Chính sách tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới - Những thành tựu và giá trị được khẳng định

CT&PT - Bài viết làm rõ những nhận thức và ứng xử đối với tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, những thành tựu đã đạt được để khẳng định và bảo vệ những giá trị về chính sách tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo, đồng thời phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chính sách tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Do sự hội tụ của những yếu tố như địa lý, lịch sử, tộc người, văn hóa,... Việt Nam là quốc gia đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo và có đến 95% dân số theo tín ngưỡng, theo tôn giáo, trong đó có khoảng 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số1. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến tôn giáo và có chính sách đối với từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức và ứng xử đối với tôn giáo có sự thay đổi rất căn bản tạo ra những chuyển biến quan trọng trong đời sống tôn giáo theo hướng tích cực.

1. Nhận thức và ứng xử với tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo thể hiện qua các văn kiện như: Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 02/7/1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo..., và gần đây nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đều khẳng định những nhận thức và ứng xử mới đối với tôn giáo.

Định hướng đổi mới ở Việt Nam được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là: nhìn lại để đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng: nhìn thẳng vào sự thật, đúng thì tiếp tục, thiếu thì bổ sung và nếu sai thì sửa, đặc biệt là không “duy ý chí”. Vấn đề tôn giáo được Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn lại và đổi mới với các nội dung cụ thể.

Thứ nhất, mở rộng hướng tiếp cận về tôn giáo. Trước đây, tôn giáo được tiếp cận chủ yếu từ hai góc độ tư tưởng triết học và chính trị với nhiều định nghĩa nhưng đọng lại ở hai câu mang tính kinh điển: “Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội...” và “...Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (theo nghĩa xoa dịu nỗi đau - “đền bù hư ảo”). Với cách nhìn mới về tôn giáo, hai hướng tiếp cận nói trên đều đúng nhưng chưa đủ, cần phải bổ sung. Tôn giáo với cách nhìn mới, không chỉ là tư tưởng triết học, không chỉ liên quan chính trị (do sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực chính trị xấu), mà tôn giáo còn là lịch sử (tôn giáo là một mặt phản ánh các tiến trình lịch sử của loài người), tôn giáo còn là nhận thức (tôn giáo là một trong những lời giải thích về thế giới và con người), tôn giáo còn là văn hóa (tôn giáo góp phần hình thành những nền văn minh và văn hóa, lối sống của loài người), tôn giáo còn là đạo đức (tôn giáo với việc hành xử khoan dung, nhân ái đã góp phần đưa con người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ),... và tôn giáo còn là chỗ dựa về đời sống tâm linh của con người, tức là tôn giáo không chỉ là hình thái ý thức xã hội mà còn là một thực thể xã hội tồn tại lâu dài gắn với con người.

Như vậy, với nhận thức mới, đa diện, nhiều chiều, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt ra khỏi cái nhìn tôn giáo bó hẹp trong khuôn khổ của triết học và chính trị, mà mở rộng đến các khía cạnh khác như văn hóa, đạo đức,... đúng như tôn giáo tồn tại và phản ánh2.

Thứ hai, bổ sung nhận thức mới về nguồn gốc ra đời và sự tồn tại của tôn giáo. Trước đây, trong giải thích sự ra đời, tồn tại của tôn giáo, đưa ra hai nguồn gốc: tự nhiên và xã hội. Nguồn gốc tự nhiên, tức là con người khi còn lạc hậu không giải thích được thế giới tự nhiên, bất lực, sợ hãi trước thiên nhiên nên đã “đánh mất mình” khi tìm đến với tôn giáo. Chính C. Mác đã không dưới một lần nhắc lại câu nói của nhà sử học La Mã Lucrèce: Tôn giáo sinh ra bởi lòng sợ hãi!

Nguồn gốc xã hội, tức là khi xã hội hình thành đối kháng giai cấp và có sự áp bức bóc lột, dẫn đến những người lao động, những người bị áp bức bóc lột bế tắc trong cuộc sống. Cuối cùng họ đã “đánh mất mình một lần nữa” để tìm đến với tôn giáo mong được cứu vớt và che chở; tìm đến với tôn giáo là tìm đến với “bông hoa giả” để được an ủi, hy vọng; tìm đến tôn giáo với hy vọng sẽ được “đền bù” ở đời sau một cách “hư ảo”,...

Các nhà kinh điển đã nhấn mạnh: Nghèo đói, khổ đau là cơ hội của tôn giáo! Tiếp thu tư tưởng này, Nghị quyết số 40/NQ-TW, ngày 01/10/1981 của Đảng về công tác đối với các tôn giáo trong tình hình mới cho rằng: “Tôn giáo phát sinh và tồn tại là do sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh chống lại thiên tai và áp bức xã hội. Khi cuộc sống còn chưa tốt đẹp, trình độ văn hóa còn thấp kém và chưa có một thế giới quan khoa học, thì con người còn tin ở sức mạnh huyền bí nào đó, còn tin ở tôn giáo”3.

Với nhận thức mới, hai nguồn gốc tự nhiên và xã hội về sự xuất hiện và tồn tại của tôn giáo đều đúng nhưng chưa đủ. Tôn giáo xuất hiện, tồn tại và phát triển còn có những nguyên nhân khác, trong đó có nguồn gốc gắn với cái chết của con người. Ở những góc độ khác nhau, các tôn giáo đều nhìn nhận có thế giới sau khi chết với những lời giải thích rất hấp dẫn. Con người có phần xác và phần hồn. Cuộc sống nơi trần gian - phần xác chỉ là tạm thời, tương đối và thoáng qua, là “muỗng thời gian”. Con người chết không phải là hết mà chết mới đến một thế giới vĩnh hằng. Thế giới mà con người đến sau khi chết là sung sướng và đọa đầy, đến nơi nào tùy thuộc và hành vi của con người khi sống. Bằng việc thiện, việc tốt, việc lành sẽ được lên Thiên đường, nhập Niết bàn, làm việc ác, việc xấu, việc dữ sẽ phải xuống Địa ngục, sa Hỏa ngục. Chính những điều này đã góp phần quan trọng làm cho tôn giáo tồn tại lâu dài, rất lâu dài. Và cũng chính những điều này, tôn giáo có giá trị về đạo đức và văn hóa.

Như vậy, với nhận thức mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rằng tôn giáo là một tồn tại lâu dài, rất lâu dài, không thể đơn giản cho rằng tôn giáo sẽ mất đi một sớm một chiều khi con người đã khám phá, chinh phục được thiên nhiên, khi đời sống vật chất ngày một tăng, tức là đã giải quyết được nguồn gốc tự nhiên và xã hội của tôn giáo. Không thể đơn giản, duy ý chí cho rằng, bằng ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, bằng những kế hoạch 5 năm, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo sẽ mất dần đi.

Thứ ba, nhận thức khách quan về vai trò và ảnh hưởng của tôn giáo. Trước đây khi tiếp cận vấn đề tôn giáo, rất ít nếu không nói là hầu như không nói đến mặt tích cực của tôn giáo mà chỉ nhấn mạnh những yếu tố tiêu cực của tôn giáo. Quan điểm đổi mới đã nhìn nhận cả hai mặt tích cực và tiêu cực của tôn giáo. Bên cạnh những mặt hạn chế, tiêu cực của tôn giáo như tôn giáo yếm thế, ru ngủ con người trong điều kiện trình độ dân trí thấp; xét về mặt chính trị, tôn giáo cũng rất dễ bị các thế lực xấu và chủ nghĩa cơ hội lợi dụng trong những tình thế lịch sử nhất định. Tôn giáo, với cách nhìn mới, còn có những giá trị tích cực được ghi nhận và trân trọng, trong đó có giá trị tích cực về văn hóa, về đạo đức - gắn liền với chủ nghĩa nhân văn.

