Giải pháp về phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

CT&PT - Sức khoẻ cộng đồng vừa là điều kiện, nhưng cũng là mục tiêu của sự phát triển. Đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân là một trong những phương pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển xã hội hiện tại cũng như trong tương lai. Mặt khác, đối với một xã hội hiện đại, sức khoẻ lại là một tiêu chí quan trọng để phản ánh mức độ bảo đảm quyền con người, tính nhân văn và sự công bằng xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, có thể nói rằng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng là trách nhiệm của mọi người và toàn xã hội. Trong tất cả các ngành có liên quan thì y tế phải là ngành đóng vai trò chủ đạo.

1. Vai trò của hệ thống hạ tầng dịch vụ y tế và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong phát triển nguồn nhân lực

Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội; dịch vụ y tế công là dịch vụ xã hội đặc biệt, không vì mục tiêu lợi nhuận; đầu tư cho y tế là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội. Vì vậy, hạ tầng dịch vụ y tế và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực.

Đời sống kinh tế – xã hội là hình thức biểu hiện cao nhất, tiến bộ nhất của con người, khác xa với các hoạt động khác có trong thế giới tự nhiên ở chỗ con người nhận thức được thực tại khách quan và các quy luật tự nhiên. Để phát triển kinh tế – xã hội thì yếu tố quyết định phải chính là con người và mục tiêu của phát triển kinh tế – xã hội phải hướng tới duy trì sự tồn tại, phát triển của con người. Muốn vậy, con người phải có được một thể lực và trí lực thích hợp nhất, trong đó thể lực lại là tiền đề cho tạo ra và nâng cao trí lực.

Thể lực thể hiện sự ngày càng thích nghi với môi trường sống của con người và chính con người lại tự nhận thức, biết nâng cao thể lực thông qua các hoạt động y tế của mình. Các hoạt động y tế với mục tiêu chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ con người trước những tác động tiêu cực của môi trường sống. Khi có được sức khoẻ tốt nhất, con người có điều kiện để tiếp thu và phát triển trí thức cho mình nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn.

Các hoạt động y tế là phần không thể thiếu được trong xã hội loài người, con người luôn luôn có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ không những của bản thân mà của cả gia đình mình. Không một ai lại sống mà luôn luôn khoẻ mạnh cả bởi sự thay đổi thường xuyên của môi trường sống cùng với sự vận động của thế giới tự nhiên. Các hoạt động y tế mà con người sáng tạo ra cũng chính nhằm mục đích điều hoà những tác động không tốt của môi trường sống tới con người.

Do đó, các hoạt động y tế là không thể thiếu được trong đời sống con người. Tuy mỗi con người có cuộc sống khác nhau nhưng các hoạt động y tế lại đóng vai trò tác động chung tới từng người nhằm duy trì và phát triển giống nòi. Qua những tác động to lớn của y tế tới đời sống con người như vậy cho nên mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội cần phải chú trọng và lấy mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cho con người làm gốc, định hướng cho các chương trình kinh tế – xã hội khác vì một mục tiêu chung là phát triển bền vững. Điều này cũng được thể hiện xuyên suốt trong đường lối xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định một cách rõ ràng trong Nghị quyết TW4 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VII: Con người là nguồn tài nguyên qúi báu nhất của xã hội, con người quyết định sự phát triển của đất nước, trong đó sức khoẻ là vốn qúi nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Do vậy, với bản chất nhân đạo và định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, ngành y tế phải đảm bảo sự công bằng và hiệu qủa trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

2. Những vấn đề đang đặt ra đối với hạ tầng dịch vụ y tế và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở vùng Nam bộ, đặc biệt là đồng bằng Sông Cửu Long

Qua nhiều năm đầu tư công sức, tiền của, xây dựng, chế độ chính sách phù hợp, đổi mới tổ chức và quản lý, hệ thống hạ tầng dịch vụ y tế và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở vùng Nam bộ đã từng bước được củng cố, phát triển vững chắc cả về bề rộng và bề sâu, hoạt động công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày càng có hiệu quả hơn.Tuy có những yếu tố thuận lợi nêu trên, hệ thống hạ tầng dịch vụ y tế và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Nam bộ vẫn còn đang phải đứng trước những thách thức to lớn trên con đường phát triển bền vững để hoàn thành sự nghiệp cao quý là chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách công bằng, hiệu quả và chất lượng. Cụ thể là:

