Công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Từ sau Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tổng Bí thư Tập Cận Bình lãnh đạo đã không ngừng nâng cao nhận thức về quy luật xây dựng Đảng cầm quyền trong tình hình mới và chủ động đề ra tư tưởng, đường lối, chủ trương và biện pháp mới để đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng Đảng.
Thứ nhất, tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo
Nhận thức sâu sắc rằng, thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc gắn liền với hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong mười năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kế thừa kinh nghiệm lịch sử, nhấn mạnh cần phải kiên trì, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng. Đây được coi là cốt lõi của chiến lược quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo của Đảng. Đứng trước “bốn nguy cơ” và “bốn thách thức”1, Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu toàn Đảng phải tăng cường học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chỉnh đốn tác phong công tác, giữ nghiêm kỷ luật, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy toàn diện tự trong sạch, tự hoàn thiện, tự đổi mới, tự nâng cao, luôn kiên trì sứ mệnh và tâm nguyện ban đầu. Trong công tác tuyển chọn cán bộ, chú trọng đặt tiêu chuẩn chính trị lên hàng đầu, kiểm tra kỹ lưỡng tố chất chính trị của cán bộ. Cán bộ cần nắm vững tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn liêm khiết, nuôi dưỡng tinh thần và bản lĩnh đấu tranh, dám đứng ra lúc then chốt và dám xung trận lúc nguy nan2.
Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chú trọng thúc đẩy thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế lãnh đạo của Đảng. Kiên trì cầm quyền một cách khoa học, dân chủ, theo pháp luật; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng làm suy yếu nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; tập trung nâng cao năng lực định hướng, xây dựng quy hoạch ở tầm vĩ mô nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa trên mọi phương diện. Khi nghiên cứu, đề xuất các công việc, quyết định quan trọng, phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ xin chỉ thị, báo cáo Trung ương Đảng và chấp hành mọi quyết định của Trung ương. Có thể thấy rằng, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc chính trị cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay.
Thứ hai, quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện gắn chặt với mục tiêu kiên trì phát huy “tính Đảng”
Để có thể gánh vác sứ mệnh của thời đại mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định rõ “trị quốc trước tiên phải trị Đảng”. Nếu không chú trọng xây dựng tính tiên tiến và tính trong sạch của Đảng, không quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện thì rất dễ mất đi sức chiến đấu, dẫn đến nguy cơ xa rời quần chúng và Đảng sẽ đánh mất vai trò cầm quyền. Chính vì vậy, từ Đại hội XVIII đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã coi quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện là nguyên tắc cơ bản, then chốt của công tác xây dựng Đảng, từ đó có sự bao quát rộng hơn các phương diện xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tác phong, tổ chức, kỷ luật, đưa xây dựng chế độ vào xuyên suốt các phương diện, thúc đẩy phòng, chống tham nhũng. Cụ thể:
Một là, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức đưa xây dựng Đảng về chính trị vào bố cục tổng thể xây dựng Đảng và đặt xây dựng Đảng về chính trị ở vị trí hàng đầu. Trong đó, tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là một bộ phận cấu thành của công tác xây dựng Đảng về chính trị để nâng cao trình độ khoa học trong công tác xây dựng Đảng. Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội XIX (năm 2017). Trong Báo cáo Đại hội XX (năm 2022), Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục chỉ rõ: “Kiên trì, bền bỉ vận dụng tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, trong đó đề cập đến “trang bị lý luận đổi mới sáng tạo cho toàn Đảng là nhiệm vụ căn bản trong xây dựng tư tưởng của Đảng”3.
Hai là, chú trọng tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng thông qua giáo dục, học tập lý luận chủ nghĩa Mác, tư tưởng Tập Cận Bình nhằm nâng cao nhận thức chính trị; thúc đẩy chế độ hóa, thể chế hóa giáo dục tư tưởng lý luận mang tính thường xuyên và lâu dài, đặc biệt nhấn mạnh việc học tập lịch sử Đảng để toàn Đảng giữ vững niềm tin lý tưởng, nâng cao ý thức “cầm quyền vì dân”.
Ba là, chú trọng công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ. Một mặt, lựa chọn bổ nhiệm cán bộ tốt; mặt khác, tối ưu hóa việc quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức mạnh tổng thể của tổ chức. Bên cạnh việc chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục làm rõ tiêu chuẩn người cán bộ tốt trong thời đại mới, tiêu chuẩn riêng đối với từng ngành, nghề và với các vị trí công tác đặc biệt...
