Những nghiên cứu gần đây thường bàn về các mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế dựa trên các lý thuyết về sự tăng trưởng ngoại sinh và tăng trưởng nội sinh. Mô hình tăng trưởng ngoại sinh, còn được gọi là mô hình Tân cổ điển hay mô hình tăng trưởng Solow, được phát triển bởi Robert Solow, người nhận giải Nobel năm 1987. Kiểm tra thực nghiệm lý thuyết này đã đi đến kết luận rằng tăng trưởng sản lượng là kết quả từ các yếu tố như tăng chất lượng và số lượng lao động thông qua tăng trưởng dân số và giáo dục, tăng vốn thông qua vốn nước ngoài và tiến bộ công nghệ. Tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của một quốc gia được xác định một cách ngoại sinh bằng tỷ lệ tiết kiệm hoặc tỷ lệ tiến bộ kỹ thuật (Solow, 1956). Tuy nhiên, có những chỉ trích mô hình ngoại sinh cho rằng mô hình ấy không giải thích được lý do tại sao hoặc làm thế nào có sự tiến bộ công nghệ. Điều này dẫn đến sự phát triển của lý thuyết tăng trưởng nội sinh.
Các nghiên cứu thực nghiệm thường phát hiện mối quan hệ dương giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Dees (1998) cho rằng FDI rất quan trọng trong giải thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; trong khi De Mello (1996) phát hiện mối tương quan dương đối với một số nước Châu Mỹ La tinh. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm ngược lại cho rằng ảnh hưởng của FDI lên tăng trưởng kinh tế là yếu và lý giải là do tác động ngược: Các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng đầu tư vào các nước, các ngành kinh tế có năng suất, tăng trưởng nhanh và có khả năng sinh lời, đại diện cho quan điểm này là Rodrik (1999).
Ảnh hưởng của FDI đến tăng trưởng kinh tế ngành có sự khác biệt giữa các ngành. Đối với ngành nông nghiệp, ảnh hưởng của FDI không phải lúc nào cũng luôn dương. Những dự án này có các mối liên kết kinh tế lỏng lẻo đối với nền kinh tế trong nước vì chúng thường sử dụng ít hàng hóa trung gian trong nước và đa phần hướng về xuất khẩu. Thêm vào đó, FDI vào ngành này thường có biến động cao (World Bank, 2005). Hầu hết quy mô đầu tư lớn và nhạy cảm với giá hàng hóa thế giới. Thêm vào đó, cấu trúc tài chính thường thiên về vay nợ giữa các doanh nghiệp và những khoản vay này có xu hướng biến động như các khoản nợ tư (World Bank, 2004). Một lý do khác liên quan đến Căn Bệnh Hà Lan, đó là nguồn lực bên ngoài đổ dồn vào một ngành có thể dẫn đến việc giảm khả năng cạnh tranh của các ngành khác trong nước, gia tăng các hành vi trục lợi và làm xói mòn các thể chế kinh tế (Sachs và Warner 1995; Sala-i-Martin 2003).
Ở góc độ khác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp rất có thể quan trọng đối với nhiều nước khan hiếm về vốn và công nghệ, nhờ dòng FDI, ngành nông nghiệp có thể thu lại nhiều ngoại tệ. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, trong bối cảnh thể chế kinh tế vững chắc, FDI trong nông nghiệp có thể có tác động dương. Đó là trường hợp của Botswana, với chính sách lành mạnh và khung khổ thể chế phù hợp, Botswana trở thành nước có thu nhập trung bình trong vòng một thế hệ với sự góp sức của FDI vào các ngành công nghiệp khai thác kim cương và khai thác mỏ khác. Các khoản thu từ xuất khẩu và thu chính phủ có nguồn gốc từ FDI được tái đầu tư khôn ngoan nhằm tạo những động lực ban đầu cho tăng trưởng kinh tế (UNCTAD 2003; Coolidge và Rose-Ackerman 1998).
Khác với ngành nông nghiệp, FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp có tiềm năng ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế bởi vì các mối liên kết với nền kinh tế nhận vốn tốt hơn. Các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chú trọng đến đầu tư hơn là xuất khẩu sang nước khác với mục đích là tìm kiếm hiệu quả hoặc là tìm kiếm thị trường hoặc một sự kết hợp của cả hai. Khi nó hoàn toàn là tìm kiếm hiệu quả, FDI có nhiều khả năng mang lại công nghệ và bí quyết sản xuất tương thích với đất nước nhận vốn, FDI thường tạo ra việc làm và nâng cao hoạt động đào tạo. Doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng ở mức độ nào đó các sản phẩm trung gian trong nước. Do đó, FDI có mối liên kết theo hàng ngang và phía sau. Thêm vào đó, xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài làm tăng tổng xuất khẩu và như vậy làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Điều này cũng cho thấy các mối liên kết này trở nên ít quan trọng khi FDI đi qua vào các khu chế xuất và khả năng của hiệu ứng ly tâm (crowding-out) gia tăng khi doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước. Tóm lại, FDI trong sản xuất công nghiệp được kỳ vọng có tác động lớn đến nền kinh tế nhận vốn đầu tư.
Mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng công nghiệp còn được phân tích ở cấp thành phố (1996a Démurger, Wei năm 1994 và 1996) hoặc cấp tỉnh (Démurger 1996b và 2000, Mody và Wang 1997). Nghiên cứu của Wei dựa trên dữ liệu chéo của một mẫu gồm 484 thị xã, thành phố của Trung Quốc giai đoạn 1988 - 1990. Kết quả cho thấy, trong thời gian này, tăng trưởng kinh tế tương đối chậm, nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp của các thành phố này là cao. Tỷ trọng sản lượng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp ở các thành phố vẫn còn nhỏ (4%), nhưng có sự biến động lớn giữa các thành phố quan sát được. Wei (1994) chỉ ra rằng, giữa năm 1988 và năm 1990 mức độ đóng góp của FDI đối với những khác biệt về sản lượng công nghiệp danh nghĩa nhiều hơn đối với xuất khẩu. Ông đặc biệt lưu ý rằng đầu tư đó tạo ra ảnh hưởng lan tỏa về công nghệ và bí quyết quản lý giữa các doanh nghiệp trong cùng thành phố. Hơn nữa, Wei (1996) chỉ ra rằng, 1% gia tăng trong tỷ trọng sản lượng của các doanh nghiệp đầu nước ngoài năm 1988 kéo theo một tốc độ tăng trưởng sản lượng cao hơn là 0,32% giữa năm 1988 và 1990. Khoảng 20% sự khác biệt giữa tăng trưởng sản lượng ở các thành phố có thể được giải thích bởi sự khác nhau trong tỷ trọng đầu ra của các doanh nghiệp này. Sử dụng cùng bộ dữ liệu như Wei trong thời gian 1988 - 1993, Démurger (1996) khẳng định, trong khuôn khổ hàm sản xuất, trong ngắn hạn FDI có tác động lên tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của sản lượng thực tế ngành công nghiệp. Hơn nữa, nghiên cứu này không chỉ ra những ưu thế chung của FDI mà còn cho rằng trong ngắn hạn, sự đóng góp của FDI vào tăng trưởng công nghiệp có xu hướng chiếm ưu thế hơn, thậm chí thay thế hàng xuất khẩu. Nghiên cứu cũng kiểm chứng xem sự tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc tương đối vào quy mô của đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng lên tăng trưởng công nghiệp hay không. Kết quả cho thấy, hiệu ứng biên của tăng trưởng xuất khẩu lên tăng trưởng công nghiệp giảm khi FDI tương đối cao và cho rằng, FDI có thể thay thế cho xuất khẩu như là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, điều này được tìm thấy vào cuối những năm 80. Đối với cấp tỉnh, Démurger (1996) điều tra mối quan hệ giữa tăng trưởng công nghiệp và mở rộng cho 19 tỉnh trong giai đoạn 1983 - 1992. Kết quả cho thấy: i) cả FDI và xuất khẩu đã đóng góp tích cực cho sản xuất công nghiệp và rằng ít nhất trong ngắn hạn, FDI đã đóng góp cao hơn xuất khẩu; ii) FDI có hiệu ứng tích cực đối với sự tích lũy vốn trong nước, nó thực sự giải thích gần một nửa sự biến động trong tổng mức đầu tư, nó không thay thế cho vốn trong nước, mà là kích thích đầu tư trong nước. Giả thuyết có hiệu ứng ly tâm (crowding - out) đầu tư trong nước vì thế có thể bị bác bỏ cho giai đoạn nghiên cứu. Hơn nữa, Démurger (2000) cho phép giải thích về sự tăng trưởng kinh tế cấp tỉnh của Trung Quốc cho đến giai đoạn thập kỷ 90 dựa trên động thái giữa FDI và tăng trưởng. Cuối cùng, sử dụng dữ liệu ngành, Mody và Wang (1997) cũng cho thấy FDI - theo tỷ lệ phần trăm dân số - trong ngắn hạn, có một tác động đáng kể về tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp (mẫu nghiên cứu bao gồm 23 lĩnh vực công nghiệp tại 7 tỉnh ven biển trong thời kỳ 1985-1989). Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy rằng tác động của FDI có xu hướng giảm trong dài hạn. Kết quả này được nhóm tác giả giải thích rằng, trong ngắn hạn, FDI là nguồn vốn linh hoạt nên nó trở thành nhân tố động lực thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác, trong dài hạn, đóng góp của FDI giảm dần đối với giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng và bổ sung tài sản, họ nhấn mạnh một thực tế là hiệu quả của giáo dục được nâng cao khi nó được liên kết với các chuyên gia nước ngoài đi kèm với đầu tư cũng như hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Một nhóm nghiên cứu thực nghiệm khác về vai trò của FDI đối với tăng trưởng ngành công nghiệp Trung Quốc, (Sun, 1998, chương 5), Sun nhấn mạnh điểm khác biệt giữa các đặc tính và kết quả hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước (đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước). Doanh nghiệp nước ngoài có mức độ thâm dụng vốn cao hơn so với doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, việc khảo sát hiệu quả sản xuất ở các nhóm doanh nghiệp khác nhau, được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu điều tra dân số năm 1995, cho thấy năng suất trung bình của lao động và vốn trong các doanh nghiệp nước ngoài cao hơn so với của các doanh nghiệp nhà nước tương ứng là 2,8 và 2,2 lần. Kết quả cũng cho thấy độ co giãn của sản lượng đối với lao động và vốn trong doanh nghiệp nước ngoài lớn hơn so với doanh nghiệp nhà nước, nghiên cứu này gợi ý rằng hiệu quả quản lý và công nghệ tốt hơn của doanh nghiệp nước ngoài.
Trong một cách tiếp cận so sánh, Zhang và Zheng (1998) thực hiện một cuộc điều tra nhằm nghiên cứu tác động của MNCs về cơ cấu công nghiệp và hiệu quả. Họ lưu ý rằng từ năm 1992, dòng vốn FDI có những thay đổi đáng kể, do MNCs đã ồ ạt chảy vào thị trường Trung Quốc và bắt đầu điều chỉnh cơ cấu kinh tế dưới hình thức phân bổ lại các nguồn lực từ đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động sang các ngành thâm dụng vốn. Nhóm tác giả đã so sánh hoạt động của các chi nhánh MNCs ở Trung Quốc với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp khác trên cơ sở điều tra dân số năm 1995, kết quả cho thấy lợi nhuận/doanh thu tại các chi nhánh của MNCs thấp hơn và ít hướng đến xuất khẩu hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài khác. So với các doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài, sản xuất của MNCs tập trung nhiều hơn trong lĩnh vực có mức độ thâm dụng vốn (tài sản bình quân đầu người). MNCs đầu tư vào các ngành như thiết bị vận tải, điện, hàng hoá điện tử. Các phân tích chuyên sâu của các yếu tố quyết định đến hiệu quả kỹ thuật trong ngành sản xuất Trung Quốc, Sun và cộng sự (1999), khẳng định doanh nghiệp nước ngoài có hiệu quả cao hơn. Sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu bao (DEA), Sun và cộng sự (1999) tính điểm hiệu quả kỹ thuật cho 28 ngành công nghiệp cho 29 tỉnh vào năm 1995 và so sánh chúng trên tất cả các ngành và các địa phương. Các so sánh dựa trên phân ngành công nghiệp chỉ ra rằng, dệt may, chế biến gỗ và các ngành công nghiệp kim loại màu có điểm hiệu quả kỹ thuật thấp hơn khi so sánh theo tỉnh, nhất là ở các vùng ven biển. Sun và cộng sự sau đó xem xét các yếu tố quyết định đến sự khác biệt hiệu quả kỹ thuật giữa các tỉnh và các ngành công nghiệp đã tìm thấy một số bằng chứng về vai trò của độ mở kinh tế, được đo bằng tỷ lệ xuất khẩu/đầu ra hay tỷ trọng của FDI trong tổng vốn đầu tư và hiệu quả kỹ thuật trong ngành công nghiệp nhẹ nằm ở vùng ven biển thì cao hơn các vùng khác.
