Bàn về chức năng của chính quyền đô thị ở nước ta hiện nay

CT&PT - Chính quyền đô thị có hai chức năng chính là: quản lý nhà nước và tổ chức cung ứng dịch vụ công. Chức năng quản lý nhà nước bao gồm: xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng các nguồn lực của địa phương như đất đai, tài nguyên, lao động…; tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách của công dân, tổ chức trên địa bàn.

1. Đặt vấn đề
Hiện nay, chưa có khái niệm chính thống về chính quyền đô thị và còn có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm này. Xét bình diện chung,  chính quyền đô thị là một loại chính quyền địa phương. Cơ sở pháp lý cho nhận định này là Khoản 1 và Khoản 3, Điều 4, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi năm 2019: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.” (Khoản 1, Điều 4); “Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn” (Khoản 3, Điều 4). Do đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng để nhận diện sự khác biệt của chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Chúng tôi cho rằng, nghiên cứu lý luận về chính quyền đô thị là yếu tố cơ bản và là điều kiện cần thiết để xây dựng một mô hình chính quyền đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của từng  địa phương của Việt Nam. 
Dù tiếp cận ở góc độ nào thì khái niệm chính quyền đô thị cũng được hiểu theo một cách đơn giản nhất, đó là bao gồm các cơ quan nhà nước được thành lập ra và hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện chức năng quản lý đô thị. Vì thế, chính quyền đô thị cũng khác với quản lý đô thị. Với cách tiếp cận này, rõ ràng quản lý đô thị rộng hơn chính quyền đô thị.
Chính quyền đô thị thường tồn tại và hoạt động với hai vị trí cơ bản: 
Thứ nhất, chính quyền đô thị là bộ phận không thể thiếu của bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng của nhà nước trong một phạm vi lãnh thổ;
Thứ hai, chính quyền đô thị là thiết chế quyền lực, là cơ quan nhà nước đại diện cho nhân dân địa phương và phục vụ nhân dân trên một địa bàn nhất định. 
Từ hai vị trí trên, chính quyền đô thị không thể tách biệt độc lập và có mối quan hệ trực thuộc với chính quyền trung ương. Chính quyền đô thị chỉ thực sự hoạt động có hiệu quả khi có một cơ chế đủ linh hoạt cho sự chủ động và sáng tạo, phù hợp với đặc thù của đô thị. Vì thế, cần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền đô thị, tăng tính chủ động trong hoạt động quản lý của chính quyền đô thị, tăng cường quyền lực cho người đứng đầu. Ở môi trường chính quyền đô thị sẽ giúp cho người đứng đầu đô thị đó thích ứng và mạnh dạn đưa ra quyết định nhanh, xử lý nhanh và chịu trách nhiệm nhiều vấn đề quan trọng của đô thị.  Đồng thời,  giới hạn sự can thiệp từ chính quyền trung ương đến chính quyền đô thị. Xây dựng chính quyền đô thị phải bảo đảm được tính  chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân. Mở rộng sự tham gia của các chủ thể khác nhau vào công việc quản lý đô thị. Do đó, xây dựng mô hình chính quyền đô thị phải bao quát và toàn diện trong mối tương quan với nhân dân địa phuơng, với chính quyền trung ương và các  tổ chức khác trong hệ thống chính trị.  
2. Chức năng của chính quyền đô thị ở nước ta hiện nay
Đô thị có những dấu hiệu đặc thù, là trung tâm ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, y tế,  giáo dục - đào tạo, du lịch... Đô thị càng lớn càng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ở cụm địa phương hoặc trên toàn lãnh thổ quốc gia. Do đó, chính quyền đô thị được thành lập không thể tác rời với những đặc thù của đô thị. Muốn quản lý đô thị có hiệu quả, chính quyền đô thị phải phù hợp với mục đích của công tác quản lý, trong đó cần xây dựng cho người dân có lối sống văn minh đô thị, tuân thủ pháp luật, pháp quyền.
 Một số chức năng của chính quyền đô thị:
