Chủ tịch Tôn Đức Thắng - biểu tượng của đoàn kết

CT&PT - Bác Tôn là chiến sĩ lão thành cách mạng, là bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng của đại đoàn kết Bắc - Nam, người con ưu tú của dân tộc. Bác Tôn là vị Chủ tịch đầu tiên và lâu năm nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước tại Cù lao Ông Hồ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, An Giang). Bác Tôn lớn lên trong bối cảnh thực dân Pháp đã mở rộng cuộc xâm lược ra toàn cõi Việt Nam và cũng là thời điểm mà phong trào yêu nước của nhân dân phát triển mạnh mẽ ở khắp 3 kỳ, nhằm chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng.

Ngay khi còn là học sinh trường Bách Nghệ Sài Gòn, ngoài việc chăm học và học giỏi nhất trường, Bác Tôn còn là "Người chỉ huy" nhiều cuộc bãi khóa để phản đối đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào đấu tranh của nông dân ở nhiều nơi.

Tốt nghiệp trường Bách Nghệ với điểm ưu, Bác Tôn gia nhập đội ngũ công nhân Việt Nam và làm việc tại xưởng sửa chữa tàu thủy Ba Son Sài Gòn. Chính tại đây, ở tuổi 24, Bác Tôn đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son thắng lợi, ghi dấu ấn đậm nét đầu tiên trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Cũng vì sự kiện này, Bác bị thực dân Pháp lùng bắt và phải tìm cách trốn sang Pháp.

Làm thủy thủ trên các tàu viễn dương, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều lớp người có màu da và tiếng nói khác nhau, cũng như Bác Hồ, Bác Tôn nhận thức ra một điều là ở đâu người lao động cũng là người cùng khổ, bị bóc lột, đàn áp đến thậm tệ. Tinh thần yêu nước trong Bác được nâng lên thành tình yêu giai cấp. Đây chính là lý do để Bác tham gia các cuộc vận động chính trị của giai cấp công nhân trong hàng ngũ lính thủy Pháp.

Năm 1919, trong cuộc chiến tranh can thiệp của bọn đế quốc hòng bóp nghẹt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga mới ra đời, Bác Tôn bị nhà cầm quyền Pháp điều động tới một đơn vị hải quân được lệnh tấn công Sevastopol trên bờ Biển Đen, Bác đã tham gia binh biến chống chiến tranh can thiệp và phản cách mạng, góp phần bảo vệ Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đây là minh chứng cụ thể về tinh thần quốc tế cao cả của một công nhân Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt - Xô.

Do tham gia cuộc binh biến, Bác buộc phải rời Pháp về nước. Bác Tôn thành lập tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.

Năm 1926, Bác Tôn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Năm 1927, Bác Tôn được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ. Cuối năm 1929, Bác bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.

Qua Hội thảo được tổ chức tại cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1985, cuốn "Sơ lược lịch sử Côn Đảo", đã viết về những người cùng tù với Bác Tôn thời đó như các ông: Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Phạm Hùng... cho biết: 17 năm bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn và nhà ngục Côn Đảo, khi bị nhốt trong hầm tối, tay chân bị xiềng xích, khi bắt ăn lúa sống hoặc bỏ đói, bỏ khát, nhưng vẫn không lay chuyển được tinh thần cánh mạng kiên cường của người đảng viên mẫu mực Tôn Đức Thắng - nhà cách mạng bất tử. Cũng chính tại Côn Đảo, Bác Tôn đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên và tích cực tham gia đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.

Hình ảnh sống động về tinh thần cách mạng bất khuất, đạo đức chí công vô tư

Cách mạng Tháng Tám thành công, theo sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Nam bộ cử các đoàn tàu, thuyền ra đón Bác Tôn, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng cùng các đảng viên cộng sản khác trở về đất liền.

Tại Hội nghị cán bộ Nam bộ ngày 15/10/1945 tại Cầu Vĩ, thị xã Mỹ Tho, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng, đặc phái viên của Trung ương, đã quyết định giải thể Xứ ủy "Tiền Phong" và Xứ ủy "Giải Phóng", thành lập Xứ ủy Thống nhất gồm 11 người do Tôn Đức Thắng làm Bí thư; đồng chí Lê Duẩn và Phạm Hùng trong Ban Thường vụ.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón Bác Tôn ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn luôn sát cánh bên nhau - hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc - Nam.

Với uy tín lớn trong Đảng, trong dân và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, Bác Tôn lần lượt được giao đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc (từ 7/3/1951 đến 10/9/1955), Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II cho đến khi qua đời.

20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là 20 năm Bác Tôn được các tầng lớp nhân dân suy tôn làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cũng trong những năm đó, Bác Tôn còn đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới. Ngày 15/7/1960, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Tại kỳ họp đặc biệt của Quốc hội khóa III, ngày 15/9/1969, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đồng thời vẫn kiêm làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để giúp Bác Tôn có điều kiện hoàn thành tất cả hai trọng trách, Trung ương phân công đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trưởng Ban Dân vận, Mặt trận Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch được sự ủy quyền của Bác Tôn giải quyết những công việc thường xuyên về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất (từ năm 1970 đến 1977).

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian khổ và nguy hiểm, trong đó có 17 năm bị đày đọa trong các nhà giam và ngục tù Côn Đảo với đủ mọi cực hình; 27 năm làm Chủ tịch Mặt trận và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm quý, nêu cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước.

Hình ảnh của một vị Chủ tịch nước cao tuổi về thăm quê với bộ bà ba bạc màu và yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, xe đón vì "sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và nhân dân" càng làm cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ trong bối cảnh hiện nay.

Nét nổi bật ở Bác Tôn mà mọi người sống và làm việc gần Bác dễ nhận thấy là đức tính khiêm nhường, cuộc sống giản dị và lòng vị tha. Người đã hiến dâng trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, Bác Tôn là hình ảnh sống động về tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư.

Hồ Chủ tịch đã khẳng định: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời cần - kiệm - liêm - chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Theo Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân

Lưu Thảo Tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/chu-tich-ton-duc-thang-bieu-tuong-cua-doan-ket-a8198.html