Quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trong bối cảnh mới

CT&PT - Các thế lực thù địch đang gia tăng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, do vậy tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, cùng với sử dụng công nghệ cao, xâm phạm không gian mạng là những hành động liều lĩnh, mất nhân tính, gây mất an ninh, trật tự. Bởi vậy, quá trình điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Bài viết phân tích, làm rõ những vấn đề cơ bản trong chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về áp dụng pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đặc điểm và các điều kiện bảo đảm áp dụng pháp luật trong điều tra, xỷ lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Trong lĩnh vực điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG), hoạt động áp dụng pháp luật (ADPL) của Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an và các chủ thể khác đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quá trình điều tra các vụ án xâm phạm ANQG, hoạt động ADPL mà trước hết và chủ yếu là các quy định của pháp luật hình sự (PLHS) và tố tụng hình sự (TTHS) đã được tổ chức một cách khoa học, nghiêm chỉnh và sáng tạo.

Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy, hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT cũng còn có những bất cập, hạn chế, vướng mắc cần phải được nghiên cứu đưa ra giải pháp khắc phục, như: nhiều văn bản quy phạm PLHS, TTHS chưa được hướng dẫn cụ thể và chưa được đổi mới kịp thời; việc vận dụng tội danh trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG thường xuyên được áp dụng nhưng nhiều trường hợp căn cứ chưa thật sự đầy đủ; một số quy định của pháp luật chưa được áp dụng một cách nghiêm chỉnh, còn có yếu tố giảm nhẹ dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật của một số đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG; việc chỉ đạo, chỉ huy trong điều tra vụ án vẫn còn thiếu một cơ chế đồng bộ và cơ sở pháp lý vững chắc...

1. Áp dụng pháp luật trong điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, khái niệm, nội dung

Về phương diện lý luận, ADPL nói chung đã được nhiều nhà khoa học pháp lý nghiên cứu, song với từng lĩnh vực cụ thể trong đó có ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG cho đến nay vẫn còn là vấn đề mới, cần được nghiên cứu sâu sắc hơn.

Điều tra các vụ án xâm phạm ANQG được hiểu là quá trình tổ chức và tiến hành các hoạt động điều tra, hoạt động hỗ trợ điều tra của chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật TTHS để khám phá, làm rõ toàn bộ sự thật của vụ án xâm phạm ANQG và đáp ứng các yêu cầu khác của công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm phạm ANQG. ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT là một hình thức thực hiện pháp luật đặc thù, là quá trình cơ quan ANĐT cá biệt hóa những quy định của pháp luật vào các vụ án xâm phạm ANQG cụ thể bằng các quyết định ADPL, các hành vi tố tụng trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT gồm một số khía cạnh sau:

Một là, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT là hoạt động mang tính tổ chức, quyền lực nhà nước. Cơ quan ANĐT sử dụng quyền lực nhà nước để ban hành những quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với cá nhân có hành vi phạm tội xâm phạm ANQG. Các quyết định này luôn thể hiện ý chí đơn phương của cơ quan ANĐT mà không phụ thuộc vào ý chí của đối tượng bị áp dụng. Rõ ràng, ADPL được xem là sự tiếp tục thể hiện ý chí nhà nước trong quá trình điều chỉnh pháp luật nên ở một chừng mực và trong những trường hợp nhất định ADPL còn phục vụ cho cả những mục đích chính trị nhất định.

Hai là, chủ thể của hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG là cơ quan ANĐT, mà cụ thể là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT, điều tra viên, cán bộ điều tra. Thẩm quyền ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT xuất phát từ thẩm quyền điều tra vụ án xâm phạm ANQG do pháp luật TTHS quy định tại Điều 163 Bộ luật TTHS năm 2015 và được cụ thể hóa tại Điều 16, 17 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Ba là, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG là sự điều chỉnh cá biệt, cụ thể các quan hệ xã hội khi có hành vi phạm tội xâm phạm ANQG xảy ra trên thực tế. ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG về thực chất là quá trình Cơ quan ANĐT thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm ANQG được quy định từ Điều 108 đến Điều 121 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bốn là, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của Cơ quan ANĐT gồm: ADPL hình sự, ADPL TTHS, áp dụng các quy định pháp luật khác nhưng ADPL hình sự, TTHS là chủ yếu.
Điều tra vụ án xâm phạm ANQG được tiến hành bởi cơ quan ANĐT nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm xâm phạm ANQG xảy ra hay không; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi; động cơ, mục đích phạm tội; tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự; đặc điểm về nhân thân người phạm tội cũng như tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…

