Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu do hoạt động của con người trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thành phần của bầu khí quyển thế giới, ngoài sự biến đổi khí hậu tự nhiên được quan sát thấy trong những khoảng thời gian có thể so sánh được1. Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng to lớn đến toàn nhân loại, gia tăng mạnh mẽ cả về cường độ và mức độ với một số hiện tượng nổi bật:
Nhiệt độ toàn cầu gia tăng tới mức báo động: Thế kỷ XX ghi nhận mức nhiệt độ tăng cao nhất trong lịch sử quan trắc thế giới kể từ thế kỷ XV với mức tăng 0,75. Đặc biệt, kể từ năm 1970, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng nhanh hơn bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong vòng 2.000 năm. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trong giai đoạn 2023 - 2027, nhiệt độ trung bình năm toàn cầu có thể sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm do sự kết hợp giữa ô nhiễm bẫy nhiệt và hiện tượng El Nino.
Mực nước biển dâng nhanh, vốn chỉ xuất hiện với chu kỳ 100 năm/lần, đã trở thành hiện tượng phổ biến từ đầu thế kỷ XXI: Tháng 9/2022, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, khối lượng băng suy giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại khu vực Bắc Cực với tốc độ băng tan vào mùa hè hiện nay ở mức 12,6%/thập niên. Theo dự báo của Liên hợp quốc tại Báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững năm 20222, trong thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ tăng thêm ít nhất từ 30 - 60cm vào cuối năm 2100 nếu lượng khí thải nhà kính giảm mạnh và sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức dưới 20C và lên tới 60 - 110 cm nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng như hiện nay.
Thảm họa thiên nhiên (bão, lũ, động đất, sóng thần, hạn hán...) diễn ra ngày càng nhiều với cường độ lớn: Trong 50 năm qua, số lượng thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần và gây thiệt hại gấp 7 lần. Các hiện tượng thiên tai khiến hàng triệu gia đình mất nhà cửa, phương tiện sản xuất; ảnh hưởng đến giáo dục, sức khỏe của hàng trăm triệu người. Tại báo cáo tháng 5-2023, WMO cho biết, trong giai đoạn 1970 - 2021, thế giới ghi nhận 11.778 thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu, khiến 2 triệu người chết và thiệt hại kinh tế khoảng 4,3 nghìn tỷ USD3.
Trước những tác động to lớn tới mọi lĩnh vực và quốc gia, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu, là thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất và là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại trong thế kỷ XXI, đòi hỏi sự tham gia giải quyết của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong các báo cáo gần đây (từ năm 2021 - 2023), Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đánh giá biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chưa từng có trong suốt 2.000 năm qua. Liên hợp quốc cảnh báo khí hậu thế giới sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 và khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” kể cả khi nhiệt độ bề mặt Trái đất chỉ tăng thêm 1,5°C. Hệ quả từ biến đổi khí hậu làm sâu sắc thêm mâu thuẫn chính trị - xã hội tại nhiều quốc gia, dẫn tới nguy cơ bất ổn, xung đột, khủng bố... Biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề quan trọng trong hoạch định đường lối, chính sách của các quốc gia, với vị trí ưu tiên ngày càng cao trong chính sách đối ngoại. Các quốc gia đều coi trọng và đẩy mạnh chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm các mục tiêu:
Một là, gia tăng cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó, thích ứng với thách thức của biến đổi khí hậu và tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ, mô hình quản lý hiệu quả. Các quốc gia ngày càng đẩy mạnh xu hướng phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để vừa nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vừa giúp tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại. Nhiều cơ chế hợp tác về biến đổi khí hậu được thành lập tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khu vực, như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Trung tâm Khí hậu APEC (APCC), Tổng cục hành động khí hậu của Ủy ban châu Âu (DG CLIMA), Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu (AWGCC)...
