình trạng dàn trải, nhỏ lẻ, ít nhiệm vụ có quy mô lớn và tính tác động rộng rãi đến lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Trong giai đoạn từ 2011 - 2020, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện tổng cộng 11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ (giao Sở Khoa học và Công nghệ quản lý triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ và 04 nhiệm vụ còn lại thuộc nhiệm vụ độc lập do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) và 210 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở. Đóng góp của các hoạt động nghiên cứu và phát triển đối với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y, dược; Khoa học nông nghiệp; Khoa học xã hội; Khoa học nhân văn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm bảo đảm quốc phòng - an ninh; chăm sóc sức khỏe, tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân; phát triển các ngành kinh tế của địa phương. 
Năm là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò quan trọng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của địa phương, nên thiếu những chủ trương, chính sách cụ thể và quyết liệt đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ một cách xứng đáng với vai trò vị trí của nó nhằm khai thác và phát huy lợi thế nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh. 
Công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng các chương trình mục tiêu, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nói chung và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng có lúc, có nơi còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác dự báo cung - cầu nguồn nhân lực lực khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, như: kinh tế số, chuyển đổi số… 
Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của tỉnh trong việc triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chưa thật sự chặt chẽ, do đó, một số chương trình, đề án triển khai chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao; chưa đánh giá và báo cáo được số liệu quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực của địa phương và quy hoạch nguồn nhân lực trên các ngành, lĩnh vực.
Sáu là, chất lượng đào tạo, dạy nghề của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khoa học và công nghệ của tỉnh. Các cơ sở giáo dục Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh chưa có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Đội ngũ giảng viên, giáo viên trong các cơ sở giáo dục đào tạo của tỉnh mới đáp ứng một phần các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục - đào tạo, yếu về ngoại ngữ, tin học, thiếu về kinh nghiệm thực tế, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đảm bảo theo quy định. Sự gắn kết giữa đào tạo, dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của các cơ sở sản xuất còn rất lỏng lẻo. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng và các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại sau khi tuyển dụng. 


Lý do chủ yếu là do năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo ở tỉnh Long An còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo nhiều mặt còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố chưa hợp lý, chủ yếu tập trung ở Tp. Tân An, thị xã Kiến Tường và các huyện phát triển công nghiệp. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn thiếu ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chưa đạt chuẩn theo quy định về số lượng, chủng loại. Đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, một số chưa đạt chuẩn về kỹ năng thực hành nghề để giảng dạy nên chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. 
Đơn cử, trường Cao đẳng Long An được Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đầu tư 02 nghề trọng điểm cấp độ Quốc tế và 02 nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, nhưng giáo viên đang giảng dạy các nghề này chưa được tổ chức đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ở nước ngoài để có điều kiện được tiếp cận với cách thức đào tạo tiên tiến; nội dung đào tạo chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển giao nên chất lượng đào tạo các ngành nghề trọng điểm cấp quốc tế và khu vực ASEAN chưa đạt chuẩn theo quy định.
Bảy là, về thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh còn nhiều hạn chế bất cập: Một số chính sách thu hút ban hành còn chậm so với các địa phương khác trong cả nước; đặc biệt là chưa có chính sách mới, đủ sức hấp dẫn nhân lực chất lượng về làm việc ở tỉnh. 
Chưa phát huy được hết động lực, năng lực sáng tạo của một bộ phận nguồn nhân lực khoa học và công nghệ do địa phương chậm ban hành một số chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ,nhất là đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ cao, những tài năng trẻ. Mặc dù, tỉnh Long An đã ban hành chính sách thu hút và sử dụng các nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Long An, nhưng cho đến nay tỉnh thu hút được rất ít lực lượng này.
Ngoài ra, yếu tố về địa lý, khoảng cách vùng miền, giáp ranh với Tp. Hồ Chí Minh cũng là một trở ngại không nhỏ trong công tác thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở tỉnh Long An.
Tám là, ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ nói riêng của tỉnh Long An còn nhiều hạn chế.