Muốn xác định chính xác, khoa học những vấn đề nêu trên đòi hỏi hoạt động điều tra của các chủ thể có thẩm quyền phải được tiến hành trên cơ sở các quy định của PLHS, TTHS về cấu thành tội phạm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, căn cứ khởi tố, điều tra vụ án xâm phạm ANQG, nhất là quy định về những vấn đề phải chứng minh của vụ án hình sự.

Năm là, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG, Cơ quan ANĐT luôn phải bảo đảm yêu cầu chính trị và nghiệp vụ. Khi ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG, một mặt, các chủ thể có thẩm quyền phải xử lý người phạm tội xâm phạm ANQG đúng pháp luật, đúng người, đúng tội và không làm oan người vô tội.

Mặt khác, đòi hỏi các hoạt động chuyên môn của cơ quan ANĐT phải phục vụ tốt các yêu cầu chính trị, không để các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp, chống phá và gây khó khăn cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Bên cạnh đó, khi ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG còn phải góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phạm tội, làm tan rã tổ chức của chúng và phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ khác.

2. Đặc điểm áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm an ninh quốc gia của cơ quan an ninh điều tra và yêu cầu chính trị

ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT là một hình thức thực hiện pháp luật nhưng không phải là ADPL nói chung mà là một trong những hoạt động của chủ thể tiến hành tố tụng, cụ thể là cơ quan ANĐT và đối với một loại tội phạm xác định là tội phạm xâm phạm ANQG. Vì vậy, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG có những đặc điểm chung của ADPL, đồng thời có những đặc điểm riêng, cụ thể là:

Thứ nhất, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và các cấp lãnh đạo ngành công an.

Cơ quan ANĐT khi ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG phải luôn tuân thủ triệt để các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tội phạm xâm phạm ANQG; quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, của cấp uỷ và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, nhất là đối với các vụ án xâm phạm ANQG có đối tượng phạm tội thuộc “người có nhân thân đặc biệt”.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của Cơ quan ANĐT đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự chỉ huy, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là nhân tố quyết định bảo đảm việc thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta; chủ trương, đối sách đấu tranh với đối tượng xâm phạm ANQG của lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm ADPL chính xác, đáp ứng yêu cầu chính trị, không làm oan người ngay, không để lọt tội phạm, không tạo sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, can thiệp vào quá trình giải quyết vụ án.

Thứ hai, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm an ninh quốc gia gắn bó chặt chẽ với hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an.
Thực tiễn ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG cho thấy, xuất phát từ đặc điểm của các vụ án xâm phạm ANQG là tình huống tiếp nhận điều tra đều đã trải qua công tác nghiệp vụ, và do đặc điểm của đối tượng phạm tội và hoạt động phạm tội xâm phạm ANQG, nên khi ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG, cơ quan ANĐT phải phối hợp với lực lượng nghiệp vụ khác.

Quan hệ phối hợp giữa cơ quan ANĐT với lực lượng nghiệp vụ không chỉ mang tính bắt buộc theo quy định của Bộ Công an mà còn là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, diễn ra thường xuyên, liên tục trong công tác đấu tranh bảo vệ ANQG nói chung và trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG nói riêng.

Trong thực tế, các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG thực hiện tội phạm với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hoạt động phạm tội, tìm cách tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, đối phó khi khai báo với điều tra viên nên cơ quan ANĐT phải có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng nghiệp vụ trong thu thập, chuyển hóa chứng cứ, tính toán tội danh, hỏi cung bị can...

