Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của một số quốc gia

CT&PT - Với chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp, Hàn Quốc, Singapore đã phát huy được những tiềm năng, lợi thế và vượt qua thách thức để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa.

1. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Hàn Quốc
Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc vào những năm 1960 vẫn còn là một nước nghèo, tài nguyên thiếu thốn, nền khoa học và công nghệ bị đánh giá là trì trệ và tụt hậu; vốn tri thức khoa học và công nghệ hầu như không có tích lũy, Hàn quốc không chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ (vào khoảng 9,5 triệu USD) và được đánh giá là đầu tư với mức rất thấp. Nhân lực khoa học và công nghệ ở cả lĩnh vực công và tư nhân chưa đầy 5.000 người, trong đó chỉ có 79 tiến sĩ. Hàn Quốc sớm xác định việc phát triển nguồn tài nguyên trí tuệ chính là yếu tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Vì vậy, Hàn Quốc đặc biệt đầu tư vào việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.
Đầu tiên, Hàn Quốc bắt tay vào khôi phục kinh tế trong khi thế giới đang ở thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ hai, là thời kỳ điện năng thế chỗ cho máy hơi nước. Với mục tiêu trở thành nước có nền kinh tế tri thức hàng đầu thế giới, sau hơn 50 năm, vào những năm cuối của thế kỷ 20, qua quá trình nỗ lực phát triển thì Hàn Quốc đã vươn lên một cách thần kỳ và trở thành con rồng của Châu Á, sánh ngang với các nước phát triển của Châu Âu. Từ một nước nghèo, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, gia nhập nhóm các nước kinh tế phát triển và ngày nay đang tiến vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện nay, Hàn Quốc có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, đội ngũ nhân lực nghiên cứu và phát triển hùng hậu với gần 500.000 người (nhiều hơn cả Anh và Pháp), đầu tư quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (năm 2016) là 77 tỷ USD, đứng thứ năm thế giới [48].
Để đạt được kết quả đó, bằng chính sách phù hợp, đặc biệt là công tác bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ đã được Chính phủ Hàn Quốc triển khai một cách bài bản, công tác phát hiện và đào tạo nhân tài được thực hiện ngay từ khi còn là học sinh. Đầu tiên phải kể đến Chiến lược xóa mù chữ toàn dân mà Hàn quốc đã triển khai thực hiện vào giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1960. Những năm sau đó, hệ thống giáo dục của Hàn Quốc dần được đẩy mạnh như: đầu tư phát triển giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học (năm 1960); các trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề kỹ thuật phát triển nhanh vào những năm 1970, Hàn Quốc chú trọng việc hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, Anh, Bỉ,… để đào tạo giáo viên hướng dẫn, nhằm tạo khung cho hệ thống đào tạo nghề; giai đoạn từ 1980 đến 1990 Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục trên lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ dựa vào thông tin, tri thức và công nghệ cao. Từ năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các Chiến lược quốc gia lần thứ nhất về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2001 - 2005 và Chiến lược quốc gia lần thứ hai về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2006 - 2010.
Ở Hàn Quốc, đội ngũ cán bộ trí thức được hình thành từ 3 nguồn chủ yếu: Nhà nước, các trường, viện, trung tâm nghiên cứu và các tập đoàn kinh tế. Giai đoạn đầu, do điều kiện còn hạn chế, Nhà nước - thông qua Bộ khoa học và công nghệ và các đơn vị nghiên cứu do nhà nước lập ra - đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng, phát triển các cơ sở khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực và đội ngũ trí thức chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã được Chính phủ Hàn Quốc xem xét và nhìn nhận một cách nghiêm túc trên cơ sở  hợp tác chặt chẽ giữa người học, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống giáo dục riêng về khoa học và công nghệ, tách biệt với hệ thống giáo dục trung học và đại học hiện có. Hệ thống giáo dục khoa học và công nghệ riêng ở đây thể hiện ở việc Hàn Quốc đã thành lập các trường trung học và đại học khoa học và công nghệ, đây chính là cái nôi đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc của Hàn Quốc và các nước trên thế giới. Để mở rộng quy mô học sinh, sinh viên đầu vào, các trường này đã chú trọng đến các chiến lược thu hút người học, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc cấp học bổng cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đã đầu tư mở rộng các khóa đào tạo sau đại học như các ngành khoa học tự nhiên, Khoa học đời sống và công nghệ sinh học, các ngành kỹ thuật,…Ngoài ra, Viện Công nghệ Hàn Quốc (KIT) – cái nôi đào tạo nhân sự ngành kỹ thuật hàng đầu tại Hàn Quốc đã có đãi ngộ dành cho học sinh tốt nghiệp trường trung học khoa học và các học sinh tài năng đó là mở chương trình nội trú miễn phí. Để phát triển đồng bộ, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực  liên kết Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, Viện Công nghệ Hàn Quốc và các trường trung học khoa học để phát triển chương trình giáo dục toàn diện cho những học sinh, sinh viên có năng khiếu về khoa học kỹ thuật. Một “điển hình” trong thu hút hiệu quả nhân tài Hàn kiều để nhanh chóng nâng cao năng lực nghiên cứu đó là phát triển mô hình liên kết ngành công nghiệp – trường đại học (liên kết giữa các doanh nghiệp và trường đại học) đó là Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), được thành lập dưới sự tài trợ của Pohang Jecheol (sau này là POSCO). 
