Khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên

CT&PT - Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây được xem là cơ sở quan trọng để khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”1. Do đó, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nếu được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch thì sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để khơi dậy khát vọng cống hiến cho cán bộ, đảng viên. Qua đó, giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự tin phát huy khả năng, năng lực, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung.

Thực hiện lời dạy của Bác gắn với điều kiện thực tế hiện nay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”2. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chủ trương này được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, thế giới đang ở trong kỷ nguyên phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ nhanh, chưa từng có tiền lệ, với những đột phá về công nghệ, nhất là trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, internet kết nối vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu... Những đột phá từ sự tương tác, thúc đẩy nhau của công nghệ đang tạo ra một thế giới số hóa, tự động hóa, mọi hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thông minh hơn. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia, tạo ra cả thời cơ và thách thức với nhiều đột biến trong quản lý, quốc phòng, an ninh, sản xuất, kinh doanh, môi trường, sinh hoạt và đời sống xã hội, con người. Và do đó, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội lại càng đòi hỏi sự mạnh dạn đổi mới, sáng tạo.

Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua, vì nhiều lý do, tại số ít địa phương, bộ, ngành, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó là tư tưởng sợ mất lòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu; ngại đổi mới, sáng tạo. Do đó, việc ủng hộ, khích lệ và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ sống còn đối với Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, nhằm gỡ điểm nghẽn, nút thắt cơ chế chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua đó, tạo hành lang pháp lý để khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, khuyến khích và bảo vệ những cán bộ vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi, sẵn sàng cống hiến cho tập thể, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

 

Để khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu. Đây chính là biện pháp quan trọng để phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong đổi mới, sáng tạo. Cần tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy đảng các cấp và người lãnh đạo cần đề cao trách nhiệm, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung. Cùng với đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ họ phải là những tấm gương sống, mẫu mực về tinh thần cống hiến, hy sinh, tận tụy với công việc, hết mình vì tập thể, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung để lôi kéo, cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên mạnh dạn trong đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Có thể nói, để Nghị định số 73/2023/NĐ-CP thực sự đi vào thực tiễn đời sống, xã hội, Đảng, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng những cán bộ, đảng viên có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trọng tâm là nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về công tác cán bộ, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tạo cơ sở cho cán bộ, đảng viên đổi mới sáng tạo. Việc tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, nỗ lực cố gắng phấn đấu, phát huy tính năng động, đổi mới, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Qua đó, thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cần nhanh chóng thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực làm việc, động lực cống hiến ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Chế độ đãi ngộ được thỏa đáng, kết hợp với cơ chế, chính sách làm việc dân chủ, minh bạch sẽ tạo môi trường thúc đẩy đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, nỗ lực cống hiến, tích cực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả những vấn đề nói trên sẽ là điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo; từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP là cơ sở khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, góp phần đưa đất nước ta phát triển toàn diện, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 340.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 243.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thu Hằng tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/khoi-day-khat-vong-doi-moi-sang-tao-cua-can-bo-dang-vien-a8238.html