1. Nhận diện lý thuyết chính trị hiện đại trên thế giới
Những lý thuyết chính trị hiện đại trên thế giới là các lý thuyết mới xuất hiện, đặc biệt là lý thuyết xuất hiện và có ảnh hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Các lý thuyết chính trị hiện đại tập trung vào các vấn đề như quyền lực, mô hình phát triển, tự do, dân chủ, công lý, công bằng, bình đẳng, nhân quyền, tính chính đáng của đảng chính trị và chính quyền... Các lý thuyết này thường hướng đến giúp các nhà nước, đảng cầm quyền xác định mô hình phát triển phù hợp và phương pháp tiếp cận các vấn đề như nghèo đói, bất công, bùng nổ dân số, khan hiếm nguồn lực, xung đột giữa các cá nhân, tổ chức...
Nhà nước, đảng cầm quyền đi theo lý thuyết chính trị nào thì sẽ có xu hướng hành động, đưa ra chính sách tương ứng.
Một trong những cách tiếp cận chủ yếu trong nghiên cứu lý thuyết chính trị là phân kỳ thành lý thuyết thời cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại hoặc phân chia theo khu vực địa lý mà lý thuyết xuất hiện. Sự phân chia lý thuyết chính trị theo thời gian và không gian chỉ mang tính tương đối. Trong bài viết này, việc xác định lý thuyết chính trị hiện đại sẽ căn cứ vào dấu mốc của sự kiện Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc. Lý thuyết chính trị đó có thể xuất hiện trước khi Liên Xô sụp đổ và tiếp tục có sự phát triển, cập nhật, bổ sung sau đó. lý thuyết chính trị đó cũng có thể xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ và có ảnh hưởng đến nền chính trị thế giới.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất và thiết lập trật tự thế giới đơn cực. Vào thời điểm này, nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama đã viết cuốn sách Hồi kết của lịch sử và con người cuối cùng (The end of history and the last man) (năm 1992). Cuốn sách này nhấn mạnh và làm rõ những quan điểm mà ông đã đưa ra trước đó trong bài viết Hồi kết của lịch sử? đăng trên tạp chí The National Interest năm 1989. Trong bài viết này, Francis Fukuyama cho rằng, sự sụp đổ của Liên Xô đã đánh dấu hồi kết của lịch sử theo nghĩa “đó là điểm kết thúc trong quá trình phát triển tư tưởng của loài người và sự phổ quát của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của sự cai trị con người”1.
Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tạo ra cơn chấn động trong nền chính trị thế giới, mang lại sự đắc thắng cho chủ nghĩa tư bản, đồng thời gây ra những hoài nghi về chủ nghĩa xã hội. Sự kiện chính trị này đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của các lý thuyết chính trị hiện đại. Các lý thuyết chính trị của chủ nghĩa xã hội đi vào thoái trào cho đến khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 9/1997 đề ra tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trong khi đó ở phương Tây và Mỹ, các lý thuyết về tự do, dân chủ, công lý, công bằng, quyền con người trỗi dậy như là những giá trị mang tính phổ quát.
Trong thế kỷ XIX và XX, thế giới chứng kiến sự xuất hiện, phổ biến và ảnh hưởng về tư tưởng của các nhà triết học, nhà khoa học chính trị, nhà kinh tế chính trị học, nhà xã hội học như Emile Durkheim (1858 - 1917), Max Weber (1864 - 1920), Friedrick Hayek (1899 - 1992), Talcott Parsons (1902 - 1979), Hannah Arendt (1906 - 1975), Milton Friedman (1912 - 2006), David Easton (1917 - 2014), John Rawls (1921 - 2002), Michel Foucault (1926 - 1984), Noam Chomsky (năm 1928), Amartya Sen (năm 1933), Robert Nozick (1938 - 2002), Francis Fukuyama (năm 1952)... Nhà nghiên cứu Ian Adams và R.W. Dyson trong cuốn 50 nhà tư tưởng chính trị lớn (Fifty major political thinkers) (năm 2003) xếp Hannah Arendt, Max Weber, Friederick Hayek, Michel Foucault, John Rawls và Robert Nozick vào danh sách 50 nhà tư tưởng chính trị lớn của thế giới2.