Hàn Quốc cũng có chính sách khuyến khích các trường đại học tăng cường R&D, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế đi sâu nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế, đáp ứng trực tiếp các nhu cầu của thị trường. 
Không những thế, để tăng cường nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc còn đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư ở các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh như Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, Đức… Các nhà khoa học, nghiên cứu sinh đã đến và làm việc, học hỏi được rất nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các quốc gia này.
Với các chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp, Hàn Quốc đã phát huy được những tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình và vượt qua thách thức để có đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Singapore
Singapore được các chuyên gia đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nhân tài bài bản nhất thế giới, đặc biệt là các tài năng ở nước ngoài. Ngay từ khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Singaporec, Lý Quang Diệu (nay là cựu Thủ tướng) đã xác định rõ đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế Singapore. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai phát triển nguồn lực chất lượng cao tại chỗ thì việc thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ từ nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Singapore. 
Vào năm 1998, để thu hút nguồn lực khoa học và công nghệ, Chính phủ Singapore đã thành lập Ủy ban tuyển dụng tài năng Singapore với chức năng chính là tìm kiếm và chào đón người có tài năng từ nước ngoài vào bộ máy nhà nước.
Singapore tuyển nguồn nhân lực dựa vào năng lực, khả năng đóng góp chứ không phân biệt là công dân của Singapore hay người ngoại quốc, chỉ cần họ làm việc để phục vụ các mục tiêu phát triển Singapore và hưởng lương của Chính phủ Singapore chi trả, thì họ mặc nhiên là nguồn nhân lực của Singapore. Singapore có quy định cụ thể mức lương và đối tượng hưởng lương: lao động bình thường dao động trên dưới 2.000 USD/tháng, lao động nước ngoài chất lượng được hỗ trợ thủ tục đưa người thân sang sống cùng, xử lý nhanh việc cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài cao bên cạnh quyền được hưởng lương theo mức đóng góp.
Tuy tập trung đầu tư nhiều cho chính sách thu hút nhân lực khoa học và công nghệ bên ngoài nhưng Singapore cũng không bỏ qua việc phát triển năng lực cho nguồn nhân lực nội tại. Hệ thống giáo dục ở Singapore luôn được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện đổi mới và phát triển theo kịp trình độ nền giáo dục ở các nước phát triển, tập trung vào giáo dục về khoa học và công nghệ, nhất là ở bậc đào tạo đại học. Các sinh viên tốt nghiệp đại học được trang bị kỹ năng và tri thức cần thiết để phục vụ nền kinh tế tri thức và công nghệ cao của Singapore. Điều này chủ yếu do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và các tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ, bảo đảm liên tục nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động. Chính phủ đã tách Bộ Giáo dục thành 2 bộ phận, trong đó có bộ phận chuyên phụ trách về giáo dục và đào tạo kỹ thuật. Trên cơ sở liên kết với Nhật Bản Chính phủ Singapore đã thành lập một học viện kỹ thuật hiện đại được trang bị máy móc tự động và Chính phủ còn có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính cho người học ở học viện này để giúp họ đạt được kết quả tốt nhất.
Đặc biệt, để phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, Singapore đã thành lập Hội đồng nhân lực quốc gia (do Bộ trưởng Nhân lực đứng đầu) để chỉ đạo công tác hoạch định nhân lực quốc gia, hướng dẫn và giám sát công tác hoạch định nhân lực quốc gia. Đồng thời, hệ thống thông tin quốc gia về nhân lực được phát triển nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động hiện tại và phân tích tình hình nhân lực, nhất là nhân lực khoa học và công nghệ.

ThS. TRƯƠNG HOÀNG ĐỨC
Đại học Kinh tế - Luật Tp. Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/kinh-nghiem-phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-cua-mot-so-quoc-gia-a8370.html