Theo quan điểm duy vật biện chứng, phát triển là sự vận động từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơncủa mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Đó là sự biến đổi cả về số lượng và chất lượng của sự vật, hiện tượng theo hướng ngày càng hoàn thiện ở trình độ cao hơn. Với quan điểm lấy con người làm trung tâm, chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định, lịch sử phát triển của nhân loại suy cho cùng là lịch sử phát triển con người. Phát triển con người vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sự phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được đánh giá qua nhiều tiêu chí khác nhau, tùy thuộc từng mục đích nghiên cứu. Trong phạm vi bài viết, tác giả sử dụng một số tiêu chí đánh giá chủ yếu thường được sử dụng như sau:
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trước hết phải quan tâm phát triển hợp lý về số lượng theo yêu cầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Căn cứ quan trọng nhất để xác định số lượng đủ và hợp lý của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là yêu cầu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của quốc gia, của địa phương và DN. Nếu không bám sát yêu cầu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về số lượng sẽ không đạt kết quả mong muốn. Có thể diễn ra tình trạng thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, hoặc thừa mà không sử dụng được, không đáp ứng yêu cầu. Để đánh giá phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về số lượng cần căn cứ vào các tiêu chí sau:
Một là, sự gia tăng số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ theo yêu cầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ tương ứng trong mỗi giai đoạn hay từng năm. Sự gia tăng này được đo bằng số liệu thống kê (số liệu tuyệt đối hoặc tỷ lệ %) bộ phận hiện có của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện đang công tác trong các cơ quan, đơn vị, DN; số lượng và khả năng huy động bộ phận tiềm tàng khi có nhu cầu trong thời gian nhất định (năm sau so với năm trước, hay giai đoạn sau so với giai đoạn trước theo tỷ lệ %). Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng hay giảm phụ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian nhất định, không nhất thiết năm sau phải cao hơn năm trước, hay giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Hai là, sự gia tăng số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ so với biểu biên chế và yêu cầu nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ của từng cơ quan, đơn vị, DN cũng như cả nước ở mỗi giai đoạn cụ thể. Trong đó, không chỉ đánh giá cụ thể số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện có so với biểu biên chế (đủ, thừa hay thiếu) mà còn đánh giá số lượng nguồn kế cận, kế tiếp của nguồn nhân lực này. Đánh giá cụ thể sự gia tăng số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ so với yêu cầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cả thường xuyên và đột xuất, trước mắt và tương lai.
2. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Nội dung này phản ánh quá trình làm gia tăng giá trị của các yếu tố cấu thành chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, bao gồm: thể lực, trí lực và tâm lực. Nội dung của các yếu tố cấu thành chất lượng luôn vận động không ngừng do sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Để đánh giá những thay đổi căn bản về chất lượng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cần căn cứ vào một số tiêu chí cơ bản sau:
Một là, thể lực. Thể lực là nền tảng vật chất để phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về chất lượng. Sự phát triển về thể lực của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được đo bằng các chỉ số về chiều cao, cân nặng, nội, ngoại khoa… và thực tế tham gia ngày lao động trong năm của nguồn nhân lực này. Ở phạm vi đơn vị công tác, có thể xác định sự phát triển thể lực của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở tỷ lệ thời gian tham gia công tác tính theo hàng năm hoặc giai đoạn.
Hai là, trí lực. Trí lực của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là sự kết tinh của tri thức ở nguồn nhân lực này, nhưng không phải là tri thức “xếp đống” trong những cá nhân. Một đống tri thức đơn giản chỉ có thể là cuốn từ điển trong kho chứa sách và được mọi người sử dụng, còn kết tinh lại bao gồm cả việc chắt lọc, cải tạo và chế tác tri thức. Sự phát triển trí lực thể hiện ở chỗ ngoài việc chiếm giữ tri thức, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn phải có phương pháp tư duy khoa học, kỹ năng, kỹ xảo tốt, có khả năng phát triển, sáng tạo những tri thức mới.
Khi đánh giá sự phát triển của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về trí lực cần căn cứ vào các tiêu chí: trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị; trình độ ngoại ngữ, tin học; khả năng làm việc nhóm, khả năng hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách; số lượng, chất lượng, hiệu quả của các dự án, công trình, đề tài khoa học… Những chỉ số phản ánh các tiêu chí này càng cao chứng tỏ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có bước phát triển về chất lượng và ngược lại.
Ba là, tâm lực. Tâm lực là những phẩm chất nằm trong phạm trù đạo đức của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Tâm lực là yếu tố vô hình không thể định lượng bằng những con số cụ thể nhưng lại là yếu tố rất quan trọng quy định chất lượng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Để đánh giá sự phát triển tâm lực của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có thể dựa trên những đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kết quả bình xét đảng viên, đoàn viên, phân loại cán bộ hàng năm ở các cơ quan, đơn vị. Dựa trên kết quả bình xét, phân loại giữa các năm, các giai đoạn để đánh giá nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có sự phát triển về tâm lực hay không.
Trong phạm vi nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu tiếp cận chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở góc độ “trí lực”.
3. Chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hợp lý về cơ cấu là việc sắp xếp, tổ chức nguồn nhân lực này phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn. Có thể đánh giá sự phát triển hợp lý cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thông qua sự thay đổi những cơ cấu lớn của nguồn nhân lực này. Cụ thể:
Một là, sự thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ theo chuyên ngành khoa học và công nghệ so với yêu cầu nhiệm vụ của từng lĩnh vực và nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Hai là, sự thay đổi về cơ cấu trình độ học vấn (cao đẳng, đại học, sau đại học); cơ cấu chức danh khoa học (giáo sư, phó giáo sư); cơ cấu trình độ chính trị (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); cơ cấu thành phần xuất thân, dân tộc, tôn giáo, giới tính, độ tuổi… so với yêu cầu, đòi hỏi “chuẩn hóa” nguồn nhân lực KH&CN trong từng thời kỳ.
Số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hợp thành chỉnh thể thống nhất trong phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, quan hệ chặt chẽ với nhau. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể trong từng giai đoạn, đối với từng cơ quan, đơn vị cụ thể để có biện pháp phát triển phù hợp, hiệu quả.
ThS. ĐINH VIẾT PHƯƠNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tieu-chi-danh-gia-su-phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-a8368.html