Nhìn chung, các cơ sở khám chữa bệnh công lập còn chưa thu hút được nhiều người bệnh đến chữa trị. Một bộ phận không nhỏ số người bệnh tới thẳng các tuyến y tế trên (Tỉnh, TW) hoặc các cơ sở y tế tư nhân để điều trị cho dù phải chi phí tốn kém. Một bộ phận người bệnh thì không đến các cơ sở y tế khám, điều trị mà mua thuốc về nhà tự chữa. Các hoạt động y tế dự phòng của y tế cơ sở không phải ở nơi nào cũng tốt. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe công cộng ở một số địa phương chưa thực sự đi vào chiều sâu. Bằng chứng là các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, tay chân miệng v.v… vẫn xảy ra thường xuyên, dai dẳng ở nhiều nơi, năm này sang năm khác; ô nhiễm môi trường sống và lao động chưa được khống chế có hiệu quả; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt ở công nhân các khu công nghiệp vẫn thường xảy ra, nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng ngày càng phức tạp, trầm trọng hơn.

Hai là, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế chưa có nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, còn thiếu về số lượng và còn yếu về chất lượng, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước, chính quyền các địa phương chưa có những chính sách đột phá để thu hút, giữ chân những cán bộ nhân viên y tế giỏi, được đào tạo tốt và khuyến khích những cán bộ nhân viên y tế trẻ về làm việc ổn định, lâu dài ở tuyến huyện và tuyến xã là tuyến dịch vụ kỹ thuật y tế công lập gần gũi nhất với người dân và người lao động ở cộng đồng.

Ba là, nhiệm vụ của dịch vụ y tế và công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày càng nhiều và đa dạng. Có rất nhiều chương trình/dự án y tế về chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ y tế tuyến trên đổ dồn xuống cho hệ thống y tế cơ sở triển khai thực hiện. Công tác hành chính, giấy tờ của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là Trạm y tế xã, rất nặng nề, chiếm khá nhiều thời gian làm việc chuyên môn của nhân viên y tế. Quỹ thời gian của nhân viên y tế cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở gia đình và cộng đồng trở nên hạn hẹp. Trong khi đó, số nhân viên y tế công lập là có hạn; người lãnh đạo quản lý y tế ở tuyến xã và tuyến huyện còn phải giành nhiều thời gian cho các công tác chung khác của địa phương; việc áp dụng công nghệ tin học vào công tác quản lý y tế ở tuyến cơ sở còn là một viễn cảnh xa vời.

Bốn là, trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa có mô hình mẫu nào hài hòa thật tốt được lợi ích của cả 3 bên là Nhà nước, người dân sử dụng các dịch vụ y tế để bảo vệ sức khỏe cho mình và người cung cấp các dịch vụ y tế là cán bộ nhân viên y tế. Về phía Nhà nước, đã có chính sách rõ ràng, đã cung cấp ngân sách y tế cần thiết cho hệ thống y tế cơ sở. Về phía người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao nhưng khả năng chi trả các dịch vụ y tế lại không giống nhau. Về phía cán bộ nhân viên y tế dù có tâm huyết, được đào tạo tốt nhưng mức lương và thu nhập lại rất khiêm tốt, con đường tiến lên trong tương lai nghề nghiệp chưa được rộng mở v.v… Đó là những tồn tại không dễ giải quyết được ngay hôm nay.