Lý thuyết về công lý của John Rawls, lý thuyết về nhà nước và “nhà nước tối thiểu”3 của Robert Nozick, lý thuyết về quyền lực của Michel
Foucault, lý thuyết về tự do của Milton Friedman và Friedrich Hayek, lý thuyết về dân chủ của Noam Chomsky, lý thuyết về phát triển và bình đẳng của Amartya Sen... không chỉ thu hút sự quan tâm của giới học thuật mà còn được áp dụng trong thực tiễn chính trị của một số nước, định hình con đường phát triển, chính sách của một số chính phủ. Thí dụ, Milton Friedman trở thành cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan với quan điểm chính phủ cần tinh gọn và hạn chế chi tiêu công4. Tư tưởng của Amartya Sen về phát triển và “năng lực” được sử dụng để xây dựng chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc...
Trên thế giới, các lý thuyết chính trị của những tác giả trên đây được nghiên cứu qua các tác phẩm, bài viết, bài giảng của họ... những học giả này thường phát triển một hệ thống quan điểm mang tính xuyên suốt về một vấn đề cụ thể như dân chủ, tự do, công lý, công bằng, bình đẳng... như một lý thuyết riêng. Tư tưởng, quan điểm của họ được các đảng chính trị, chính phủ khai thác, vận dụng để định hướng chính sách, xây dựng mô hình phát triển. Các nghiên cứu trong và ngoài nước thường tập trung chủ yếu vào nội dung căn bản của các lý thuyết chính trị.
Việc nhận diện và xác định các lý thuyết chính trị hiện đại căn cứ vào các tiêu chí sau: Thứ nhất, về thời gian. Đây là các lý thuyết mới, đặc biệt là các lý thuyết xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ hoặc xuất hiện trước những năm 1990 nhưng tiếp tục có sự phát triển, bổ sung, cập nhật sau đó. Tiêu chí này sẽ giúp xác định và lựa chọn những lý thuyết chính trị nổi bật chủ yếu xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Thứ hai, về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của lý thuyết. Lý thuyết được phát triển thành hệ thống các quan điểm chặt chẽ, hợp lý trên cơ sở tổng kết, khái quát hóa quy luật vận động của xã hội. Các lý thuyết được kiểm nghiệm trong thực tiễn một số nước và chứng minh được ý nghĩa lý luận và thực tiễn. nói cách khác, các lý thuyết này đã được giới chính trị và giới nghiên cứu trên thế giới thừa nhận. Thứ ba, về mức độ và phạm vi ảnh hưởng. Các lý thuyết được vận dụng trong việc xây dựng mô hình phát triển, hoạch định chính sách và ảnh hưởng đến thực tiễn chính trị của các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới. Đây là tiêu chí quan trọng để xác định những lý thuyết có ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực học thuật mà cả trong thực tiễn. Trên thực tế, có nhiều lý thuyết chính trị khác nhau nhưng không phải lý thuyết nào cũng được giới chính trị sử dụng.
2. Sự cần thiết nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại tại Việt Nam
Nghiên cứu lý luận nói chung và nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lý luận và thực tiễn. Trong thực tiễn Việt Nam hiện nay, nghiên cứu và nâng tầm lý luận của Đảng nhằm thống nhất nhận thức và hành động, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đòi hỏi khách quan và cấp bách. Một số nhà khoa học cho rằng, “ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử các học thuyết chính trị thể hiện ở khả năng nhận biết những giá trị tư tưởng tiến bộ hoặc phản tiến bộ để từ đó xây dựng cho mình một hệ lý luận hợp lý nhằm sử dụng nó để góp phần cải biến chế độ xã hội”5.
Nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại không chỉ giúp lý giải sự phát triển, xu thế vận động của thế giới đương đại mà còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, phản động. Việc nghiên cứu một cách hệ thống các lý thuyết chính trị hiện đại trên thế giới giúp vận dụng các quan điểm tiến bộ, phù hợp của các lý thuyết này vào bối cảnh thực tiễn Việt Nam để nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng. Sự cần thiết của việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại được thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất, nghiên cứu và nâng tầm lý luận của Đảng nhằm thống nhất nhận thức và hành động, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu khách quan.