Giáo lý, giáo luật và những lời răn dạy của các tôn giáo đã tạo ra những quy phạm đạo đức hướng thiện, góp phần điều chỉnh hành vi xã hội của con người. Trên thực tế ở Việt Nam, những nơi có đông tín đồ tôn giáo thì tệ nạn xã hội ít hơn, trật tự ổn định hơn, và lối sống nề nếp, đạo đức hơn. Năm 1990, Nghị quyết 24-NQ/TW đã nêu rõ: “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”4Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các Văn kiện Đại hội Đảng đã khẳng định rõ thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”5. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta đã xác định tôn giáo là nguồn lực xã hội: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”6.

Như vậy, với Nghị quyết 24-NQ/TW (năm 1990) và Nghị quyết số 25-NQ/TW (năm 2003),... Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở rộng việc nhận thức tôn giáo không chỉ là vấn đề tư tưởng, chính trị mà còn là các vấn đề: lịch sử, nhận thức, văn hóa, đạo đức,... Sự ra đời tồn tại của tôn giáo không chỉ do nguyên nhân tự nhiên, xã hội mà còn do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có những nguyên nhân liên quan đến con người; tôn giáo không chỉ là ý thức xã hội, mà còn là một thực thể tồn tại khách quan trong chủ nghĩa xã hội; và cũng như mọi tồn tại xã hội khác, bên cạnh những những mặt tiêu cực, tôn giáo có những ảnh hưởng tích cực, trong đó có giá trị tích cực về văn hóa và đạo đức.

Từ nhận thức mới về tôn giáo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương hướng và quan điểm, chủ trương, chính sách đối với tôn giáo và công tác tôn giáo thời kỳ đổi mới. Một là, xác định tôn giáo là một vấn đề tồn tại lâu dài, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Hai là, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Ba là, thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bốn là, nhìn nhận và phát huy những mặt tích cực về đạo đức, văn hóa của tôn giáo, đồng thời xác định tôn giáo là nguồn lực đóng góp cho xã hội. Năm là, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Bên cạnh những nhận thức và ứng xử với tôn giáo như nói trên, các nghị quyết của Đảng đã xác định những nội dung trọng tâm trong công tác tôn giáo thời kỳ đổi mới. Cụ thể:

- Công tác tôn giáo trong giai đoạn mới phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

- Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo phải thực hiện thật tốt chính sách tôn giáo.

- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đến các ngành, có ngành trực tiếp, ngành gián tiếp, liên quan đến nhiều địa phương, trong đó có địa phương trọng điểm. Do vậy, cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng7.

Thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tôn giáo, như: Nghị định số 69/NĐ-HĐBT, ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định về các hoạt động tôn giáo, Nghị định số 26/NĐ-CP, ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo, sau đó là Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/6/2004. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng đối với tôn giáo, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Cùng với đó, Chính phủ ban hành các văn bản giải quyết các vấn đề tôn giáo mang tính chuyên biệt, như Thông báo số 122/TB-CP, ngày 26/02/2004 về chủ trương cụ thể đối với Phật giáo Nam tông Khmer, Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 04/02/2004 về một số công tác đối với đạo Tin lành, Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được ban hành đã khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đồng thời tiếp tục sự tương thích với luật pháp quốc tế trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 điều chỉnh cả lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; về tổ chức tôn giáo; về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật quy định cụ thể về các khung pháp lý liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo: (1) Hoạt động tín ngưỡng; (2) Sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, (3) Hoạt động của chức sắc tôn giáo; (4) Công nhận pháp nhân tổ chức tôn giáo; (5) Các hoạt động về đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo; (6) Đào tạo chức sắc; (7) Phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc; (8) In ấn, xuất bản kinh sách, sản xuất đồ dùng việc đạo; (9) Đất đai, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự; (10) Hoạt động từ thiện, xã hội của cá nhân, tổ chức tôn giáo; (11) Người nước ngoài hoạt động tôn giáo ở Việt Nam; (12) Quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo8,...

