Tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở đầu quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) xác định rõ những nhiệm vụ kinh tế - xã hội vừa cơ bản, vừa trước mắt là giải phóng sức sản xuất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng vượt qua khủng hoảng kinh tế, phá vỡ thế bị bao vây cấm vận của các thế lực thù địch và mở rộng quan hệ đối ngoại. Triển khai đường lối đổi mới về kinh tế, Việt Nam từng bước xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, dưới sự điều tiết của Nhà nước, khuyến khích sự đóng góp của mọi thành phần kinh tế để tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa cho xã hội. Những thành tựu bước đầu đạt được trong phát triển kinh tế đã góp phần làm dịu bớt những căng thẳng về kinh tế - xã hội, khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đổi mới của Đảng. Trên cơ sở quan điểm đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết số 13-NQ/TW, (tháng 5/1998) của Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) khẳng định: Kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ thời gian và điều kiện thuận lợi để từng bước ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế, trên cơ sở hợp tác và đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình và “chuyển mạnh hoạt động ngoại giao từ quan hệ chính trị là chính sang quan hệ chính trị - kinh tế, mở rộng quan hệ kinh tế phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Phát triển tư tưởng đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) thông qua đã xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ với các nước trên tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Mục tiêu của chính sách đối ngoại là “tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi lên xã hội chủ nghĩa... Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”.
Kế thừa tinh thần của các kỳ Đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác. Tích cực triển khai các cam kết khu vực và quốc tế, lồng ghép với các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết. Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”.
Định hướng đối ngoại giai đoạn 2021 - 2030 được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã làm rõ hơn nội dung: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Để thực hiện thắng lợi chủ trương hội nhập quốc tế, đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, trong những năm tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII đã vạch ra, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các cấp, các ngành, các địa phương.
Hai là, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao quốc gia - dân tộc, Việt Nam cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là với 15 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, thúc đẩy quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ba là, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Theo đó, cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân nhận thức đúng thách thức cũng như cơ hội mà họ có được từ quá trình hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực, biến quá trình hội nhập quốc tế chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Bốn là, trong quá trình triển khai các định hướng lớn về hội nhập quốc tế được xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Việt Nam cần tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế; khẩn trương hoàn thiện, nâng cao năng lực của các thể chế hội nhập quốc tế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập, phấn đấu đến năm 2020, mức độ hội nhập trên các lĩnh vực của Việt Nam ở mức độ cao của các nước ASEAN.
Năm là, trong hội nhập kinh tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
- Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch toàn diện và cụ thể để thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.
- Gắn kết hội nhập kinh tế quốc tế với cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị - ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn, đồng thời có các điều chỉnh trên cơ sở cam kết với các tổ chức quốc tế và khu vực để có hiệu quả cao nhất trong việc thực hiện các cam kết thương mại.
- Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các cam kết hội nhập, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ngày càng phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm.
- Tăng cường nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc triển khai thực hiện ở mức độ cao hơn các cam kết, các FTA để chủ động điều chỉnh chính sách và có biện pháp phù hợp...
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, Việt Nam sẽ thực hiện tốt mục tiêu hội nhập quốc tế, đó là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế phải nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Phạm Minh An
Học viện Ngoại giao
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-diem-chu-truong-cua-dang-ta-ve-hoi-nhap-quoc-te-a8062.html