Đại hội XIII của Đảng xác định, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả về lý luận và thực tiễn để đưa đất nước phát triển bền vững. Việc nghiên cứu và nâng tầm lý luận là đặc biệt cần thiết trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Đại hội chỉ rõ: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, định hướng chính sách... Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6.
Thứ hai, bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội quốc tế với những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều bất ổn, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đã đặt ra yêu cầu nhận thức, lý giải và dự báo sự vận động của chính trị, kinh tế đương đại.
Từ những năm 1990 đến nay, thế giới đã trải qua những sự kiện, biến động và khủng hoảng kinh tế, chính trị sâu sắc: sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991; cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 1192001; cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 - 2008; cách mạng màu ở các nước Đông Âu trong những năm 2000; mùa xuân Ảrập tại Trung Đông và Bắc Phi; chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc... Đặc biệt, sự bùng phát của virus corona từ cuối năm 2019 đã đẩy thế giới vào một đại dịch toàn cầu nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ trong thế kỷ XXI. Bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội thế giới tác động đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị sẽ góp phần lý giải sự phát triển, vận động của thế giới từ đó gợi mở những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển cho Việt Nam.
Thứ ba, nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại không chỉ giúp lý giải sự phát triển, xu thế vận động của thế giới đương đại mà còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu, sai trái, thù địch, phản động.
Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước đã giành được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động; mặt trái của nền kinh tế thị trường; những điểm nóng kinh tế, xã hội; làn sóng xâm lăng văn hóa... cũng trở nên phức tạp hơn. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ và truyền thông xã hội, các thế lực thù địch tăng cường tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các luận điểm, luận cứ chính trị để khẳng định tính đúng đắn của chủ thuyết phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có vai trò vô cùng quan trọng. Nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại vừa giúp nâng cao năng lực lý luận vừa đóng góp những luận điểm, luận cứ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ tư, việc nghiên cứu một cách hệ thống các lý thuyết chính trị hiện đại trên thế giới giúp vận dụng các quan điểm tiến bộ, phù hợp của các lý thuyết này vào bối cảnh thực tiễn của Việt Nam để nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo và tính chính đáng của Đảng.
Thực tiễn chính trị, kinh tế và xã hội không ngừng biến đổi đòi hỏi phải tiếp thu, cập nhật những nội dung tiến bộ, phù hợp với xu thế vận động, phát triển của thế giới để đổi mới lý luận. Nghiên cứu lý luận nói chung và lý thuyết chính trị hiện đại nói riêng sẽ góp phần nâng cao sức sống của Đảng. V.I. Lênin đã chỉ ra vai trò quyết định của lý luận cách mạng tiên phong. Trong tác phẩm Làm gì? xuất bản tháng 02/1902, V.I. Lênin phát triển quan điểm của Ph. Ăngghen về tầm quan trọng của lý luận trong phong trào dân chủ - xã hội. V.I. Lênin chỉ ra nhiệm vụ hàng đầu của những người lãnh đạo là “phải học tập, ngày càng nhiều hơn, tất cả các vấn đề lý luận; phải tự giải thoát, ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu cổ truyền của thế giới quan cũ, và không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, đòi phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: cần “tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”.
