Phong cách làm việc của công chức thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số

CT&PT - Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số cơ quan nhà nước, bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định. Những bước tiến này đã đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với công chức về phong cách làm việc thích ứng với bối cảnh này. Đổi mới phong cách làm việc của công chức được biểu hiện ở một số xu hướng, như: thích ứng với môi trường làm việc linh hoạt, thích ứng với công việc linh hoạt, chia sẻ thông tin mở, trao cơ hội cho công chức phát triển, thay đổi nghề nghiệp và hình thành các phẩm chất đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Bối cảnh chuyển đổi số cơ quan nhà nước

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc từ môi trường thực sang môi trường số. Trong đó môi trường số bao gồm, có: công nghệ số, internet phát triển tạo ra không gian mạng, không gian thứ 5 của con người (ngoài đất liền, đại dương, bầu trời và vũ trụ); không gian mạng không tách biệt mà len lỏi vào các không gian khác1.

Chuyển đổi số cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương2.

Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế – xã hội, phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở, dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp với mục tiêu cơ bản, là: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu3.

Những nội dung cơ bản của chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương. Điều này đặt ra những thách thức và cơ hội cho đội ngũ công chức phải thay đổi phong cách làm việc để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số.

Yêu cầu thay đổi phong cách làm việc của công chức trong bối cảnh chuyển đổi số

Cần chuyển đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, do đó, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số, cụ thể: duy trì hiệu quả liên minh chuyển đổi số, xây dựng bộ phận nhận diện chuyển đổi số và thử nghiệm giải pháp công nghệ chuyển đổi số. Cần kiến tạo thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Phát triển hạ tầng số, phát triển hạ tầng băng thông rộng, mạng 5G, kết nối VNX, sử dụng IPv6, hạ tầng IoT. Phát triển nền tảng số với hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; hệ thống thanh toán điện tử (mobile money); nền tảng số cho các lĩnh vực. Tạo lập niềm tin bảo đảm an toàn an ninh mạng. Xây dựng quy tắc ứng xử trong môi trường số, hình thành nền văn hóa số, các hệ thống an toàn, an ninh mạng.

Hiện nay, Việt Nam đang phát triển Chính phủ điện tử tiến tới xây dựng Chính phủ số. Đặc trưng của Chính phủ điện tử là “Chính phủ 4 không”: xử lý văn bản không giấy; họp không gặp mặt; giải quyết thủ tục hành chính KHÔNG tiếp xúc; thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt. Hướng tới xây dựng Chính phủ số là Chính phủ điện tử +4 có: có toàn bộ hoạt động sẵn sàng trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ mới cá thể hóa; có khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu; có khả năng giải quyết các bài toán dai dẳng trong xã hội (y tế, giáo dục…).

Thời gian tới, các nhiệm vụ tiếp theo của chuyển đổi số quốc gia là phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số và cuối cùng mới đạt được mục tiêu chuyển đối số quốc gia. Theo đó yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ công chức, phải thay đổi phong cách làm việc ở các nội dung sau: phải thay đổi nhận thức về cách thức làm việc của công chức để thực hiện được các nhiệm vụ trong môi trường làm việc mới, cách thức làm việc mới, giao tiếp số; cán bộ, công chức cần có kỹ năng số, năng lực số; hình thành tác phong, phong cách làm việc để thực hiện được các nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ, công chức cũng cần xây dựng năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ công nghệ mới, có đạo đức và văn hóa trong môi trường số.

Đối với yêu cầu về thích ứng với môi trường làm việc linh hoạt. Theo đó, công chức cần có khả năng làm việc bất cứ lúc nào, làm việc ở bất cứ đâu và tập trung vào kết quả đầu ra của cán bộ, công chức chứ không chỉ ở đầu vào.

Chuyển đổi số tạo môi trường làm việc tốt, theo đó đặt ra yêu cầu về sự thích ứng đã làm cho khả năng này trở thành hiện thực thông qua các phần mềm công nghệ kết nối hình ảnh, nơi làm việc không còn là địa điểm cố định. Các hoạt động làm việc online được triển khai trong toàn hệ thống cơ quan nhà nước, làm việc trực tuyến, 24/7 đã đem lại những sắc thái mới. Hơn nữa, hiệu quả làm việc căn cứ theo kết quả đầu ra đã thúc đẩy hiệu suất và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị…

Hiện nay, trong nội dung cải cách công vụ ở Việt Nam đang hướng tới chuyển đổi từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm đã tạo điều kiện cho công chức có thể tự thiết kế hướng công việc của mình một cách linh hoạt. Đồng thời, khi trao cho công chức cơ hội tự lựa chọn phương thức, cách thức để làm việc hiệu quả, đồng nghĩa với việc đặt họ vào một vị thế với yêu cầu thực thi công việc ngày càng cao hơn.

Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, cán bộ, công chức có cơ hội được chia sẻ thông tin dễ dàng hơn thông qua việc hình thành các nhóm làm việc. Cách làm này tạo điều kiện cho công chức được chủ động trong thể hiện quan điểm, chia sẻ thông tin mà không bị gò bó vào các cuộc họp truyền thống. Các ý tưởng thực thi công việc được đề xuất nhanh chóng, được phản hồi, được chấp nhận và thừa nhận của đồng nghiệp, người lãnh đạo, quản lý nhanh hơn. Điều này khiến công chức có thể khẳng định được vị thế của bản thân và khả năng tham gia vào các công việc, dự án của cơ quan được dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, công chức không chỉ giao tiếp trực tiếp, giao tiếp giới hạn trong máy vi tính, điện thoại cố định. Giao tiếp của công chức trong thực thi công vụ thông qua các nền tảng cộng tác, như: Zalo, Facebook, Viber giúp cán bộ, công chức cập nhật thông tin chính xác theo thời gian thực nhanh chóng, thuận tiện, giúp cán bộ, công chức dễ dàng thảo luận, lưu trữ ý tưởng hoặc tạo nên các tài liệu chung cho nhóm làm việc…

Cơ hội giúp đội ngũ cán bộ, công chức có kiến thức, kinh nghiệm thăng tiến trong con đường chức nghiệp rộng mở hơn trong môi trường số, bởi lẽ năng lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số vào thực thi công vụ hiệu quả là kết quả đầu ra quan trọng nhất để chứng minh năng lực và khả năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tổ chức, cơ quan nhà nước cần thường xuyên thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của công chức. Việc học tập cũng cần được diễn ra mọi lúc, mọi nơi và dễ dàng cập nhật kiến thức trên các nền tảng cộng tác, kết nối mọi người. Các nền tảng công nghệ là trợ thủ đắc lực cho người học và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải tận dụng được lợi thế tối đa của công nghệ số để tạo điều kiện cho người học được học mọi nơi, mọi lúc.

Một số yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức thích ứng với chuyển đổi số

Công chức phải tự định hướng và có tính tự chủ trong quá trình làm việc. Công chức cần tự chịu trách nhiệm đối với công việc của mình mà không cần có sự kiểm soát của nhà quản lý. Công chức sẽ chủ động trong việc hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn và sản phẩm bảo đảm chất lượng. Công chức phải có khả năng xác định được kết quả công việc của họ cần làm là gì và khi nào cần phải hoàn thành. Họ phải tự xác định và chủ động để bảo đảm hiệu quả công việc và đúng thời hạn.

Phải chủ động đối với sự thay đổi, sự thay đổi không phải chỉ do sử dụng công nghệ mà còn từ hành động, thói quen. Thay đổi cách thức làm việc trong việc chia sẻ thông tin. Từ sự thay đổi nhỏ đến lớn, công chức phải có khả năng nắm bắt và thích ứng với mọi sự thay đổi của bối cảnh xã hội hiện nay.

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, không chỉ giao tiếp bằng lời nói mới cần hiệu quả mà cách truyền đạt ý tưởng và phản hồi thông qua các cập nhật trên nền tảng cộng tác hoặc gọi điện video đang dần hình thành, định hình ra những tiêu chuẩn giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức trong môi trường số. Do đó, trong giao tiếp, tương tác của cán bộ, công chức trên các nền tảng số phải rõ ràng, ngắn gọn, thông điệp phải dễ hiểu.

Chuyển đổi số là xu thế của cả thế giới đang vận hành nhằm phát triển quốc gia, thay đổi tổ chức. Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số và đã đem lai những thành tựu nhất định. Để có thể thực hiện hiệu quả và nhanh chóng đối với các nhiệm vụ của chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, công chức cần phải có sự đổi mới về phong cách làm việc. Sự đổi mới này nhằm hướng tới thay đổi hành vi, thay đổi thói quen làm việc và hình thành một số phẩm chất mới phù hợp với quá trình chuyển đổi số.


1. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang chuyển đổi số - Tài liệu lưu hành nội bộ. https://vneconomics.com, truy cập ngày 14/8/2023.

2, 3. Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 279.

2. Jacob Morgan: Công việc trong tương lai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022.

3. Robert Bolton & Dorothy Grover Bolton: Bốn phong cách làm việc,  Nxb. Lao động - xã hội, Hà Nội, 2006.

4. Áp dụng mô hình quản lý thực thi công việc theo kết quả trong cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam. https://tcnn.vn, truy cập ngày 13/8/2023.

Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước

Phạm Hương tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/phong-cach-lam-viec-cua-cong-chuc-thich-ung-voi-yeu-cau-chuyen-doi-so-a8224.html