1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở
Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nói chung và sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nói riêng. Trước hết, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật. Muốn vậy, cần quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai và thực hiện nhiệm vụ xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật.
Các cấp ủy đảng, tổ chức cơ sở đảng chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị với yêu cầu “nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; xác định “việc nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng”. Theo đó, việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, từ đó xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo trong hệ thống cơ sở Đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc sử dụng, học tập, nghiên cứu sách lý luận, chính trị; đưa công tác học tập, nghiên cứu sách lý luận, chính trị trở thành một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cán bộ, đảng viên và mở rộng ra đông đảo quần chúng nhân dân. Có biện pháp khuyến khích việc đọc và nghiên cứu sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên.
Tổ chức công tác phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật bảo đảm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn (đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi); xây dựng và phát huy hiệu quả các chương trình quốc gia xuất bản các loại sách lý luận, chính trị thiết yếu. Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại; sách nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; sách cho người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là sách sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.
Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xây dựng chương trình hành động, đề án hoặc chiến lược xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW, Chỉ thị số 42-CT/TW, Nghị quyết số 37-NQ/TW, Nghị quyết số 32-NQ/TW, Chỉ thị số 44 CT/TW...
2. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở
- Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, phân công, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan chủ quản và nhà xuất bản trong việc tổ chức đề tài, biên soạn và thẩm định nội dung, tổ chức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý cần có bộ phận chuyên môn để quản lý riêng về lĩnh vực xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật, trong đó có sách lý luận, chính trị, pháp luật, phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm duyệt trước về nội dung trước khi xuất bản đối với các sách lý luận, chính trị, pháp luật đặt hàng thuộc các chương trình mục tiêu về xuất bản hoặc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Thực hiện kiểm duyệt nội dung sách sau khi xuất bản (đang thực hiện) đối với các loại sách lý luận, chính trị, pháp luật do các nhà xuất bản tổ chức bản thảo, phát hành (có kinh doanh), đi cùng với biện pháp, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các sai về nội dung. Đồng thời, xử lý nghiêm minh hành vi xâm phạm bản quyền, in lậu sách, góp phần xây dựng thị trường xuất bản lành mạnh, trong sạch.
- Xây dựng và phát triển các bộ phận biên tập sách lý luận, chính trị có tính chuyên nghiệp tại các nhà xuất bản có chức năng xuất bản, phát hành sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó có xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Phát triển các bộ phận phát hành sách lý luận, chính trị của các nhà xuất bản chủ lực, chuyên ngành về xuất bản sách lý luận, chính trị, từ đó quan tâm đẩy mạnh xuất bản sách sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.
3. Khắc phục sự chậm trễ trong thực hiện quyết định, nghị quyết, chỉ thị, văn bản có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở
Trước hết, cần hiểu rõ, việc tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng mà khâu đầu tiên là quán triệt, phổ biến có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thể hiện trong văn bản, nghị quyết đi vào cuộc sống, trở thành hành vi thực tế của các chủ thể, qua đó xác lập, hiện thực hóa sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các văn bản, nghị quyết còn giúp mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, trách nhiệm được giao theo Điều lệ và quy định của Đảng để đi đúng đường lối chính trị, không phạm phải sai lầm, khuyết điểm. Do đó, việc quán triệt và triển khai thực hiện phải được tiến hành ngay khi văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước được ban hành.
Theo đó, đối với việc quán triệt thực hiện quyết định, nghị quyết, chỉ thị, văn bản có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở: Trước hết, cần tiếp tục làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức thi hành văn bản, nghị quyết để tránh trùng lặp. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham mưu, giúp việc. Hai là, tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết của Đảng về công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Mỗi vị trí công tác phải chủ động học tập, tìm hiểu để nắm vững nội dung, tinh thần của văn bản, nghị quyết, nhất là nhiệm vụ được giao để cụ thể hóa trong thực thi công vụ và thực hiện nhiệm vụ. Đề cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu được giao chủ trì thực hiện văn bản, nghị quyết. Ba là, đa dạng hóa hình thức học tập, phổ biến gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đề cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu, vận dụng của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên. Đổi mới phương pháp học tập, quán triệt, phổ biến văn bản, nghị quyết, bảo đảm phù hợp với thực tiễn từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên trong tuyên truyền miệng; xác định rõ nhiệm vụ, các vấn đề đặt ra đối với ngành xuất bản nói chung, xuất bản sách lý luận, chính trị nói riêng. Bốn là, quản lý chặt chẽ văn bản, nghị quyết, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, dễ tra cứu, khai thác, sử dụng; chấn chỉnh công tác văn thư, lưu trữ, thường xuyên đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện tại các đơn vị để có biện pháp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Năm là, tiếp tục hoàn thiện các quy định tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng về công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, từ đó xác định rõ nội dung, phạm vi nhiệm vụ, hoạt động cần phải thực hiện, cơ chế tổ chức thực hiện và các nguồn lực bảo đảm thực hiện. Hướng dẫn, quan tâm đầu tư kinh phí, nguồn lực để tổ chức thực hiện văn bản, nghị quyết tại các cơ quan xuất bản sách lý luận, chính trị.
TS. NGUYỄN THỊ OANH
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật