Vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao đối với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

CT&PT - Trong mọi thời đại, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của một đất nước. Bởi vì, con người không chỉ là một yếu tố đầu vào của quá trình như các nguồn lực khác mà với khả năng, trình độ của mình, con người quyết định mức độ hiệu quả của khai thác và sử dụng các nguồn lực khác. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển.

Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là lực lượng lao động có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới, có tác phong kỷ luật, đạo đức trong công việc và có khả năng tư duy đột phá. Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế, mà chất lượng nguồn nhân lực càng cao thì sẽ dẫn đến ý thức xã hội càng phát triển, mối quan hệ giữa người với người tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển nhanh của xã hội. Chính vì vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đã chỉ rõ: “con người là nguồn lực quan trọng nhất, là nguồn lực của mọi nguồn lực, quyết định sự hưng thịnh của đất nước”. Điều này được thể hiện rõ qua vai trò to lớn của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường của mọi quốc gia.
Thứ nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực, nguồn lao động là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác. Giữa nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học công nghệ… có mối quan hệ nhân quả với nhau, nhưng trong đó nguồn nhân lực được xem là năng lực nội sinh chi phối quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. So với các nguồn lực khác, nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật ở chỗ nó không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý, còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố có hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả. Vì vậy, con người với tư cách là nguồn nhân lực, là chủ thể sáng tạo, là yếu tố bản thân của quá trình sản xuất, là trung tâm của nội lực, là nguồn lực chính quyết định quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày nay một quốc gia có thể  không giàu về tài nguyên, điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi nhưng nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững nếu hội đủ bốn điều kiện: (1) Quốc gia đó biết đề ra đường lối kinh tế đúng đắn. (2) Quốc gia đó biết tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó. (3) Quốc gia đó có đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao và đông đảo. (4) Quốc gia đó có các nhà doanh nghiệp tài ba.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận quan trọng để đẩy nhanh tốc độ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào các ngành sản xuất. Đây chính là tiền để cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến lượt nó, cơ cấu kinh tế càng tiến bộ càng hiện đại càng đòi hỏi khả năng thích ứng cao hơn của nguồn nhân lực cả về trình độ học vấn, trí tuệ, năng lực sáng tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực cũng như phẩm chất tâm sinh lý, ý thức, lối sống, đạo đức. Như vậy, quan hệ giữa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển dịch cơ cấu kinh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quan hệ qua lại, thúc đẩy lẫn nhau. 
Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa của sự thành công, là giải pháp mang tính chất đột phá của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Vùng.
Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng yêu cầu chúng ta phải sử dụng tối ưu tất cả các nguồn lực xã hội hiện có để có thể tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế xã hội. Các nguồn lực đó bao gồm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là phổ biến sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động được đào tạo cùng với công nghệ tiên tiến, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Đối với nước ta đó là một quá trình tất yếu để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn, tiếp cận kinh tế tri thức trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, do đó yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển bền vững. 
Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam đặc biệt quan trọng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, do đó cần tạo ra và cải thiện tất cả các điều kiện cần thiết để phát triển nguồn nhân lực nhanh, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu cấp bách của công cuộc đổi mới, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức.
Nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững của các quốc gia chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không chỉ là nguồn của cải vật chất. Thực tế quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở các quốc gia trên thế giới cho thấy: trong tiến trình chuyển đổi, nếu biết dựa vào việc khai thác và sử dụng năng lực của nguồn nhân lực thì luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Nhật Bản, Phần Lan, Ireland...là những nước nghèo tài nguyên nhất, nhưng đã vươn lên thành những quốc gia giàu có hàng đầu. Không ai nhiều dầu lửa hơn các nước Trung Đông, nhưng chưa có quốc gia nào ở đó vượt lên để gia nhập nhóm “các nước phát triển” mà mãi vẫn dừng lại ở “các nước đang phát triển”. Không đâu đất đai rộng lớn hơn châu Phi, nhưng hầu hết các quốc gia đó vẫn đang ở mức “kém phát triển”.
Nhà báo Thomas Friedman của tờ báo New York Times đã đưa ra khái niệm dùng trọng lượng của sản phẩm để so sánh trình độ quốc gia. Hãy xem ví dụ: để thu được 500USD, người ta có thể làm gì?
Để thu được 500USD? Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam bán 5 tấn than đá, Nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long bán 2 tấn gạo, Trung Quốc bán chiếc xe gắn máy trọng lượng 100kg, Hãng Sony bán chiếc tivi trọng lượng 10 kg, Hãng Nokia bán chiếc điện thoại trọng lượng 0,1 kg, Hãng Intel bán con chip máy tính trọng lượng 0,01 kg, Hãng Microsoft bán một phần mềm trọng lượng 0 kg.
Còn nhiều nữa, những sản phẩm giá trị nhất nhưng trọng lượng chỉ 0 kg đó là những phát minh sáng chế hay giá trị thương hiệu... Hàm lượng tri thức càng cao, trọng lượng sản phẩm càng nhẹ. Ngày nay tất cả những quốc gia hùng mạnh đều nhờ vào một yếu tố: trình độ giáo dục, và tiếp theo là trình độ công nghệ. Đó là kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức.
Như vậy, nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững của các quốc gia chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không chỉ là nguồn của cải vật chất. Do vậy, hình thành và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất không chỉ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mà còn tạo cơ hội tiếp cận kinh tế tri thức.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bền vững. Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tìm việc và nâng cao thu nhập cho gia đình và bản thân là nền tảng của ổn định xã hội. Thực tế cho thấy, thất nghiệp cao ở hầu hết các quốc gia là nguyên nhân quan trọng của biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định chính trị - xã hội. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao càng phát triển, trình độ văn minh, văn hóa càng cao thì con người sống càng lịch sự, tin tưởng và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân và cộng đồng. Người có tri thức thường cởi mở hơn, quan tâm đến sức khỏe và vì vậy sống khỏe hơn và hạnh phúc hơn. Người có tri thức thích tham gia vào các hoạt động xã hội và ít phạm pháp hơn. Do vậy, góp phần làm giảm sự chi tiêu lợi tức xã hội như trợ cấp thất nghiệp, chi phí điều trị bệnh, chi phí cho việc đảm bảo an ninh trật tự… Thực tế cũng cho thấy, nếu cha mẹ có học vấn cao thì con cái cũng ít có nguy cơ thất học và chúng nhận được sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vốn nhân lực được nâng lên gắn với giáo dục - đào tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, nó đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và thu nhập quốc gia trên đầu người thông qua nâng cao kỹ năng và khả năng sản xuất của người lao động. Tuy nhiên nếu một quốc gia, một địa phương chỉ chú trọng phát triển một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao mà không đồng thời phát triển nguồn nhân lực nói chung lên một cách tương đối thì sẽ gây ra phân tầng xã hội quá chênh lệch. Điều này có thể dẫn đến bất bình đẳng ngày càng cao hơn, có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, để phát triển xã hội bền vững cần phải phát huy tác động lan tỏa của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với toàn cộng đồng, xã hội.
Đối với phát triển bền vững về môi trường: Các ngành, các doanh nghiệp có đội ngũ lao động có trình độ cao sẽ thường xuyên đổi mới công nghệ để giảm mức độ tiêu hao nguyên nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Đây là điều kiện để giảm mức khai thác tài nguyên thiên nhiên và mức độ rác thải ra môi trường. Điều này có tác động kép đối với bảo vệ môi trường. Ngày nay, biến đổi khí hậu và những vấn đề về môi trường đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng các mô hình tăng trưởng xanh. Để làm được điều đó, cần phải có những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng được đưa vào thực tiễn, đòi hỏi phải có các nhà khoa học, chuyên gia có đủ phẩm chất về trí tuệ, sức khỏe và đạo đức. Do vậy, phát triển nguồn chất lượng cao vừa là yêu cầu vừa là động lực của phát triển bền vững ở phạm vi toàn cầu, quốc gia và ở một địa phương. Đảng ta đã xác định phải lấy việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Thứ năm, nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và  quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn.Trong bối cảnh phát triển hiện nay, Đảng ta đã xác định “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. 
Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung huy động các nguồn lực khác nhau như vốn, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ, khai thác các nguồn tài nguyên… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải có nhân lực thực hiện, hay nói cách khác, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến là yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. 
Nguồn nhân lực trình độ cao không chỉ là vốn quý của bản thân người lao động mà còn là vốn quý của quốc gia, đây là động lực quyết định khả năng phát triển nền kinh tế quốc dân ở mỗi giai đoạn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia, tác động của cách mạng khoa học - công nghệ phát triển nguồn nhân lực trình độ cao là một yêu cầu cấp thiết. Nhân tố trung tâm trong cạnh tranh toàn cầu là nguồn tiềm lực khoa học - công nghệ, là nhân lực trình độ cao. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập, nhân lực trình độ cao được giải phóng, tự do học tập, tự do lao động sáng tạo trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển loại lao động này. Hoạt động lao động của nhân lực trình độ cao lấy chất lượng, an toàn và phát triển xã hội làm tiêu chí hàng đầu thì chắc chắn đứng vững và thắng lợi trong cạnh tranh.

Phạm Mai Phương
Học viện Chính trị khu vực II

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-doi-voi-qua-trinh-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te-o-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-a8231.html