Thứ năm, nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại trên thế giới gắn liền với việc tổng kết thực tiễn trong nước, góp phần xây dựng phương pháp tiếp cận, đưa ra đề xuất xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Đây là định hướng đúng đắn và cần được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp, đồng thời cần được triển khai trên một nền tảng lý luận vững vàng, khoa học. Trên cơ sở đó, Văn kiện Đại hội XIV của Đảng sẽ cần tiếp tục làm rõ, bổ sung, hoàn chỉnh các định hướng lớn này. Sự phát triển của Việt Nam cần đặt trong bối cảnh chung của thế giới, phù hợp với các quy luật khách quan của lịch sử. Do đó, việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, bao gồm việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại phải chủ động, tích cực, sáng tạo, mạnh dạn đưa ra những đề xuất, kiến nghị mang tính đột phá trở thành quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
3. Các hướng tiếp cận nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại tại Việt Nam
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại thường tập trung làm rõ lịch sử của các lý thuyết chính trị; nội dung, tư tưởng của các lý thuyết chính trị và phạm vi, đối tượng ảnh hưởng của lý thuyết chính trị, từ đó đánh giá ưu điểm, hạn chế của lý thuyết và đề xuất khả năng vận dụng những hạt nhân hợp lý của các lý thuyết này vào thực tiễn Việt Nam. Các nghiên cứu về lý thuyết chính trị thường được tiến hành theo một số hướng tiếp cận nghiên cứu chủ yếu như: (1) nghiên cứu chung về các lý thuyết chính trị; (2) nghiên cứu theo vấn đề, nhóm vấn đề được đề cập trong lý thuyết chính trị và (3) nghiên cứu theo tác giả của lý thuyết chính trị.
Thứ nhất, hướng tiếp cận nghiên cứu về các lý thuyết chính trị tập trung vào lịch sử, quá trình phát triển và một số nội dung chủ yếu của lý thuyết chính trị được phân chia theo thời gian hoặc khu vực địa lý. Các nghiên cứu này thường mang tính chất nhập môn, đại cương để giới thiệu khái quát về các lý thuyết chính trị.
Thứ hai, hướng tiếp cận nghiên cứu theo vấn đề hoặc nhóm vấn đề các lý thuyết đề cập như mô hình phát triển, đạo đức, tự do, công lý, công bằng, bình đẳng, nhân quyền, tính chính đáng của đảng chính trị...
Thứ ba, hướng tiếp cận nghiên cứu về các lý thuyết chính trị được tiếp cận theo tác giả hoặc nhóm tác giả của lý thuyết chính trị. các nghiên cứu này hướng tới lý giải những đặc điểm về gia đình, xuất thân, giáo dục, môi trường sống... của tác giả lý thuyết ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và nội dung lý thuyết.
Tuy nhiên, các lý thuyết chính trị hiện đại chưa được tiếp cận nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống ở Việt Nam. Các nghiên cứu về lý thuyết chính trị hiện đại còn thiếu tính hệ thống hoặc chưa đầy đủ, xuất hiện chủ yếu ở hình thức của bài tạp chí, tham luận hội thảo, luận văn, luận án và đề tài nghiên cứu. Các tài liệu này không trình bày một cách hệ thống về nguồn gốc hình thành, nội dung chủ yếu và phạm vi ảnh hưởng của các lý thuyết.
Việc tổng quan các nghiên cứu về lý thuyết chính trị nói chung và lý thuyết chính trị hiện đại nói riêng ở Việt Nam cho thấy một số điểm đáng lưu ý sau:
Một là, việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại phụ thuộc nhiều vào các văn bản dịch từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung và một số ngôn ngữ khác sang tiếng Việt. Quá trình biên dịch ở một mức độ nhất định không phản ánh trung thực tư tưởng nguyên bản của các lý thuyết chính trị. Việc tiếp cận lý thuyết chính trị của các nhà triết học, nhà khoa học chính trị nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu thông qua các bản dịch mà chưa có sự tham khảo nguyên bản, đối chiếu giữa các bản thảo. Việc nghiên cứu các tài liệu dịch tiếng Việt về các lý thuyết chính trị cũng cho thấy, một số bản dịch còn chưa sát với nguyên bản. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ chính trị quan trọng còn có những cách dịch khác nhau.
Hai là, việc xác định thế nào là lý thuyết chính trị hiện đại còn chưa có sự thống nhất, do đó phạm vi nghiên cứu của các đề tài về lý thuyết chính trị hiện đại ở Việt Nam rất khác nhau. Lý thuyết chính trị hiện đại được hiểu là các lý thuyết mới xuất hiện nhưng các nhà nghiên cứu lại có cách thức phân kỳ khác nhau. Trong bài viết này, sự kiện Liên Xô sụp đổ được lấy làm dấu mốc xác định lý thuyết chính trị hiện đại bởi sự kiện này ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến trật tự thế giới và bối cảnh chính trị thế giới.