FDI ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngành công nghiệp, nó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất công nghiệp hiện có, đặc biệt là phát triển những ngành công nghiệp mới theo những quy mô hợp lý, công nghệ hiện đại đủ sức đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với mục tiêu tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn tài nguyên và tìm kiếm hiệu quả, các MNCs sẽ không quyết định đầu tư vào những ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp hoặc mức lợi nhuận và giá trị gia tăng được tạo ra không cao. Vì vậy, FDI đã góp phần vào tiến trình sắp xếp và thay đổi cơ cấu nội bộ một số ngành công nghiệp, nâng cao năng lực hoạt động của các ngành này, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa với nhiều mặt hàng, nhiều chủng loại có chất lượng và sức cạnh tranh cao hơn.
Như vậy, sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài đã đem lại hiệu quả dương đối với hiệu suất công nghiệp. Trong nghiên cứu của Sun (1998, chương 6), các doanh nghiệp nước ngoài cũng có tác động gián tiếp đối với các ngành khác thông qua mối liên kết ngành. Các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp có các chỉ số liên kết phía sau và số nhân sản lượng cao, do đó, tạo sự liên kết mạnh mẽ đến nền kinh tế. Doanh nghiệp nước ngoài ngày càng trở thành những nhà sản xuất công nghiệp quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của các ngành trong nước thông qua việc đáp ứng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế và kích thích đầu tư trong nước.
Tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài là bước đi hiệu quả nhất cho các nước đang phát triển, trong đó nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng các ngành. Thực chất của việc làm này là tận dụng điều kiện khách quan thuận lợi mà thế giới đã tạo ra thay vì phải mất nhiều thập kỷ phát triển để tăng tích lũy và tái đầu tư. Các nước “đi sau” có thể “mượn sức” những nước “đi trước” để thực hiện phương thức “đi tắt đón đầu” tiến tới thu dần khoảng cách tụt hậu về trình độ so với các nước phát triển. Vốn đầu tư là yếu tố có tính quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển là điều kiện sống còn.
Vào những năm 1950, các nhà kinh tế của Liên Hiệp Quốc đã coi sự thiếu hụt về vốn là một hạn chế chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển. Để có vốn các nước này phải tiến hành bằng con đường tích luỹ nội bộ. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào khả năng tích luỹ nội bộ thì hậu quả là khó tránh khỏi tụt hậu ngày càng xa hơn. Do vậy, tranh thủ ngoại lực là bước đi hiệu quả nhất cho các nước đang phát triển. Một trong những nội dung quan trọng của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở quốc gia nào cũng đều hướng đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.
A.P.Samuelson nhà kinh tế người Mỹ cho rằng, đa số các nước đang phát triển là thiếu vốn, mức thu nhập thấp, chỉ đủ sống ở mức tối thiểu, do đó khả năng tích luỹ và đầu tư là rất hạn chế. Để có được mức đầu tư tối thiểu nhằm đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển kinh tế cần phải hy sinh tiêu dùng trong nhiều thập kỷ, điều này đã hạn chế khả năng thoát nghèo cũng như khả năng đuổi kịp các nước phát triển về trình độ kinh tế và như vậy các nước nghèo trong thời kỳ đầu quá trình phát triển của mình thường rơi vào “vòng luẩn quẩn” của sự nghèo khổ:
Từ việc phân tích “vòng luẩn quẩn” của các nước chậm phát triển, R.Nurkse cho rằng FDI như là điều kiện tạo nên lực bứt phá khỏi những khó khăn cản trở để các nước này có thể bắt nhập được vào quỹ đạo phát triển. Cũng với cách lập luận như R.Nurkse, A.Samuelson cho rằng vốn là yếu tố quyết định đảm bảo cho lao động có năng suất cao và như vậy “vốn là yếu tố có sức mạnh nhất có thể làm cho “vòng luẩn quẩn” bị phá vỡ. Ở các nước đang phát triển khả năng tích lũy nội bộ nền kinh tế còn rất thấp thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc một phần vào vốn đầu tư từ bên ngoài, do FDI có ưu thế nổi bật hơn các nguồn vốn nước ngoài khác nên FDI đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng A. Samuelson đi đến kết luận: “các nước nghèo muốn phát triển được nhất thiết phải có “cú hích” từ bên ngoài nhằm phá vỡ “cái vòng luẩn quẩn”. Theo ông, “cú hích” đó không phải cái gì khác mà chính là FDI, nhưng ông cũng cảnh báo rằng FDI không phải là “chìa khóa vạn năng” cho sự phát triển.
Chính vì vậy, việc thu hút các nguồn vốn FDI có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành kinh tế hiện đại, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
NCS. NGUYỄN THỊ HOÀI THU
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-cua-fdi-doi-voi-phat-trien-cac-nganh-va-tang-truong-kinh-te-a8377.html