Việc quy định phạm vi điều chỉnh và những khung pháp lý là đưa chủ trương, chính sách của Đảng đối với tôn giáo vào cuộc sống, hay nói cách khác là để tín đồ, chức sắc tôn giáo thụ hưởng những chủ trương, chính sách mới đối với tôn giáo, để tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiệu lực, hiệu quả.

2. Những chuyển biến về đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Về sinh hoạt tôn giáo của tín đồ

Tất cả các sinh hoạt tôn giáo của tín đồ tại gia đình và nơi thờ tự theo luật lệ, lễ nghi truyền thống đều được phục hồi. Chỉ thị số 01/CT-TTg đã mở ra việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung không chỉ đối với đạo Tin lành mà cả đối với các tôn giáo khác. Đặc biệt, các sinh hoạt tôn giáo tập trung với quy mô lớn được thực hiện: Vesak 2008, Vesak 2014, Vesak 2019 của Phật giáo; Lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 của Công giáo; Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành đến Việt Nam 2011, Lễ kỷ niệm 500 năm cải cách tôn giáo - Tin lành (1517 - 2017),... với sự tham gia của hàng chục nghìn tín đồ trong nước và quốc tế.

Về công nhận tổ chức tôn giáo

Trước đổi mới, cả nước có ba tôn giáo được công nhận về tổ chức: Hội thánh Tin lành Việt Nam (năm 1958), Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981). Từ khi đổi mới đến năm 2020, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, trong đó có 04 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký, nâng số tổ chức tôn giáo được công nhận, có tư cách pháp nhân lên 41. Có thể nói, đến nay hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam đều được hoạt động bình thường về tổ chức và chịu sự điều chỉnh của pháp luật9.

Về đào tạo chức sắc tôn giáo

Trước đổi mới chỉ có một vài cơ sở đào tạo, dẫn đến tình trạng “đào tạo chui”. Đến nay, cả nước có 62 cơ sở đào tạo chức sắc, trong đó có 17 cơ sở cấp đại học (04 học viện Phật giáo, 09 Chủng viên Công giáo, 03 trường Kinh thánh tin lành,...) với trên 10 nghìn học viên theo học. Có đến 1.200 chức sắc du học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Về xuất bản kinh sách

Trước đổi mới, hầu như không có xuất bản kinh sách, ấn phẩm tôn giáo. Từ khi đổi mới, nhất là từ khi thành lập Nhà xuất bản Tôn giáo (năm 1999), mỗi năm xuất bản hơn 500 đầu sách với hàng triệu quyển. Riêng số Kinh Thánh xuất bản trên 1 triệu quyển. Đồng thời có 15 tờ báo, tạp chí - cơ quan ngôn luận của các tổ chức tôn giáo.

Về đất đai, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự

Hiện nay, các tôn giáo có trên 30 nghìn cơ sở thờ tự, tất cả đều được trùng tu sửa chữa, trong đó khoảng 40% trùng tu và sửa chữa với quy mô lớn, gần 10 nghìn cơ sở thờ tự được xây mới. Có những cơ sở được xây dựng với quy mô lớn, như hệ thống thiền viện: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc): 5,2 ha, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa): 10 ha, Thiền viện Trúc Lâm Phú Lâm (Quảng Nam): 19,5 ha,... Và đặc biệt, quần thể chùa Bái Đính: 539 ha, quần thể chùa Tam Chúc: 5.100 ha10.

Về đường hướng hoạt động

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam khi được nhà nước công nhận đều xây dựng và nỗ lực thực hiện đường hướng gắn bó với dân tộc và tuân thủ pháp luật. Phật giáo là Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, Giáo hội Công giáo Việt Nam là Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc, đạo Tin lành là Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc, đạo Cao đài là Nước vinh, Đạo sáng, Phật giáo Hòa Hảo là Vì Đạo pháp, vì Dân tộc11,... Thực hiện đường hướng tiến bộ đã được xác định, các tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội từ hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng những vấn đề xã hội mới nảy sinh.