Bên cạnh đó, quan niệm về các giá trị chính trị cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia, nền chính trị và tác giả khác nhau. Andrew Heywood trong cuốn Nhập môn các tư tưởng chính trị (Political ideologies: An introduction) (năm 2017) cho rằng, các khái niệm như “tự do”, “bình đẳng”, “công bằng”, “công lý” được sử dụng thường xuyên nhưng không phải lúc nào cũng chính xác8.
Ba là, nghiên cứu về các lý thuyết chính trị hiện đại còn thiếu tính biện chứng. Hiện nay chưa có các tài liệu, nghiên cứu bằng tiếng Việt trình bày một cách hệ thống về hoàn cảnh ra đời, nội dung tư tưởng; đánh giá đầy đủ về điểm mạnh và hạn chế của lý thuyết, đồng thời đưa ra những gợi ý, đề xuất để vận dụng các lý thuyết này vào thực tiễn Việt Nam. việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại chưa xem xét lý thuyết trong quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của nó. Điều này là do việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại tại Việt Nam chủ yếu thực hiện thông qua các văn bản dịch và các nghiên cứu chỉ đề cập đến một số quan điểm của các lý thuyết này mà chưa có sự tổng hợp, phân tích và đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc.
Bốn là, việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại mới dừng lại ở quá trình hình thành và nội dung tư tưởng mà thiếu sự phản biện, đối chiếu, so sánh, liên kết với các lý thuyết khác. Các nghiên cứu trong nước thiên về làm rõ, phân tích một số quan điểm, ý tưởng của tác giả mà chưa phác thảo được bối cảnh hình thành, phát triển, hoàn thiện các quan điểm, ý tưởng đó trong sự tương tác, thậm chí xung đột với các lý thuyết chính trị khác. Chẳng hạn, Amartya Sen đã phát triển các quan điểm về kinh tế học và công lý của mình trên cơ sở phê phán các quan điểm của John Rawls về công lý và công bằng. Chính vì vậy, để hiểu được các quan điểm của Amartya Sen về công bằng xã hội, rất cần nghiên cứu, đối chiếu nó với các quan điểm của John Rawls. Bên cạnh đó, với xuất thân là người Ấn Độ, Amartya Sen đã mang vào học thuyết của mình những quan điểm, giáo lý của đạo Phật và không ít quan điểm của ông, trong đó có quan điểm về nguyên nhân của nạn đói và khả năng của con người xuất phát từ những trải nghiệm sâu sắc, cụ thể của ông tại Ấn Độ.
Năm là, chưa có những kiến nghị, đề xuất về khả năng vận dụng các lý thuyết chính trị hiện đại vào thực tế Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Các nghiên cứu, bài viết về tư tưởng, quan điểm của John Rawls, Michel Foucault, Amartya Sen, Noam Chomsky, Francis Fukuyama và nhiều học giả khác chủ yếu dừng lại ở việc phác thảo quá trình hình thành và làm rõ các nội dung chính. Để đưa ra được các đề xuất, kiến nghị phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cần nghiên cứu một cách có hệ thống, sâu sắc về các lý thuyết chính trị hiện đại, đồng thời có một phương pháp tiếp cận, lập trường phù hợp, khoa học.
Sáu là, phương pháp tiếp cận và nhận thức của các nhà nghiên cứu trong nước về các lý thuyết chính trị hiện đại còn thiếu sự thống nhất. Các nghiên cứu trong nước sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau nhưng chủ yếu là phương pháp nghiên cứu tài liệu và phân tích nội dung. Việc trao đổi, phỏng vấn sâu, tọa đàm chuyên môn với các nhà nghiên cứu nước ngoài uyên thâm về các lý thuyết chính trị hiện đại còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến tính toàn diện của kết quả nghiên cứu, thậm chí trong một số trường hợp dẫn đến tư duy tư biện trong quá trình nghiên cứu.