Bốn là, nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng về tác phong. Phải coi mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và quần chúng nhân dân làm hạt nhân, quán triệt “tám điều quy định”, chú trọng giải quyết vấn đề “bốn tác phong”, thực hiện cơ chế trách nhiệm chủ thể trong xây dựng tác phong của Đảng, ngăn chặn và khắc phục hiện tượng, tư tưởng đặc quyền, góp phần làm trong sạch môi trường chính trị.
Năm là, nhấn mạnh tăng cường công tác xây dựng kỷ luật đảng, đặt xây dựng kỷ luật lên vị trí nổi bật hơn, kỷ luật đảng cần phải nghiêm khắc hơn pháp luật, “đặt quyền lực vào trong chiếc lồng chế độ”, thúc đẩy quản lý Đảng dựa trên chế độ và nguyên tắc, bảo đảm sự nghiêm minh và toàn diện. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành và sửa đổi trong thời gian qua nhằm cụ thể hóa các quy định, chế độ hoạt động của Đảng.
Sáu là, đề ra yêu cầu mới đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc đã góp phần phá bỏ những quy tắc ngầm trước đây, kiên trì “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, làm cho niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng ngày một gia tăng. Đảng Cộng sản Trung Quốc nỗ lực củng cố và phát huy hơn nữa vai trò là một Đảng cầm quyền giai cấp vô sản trong tình hình mới, thể hiện mục tiêu kiên trì cầm quyền vì dân, dựa vào nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, là công bộc của nhân dân; đổi mới và sáng tạo phương thức kết nối với quần chúng nhân dân; kiên trì tư tưởng lấy nhân dân làm trung tâm, luôn bám sát các vấn đề liên quan trực tiếp nhất tới người dân, các vấn đề được người dân quan tâm; bảo đảm quyền tham gia quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ theo quy định pháp luật của quần chúng nhân dân... Quán triệt quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện gắn với mục tiêu kiên trì phát huy tính Đảng là bản chất, mục tiêu và tôn chỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thứ ba,“siết chặt” chiếc lồng chế độ, tăng cường giám sát nhằm thúc đẩy đấu tranh, trừng trị tham nhũng
Từ Đại hội XVIII đến nay, cơ chế bảo đảm “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng”, kiên trì trị “cả gốc lẫn ngọn” là biện pháp quan trọng, then chốt để xây dựng Đảng trong sạch. Đảng Cộng sản Trung Quốc nỗ lực “đan dày chiếc lồng chế độ”, đẩy mạnh xây dựng các quy định về phòng, chống tham nhũng, giám sát quyền lực. Trên cơ sở lấy Điều lệ Đảng làm gốc, các quy định trong Đảng làm trụ cột, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một số quy định, như Điều lệ quy trình thị sát, Quy định về chuẩn mực liêm khiết, Điều lệ xử lý kỷ luật nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ kỷ luật đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Văn bản “Ý kiến về việc tăng cường giám sát đối với “người đứng đầu” và ban lãnh đạo” đã nêu một số phương thức nhằm tăng cường giám sát “người đứng đầu”: 1- Người đứng đầu cùng cấp tăng cường giám sát đối với lãnh đạo đồng cấp; 2- Người đứng đầu cấp trên tăng cường giám sát đối với lãnh đạo cấp dưới; 3- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giám sát. Đây được coi là phương thức hiệu quả góp phần giải quyết những khó khăn trong quá trình giám sát “người đứng đầu”4. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chú trọng vận dụng hiệu quả của công tác thị sát, coi thị sát là vấn đề mang tính chiến lược để thúc đẩy giám sát trong Đảng. Đặc biệt, công tác thị sát cần làm nổi bật sự lãnh đạo của Đảng, tập trung vào quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, bám sát trọng điểm, nâng cao độ chuẩn xác trong phát hiện vấn đề. Hơn nữa, để tích cực thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện cơ chế chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng với tinh thần quyết tâm cao “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế chống tham nhũng, coi công tác truy nã và thu hồi tài sản phi pháp là khâu quan trọng để ngăn chặn tham nhũng lan rộng; tiếp tục xây dựng và kiện toàn thể chế giám sát thông qua việc thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định, có ít nhất bốn biện pháp để giám sát và ràng buộc quyền lực, gồm: 1- Lấy đạo đức để ràng buộc quyền lực; 2- Lấy quyền lực để ràng buộc quyền lực; 3- Lấy nhân dân để ràng buộc quyền lực; 4- Lấy pháp luật để ràng buộc quyền lực. Bốn biện pháp này có vai trò tương hỗ với nhau, trong đó, dùng pháp luật ràng buộc quyền lực là căn bản5.