Về hoạt động từ thiện xã hội

Trước đổi mới, hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo không được quan tâm, chủ yếu hoạt động tự phát. Đến nay, riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học, 10 phòng khám đa khoa, 1 nghìn lớp học tình thương,... Giáo hội Công giáo Việt Nam có 189 có sở khám chữa bệnh và điều dưỡng, 159 cơ sở giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi, 797 cơ sở giáo dục mầm non12,...

Về quan hệ quốc tế

 Trước đổi mới hầu như không có hoạt động quốc tế tôn giáo, trừ một số hoạt động của Phật giáo trong mối quan hệ với tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa bình (Asian Bouddhist Conference for Peace - ABCP), việc phong phẩm chức sắc của Công giáo từ Tòa thánh Vatican. Thời kỳ đổi mới, mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo được mở rộng. Chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2013 có đến 205 đoàn tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, có 1.343 đoàn tôn giáo Việt Nam ra nước ngoài. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đồng ý Vatican cử đại diện thường trú (với chức năng Sứ thần - Đại sứ) trong quan hệ với Giáo hội Công giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam13.

Cùng với những chuyển biến tích cực trong các hoạt động tôn giáo nêu trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo phát sinh trong vùng dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên liên quan đến đạo Tin lành, thực hiện tốt chính sách đặc thù đối với người Khmer ở Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg (năm 2004), từ năm 2005, ngoài nỗ lực giải quyết những xung đột văn hóa, kết hợp triển khai chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là việc các địa phương ở Tây Nguyên, Tây Bắc đã thực hiện bình thường hóa sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin lành bằng việc các điểm nhóm Tin lành theo bản, làng đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở.

Đến hết năm 2020, ở Tây Bắc có 09 chi hội được công nhận và gần hơn 800 điểm nhóm Tin lành được đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở. Các điểm nhóm khác chưa đăng ký vẫn duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường và chuẩn bị các thủ tục đăng ký theo quy định. Cùng với cấp đăng ký sinh hoạt theo điểm nhóm là việc đào tạo chức sắc của các tổ chức Tin lành. Một số địa phương ở Tây Bắc đã tiến tới công nhận các chi hội Tin lành và việc xây dựng nơi thờ tự.

Cũng trong thời gian này, ở các tỉnh Tây Nguyên đã có 311 chi hội được công nhận và 1.400 điểm nhóm Tin lành theo buôn, làng đăng ký với chính quyền cơ sở để sinh hoạt tôn giáo14. Đồng thời, ở Tây Nguyên, các hoạt động khác như xuất bản kinh sách (Kinh Thánh được dịch ra tiếng Ê Đê, Ba Na, Gia Rai,...), các hoạt động khác, như thành lập các chi hội, đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự,... đều tiến hành bình thường, các địa phương và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực thực hiện và đạt được kết quả quan trọng.

Riêng với Phật giáo Nam tông Khmer, năm 2006, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tại thành phố Cần Thơ, tính đến năm 2022 đã đào tạo được 6 khóa với hơn 200 tăng sỹ. Cùng thời gian này, đã có gần 100 tăng sỹ Phật giáo Nam tông Khmer đang du học tại nước ngoài, trong đó có du học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại Thái Lan, Campuchia, Mianma và Ấn Độ,...

Đáp ứng yêu cầu đọc tụng, nghiên cứu, học tập của tăng sỹ và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer, được sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2004 đến năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện Phật giáo Nam tông Khmer đã triển khai việc in kinh sách Phật giáo Nam tông Khmer với 208.300 quyển. Đồng thời, thỉnh Đại tạng kinh và Kinh sách bản gốc bằng chữ Khmer (Trà Vinh 156 bộ, An Giang 60 bộ, Kiên Giang 75 bộ, Sóc Trăng có 52 bộ, Vĩnh Long 03 bộ, Tây Ninh 03 bộ,...)15.