Năm là, mặc dù đã có những chuyển biến nhận thức tích cực về công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, nhưng ở một số không ít địa phương người lãnh đạo chủ chốt gần như giao hoàn toàn trách nhiệm chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân cho ngành y tế, chưa thực sự coi đây là một trong những trách nhiệm chính của mình. Mặt khác, ở một số nơi khác ngành y tế chưa chủ động, tích cực tham mưu cho người lãnh đạo chính quyền những yêu cầu và giải pháp để chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa phương, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, chất lượng, hiệu quả và công bằng hơn. Có nhiều vấn đề sức khỏe, bệnh tật, cải thiện môi trường sống và lao động, an toàn vệ si nh thực phẩm khắc phục các tệ nạn xã hội, kiểm soát các thói quen có hại (hút thuốc, lạm dụng rượu bia, ăn uống không vệ sinh) v.v… chỉ riêng ngành y tế, chủ yếu là y tế cơ sở, không thể nào một mình làm được. Nhưng trong thực tế, sự phối hợp liên ngành trong vấn đề này còn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Từ đó, sản phẩm sức khỏe ở đầu ra của hệ thống y tế cơ sở bị hạn chế.

3. Những giải pháp cơ bản phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng vùng Nam bộ, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế

- Hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế gồm y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương; vừa củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, vừa phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với việc khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền.

- Củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối đơn vị nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống.

- Hoàn thiện mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; phát triển kỹ thuật y học ngang tầm khu vực, đủ khả năng khám và điều trị hầu hết các bệnh có yêu cầu kỹ thuật cao ở tuyến trung ương; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động các bệnh viện tuyến tỉnh; sắp xếp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện theo địa bàn cụm dân cư; mở rộng mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, mạng lưới các bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng cơ sở y tế kết hợp quân - dân y, đặc biệt là ở các khu vực biên giới và hải đảo. Củng cố, phát triển và hiện đại hóa mạng lưới vận chuyển cấp cứu cả trên bộ và trên biển.

Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; bảo đảm 100% số xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu khám chữa bệnh từng vùng; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; kết hợp hài hòa các hoạt động giữa các đơn vị y tế trong huyện; thực hiện tốt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn bản nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; chú trọng nâng cao năng lực cho các bà đỡ dân gian tại các thôn, bản chưa đủ cán bộ y tế hoạt động; tăng cường hoạt động bác sỹ gia đình; triển khai quản lý bệnh không lây nhiễm gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

- Mở rộng các hình thức đào tạo và bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, ưu tiên đào tạo cán bộ y tế người dân tộc tại chỗ. Bảo đảm đủ chức danh cán bộ cho trạm y tế, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ y - dược học cổ truyền.

- Xây dựng các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt quan tâm tới đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân vùng nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn.

- Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở; nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia, phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng

- Triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện; từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa và các khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản nhi, phục hồi chức năng; chú trọng phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Thực hiện chăm sóc liên tục và toàn diện cho người bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm; xây dựng chương trình bảo đảm và cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; kiện toàn cơ chế xử lý, phản hồi ý kiến, bảo vệ quyền lợi của người bệnh; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng phù hợp đối với các bệnh viện ở Việt Nam, từng bước áp dụng chuẩn khu vực và quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh. Thiết lập hệ thống quản lý, kiểm định và kiểm soát chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ trung ương đến địa phương.

- Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực ở các bệnh viện; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện. Phát huy hiệu quả hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị, tăng cường kiểm soát kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định kỹ thuật; hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc và công nghệ y tế; thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm các tai biến, sai sót chuyên môn, bảo đảm an toàn cho người bệnh và minh bạch trong quản lý, hoạt động chuyên môn và phân bổ nguồn lực. Tăng cường giáo dục y đức, quy chế ứng xử cho cán bộ y tế.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cán bộ để thực hiện tốt công tác giám định tư pháp (giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần) và giám định y khoa.

Phát triển khoa học - công nghệ y tế

- Xây dựng chiến lược phát triển y khoa trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu mới; tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ y học của các nước tiên tiến như công nghệ phân tử, công nghệ nano... trong y học; từng bước hiện đại hóa kỹ thuật y tế, ưu tiên các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hóa sinh, lý sinh, miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử, công nghệ gen; ứng dụng công nghệ chẩn đoán, điều trị từ xa, sản xuất trang thiết bị y tế, dược phẩm, vắc xin và các công nghệ tiên tiến khác ứng dụng trong lĩnh vực y tế dự phòng... Áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về tim mạch, nội soi, chỉnh hình, ghép tạng, điều trị ung bướu.

- Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế.

Phát triển công nghiệp dược, sản xuất vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng y tế

- Phát triển công nghiệp dược trong nước, phấn đấu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 70% tổng trị giá trị thuốc sử dụng vào năm 2015 và 80% vào năm 2020, trong đó đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu sử dụng thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu và thuốc phục vụ cho các chương trình y tế quốc gia. Nâng cao năng lực sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế trong nước, ưu tiên các dạng bào chế công nghệ cao; phát triển các vùng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược để chủ động các nguồn nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

- Tăng cường quản lý chất lượng thuốc và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Bảo đảm các doanh nghiệp sản xuất thuốc thành phẩm đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP); các cơ sởkiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn của WHO về thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP); các doanh nghiệp nhập khẩu và lưu thông thuốc có quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về thực hành tốt lưu trữ thuốc (GSP).

- Tăng cường công tác quản lý giá thuốc, chấn chỉnh công tác đấu thầu thuốc. Cải cách, kiện toàn mạng lưới sản xuất, lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc; quy hoạch lại mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ thuốc trong cả nước. Quản lý chặt chẽ quy chế kê đơn, bán thuốc tại các quầy thuốc, nhất là các quầy thuốc tư nhân, bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

- Đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, trước mắt là các trang thiết bị y tế thông dụng, đồng thời từng bước liên doanh, liên kết sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao; bảo đảm cung ứng tối thiểu 60% nhu cầu trang thiết bị y tế thông dụng cho các cơ sở y tế.

- Quan tâm công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế. Khuyến khích phát triển đội ngũ bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị y tế ở các địa phương; cân đối đủ kinh phí của đơn vị cho việc bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa thiết bị và hạ tầng y tế. Nâng cao năng lực mạng lưới kiểm chuẩn và kiểm định thiết bị y tế.

- Kiện toàn mạng lưới truyền máu, phấn đấu số lượng đơn vị máu thu được đạt tỷ lệ tương đương 2% dân số vào năm 2020, trong đó hiến máu tình nguyện chiếm tỷ lệ trên 90%.

- Đầu tư mở rộng, phát triển cơ sở hạ tầng y tế phù hợp với quy hoạch các tiêu chuẩn xây dựng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

- Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới và khu vực cho phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Phát triển mạng lưới thông tin với một số nước và các tổ chức quốc tế có liên quan đến y tế nhằm tiếp cận, trao đổi, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học y học trên thế giới.

- Củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác hiện có, mở rộng quan hệ mới với các nước, các tổ chức quốc tế; tăng cường vận động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh hợp tác về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo chất lượng cao và hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển y tế chuyên sâu; tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết với nước ngoài cho lĩnh vực sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế kỹ thuật cao.

Phát triển hệ thống thông tin y tế

- Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống thông tin y tế từ trung ương đến địa phương. Hoàn thiện hệ thống chỉ số thống kê y tế có khả năng so sánh quốc tế; theo dõi được các vấn đề y tế ưu tiên và tình hình thực hiện mục tiêu y tế quốc gia, mục tiêu cam kết quốc tế; hoàn thiện sổ sách ghi chép và báo cáo thống kê y tế, tài liệu hướng dẫn về thông tin quản lý y tế, thông tin bệnh viện, thông tin y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và thông tin về nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nhân lực cho y tế.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin y tế ở các cấp và cơ chế chia sẻ, phản hồi thông tin; nâng cao chất lượng thông tin y tế. Tăng cường khả năng tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu, thông tin y tế; đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin với các hình thức đa dạng và phù hợp với người sử dụng ở từng đơn vị, từng tuyến, phục vụ cho hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, quản lý ngành y tế dựa trên bằng chứng.

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin y tế, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của từng tuyến; nâng cấp phần cứng, phát triển phần mềm, xây dựng các phương thức trao đổi thông tin, truyền tin, gửi báo cáo, số liệu qua trang điện tử.

ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH

Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/giai-phap-ve-phat-trien-he-thong-ha-tang-va-dich-vu-y-te-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ve-suc-khoe-cong-dong-vung-dong-bang-song-cuu-long-a8230.html