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng. Báo cáo Đại hội XX và Điều lệ Đảng sửa đổi được thông qua tại Hội nghị Trung ương 1 Khóa XX chỉ rõ, Đảng cần phải kiên trì quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện và tự cách mạng chính mình. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn cam go, phức tạp, đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc phải giữ vững quyết tâm cao, thực hiện tốt cuộc chiến công kiên lâu dài này. Mục tiêu “không muốn tham nhũng” không thể đạt được chỉ bằng cải cách thể chế, mà đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất chính trị và đạo đức thực sự trong sáng. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn cả bên trong lẫn bên ngoài, chủ động nắm vững những mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội. Vấn đề không chỉ là đấu tranh, trừng trị tham nhũng, mà quan trọng hơn là phải đổi mới trong công tác tư tưởng chính trị, đổi mới bộ máy tổ chức, ngăn chặn những yếu tố, nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng tiêu cực trong Đảng. Đồng thời, bảo đảm phát triển ổn định trên các phương diện, từng bước tăng cường công tác xây dựng Đảng, phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế, ứng phó với những nguy cơ, thách thức ở cả trong và ngoài nước. Khi đời sống của người dân ngày một nâng cao, nhu cầu về vật chất và văn hóa cũng ngày càng cao hơn, thì những vấn đề liên quan đến dân chủ, pháp trị, công bằng, an ninh, môi trường, phát triển không đồng đều, không cân bằng... đều cần được giải quyết kịp thời, đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc cần thúc đẩy hơn nữa công tác xây dựng Đảng theo đúng phương châm cầm quyền khoa học, dân chủ và pháp luật để tiếp tục củng cố vai trò, địa vị cầm quyền của mình.
Về công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trên cơ sở những điểm khác biệt và tương đồng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay giữa hai Đảng, có thể rút ra một số vấn đề có thể tham khảo sau đây:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá trong công tác xây dựng Đảng: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ... Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu”6. Để hiện thực hóa các nhiệm vụ và giải pháp then chốt này, cần chú trọng một số vấn đề:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng tư tưởng chính trị, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo.
Tư tưởng dẫn dắt hành động; xây dựng tốt tư tưởng chính trị mới có thể phát huy vai trò đi đầu của đội ngũ lãnh đạo, tăng cường tính tự giác, tính nêu gương và tính chiến đấu, thúc đẩy xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tư tưởng, tác phong làm việc đổi mới, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, thực hiện nghiêm kiểm tra, giám sát, nỗ lực xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp trở thành tập thể lãnh đạo vững mạnh, kiên định chính trị, sáng tạo trong công tác, đoàn kết, trong sạch, liêm chính. Do đó, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường bồi dưỡng lý luận, tuyên truyền, giáo dục lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho toàn thể cán bộ, đảng viên, đề ra các biện pháp có tính khả thi cao, góp phần quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng. Đặc biệt, cần bồi dưỡng mang tính trọng điểm đối với cán bộ cấp cao; chú trọng rèn luyện thực tiễn đối với cán bộ, đảng viên. Kiên định lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng phát triển và vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Học tập, quán triệt tinh thần và các luận điểm trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú; coi đó là công việc thường xuyên, liên tục của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị. Trong chỉnh đốn tác phong, cần chú ý đến tác phong tổ chức, tác phong làm việc, tác phong sinh hoạt, tác phong học tập. Tác phong tổ chức