Vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

CT&PT - Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là một bộ phận của lực lượng lao động xã hội được đào tạo ở những trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định và tham gia trực tiếp (hay gián tiếp) vào các hoạt động khoa học và công nghệ từ nghiên cứu, triển khai đến đào tạo, quản lý và vận hành xcác hệ thống khoa học và công nghệ. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ có nhiều mức trình độ đào tạo khác nhau từ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ đến đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia có trình độ đại học và sau đại học.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng các luận cứ khoa học giúp Đảng và Nhà nước xác định đường lối chiến lược, chính sách, kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện các đường lối, chính sách đó.

Trong đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt quan trọng là bộ phận nhân tài, là những tinh hoa của đất nước. Bộ phận này là hạt nhân có chất lượng, trình độ cao, hiện đại, có năng lực sáng tạo trong nghiên cứu khoa học để đạt được những thành tựu mới có ý nghĩa thực tiễn phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ này có số lượng không nhất thiết phải đông, nhưng phải thực sự là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc, có nhiệm vụ chủ trì những ngành, những lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt của đất nước. Cũng chính lực lượng này sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các tài năng khoa học trẻ, tạo nên một thế hệ đồng bộ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, từ hoạt động thực tiễn, đội ngũ này đã cung cấp những luận cứ khoa học để tham vấn cho Đảng và Nhà nước ta ban hành đường lối, chính sách phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là nhân tổ quyết định làm tăng trưởng kinh tế

Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhất để dẫn tới sự xuất hiện hay diệt vong của một chế độ xã hội. Trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, Lênin đã khẳng định: “Phân tích đến cùng, năng suất lao động là cái quan trọng nhất, căn bản nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới”. Sở dĩ chủ nghĩa tư bản có thể chiến thắng xã hội phong kiến là do nó đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng có ở các xã hội trước đó. Và đến những xã hội hiện đại cũng vậy, mấu chốt trong phát triển kinh tế đất nước là tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Năng suất lao động xã hội có được do những máy móc, kỹ thuật hiện đại được đưa vào sản xuất. Song, suy cho cùng, để có được những máy móc, kỹ thuật này phải cần đến những người nghiên cứu, sáng tạo ra chúng. Mặt khác, để ứng dụng máy móc vào sản xuất cũng lại rất cần đến những người có trình độ, chuyên môn có thể sử dụng, truyền bá những kiến thức về chúng. Do vậy, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong nâng cao năng suất lao động xã hội cũng như phát triển kinh tế đất nước.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ giữ vai trò quyết định để chuyển đổi số, kinh tế số thành công trong bối cảnh hiện nay.

Chuyển đổi số là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang trở thành một động lực tất yếu cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Khi nhắc đến chuyển đổi số, mọi người liên tưởng đến các thiết bị công nghệ, đến trang bị máy móc, đến robot thay thế con người... và đâu đó người ta sẽ có tâm lý “chuyển đổi số sẽ mất cơ hội việc làm”, trong khi nguồn lực khoa học và công nghệ mới chính là nhân tố then chốt vận hành chuyển đổi số.

Mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số phải có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Nếu như bản chất của nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng tri thức, ở đó vai trò của tri thức được coi là tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế thì đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế.

Do đó, để chuyển đổi thành công nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số, nhất thiết phải có nguồn nhân lực KH&CN. Chính vì vậy, song hành với sự chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế số ở nước ta là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế, theo đó nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngày càng phát triển chiếm vai trò chủ đạo trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Cho nên, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là tất yếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ giúp nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, để trang bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho các ngành kinh tế quốc dân có thể lựa chọn nhiều cách thức khác nhau như: dựa vào những sáng tạo khoa học và công nghệ trong nước, nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển hay nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài... Do nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên trong giai đoạn đầu phát triển, các nước đang phát triển thường chọn cách thức thứ ba, tức hướng trọng tâm vào việc nhận chuyển giao công nghệ, bởi nó cho phép các nước này tiết kiệm được một lượng ngoại tệ đáng kể.

Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào trình độ của đội ngũ lao động tại nước nhận công nghệ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chất lượng cao. Nói cách khác, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhận chuyển giao công nghệ. Cụ thể:

Thứ nhất, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ làm tăng khả năng ứng dụng những thành quả của sự phát triển khoa học và công nghệ thế giới vào nền kinh tế. Hoạt động chuyển giao công nghệ thường đem đến những công nghệ mới, tiến bộ hơn so với công nghệ mà họ đang sử dụng, vì vậy, nếu người lao động không có sự hiểu biết về công nghệ đó thì sẽ không vận hành được máy móc, thậm chí có thể làm hỏng máy móc. Ngược lại, nếu người sử dụng có trình độ thì sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng máy móc.

Thứ hai, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ sẽ nâng cao khả năng tiếp cận, lựa chọn và nắm bắt được những công nghệ mới nhất trên thế giới. Trên cơ sở những tiến bộ khoa học và công nghệ của thế giới, các lĩnh vực của nền kinh tế phát triển vô cùng nhanh chóng, đặc biệt một số lĩnh vực mũi nhọn, như: điện tử, tin học và máy tính, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới...

Thứ ba, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ giúp “thuần hóa” công nghệ nước ngoài tại các nước đang phát triển. Nhân lực khoa học và công nghệ sẽ là những người cải tiến công nghệ nước ngoài cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nhờ đó nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ. Con đường phát triển công nghệ của Nhật Bản đã chứng minh một cách thuyết phục vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Cụ thể là, từ một nước nhập khẩu công nghệ, các nhà khoa học Nhật Bản đã đưa đất nước họ trở thành nước xuất khẩu công nghệ, với nhiều sản phẩm công nghệ thuộc “top” đầu của thế giới, cạnh tranh được với sản phẩm công nghệ của Mỹ, thậm chí có một số sản phẩm còn vượt trội so với Mỹ (như điện, điện tử, tự động hóa).

Thứ tư, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn có vai trò quan trọng trong việc thẩm định công nghệ chuyển giao từ nước ngoài, nhờ đó sẽ tránh được những rủi ro do mặt trái của hội nhập kinh tế quốc tế. Để nghiên cứu, sử dụng những công nghệ này một cách tối ưu nhất thì cần có nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ, thích ứng nhanh với biến đổi kỹ thuật, công nghệ. Mặt khác, thực tế cho thấy, những nước phát triển chỉ chuyển giao những công nghệ đã lỗi thời trong nước vì những công nghệ này giá thành rẻ và phần lớn đã được khấu hao gần hết giá trị hoặc một số đã không còn được sử dụng do những thế hệ công nghệ mới liên tục ra đời. Những công nghệ được chuyển giao này thường chỉ tiến bộ so với nước nhận, nhưng đã lạc hậu so với thế giới. Bởi vậy, các nước nhận chuyển giao công nghệ cần có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ, chuyên môn để có thể đánh giá, thẩm định được giá trị công nghệ được chuyển giao.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là điều kiện để rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với các nước tiên tiến

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là cơ sở để tìm ra quy luật của sự phát triển. Với những nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ, chuyên môn cao sẽ mở rộng tiềm năng khám phá tri thức cũng như tiếp cận khoa học và công nghệ hiện đại trên nhiều lĩnh vực của các nước đang phát triển. Hiện nay ở nước ta, nhiều khoa học và công nghệ được khám phá, ứng dụng sâu rộng vào sản xuất và đời sống. Ví dụ, đối với nguồn năng lượng dựa vào than đá, dầu lửa đã dần cạn kiệt trong khi nhu cầu điện năng, nhiệt năng ngày càng cao, Việt Nam đã và đang phát triển những nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng điện hạt nhân... Để có thể thành công trong phát hiện và ứng dụng những nguồn năng lượng mới, rõ ràng vai trò của nhân lực khoa học và công nghệ là vô cùng quan trọng từ khâu nghiên cứu, vận hành sản xuất, triển khai ứng dụng. Và, trong rất nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp, nhân lực khoa học và công nghệ chính là những người tìm ra quy luật của sự phát triển, tìm ra những cái mới tiến bộ, hiện đại để thay thế cho cái cũ đã lỗi thời, lạc hậu.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Do đó, các quốc gia cạnh tranh nhau bởi những công nghệ, kỹ thuật hiện đại nhất. Trong điều kiện đó, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chính là cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

ThS. ĐINH VIẾT PHƯƠNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-cua-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-a8366.html