- Chức năng bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân, cung ứng dịch vụ công bảo đảm tốt nhu cầu của người dân: Trước hết, chính quyền đô thị phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của chính quyền. Chính quyền đô thị được thành lập ra để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ những dịch vụ do chính quyền đô thị cung ứng. Vì thế, chính quyền đô thị phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ để người dân có cơ hội tiếp cận quyền tham gia vào quản lý đô thị và giám sát việc quản lý đô thị. Phát huy và bảo đảm dân chủ vừa là mục tiêu, là động lực và đặc trưng cơ bản nhất tạo nên mô hình chính quyền đô thị. Ở chính quyền đô thị, cơ quan công quyền nên thực hiện tốt chức năng quản lý bằng khung chính sách và đòi hỏi chính sách phải phù hợp; người dân được chủ động tham gia xây dựng và phát triển đô thị. 
Đô thị là nơi có số dân đông, mật độ dân cư dày đặc, lượng dân số lớn hơn gấp nhiều lần so với khu vực nông thôn, hải đảo. Vì thế nhu cầu của người dân cũng cao hơn, chính quyền đô thị cần phải tính toán hợp lý, bảo  đảm khả năng cung cấp các dịch vụ công cho người dân, đặc biệt là trong cung ứng dịch vụ hành chính công  và các dịch vụ như giáo dục, y tế, giao thông ... để người dân được phục vụ tốt nhất. Chính quyền đô thị cần bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để thực hiện tốt chức năng cung cấp dịch vụ công cho người dân.
- Chức năng quản lý kinh tế đô thị phát triển bền vững: kinh tế đô thị có điểm khác biệt rất lớn so với kinh tế nông thôn, hải đảo ở sự sôi động, nhộn nhịp và đa dạng loại hình nhưng có xu hướng phức tạp, khó kiểm soát. Muốn các đô thị ở Việt Nam phát triển bền vững, chính quyền đô thị phải quản lý và phát triển đô thị một cách khoa học. Kinh tế đô thị chỉ phát triển bền vững khi chính quyền đô thị giải quyết dứt điểm được các vấn đề như việc làm, tắc đường, ngập lụt, hệ thống cống rãnh...Bên cạnh đó, giao thông công cộng cần được ưu tiên và có nhiều biện pháp để người dân tham gia; mạng lưới giao thông cần quy hoạch và phát triển một cách đồng bộ, kết cấu tổng thể. Chính quyền đô thị phải chủ động,  sáng tạo và linh hoạt và kịp thời trong việc tháo gỡ những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
- Chức năng lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị: Đảng ta nhấn mạnh “Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch”. Chính quyền đô thị lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị được coi là nền tảng phát triển bền vững kinh tế đô thị. Theo đó, chính quyền đô thị phải lập được quy hoạch chung như xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, tổng diện tích đất đô thị, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật; mô hình phát triển, định hướng phát triển trung tâm kinh tế, chính trị - hành chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế; quy hoạch cơ sở hạ tầng khác như  công viên cây xanh, trung tâm thể dục, thể thao, nhà thi đấu cấp đô thị; quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ở mặt đất, lòng đất và trên cao và ngầm dưới đất. Chính quyền đô thị không làm tốt những việc này sẽ tụt hậu và phá vỡ kết cấu đô thị trước sự đô thị hóa diễn ra nhanh như hiện nay.  Đội ngũ cán bộ công chức  phải đủ năng lực thực thi nhiệm vụ về  lập quy hoạch, kế hoạch mới có thể phát triển đô thị, nhất là các khu đô thị mới phát triển. 
- Chức năng bảo đảm quyền về an sinh xã hội của người dân đô thị: Thực tế ở tất cả đô thị, nhất là đô thị lớn hiện nay có số lượng “công dân đô thị” đông đúc và hàng ngày lượng dân nhập cư tìm kiếm việc làm cũng không ngừng tăng. Đây là bài toán khó cho chính quyền đô thị vì kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, tội phạm và kể cả phân hoá xã hội, đói nghèo ở đô thị gia tăng.  Đô thị là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ... nên chính quyền đô thị phải chăm lo cho đời sống của người dân ngày càng tốt hơn, các quyền về an sinh xã hội phải bảo đảm ở mức tốt nhất cho người dân. 

ThS. Lý Thu Thủy
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/ban-ve-chuc-nang-cua-chinh-quyen-do-thi-o-nuoc-ta-hien-nay-a8273.html