là phục tùng sự sắp xếp của tổ chức, tuân thủ nghiêm bí mật của tổ chức, tuân thủ kỷ luật và quy định về hành vi của tổ chức, duy trì sự nhất trí cao độ với đường lối của Đảng. Tác phong làm việc là trong công tác cần duy trì mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Tác phong sinh hoạt là trong cuộc sống đời thường, lúc nào cũng giữ gìn kỷ luật của Đảng, kỷ luật của tổ chức, biết giữ mình, không buông lỏng kỷ luật trong mọi hoàn cảnh. Tác phong học tập là không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, củng cố thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Kiên định lập trường, quan điểm của Đảng; nghiêm khắc tuân thủ kỷ luật chính trị, coi đó là yêu cầu căn bản và nguyên tắc giới hạn của tổ chức đảng và đảng viên. Tuân thủ Điều lệ Đảng, quy định của Đảng để ràng buộc chính mình; tăng cường giáo dục ý thức kỷ luật, làm cho toàn bộ đảng viên tự giác chấp hành kỷ luật đảng.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống sát hạch và đánh giá cán bộ, thúc đẩy xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chuyên nghiệp, có tố chất cao xứng tầm nhiệm vụ. Chất lượng, hiệu quả công việc chính là thước đo đánh giá cán bộ. Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống sát hạch, đánh giá cán bộ lãnh đạo: Một là, thực hiện xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, căn cứ theo tiêu chí thực tế của các ban, ngành, các vị trí khác nhau để quyết định tiêu chuẩn nhận xét, đánh giá thành tích của cán bộ lãnh đạo; hai là, xác định rõ các chủ thể có thẩm quyền nhận xét, đánh giá cán bộ; ba là, cần có quy chế truy cứu trách nhiệm đối với các thành viên tham gia nhận xét, đánh giá; khi phát hiện có vấn đề, cần xác minh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong công tác cán bộ; bốn là, tăng cường cơ chế giám sát, bảo đảm tính khoa học, tính hiệu quả trong công tác lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, hình thành hệ thống giám sát kết hợp từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, khuyến khích nhân dân cùng tham gia giám sát. Chọn hiền tài là cái gốc của cầm quyền, sử dụng đúng người là vấn đề then chốt. Do đó, cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, chống dung túng hành vi chạy chức, chạy quyền và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết và cũng là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Bên cạnh đó, thực hiện kiện toàn cơ chế bình thường hóa công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ trẻ xuất sắc. Phải chuẩn hóa các chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng mang tính hiệu quả cao, theo hướng hiện đại, hội nhập, cập nhật kiến thức thường xuyên với nhiều loại hình phong phú mang tính thực tiễn.
Thứ ba, tăng cường đổi mới công tác kiểm tra, giám sát quyền lực, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng có thể xuất hiện ở bất cứ quốc gia và thể chế chính trị nào, nhưng ở những thể chế chính trị mà quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ hoặc không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì mức độ tham nhũng sẽ nhiều hơn, phổ biến hơn. Hiện nay, tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Do vậy, cần đi sâu đổi mới cơ chế giám sát, tăng cường sự giám sát đối với quyền lực công, kiên trì trị tận gốc căn bệnh tham nhũng. Chỉ có làm tốt công tác giám sát trong Đảng, dám nhìn thẳng vào những “thói hư, tật xấu” trong Đảng mới có thể tự cách mạng, tự làm trong sạch bản thân, tự hoàn thiện, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực, làm cho môi trường chính trị trong Đảng được trong sạch, vững mạnh. Việc đi sâu cải cách cơ chế và thể chế sẽ góp phần cắt đứt mắt xích “lợi ích nhóm”, tăng cường giám sát và ràng buộc quyền lực, xây dựng cơ chế “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng”, trừng trị nghiêm khắc đối với những đối tượng tham nhũng. Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng cũng là một biện pháp hữu hiệu mang tính răn đe, nhưng sẽ tốt hơn nếu biết kết hợp những biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu, từ gốc rễ vấn đề. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc và thường xuyên.