Lực lượng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ, trao đổi các thông tin có được trong quá trình tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cho cơ quan ANĐT, đó có thể là thông tin, tài liệu làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt, khám xét ở giai đoạn điều tra ban đầu gồm thông tin cơ bản về tổ chức phạm tội, các thông tin cần thiết về đặc điểm nhân thân đối tượng như lý lịch, thái độ, đặc điểm tâm lý; các thông tin về tài liệu, vật chứng cần phát hiện, thu thập hoặc cần chuyển hóa.

Hơn nữa, các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG luôn có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các thế lực thù địch, khi bị khởi tố, điều tra, xử lý thường có sự can thiệp của cơ quan ngoại giao một số nước. Các thế lực thù địch không chỉ quan tâm ủng hộ, hậu thuẫn cả về vật chất, tinh thần và đường hướng, đào tạo phương thức hoạt động cho các đối tượng phạm tội mà chúng còn tìm mọi cách can thiệp vào công tác điều tra, xử lý của ta. Điều đó đặt ra quan hệ phối hợp mang tính tất yếu giữa hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG với hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an.

Quan hệ phối hợp này không chỉ nhằm bảo đảm kịp thời thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội xâm phạm ANQG, bảo đảm yêu cầu chính trị mà còn có điều kiện sử dụng kết quả điều tra đấu tranh ngoại giao, tấn công, vạch trần hoạt động dung túng của các thế lực thù địch đối với các đối tượng phạm tội.

Thứ ba, ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG là hoạt động mang tính linh hoạt, sáng tạo rất cao.

ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG là hoạt động mang tính mục đích cao nhất là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhân dân và thành quả cách mạng. Hoạt động này không thuần túy là thực hiện pháp luật mà đồng thời là hoạt động nghiệp vụ và trong mọi trường hợp phải thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Hơn nữa, các vụ án xâm phạm ANQG xảy ra thường có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, liên quan mật thiết đến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên những lĩnh vực “nhạy cảm”, lại có sự can thiệp của các thế lực thù địch.
Xét về góc độ quy định của Bộ luật hình sự thì trong cấu thành tội phạm của các tội phạm xâm phạm ANQG có sự giao thoa của các dấu hiệu thuộc các yếu tố cấu thành tội phạm; giữa cấu thành tội phạm của các tội phạm xâm phạm ANQG với cấu thành tội phạm của các tội phạm không phải là tội phạm xâm phạm ANQG có dấu hiệu hành vi thuộc mặt khách quan giống nhau.
Về mặt thực tiễn, hoạt động phạm tội của các đối tượng xâm phạm ANQG cùng một lúc có thể thực hiện nhiều hành vi phạm tội xâm phạm ANQG hoặc cùng một lúc có thể vừa phạm tội xâm phạm ANQG, lại vừa phạm tội khác không phải là tội phạm xâm phạm ANQG. Do đó, cơ quan ANĐT phải tính toán lựa chọn thời điểm khởi tố, xử lý đối tượng phạm tội; tính toán, lựa chọn tội danh khởi tố, điều tra và hình thức xử lý: Đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG nào sẽ áp dụng quy định của Bộ luật hình sự để xử lý về tội phạm xâm phạm ANQG; đối tượng nào xử lý về các tội phạm khác không phải là tội phạm xâm phạm ANQG; có đề nghị truy tố hay đình chỉ điều tra và đề nghị xử lý bằng các biện pháp khác.
Về nguyên tắc, các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ hành vi phạm tội và những vấn đề liên quan đến người phạm tội. Song, việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG đòi hỏi phải hết sức khôn khéo, mềm dẻo, không cứng nhắc, máy móc.
Do đó, muốn giải quyết đúng đắn, chính xác các vụ án, “vừa thấu tình, vừa đạt lý”, bảo đảm các yêu cầu pháp luật, chính trị và nghiệp vụ thì quá trình ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG đòi hỏi cơ quan ANĐT phải rất linh hoạt, sáng tạo. Đây là hoạt động tích cực, chuyển hóa pháp luật thành các xử sự cụ thể dựa trên cơ sở pháp luật, thể hiện ý thức chính trị trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan ANĐT chứ không phải là sự tùy tiện, vi phạm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
3. Điều kiện bảo đảm áp dụng pháp luật trong điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia của cơ quan an ninh điều tra

Việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của Cơ quan ANĐT cần có một số điều kiện bảo đảm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hệ thống PLHS, TTHS và các quy phạm pháp luật khác có liên quan

Chất lượng hệ thống PLHS, TTHS và các văn bản pháp luật khác có liên quan tới việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG là một trong những điều kiện hàng đầu bảo đảm việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT.