4. Gợi mở một số hướng nghiên cứu về lý thuyết chính trị hiện đại tại Việt Nam
Trên cơ sở nhận diện các lý thuyết chính trị hiện đại, làm rõ sự cấp thiết và các hướng tiếp cận nghiên cứu lý thuyết chính trị tại Việt Nam hiện nay, chỉ rõ yêu cầu đối với việc nghiên cứu lý thuyết chính trị hiện đại, có thể thấy việc nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại cần được tiếp tục thực hiện trên các hướng chủ yếu sau:
Thứ nhất, nghiên cứu về phương pháp tiếp cận và nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại nhằm làm rõ khái niệm, bản chất và vai trò của lý thuyết chính trị hiện đại; tiêu chí nhận diện, phân loại các lý thuyết chính trị hiện đại; phương pháp nghiên cứu các lý thuyết chính trị hiện đại... Đây là hướng nghiên cứu mang tính căn bản, nền tảng để định hướng cho việc nghiên cứu, giảng dạy lý thuyết chính trị hiện đại tại Việt Nam.
Thứ hai, nghiên cứu chuyên sâu về các lý thuyết chính trị hiện đại tiêu biểu theo trục ngang hoặc theo trục dọc. Theo trục ngang, các nghiên cứu có thể tập trung vào từng lý thuyết như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa đa văn hóa... Theo trục dọc, các nghiên cứu có thể tập trung vào vấn đề hoặc nhóm vấn đề mà các lý thuyết khác nhau đề cập như tự do, dân chủ, công lý, công bằng, quyền lực, nhà nước, phương thức cầm quyền... Hướng nghiên cứu theo tác giả, nhóm tác giả của các lý thuyết chính trị hiện đại cũng cần được quan tâm.
Thứ ba, trên cơ sở phân tích, lý giải nội dung chính của các lý thuyết chính trị, các nghiên cứu cần đánh giá được những điểm hợp lý và hạn chế của các lý thuyết chính trị hiện đại, chỉ ra được nguyên nhân của những điểm hợp lý và hạn chế. Muốn làm được điều này, các nhà nghiên cứu cần xây dựng được khung phân tích hợp lý bởi bất kỳ một sự đánh giá nào cũng cần có lập trường chính trị, lập trường khoa học và khung quy chiếu gắn với bối cảnh cụ thể.
Thứ tư, nghiên cứu để gợi ý, đề xuất phương pháp tiếp cận của Việt Nam với các lý thuyết chính trị hiện đại như khả năng vận dụng các lý thuyết chính trị hiện đại trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền; xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; kiểm soát quyền lực... trong thực tiễn Việt Nam. Đây là những vấn đề lớn đặt ra hiện nay trong bối cảnh Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Các lý thuyết chính trị hiện đại là sự kết tinh về quy luật vận động, phát triển của nền chính trị, kinh tế đương đại, giúp chúng ta hiểu được thế giới đang vận động như thế nào và chúng ta cần ứng xử ra sao trong bối cảnh ấy để giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
1. Francis Fukuyama: “The end of history?” The National Interest, No.16, 1989.
2. Ian Adams, R.W. Dyson: Fifty major political thinkers, Routledge, 2003.
3. Robert Nozick: Anarchy, State, and Utopia, Basic Books, 1974.
4.https://www.forbes.com/sites/pascalemmanuelgobry/2013/06/05/milton-friedman-on-austerity/?sh=265108425628.
5. Nguyễn Đăng Dung, Lê Thị Thanh Lai (đồng chủ biên): Lịch sử các học thuyết chính trị, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2020.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 181-182.
7. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 6, tr. 34.
8. Andrew Heywood: “Political ideologies: An introduction”, Palgrave MacMillan, 2017.
Theo Tạp chí Lý luận chính trị điện tử
Lưu Thảo tổng hợp
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nghien-cuu-ly-thuyet-chinh-tri-hien-dai-tai-viet-nam-hien-nay-a8033.html