Thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương - Thực trạng và giải pháp

CT&PT - Nhà ở là nhu cầu thiết yếu trong quá trình sinh sống và làm việc của người dân nói chung, công nhân khu công nghiệp nói riêng, là yếu tố quan trọng để phát triển sản xuất. Do đó, việc cải thiện chỗ ở cho người lao động, nhất là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cần có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Khoản 7, Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này”.

Là tỉnh có dân số đông thứ 4 của cả nước, đồng thời có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao do có nhiều người từ nơi khác đến sinh sống và làm việc, song, hiện nay, số lượng nhà ở của tỉnh Bình Dương vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của người dân, nhất là công nhân.

Dự báo nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Tỉnh đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, đứng thứ 3 về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Bình Dương là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước về khu công nghiệp với 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, tất yếu dẫn đến sự gia tăng số lượng công nhân, kéo theo nhu cầu về nhà ở xã hội cũng tăng lên. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2021 - 2030 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dự báo đến năm 2030, tốc độ đô thị hóa đạt khoảng 90%.

Trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Chương trình số 113-CTr/TU về định hướng “về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Qua đó xác định Bình Dương là địa phương có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, góp phần cùng các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ trở thành khu vực phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 thông qua Chương trình phát triển nhà tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3893/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 42,0 m2 sàn/người; trong đó, tại khu vực đô thị đạt 43,0 m2 sàn/người, tại khu vực nông thôn đạt 33,0 m2 sàn/người, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu là 10 m2 sàn/người.

Đặc biệt, để đánh giá khách quan và giải quyết hiệu quả về nhu cầu nhà ở xã hội nói chung, nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xây dựng “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo kết quả khảo sát, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 489.107 công nhân khu công nghiệp, trong đó, có 220.849 người đã có chỗ ở, 268.258 người chưa có chỗ ở, hoặc phải thuê trọ.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến số công nhân được tuyển dụng mới tại các khu công nghiệp tăng khoảng 72.000 người, trong đó, số công nhân có nhu cầu về nhà ở đạt khoảng 57.000 người. Giai đoạn 2025 - 2030, dự kiến số công nhân được tuyển dụng mới tại các khu công nghiệp tăng khoảng 82.000 người, trong đó, số người có nhu cầu về nhà ở đạt khoảng 65.000 người.

Theo “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 161.641 căn. Tổng diện tích đất nhà ở xã hội ước đạt khoảng 636 ha, diện tích sàn xây dựng ước đạt 9.516.701 m2, đáp ứng cho khoảng 617.631 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 88.703 tỷ đồng.

Như vậy, có thế thấy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên trách vấn đề dự báo, đánh giá nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp luôn được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một số giải pháp

Một là, giải pháp về nguồn vốn

Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bao gồm: (1) Vốn của chủ đầu tư hoặc vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; (2) Vốn của đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; (3) Vốn đầu tư của Nhà nước quy định tại Khoản 1, Điều 53 Luật Nhà ở; (4) Vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định; (5) Vốn hỗ trợ từ các Quỹ và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung hạn và dài hạn của địa phương.

Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, có cơ chế quy định các ưu đãi dành cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp như: miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách và các tổ chức tín dụng thương mại; được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Hai là, giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất

Sửa đổi, bổ sung quy định về đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia, khẳng định việc phát triển nhà ở xã hội là giải pháp phát triển xã hội bền vững, thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.

Ba là, gii pháp về cơ chế, chính sách

Cần xác định đúng đối tượng mua nhà ở xã hội; đồng thời có cơ chế, chính sách về giá mua nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp đối tượng có thu nhập thấp, trong đó có công nhân. Xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà ở xã hội với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh và môi trường. Áp dụng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định; được miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng; được Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở…

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ tỉnh Bình Dương, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương: Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Tổng cục Thống kê: Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

4. Báo cáo số 369-BC/TU, ngày 17/8/2023 của Tỉnh ủy Bình Dương về tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015.

5. Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

6. Viện Khoa học Môi trường và Xã hội: “Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam”, mã số KX 01.45/16-20, thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia, 2019.

ThS. NGUYỄN THỊ MAI

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thuc-hien-chinh-sach-nha-o-xa-hoi-cho-cong-nhan-khu-cong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-binh-duong-thuc-trang-va-giai-phap-a8323.html