Hai là, thu hút nguồn lực ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đối với các quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tính đến cuối năm 2020, các quốc gia phát triển đã cung cấp khoản tài chính khí hậu trị giá tới 83,3 tỷ USD cho các nước dễ bị tổn thương, bao gồm cả các khoản đầu tư tư nhân. Dự báo đến cuối năm 2023, con số này có thể lên tới 100 tỷ USD. Thời gian qua, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước dễ bị tổn thương. Ngài U. Vonđơ Lâyen (Ursula von der Leyen), Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết, EU sẽ tài trợ thêm 4 tỷ euro cho tài chính khí hậu trong giai đoạn 2021 - 2027, bên cạnh khoản đóng góp 25 tỷ USD hằng năm. Trong khi đó, Mỹ cam kết tăng cường tài trợ để giúp các nước nghèo giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, với mức tăng gấp hai lần tài trợ trung bình cao giai đoạn 2013 - 2016 vào năm 2024.
Ba là, trở thành công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước, đem lại lợi thế trong cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược. Mặc dù còn sự khác biệt về tiềm lực nội sinh, song nhiều quốc gia, tùy thuộc vào nguồn lực và lợi thế khác nhau, ngày càng coi trọng đẩy mạnh hợp tác ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, vừa giúp nâng cao vị thế quốc tế, vừa ngăn chặn thảm họa khí hậu toàn cầu. Các quốc gia tầm trung, đang phát triển, như Arập Xêút, các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Thụy Điển, Hà Lan,... nhờ lợi thế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý đã và đang tích cực tham gia, đi đầu trong nhiều lĩnh vực ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và các quốc gia tiếp nhận. Đồng thời, hợp tác trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng dần trở thành công cụ quan trọng trong tập hợp lực lượng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là về vai trò dẫn dắt thế giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Ngân hàng đa quốc gia và doanh nghiệp dịch vụ tài chính Mỹ (BoA) công bố vào tháng 02/2021, biến đổi khí hậu sẽ trở thành chủ đề chính trị và kinh tế chủ đạo trong những thập niên tới, không chỉ là vấn đề liên quan đến Trái đất, mà còn là phương thức để giành quyền lãnh đạo toàn cầu. “Cuộc chiến khí hậu” sẽ nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại và công nghệ trong các thập niên tới.
Vấn đề biến đổi khí hậu trong đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. IPCC cho rằng, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1% tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả khiến khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống. Biến đổi khí hậu là nhân tố chính gây ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, chiếm 87 - 91% số lượng thiên tai, ảnh hưởng đến 70% dân số, gây thiệt hại khoảng 1 - 1,5% GDP, đe dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2011 - 2020, khí hậu cực đoan đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với tổng thiệt hại lên tới khoảng 10 tỷ USD.
Trước tác động to lớn của biến đổi khí hậu, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng vấn đề này, luôn nhất quán chủ trương chủ động, tích cực hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Đại hội VI (năm 1986) của Đảng cho rằng, tất cả các dân tộc và cộng đồng nhân loại cần có sự phối hợp với nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường4. Kể từ đó, nhận thức của Đảng về tầm quan trọng đặc biệt của ứng phó, khắc phục các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được nâng cao, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế. Đại hội VII (năm 1991) của Đảng đề ra chủ trương: “Nhà nước dành một phần quỹ dự phòng của ngân sách để chủ động cứu giúp những người gặp tai nạn do thiên tai”5. Đại hội VIII (năm 1996) của Đảng đưa ra quan điểm cần phải có sự hợp tác đa phương trong giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường6. Đại hội IX (năm 2001) của Đảng lần đầu tiên sử dụng cụm từ “biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của sự biến động khí hậu bất lợi7. Đại hội X (năm 2006) của Đảng nhận định, tình trạng môi trường tự nhiên bị hủy hoại, khí hậu diễn biến ngày càng xấu, là vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức quốc tế phối hợp giải quyết8. Đại hội XI (năm 2011) của Đảng chứng kiến sự phát triển nhận thức ngày càng đầy đủ về vấn đề biến đổi khí hậu, nhận định biến đổi khí hậu có tính cấp bách liên quan đến vận mệnh loài người9, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp10 và chủ trương “Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu”11, “tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”12. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI (năm 2013) của Đảng đã ban hành một nghị quyết riêng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu13, khẳng định sự coi trọng đặc biệt tới vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung toàn cầu.
Đại hội XII (năm 2016) của Đảng đánh giá “Hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh”14, đề ra nhiệm vụ “thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”15 và lần đầu tiên đề ra chủ trương “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính”16. Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nhấn mạnh “thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”17 và chủ trương “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu... Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu”18.
Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa, ban hành một số luật, văn bản quan trọng để thúc đẩy, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhất quán đẩy mạnh thực hiện chủ trương từ “tham gia” thành “chủ động, tích cực tham gia” hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều thể chế đa phương, quốc tế, khu vực. Không chỉ tham gia với tư cách quốc gia thành viên, mà Việt Nam còn chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, cơ chế, phương thức hợp tác hiệu quả, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực bên ngoài trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Trong hợp tác đa phương, Việt Nam đã: 1- Ký kết và sớm phê chuẩn nhiều thỏa thuận lớn về biến đổi khí hậu, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Kyôtô năm 1998, Thỏa thuận Pari năm 2016...; 2- Tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn về biến đổi khí hậu, như Diễn đàn biến đổi khí hậu Á - Âu năm 2011 hay phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” năm 2015...; 3- Đóng góp tích cực thúc đẩy các sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP). Tại các Hội nghị COP lần thứ 26 và 27, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong hợp tác song phương, Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác, đối thoại với các quốc gia phát triển, nhận được nguồn vốn hỗ trợ lớn thông qua các tổ chức quốc tế, như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB)... Báo cáo về đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, Việt Nam đã nhận được khoảng 600 dự án quốc tế hỗ trợ ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu có tổng số vốn ước tính đạt 18,5 tỷ USD. Trong đó, tổng số nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 1,1 tỷ USD, còn lại là vay ưu đãi. Tháng 12-2022, Việt Nam đã nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Anh, Mỹ, các nước EU hỗ trợ chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 205019.
Một số vấn đề đặt ra và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Thời gian tới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bên cạnh phát huy kinh nghiệm hợp tác trong những mặt đã đạt được, việc nhận định và giải quyết thách thức đặt ra đối với hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể thấy một số thách thức lớn đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, thách thức trong huy động và sử dụng nguồn lực quốc tế khi tính lan tỏa chưa cao, hiệu quả sử dụng thấp. Kể từ khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các đối tác phát triển giảm dần những khoản vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, bao gồm cả các khoản vốn hỗ trợ ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vốn ODA ưu đãi giảm mạnh, Việt Nam chuyển sang chủ yếu là các khoản vay với lãi suất thương mại. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng giải ngân vốn vay đầu tư đang diễn ra với tốc độ chậm khiến thời gian triển khai dự án kéo dài, lãi phải trả tăng cao, hiệu quả đầu tư thấp. Bên cạnh đó, việc nhiều cơ quan, địa phương đều đẩy mạnh, thậm chí “cạnh tranh” trong kêu gọi viện trợ, đầu tư hỗ trợ ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu khiến nguồn vốn dành cho từng dự án bị chia nhỏ, hiệu quả lan tỏa thấp, các dự án liên vùng còn thiếu... Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển do WB công bố vào năm 2022, ước tính đến năm 2040, Việt Nam cần thêm khoảng 368 tỷ USD để đầu tư thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đây là nguồn vốn lớn, đặt ra nhiều thách thức với nhiệm vụ huy động nguồn lực quốc tế.
Thứ hai, thách thức trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa bảo đảm an ninh, an toàn. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng. Tham gia sâu hơn vào các thỏa thuận hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc chịu sự ràng buộc nhiều hơn với các cam kết quốc tế. Sự tự chủ trong quá trình hoạch định chính sách chịu nhiều ảnh hưởng. Nguy cơ chịu tác động tiêu cực bởi những biến động, khủng hoảng của các nước đối tác cũng như sức ép, can thiệp từ bên ngoài, thậm chí việc các lực lượng lợi dụng tham gia các dự án hỗ trợ ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hòng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kích động “diễn biến hòa bình” là rất rõ ràng. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực biến động phức tạp, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, việc xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa bảo đảm an ninh, an toàn là một thách thức lớn.
Thứ ba, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, việc đào tạo đội ngũ cán bộ, người lao động có trình độ cao, có khả năng làm việc tại các tổ chức quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong các lĩnh vực hẹp, như quản lý tài nguyên nước, kiểm soát khí nhà kính, tín chỉ cácbon... đóng vai trò hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực chất lượng cao giúp Việt Nam chủ động hơn trong hợp tác quốc tế, tham gia đóng góp, phát huy vai trò tại các cơ chế, thể chế đa phương khu vực và thế giới, vừa giúp nhanh chóng nắm bắt được các xu hướng, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, công nghệ tiên tiến, vừa góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước.
Trong thời gian tới, để vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao hiệu quả, thực hiện thành công các nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần:
Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hợp tác quốc tế ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể: 1- Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu; 2- Nghiêm túc thực hiện cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu; 3- Nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; 4- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là, tăng cường hợp tác, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật, trong quản lý, nhất là: 1- Trong thể chế hóa các tiêu chuẩn, cam kết quốc tế, xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; 2- Nghiên cứu xây dựng luật về biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm phát thải khí nhà kính quốc gia theo khung tăng cường minh bạch của Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu năm 2016 và xây dựng quy định quản lý tín chỉ cácbon, phát triển thị trường cácbon. Việc kịp thời ban hành, thể chế hóa cam kết quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các đối tác quốc tế yên tâm triển khai cam kết, vừa khuyến khích doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Ba là, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, huy động nguồn viện trợ, hỗ trợ tài chính ưu đãi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh các khoản vay thương mại, thông qua các kênh đối ngoại, Việt Nam cần chủ động hơn trong hợp tác với các nước, nhất là các nước phát triển, như Mỹ, Pháp, Đức, EU... Việc chủ động trong đối thoại, hợp tác với các nước này vừa góp phần tranh thủ sự quan tâm của các nước trong nỗ lực thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, vừa huy động được nguồn vốn viện trợ ưu đãi, bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư, giảm áp lực vốn khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, nhiều dự án đầu tư trong ứng phó với biến đổi khí hậu không có khả năng thu hồi vốn.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các trường đại học, viện nghiên cứu chủ động hơn nữa, ưu tiên hợp tác, tổ chức các hội thảo quốc tế nghiên cứu về các xu hướng ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và các tác động, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm hay trong quản lý để kịp thời đưa ra tư vấn với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo thông qua cấp các khóa học bổng đào tạo, bồi dưỡng trong các vấn đề, như bảo vệ môi trường, xây dựng tín chỉ cácbon, luật về biến đổi khí hậu... Các cơ quan chuyên môn, cơ quan đối ngoại chủ động cử đại diện ứng cử, tham gia tại các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, góp phần thể hiện vai trò quốc gia có trách nhiệm, nâng cao vị thế đất nước.
1. Xem: United Nations: “United Nations Framework Convention on Climate Change” (Tạm dịch: “Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc”), ngày 09/5/1992, https://treaties.un.org/doc/treaties/ 1994/03/ 19940321 %2004-56%20am/ch_xxvii_07p.pdf.
2. Xem: United Nations: “The Sustainable Development Goals Report 2022” (Tạm dịch: “Báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững năm 2022”), 2022, https://unstats.un.org/sdgs/report/2022/The-Sustainable-Development-Goals-Report-2022.pdf.
3. Xem: World Meteorological Organization (WMO): “Economic costs of weather-related disasters soars but early warnings save lives” (Tạm dịch: “Thiệt hại kinh tế từ các thảm họa liên quan tới thời tiết tăng vọt nhưng cảnh báo sớm sẽ cứu được nhiều người”), ngày 22/5/2023, https://public.wmo.int/en/media/press-release/economic-costs-of-weather-related-disasters-soars-early-warnings-save-lives.
4, 5, 6, 7. Xem: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (phần I), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 37, 399, 684, 966.
8, 9, 10, 11, 12. Xem: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (phần II), Sđd, tr. 23, 501, 554, 435, 489.
13. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
14, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (phần II), Sđd, tr. 681, 650, 682.
17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 108, 155.
19. 15,5 tỷ USD nguồn tài chính sẽ được huy động từ khối tư nhân và chính phủ các nước trong vòng từ 3 - 5 năm tới, hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới, như: 1- Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên năm 2030; 2- Giảm tới 30% phát thải hằng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn; 3- Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo, chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Văn Thị Hà (tổng hợp)
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/bien-doi-khi-hau-tu-goc-nhin-doi-ngoai-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam-a8380.html