Cơ quan ANĐT muốn ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG thì trước hết phải có các quy phạm pháp luật để làm căn cứ pháp lý cho việc ADPL. Vì vậy, nếu các quy phạm PLHS, TTHS và các văn bản khác liên quan PLHS, TTHS đầy đủ. đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho cơ quan ANĐT điều tra vụ án xâm phạm ANQG được nhanh gọn, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ngược lại, các văn bản PLHS và các văn bản khác liên quan chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp, không có tính khả thi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT; việc điều tra vụ án xâm phạm ANQG có thể phải kéo dài, kết luận điều tra vụ án có thể thiếu khách quan, không có tác dụng đấu tranh phòng, chống tội phạm, không tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào nền công lý.

Kể từ khi đất nước hoàn toàn độc lập đến nay Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS đã được ban hành và được bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc xét xử các vụ án hình sự.

Bên cạnh Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS là những văn bản pháp luật quan trọng nhất bảo đảm quá trình ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG, Nhà nước ta ban hành các văn bản pháp luật khác có liên quan việc giải quyết vụ án hình sự như Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, các điều ước quốc tế có liên quan... Ngoài các bộ luật, luật hoặc pháp lệnh, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành như nghị quyết của Quốc hội, thông tư liên tịch... cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm thống nhất ADPL trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG, bảo đảm chất lượng ADPL của của cơ quan ANĐT.

Vì vậy, việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống PLHS, TTHS và các văn bản pháp luật khác nhằm bảo đảm ADPL trong điều tra các vụ án hình sự nói chung, vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT nói riêng luôn là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thể hiện ở tính rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, hiểu theo một nghĩa, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, với ý thức pháp luật của nhân dân, thể hiện chính sách pháp luật, nhất là chính sách hình sự của Nhà nước ta và có tính khả thi. Vì vậy, tính đúng đắn, phù hợp, khả thi về mặt nội dung, hợp lý về kỹ thuật lập pháp... luôn là tiêu chí cho việc ban hành các văn bản pháp luật nói chung, các văn bản là cơ sở pháp lý cho việc ADPL của cơ quan ANĐT trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG nói riêng.

Thứ hai, năng lực, trình độ, phẩm chất, chính sách đãi ngộ đối với điều tra viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan ANĐT

Để hoạt động ADPL trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT được khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, ngoài hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì nhân tố có ý nghĩa quyết định tới việc ADPL là điều kiện về các chủ thể ADPL (năng lực, trình độ, phẩm chất, chính sách đãi ngộ đối với Điều tra viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan ANĐT). Trong quá trình điều tra các vụ án xâm phạm ANQG thì chủ thể có thẩm quyền là Cơ quan ANĐT và điều tra viên, cán bộ điều tra. Những chủ thể này theo quy định của pháp luật có quyền điều tra các vụ án xâm phạm ANQG. Vì vậy, nếu các chủ thể nêu trên có trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết sâu sắc pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt thì việc ra các quyết định ADPL trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG sẽ đúng đắn, khách quan và toàn diện; việc ban hành các văn bản ADPL trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG sẽ đúng người, đúng tội, bảo đảm các yêu cầu pháp luật, chính trị nghiệp vụ. Trái lại, nếu trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan ANĐT bị hạn chế, yếu kém, bản lĩnh thiếu vững vàng, không có kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ, không có sự hiểu biết sâu sắc đặc điểm về tổ chức quản lý và hoạt động của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thì chất lượng các quyết định ADPL của cơ quan ANĐT trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG sẽ thiếu chính xác, thậm chí có sai lầm, bỏ lọt người, lọt tội hoặc làm oan người vô tội, làm giảm uy tín của cơ quan ANĐT với tư cách người đại diện cho công lý.