3. Một số nhận xét

Đổi mới nhận thức và ứng xử đối với tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự khẳng định những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo, đồng thời cần bổ sung và phát triển những vấn đề mà thực tiễn đã vượt qua. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dù sao cũng không cấm chúng ta bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà ở thời mình Mác không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng là lịch sử nào? Lịch sử châu Âu là gì? Đây không phải toàn thể nhân loại!”16. Gần đây, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện Chương trình KX.02 (2018 - 2020): “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Nghị quyết số 24/NQ-TW (năm 1990) và Nghị quyết số 25/NQ-TW (năm 2003), Chỉ thị số 18/CT-TW (năm 2018),... thể hiện sự đổi mới trong nhận thức và ứng xử với tôn giáo được Đảng Cộng sản Việt Nam qua sự tiếp cận và luận giải tôn giáo một cách căn cơ, đã mở rộng việc tiếp cận tôn giáo, đã bổ sung nguyên nhân ra đời và tồn tại của tôn giáo và khách quan trong đánh giá vai trò của tôn giáo. Từ đó xác định tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, thực hiện đầy đủ và đúng đắn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời nhìn nhận và phát huy giá trị đạo đức và văn hóa của tôn giáo, coi tôn giáo là nguồn lực xã hội đóng góp cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Thời kỳ đổi mới, các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động về tổ chức, như đại hội, hội nghị, mở trường lớp đào tạo chức sắc, phong chức phong phẩm, xuất bản ấn phẩm tôn giáo, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự,... tạo ra diện mạo mới của đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Các tôn giáo ở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế với nhiều hình thức, trở thành kênh đối ngoại nhân dân trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập quốc tế. Chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam theo hướng tích cực đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, đồng thời phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam xuất phát từ thực tế của Việt Nam, nhất là những đặc điểm, tình hình tôn giáo ở Việt Nam liên quan đến lịch sử và hiện tại; đồng thời đặt trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập quốc tế. Do vậy, khi tiếp cận, đánh giá tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam tránh chủ quan, chỉ từ những hiểu biết và góc nhìn riêng; đồng thời cũng tránh những nhận xét, đánh giá khi còn thiếu thông tin, hoặc thông tin một chiều không khách quan về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.


1. Nguyễn Quế - Hoàng Ly: Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng luôn được đảm bảo ở Việt Nam, https://cand.com.vn, ngày 13/6/2022.

2. Nguyễn Thanh Xuân: Nghị quyết 24-NQ/TW - Mốc son đổi mới chinh sách tôn giáo ở Việt Nam (Kỷ niệm 30 năm đổi mới công tác tôn giáo ở Việt Nam 1990-2020), Tạp chí Công tác tôn giáo, số 10-2020.

3. Nghị quyết số 40/NQ-TW, ngày 01/10/1981 của Ban Tôn giáo Chính phủ về công tác đối với các tôn giáo trong tình hình mới.

4, 5. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 171.

7. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

8. Ban Tôn giáo Chính phủ: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2019.

9. Ban Tôn giáo Chính phủ: Thành tựu trong thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, Hà Nội, 2021.

10, 13. Nguyễn Thanh Xuân: Những con số liên quan đến đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 6-2019.

11. Ban Tôn giáo Chính phủ: Tập văn bản tổ chức và đường hướng hành đạo của các tôn giáo tại Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013.

12. Vũ Chiến Thắng: Tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí Công tác tôn giáo, số 8-2019.

14. Ban Tôn giáo Chính phủ: Bảng tống hợp tình hình đạo Tin lành (Tính đến tháng 4 năm 2020).

15. Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Thông báo số 122 của Thủ tướng Chính phủ (2004 - 2014), Hà Nội, 2014.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 1, tr. 465.

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

Phạm Hương tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/chinh-sach-ton-giao-o-viet-nam-thoi-ky-doi-moi-nhung-thanh-tuu-va-gia-tri-duoc-khang-dinh-a8186.html