Tỉnh Long An là một trong những tỉnh đang phát triển ở trình độ trung bình, chủ yếu vẫn là tỉnh phát triển về nông nghiệp, nguồn thu chưa đủ chi, đang còn phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ tăng chậm nên tốc độ di chuyển lao động diễn ra chậm. Nhu cầu tìm kiếm việc làm rất lớn nhưng tỉnh chưa có những cơ sở sản xuất kinh doanh lớn thu hút nhiều lao động, cho nên nhiều sinh viên giỏi, công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập chưa tương xứng với năng lực chuyên môn, do đó họ sẽ đi tìm kiếm những công việc phù hợp, với mức thu nhập tương xứng ở ngoài tỉnh.
Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập và hoạt động của các phòng thí nghiệm, thư viện… lớn, khả năng thu hồi vốn chậm nên chưa hấp dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư. Một số địa phương trong tỉnh chưa hình thành khu, cụm công nghiệp, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn ít, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nên chưa thu hút được nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.
Chế độ đãi ngộ trong nghiên cứu khoa học hạn hẹp dẫn đến thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ khó khăn, trình độ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chưa cao và công nghệ còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tầm quan trọng của phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo. Cơ quan quản lý còn lúng túng và thụ động trong việc xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Nguồn kinh phí ngân sách dành cho sự nghiệp khoa học và công nghệ địa phương hằng năm đều tăng, tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho ngành khoa học và công nghệ có sự phân bố không đồng đều giữa các năm. Theo quy định, đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ chiếm ít nhất 2% với tổng chi ngân sách. Tổng hợp chung 2 nguồn vốn nêu trên trong giai đoạn qua thì tỷ lệ đầu tư còn rất thấp so tổng chi ngân sách nhà nước; bình quân trong giai đoạn 2002 - 2020 chỉ đạt khoảng 0,5% (trên số phân bổ được duyệt và đầu tư phát triển đúng cho khoa học và công nghệ). Qua đó, cho thấy đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa tương xứng so yêu cầu phát triển và hội nhập hiện nay. 
Chín là, các chế độ đãi ngộ tuy đã được điều chỉnh theo từng giai đoạn, tuy nhiên, so với mức lương của ngành khác còn thấp, chưa đủ “lực hút”; nhiều trường hợp xa gia đình, chưa được bố trí chỗ ở, tự thuê nhà ở nên gặp nhiều khó khăn trong công tác cũng như trong cuộc sống. Bên cạnh đó, là khó khăn về chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước ngày càng ít, dẫn đến nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trẻ thường trở lại Tp. Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội việc làm, dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” của tỉnh Long An.
Đối với khu vực doanh nghiệp ở tỉnh Long AN, mặc dù, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn được “sở hữu” một đội ngũ lao động lành nghề, nhưng lại nhiều doanh nghiệp chưa có chính sách đãi ngộ rõ ràng để thu hút người lao động về làm việc gắn bó lâu dài với đơn vị mình. Bởi thế, mà việc tuyển lao động có tay nghề vốn đã khó lại càng thêm khó. Thậm chí, đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “chảy máu” nguồn lao động chất lượng cao. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp mở rộng các khoản phúc lợi nhằm thu hút người lao động như hỗ trợ xăng xe, thưởng chuyên cần, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao... Tuy nhiên, những chế độ đó cũng mới ở mức tối thiểu. Đặc biệt, thực tế cho thấy, rất ít khu công nghiệp ở Long An xây dựng được các thiết chế quan trọng như: nhà trẻ cho con công nhân, nhà ở xã hội... như một số địa phương khác trong vùng.
Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An còn thiếu thốn, nhất là ở khu vực doanh nghiệp. Trang thiết bị của các phòng thí nghiệm còn thiếu, không đồng bộ, một số trang thiết bị đã cũ không còn đáp ứng với các tiêu chuẩn hiện hành để thực hiện các phép đo có độ chính xác cao. 


NCS. NGUYỄN THỊ HOÀI THU
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/van-de-dat-ra-trong-qua-trinh-phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-tinh-long-an-a8382.html