Nhất quán phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

CT&PT - Tham nhũng, tiêu cực gắn liền với sự hình thành và phát triển của nhà nước, làm suy yếu nhà nước và là căn bệnh nguy hiểm của các quốc gia. Chính sự phát sinh chủ yếu trên cơ sở quyền lực nhà nước nên tham nhũng, tiêu cực gắn chặt với quá trình vận hành và sử dụng quyền lực công. Tác hại của tham nhũng, tiêu cực là vô cùng to lớn và gây hậu quả nghiêm trọng nên đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực là một yêu cầu tất yếu, một nhiệm vụ sống còn để làm lành mạnh bộ máy nhà nước.

1. Tính tất yếu phải “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Ở nước ta hiện nay, tham nhũng, tiêu cực đã được nhận diện là một căn bệnh nguy hiểm, là mối đe dọa đối với toàn xã hội, đối với sự nghiệp cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân đã và đang quyết tâm xây dựng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, XII và XIII đều khẳng định nạn tham nhũng, tiêu cực là một trong “bốn nguy cơ”1.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn liền và phục vụ cho kiến tạo sự phát triển, đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”2.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”3.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “với tinh thần như tôi đã nói là: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi mới” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay.

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng: chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong 10 năm qua (2012 - 2022), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)... Có thể thấy, những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà chúng ta đạt được thời gian qua đã khẳng định quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng và Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “được tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung; vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta vẫn còn những hạn chế, tồn tại, đó là:

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh chống “nội xâm”, rất phức tạp, khó khăn và có nhiều điểm khác so với đấu tranh chống ngoại xâm. Đối tượng đấu tranh không phải là lực lượng đối lập hiện hình, hiện hữu, mà là những thực thể tồn tại hữu cơ trong chúng ta. Đó là những mặt, những điểm chưa chuẩn chỉ, chưa thật đúng đắn trong mỗi chúng ta; là những hành vi sai trái, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp…, thậm chí thủ trưởng, cấp trên của mình; là những cơ chế, chính sách chưa thật phù hợp, còn nhiều kẽ hở có thể lợi dụng; là những giọng điệu, hành động gây cản trở, xuyên tạc, công kích cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Tuy không khói súng, nhưng trong nhiều trường hợp, cuộc đấu tranh mang tính đối kháng “một mất, một còn” giữa một bên là những phần tử tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực sẵn sàng đạp đổ tất cả và một bên là kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân kiên quyết, kiên trì quét sạch “nội xâm”, bảo vệ công lý, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.

Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”4.

Đặc biệt, kế thừa di sản quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh “khó vạn lần dân liệu cũng xong” và quán triệt quan điểm Đại hội XIII “dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, phương châm “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” yêu cầu huy động, tổ chức, phát huy sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng, mà phải là của toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không ít phần tử tham nhũng, tiêu cực là những người có quyền lực lớn, tinh vi, xảo quyệt và được tổ chức thành những nhóm lợi ích vô cùng lợi hại. Bởi vậy, mặc dù chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và các ban chỉ đạo tỉnh, thành phố để trực tiếp chỉ đạo các chuyên án lớn, phức tạp, nhưng vẫn có những vụ việc còn kéo dài. Trong bối cảnh này, nhất định phải dựa vào các tầng lớp nhân dân với đội ngũ trên dưới, dọc ngang cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác và đấu tranh, kiên quyết đốn bỏ khỏi cơ thể Đảng và hệ thống chính trị những gì đã bị tha hóa, mục ruỗng.

Yêu cầu thực tiễn đặt ra cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay ở nước ta là phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương; và đặc biệt là sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng lòng, ủng hộ, khích lệ của nhân dân; sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

2. Quán triệt phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương và địa phương; phát huy vai trò và năng lực kiểm tra, giám sát của Ủy ban kiểm tra các cấp, Ban Nội chính đối với đảng viên, nhất là các đảng viên là cán bộ lãnh đạo quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong thực hiện quy định Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng. Các tổ chức đảng có thẩm quyền phải xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai đối với những đảng viên, nhất là đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật.

Hai là, tăng cường và đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử; của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng, nhấn mạnh sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được quan tâm. Trong luận điểm Phải có những bước tiến mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới của cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định “phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về việc tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng gắn liền với việc biểu dương, vinh danh và khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác”.

Ba là, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng có “sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng lòng, ủng hộ, khích lệ của nhân dân; sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”5.

Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phải xây dựng và hoàn thiện cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”,“không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Từ năm 2013 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong đó, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Tóm lại, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và vô cùng phức tạp. Thành bại của cuộc đấu tranh này phụ thuộc vào bản lĩnh của Đảng cầm quyền, hiệu lực của hệ thống pháp luật và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Muốn chiến thắng trong cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và vô cùng phức tạp này, chúng ta phải làm sao phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân với quyết tâm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đó chính là sức mạnh nội lực to lớn trong cuộc chiến “không khoan nhượng”, không được phép “chùn chân”, “mỏi gối”, chỉ có tiến không có lùi, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.


1. “Bốn nguy cơ” gồm: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Hà Nội, tháng 01/1994, tr.25).

2. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.23.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.146.

4. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.128.

5. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.127.

TS. NGUYỄN THỊ OANH

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nhat-quan-phuong-cham-tren-duoi-dong-long-doc-ngang-thong-suot-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-hien-nay-a8367.html