Trong hoạt động ADPL trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT thì yếu tố cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cũng tác động không nhỏ. Hoạt động của cơ quan ANĐT cần phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện, như trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, các thiết bị chuyên dùng, thiết bị ghi âm, ghi hình, buồng tạm giam... phục vụ cho hoạt động điều tra. Thực tiễn điều tra cho thấy, cơ quan ANĐT nào có đủ điều kiện cơ sở vật chất thì ở nơi đó các vụ án được điều tra thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả.

Do tính chất đặc thù của công việc, cán bộ pháp luật nói chung và cơ quan ANĐT nói riêng phải thường xuyên tiếp xúc mặt trái của xã hội. Để tạo điều kiện cho họ tận tậm, tận lực đối với nghề nghiệp, yên tâm công tác, không bị tác động tiêu cực từ bên ngoài thì cần có chính sách đãi ngộ về chế độ tiền lương, phụ cấp, bậc quân hàm với từng chức danh và chế độ khác, bảo đảm cho cán bộ cơ quan ANĐT sống được với nghề, thực thi pháp luật chí công vô tư.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT. Nếu thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực tài chính có thể ảnh hưởng tới việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG.

Thứ ba, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với ADPL trong điều tra các vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT

Hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT luôn cần có được sự bảo đảm về chính trị - đó là sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng với các hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT, được thể hiện thông qua Điều lệ Đảng, các quy định, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an nói chung và quá trình điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT nói riêng. Sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác điều tra bảo đảm cho hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT đúng pháp luật.

Sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT nhằm mục đích phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội cho địa phương, đơn vị; giáo dục pháp luật, tăng cường kỷ luật, nâng cao sức mạnh của lực lượng vũ trang. Bởi vì, bên cạnh việc cho chủ trương xử lý vụ án, cấp ủy đảng có thẩm quyền còn cho ý kiến về thời điểm khởi tố, điều tra, đề nghị xử lý, công tác đảm đảm an ninh, trật tự; công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau xét xử vụ án. Sự lãnh đạo này bảo đảm việc điều tra vụ án được đúng đắn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua việc điều tra vụ án xâm phạm ANQG.

Thứ tư, mức độ phù hợp của cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan ANĐT và các cơ quan bổ trợ tư pháp

Hoạt động ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT là hoạt động mang tính tổ chức, tính quyền lực nhà nước. Vì vậy, cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan ANĐT là điều kiện bảo đảm việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Nếu cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan ANĐT chặt chẽ, hợp lý sẽ bảo đảm cho việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG thuận lợi nhanh chóng. Chẳng hạn như việc phân định rõ ràng về thẩm quyền điều tra theo loại án, theo đơn vị hành chính lãnh thổ sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan ANĐT xác định rõ thẩm quyền xét xử của mình. Trái lại, nếu cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan ANĐT không hợp lý, phân định không rõ ràng về thẩm quyền thì việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG sẽ gặp khó khăn.

Trong hoạt động điều tra vụ án xâm phạm ANQG của cơ quan ANĐT, các cơ quan bổ trợ tư pháp như luật sư, giám định, công chứng giữ vai trò quan trọng. Hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp đã cung cấp bổ sung chứng cứ quan trọng, góp phần làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án. Chẳng hạn, đối với các vụ án có luật sư tham gia bào chữa sẽ bảo đảm cho việc điều tra được khách quan, bảo đảm quyền của người bị buộc tội. Thông qua hoạt động giám định tư pháp, người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án xâm phạm ANQG như kết luận về tỷ lệ thương tích, nguyên nhân chết người, giám định vân tay, dấu vết, chữ ký, chữ viết, pháp ý tâm thần... Kết luận giám định là chứng cứ quan trọng để cơ quan ANĐT xem xét ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Như vậy, hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp hoạt động kém hiệu quả, chất lượng giám định chưa bảo đảm sẽ dẫn đến sự sai lệch trong việc ADPL trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG.

TRƯƠNG THANH HÀ

Phòng An ninh điều tra, Công an thành phố Hải Phòng

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-triet-chu-truong-chinh-sach-phap-luat-trong-dieu-tra-xu-ly-toi-pham-xam-pham-an-ninh-quoc-gia-trong-boi-canh-moi-a8141.html