Cần nhận thức rõ tầm quan trọng của cơ chế bảo đảm “ba không”: 1- Coi “không dám tham nhũng” là cơ chế bảo đảm kỷ cương. Hiện nay, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nạn tham nhũng vẫn tiếp diễn là do một số ít đảng viên, cán bộ lãnh đạo có tâm lý nể nang, cơ chế giám sát để ngăn chặn và trừng trị tham nhũng hiệu quả chưa hoàn thiện, đặc biệt là công tác giám sát của Đảng và chính quyền, giám sát của lãnh đạo cấp trên, giám sát của cấp ủy cùng cấp và giám sát của cấp dưới đối với cấp trên còn yếu, cường độ xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ mạnh. Vì vậy, cần phải không ngừng từng bước hoàn thiện cơ chế giám sát, kiên quyết trừng trị triệt để tội phạm tham nhũng. Các địa phương, cơ quan, ban, ngành phải xây dựng cơ chế bảo đảm kỷ cương đủ mạnh; Ủy ban kiểm tra phải tăng cường tính độc lập, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, nhận thức được phải thực hiện đúng chức trách, có án phải tra, tham nhũng phải nghiêm trị, không điều tra được là không đủ năng lực; 2- Coi “không thể tham nhũng” là cơ chế bảo đảm cho việc phòng ngừa. Thực chất của tham nhũng là nhu cầu về quyền lợi, vì vậy chìa khóa để chống tham nhũng là siết chặt chiếc lồng thể chế. Yêu cầu đặt ra là phải thiết lập hệ thống giám sát vận hành quyền lực, chủ yếu bao gồm cơ chế hạn chế quyền lực, cơ chế giám sát quyền lực và cơ chế công khai. Cơ chế hạn chế quyền lực là phân bổ quyền lực một cách khoa học, ngăn chặn tình trạng tập trung quyền lực vì quyền lực quá tập trung và thiếu cơ chế hạn chế chính là nguồn gốc của tham nhũng. Cốt lõi của việc phân bổ quyền lực một cách khoa học là nhằm hướng tới mục tiêu thực thi quyền lực hiệu quả và trong sạch. Phân định rõ chức trách và quyền hạn của cán bộ lãnh đạo cũng là để hình thành cơ chế vận hành quyền lực có sự hạn chế, ràng buộc lẫn nhau giữa quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ; cơ chế giám sát quyền lực là để bảo đảm mục tiêu phòng, chống tha hóa, lạm dụng quyền lực, hình thành hệ thống giám sát dưới nhiều hình thức, như giám sát của pháp luật, giám sát trong Đảng, giám sát của dư luận xã hội, giám sát của quần chúng...; cơ chế công khai là để nâng cao uy tín của Đảng, của chế độ, thực hiện công khai công tác đảng, công tác chính phủ, công khai tài chính, quyết sách, kết quả công tác nhằm nâng cao tính minh bạch trong vận hành quyền lực; 3- Coi “không muốn tham nhũng” là cơ chế bảo đảm tính tự giác kỷ luật đối với mỗi cá nhân. Thông qua việc xây dựng tư tưởng văn hóa trong sạch và liêm khiết, làm cho thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, để sự trong sạch thể hiện trong tư tưởng, đạo đức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tiếp tục chú trọng tăng cường xây dựng tư tưởng chính trị, xây dựng lề lối, tác phong làm việc của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo; hoàn thiện hệ thống sát hạch và đánh giá cán bộ, thúc đẩy xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chuyên nghiệp, đủ phẩm chất, năng lực, xứng tầm nhiệm vụ; tăng cường đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra, giám sát quyền lực, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, đổi mới lý luận xây dựng Đảng, tăng cường nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng. Trong tình hình mới, cần đặt xây dựng Đảng về chính trị lên vị trí quan trọng hàng đầu, kiên trì và hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm ý chí thống nhất, hành động thống nhất, đưa tiêu chuẩn chính trị vào làm yêu cầu xuyên suốt trên các phương diện xây dựng Đảng; bảo đảm Đảng luôn là hạt nhân lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
1. “Bốn nguy cơ”: sa sút tinh thần, xa rời quần chúng, không đủ năng lực, tham nhũng; “bốn thách thức”: cầm quyền lâu dài, cải cách mở cửa, môi trường bên ngoài, nền kinh tế thị trường.
2, 3. 高举中国特色社会主义伟大旗帜 为全面建设社会主义现代化国家而团结奋斗 (Tạm dịch: Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, cùng nhau xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại), ngày 01/11/2022, http://cpc.people.com.cn/n1/2022/1101/c64094-32556157.html.
4. 解读 “中共中央关于加强对“一把手”和领导班子监督的意见” (Tạm dịch: Diễn giải “Ý kiến về việc tăng cường giám sát đối với “người đứng đầu” và ban lãnh đạo”), ngày 04/6/2021, https://www.ccdi.gov.cn/toutiao/202106/t20210604_243231.html.
5. 荀名俐: 治理腐败的关键在于加强对权力的制约(Tạm dịch: Xun MingLi: Chìa khóa giải quyết tham nhũng nằm ở việc tăng cường các ràng buộc về quyền lực), Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận chủ nghĩa Mác và giáo dục tư tưởng chính trị, Đại học Hắc Long Giang, 2003.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 256-257.
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Trường Nam tổng hợp
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/cong-tac-xay-dung-dang-cua-dang-cong-san-trung-quoc-va-mot-so-goi-mo-doi-voi-viet-nam-a8108.html