Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

CT&PT - Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người vào công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Tư tưởng thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ, văn minh, tiến bộ phải là một nhà nước do toàn thể quần chúng lao động lập nên; quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy thác; nhà nước là công cụ của nhân dân; mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ quyền, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân; nhà nước phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những hoạt động của mình; đồng thời, nhân dân có nghĩa vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển nhà nước, bảo đảm về mọi mặt để nhà nước phát huy hiệu lực, hiệu quả. Theo Hồ Chí Minh, trong mối quan hệ quyền lực nhà nước thì nhân dân là chủ, nhà nước là đày tớ; nhà nước phải tin vào trí tuệ và lực lượng của nhân dân. Theo Người, nhà nước của dân, do dân làm chủ, vì dân phục vụ phải là nhà nước luôn đặt dưới sự kiểm tra, kiểm soát của nhân dân. Sự kiểm tra, kiểm soát của nhân dân đối với nhà nước không có nghĩa là bó buộc nhà nước, không tin tưởng nhà nước, mà là để nhà nước ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn, luôn giữ vững được bản chất cách mạng của mình.

Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhà nước do toàn thể nhân dân lập nên, lấy quyền và lợi ích của nhân dân, lấy sự tự do và hạnh phúc của nhân dân làm nhiệm vụ hoạt động và lý do tồn tại; một nhà nước hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp; quyền lực của nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy thác, chứ không bắt nguồn từ lực lượng siêu nhiên. Nhà nước của dân, do dân không có mục đích tự thân, ý nghĩa, mục tiêu và sứ mệnh của Nhà nước là phụng sự hạnh phúc của nhân dân, vì nhân dân . Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn là nhà nước có phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, khoa học, bảo đảm quyền lực nhà nước luôn thống nhất thuộc về một chủ thể duy nhất là nhân dân, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong bộ máy nhà nước. Đó là một nhà nước có Quốc hội, thể hiện tính dân chủ, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; có bộ máy hành pháp mạnh mẽ, sáng suốt, dám chịu trách nhiệm; có nền tư pháp độc lập, mỗi thẩm phán chỉ trọng pháp luật, công lý và lương tâm, trách nhiệm của mình; có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là “công bộc” của nhân dân; coi trọng tính “tự quản”, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của chính quyền địa phương; kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật trong suốt quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là nhà nước vĩnh cửu, bất biến, trái lại đó là nhà nước luôn vận động và phát triển không ngừng để phục vụ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân. Luôn đấu tranh nhằm khắc phục và loại trừ những thói hư, tật xấu, những “căn bệnh” thường gặp như: tham nhũng, hối lộ, quan liêu, lãng phí, lạm quyền... có thể dẫn đến sự suy yếu và đánh mất bản chất cách mạng của nhà nước. Quan điểm và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân chứa đựng tính pháp quyền, mà thực chất chính là tư tưởng về Nhà nước pháp quyền. Nhà nước đó đã tập hợp, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi hết sức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc vận dụng tư tưởng của Người về nhà nước của dân, do dân, vì dân là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, là nguyên tắc căn bản bảo đảm cho nhà nước luôn giữ được bản chất cách mạng, tránh được những sai lầm, thiếu sót trong quá trình hoạt động, từ đó xây dựng thành công nhà nước pháp quyền mang những đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, với truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bước đột phá trong tư duy của Đảng về xây dựng nhà nước trong thời kỳ đổi mới trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Đó là cơ sở chính trị cho việc tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu về nhà nước pháp quyền, thúc đẩy việc đổi mới một cách căn bản, có hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động của nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay cần tập trung vào một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Thứ hai, cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, từng bước chuyển sang Chính phủ số, đáp ứng kịp thời quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ ba, xây dựng đạo đức của người cán bộ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải thiện chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tạo môi trường và điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển. Đồng thời, sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không giữ uy tín với nhân dân.

Thứ tư, nâng cao vai trò mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ năm, thực hiện kỷ cương dân chủ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với cách mạng Việt Nam.  Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, việc tiếp tục kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người để xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là điều vô cùng cần thiết và đúng đắn.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-cua-dan-do-dan-vi-dan-vao-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-a8067.html