Nguyễn Chí Thanh - tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, tác phong của người chiến sĩ cộng sản

CT&PT - Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn thể hiện rõ những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, là nhà chính trị - quân sự xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bài viết phân tích và tập trung làm rõ tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng và tác phong làm việc, phong cách lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

1. Về tư tưởng của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Thanh

Đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo cách mạng

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình nông dân đông anh em. Từ nhỏ đã sớm mồ côi cha, dù ham học nhưng Nguyễn Chí Thanh phải nghỉ học đi cày thuê, cuốc mướn để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Chứng kiến đời sống cực khổ, lầm than của người dân quanh vùng, người thanh niên Nguyễn Chí Thanh hết sức căm phẫn phong kiến - thực dân, luôn đau đáu làm sao để giúp đồng bào mình thoát khỏi cảnh đói rách, đọa đày đau khổ; đánh đổ sự cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.

Khi đó, Nguyễn Chí Thanh vẫn chưa biết đến cách mạng vô sản, chưa hiểu chủ nghĩa xã hội là gì, mà chỉ mang trong mình lòng thương người, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Thời gian làm tá điền ở làng Nam Dương, huyện Phong Điền, Nguyễn Chí Thanh đã tập hợp, vận động, tổ chức những người lao động cùng với mình đấu tranh đòi quyền lợi nhưng đó chỉ là đấu tranh tự phát. Như chính đồng chí sau này đã nói: những cuộc đấu tranh chống cường hào đó chỉ là “hăng máu vịt”1.

Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi lớn về nhận thức, tư tưởng cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Chí Thanh là may mắn được gặp đồng chí Phan Đăng Lưu tại nhà cụ Phan Bội Châu. Đồng chí Phan Đăng Lưu đã giải thích cho Nguyễn Chí Thanh và người bạn đi cùng biết về tình hình chính trị nước Pháp lúc bấy giờ và phong trào đấu tranh cách mạng ở Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp; tình hình cách mạng ở Đông Dương và chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương là đánh đuổi đế quốc, lật đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc, đem lại nền dân chủ, xây dựng một xã hội mới không có giai cấp, không còn áp bức, bóc lột để đưa Đông Dương tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Sự diễn giải của đồng chí Phan Đăng Lưu đã giúp Nguyễn Chí Thanh biết và hiểu thế nào là chủ nghĩa cộng sản2.

Sau đó, được sự giới thiệu của đồng chí Phan Đăng Lưu đến đồng chí Nguyễn Chí Diểu - một cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được đồng chí Nguyễn Chí Diểu nói rõ hơn về tình cảnh người dân Đông Dương dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, về cách mạng dân chủ, cách mạng xã hội chủ nghĩa, về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và về Liên Xô, Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu còn hướng dẫn, giúp đỡ về cách thức, phương pháp vận động, tập hợp quần chúng, phương pháp hoạt động cách mạng.

Có thể thấy, cuộc gặp của Nguyễn Chí Thanh với đồng chí Phan Đăng Lưu và sau đó là đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong lập trường tư tưởng của Nguyễn Chí Thanh, từ lòng yêu nước chuyển sang lý tưởng cộng sản, tư tưởng vô sản và đi theo cách mạng vô sản. Với những hoạt động tích cực khi được phân công, sau thời gian ngắn, tháng 7/1937, Nguyễn Chí Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành đảng viên cộng sản. Từ đây, Nguyễn Chí Thanh chính thức trở thành một chiến sĩ cách mạng vô sản, luôn có tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, luôn tranh đấu, cống hiến trọn đời vì dân, vì nước.

Tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đường lối cách mạng của Đảng

Tham gia hoạt động cách mạng, nhờ quá trình tự học, tự nghiên cứu và được các nhà hoạt động cách mạng đi trước bồi dưỡng, huấn luyện, đồng chí Nguyễn Chí Thanh với tư chất thông minh đã có sự phát triển nhanh chóng về trình độ cũng như lý luận cách mạng, phương pháp hoạt động, được cử làm Bí thư Chi bộ ở huyện Quảng Điền (tháng 11/1937) và sau đó là Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên (đầu năm 1938). Đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn bám sát địa bàn, gần dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đồng thời, tích cực tuyên truyền trong quần chúng nhân dân địa phương về Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã truyền bá hệ tư tưởng vô sản của Đảng, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chứng minh rằng những quyết sách đó là hoàn toàn sáng suốt, đúng đắn, để quần chúng nhân dân thấy được mục đích cao nhất của Đảng là lãnh đạo đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; muốn làm được điều đó thì phải đoàn kết đấu tranh giành lấy chính quyền. Những hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, để rồi tập hợp, vận động, phát động họ hăng hái đấu tranh cách mạng hoặc giúp họ nhiệt thành tham gia cách mạng khi có điều kiện.

Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhiều lần bị địch bắt, bị tù đày ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Trong lao tù đế quốc, đồng chí luôn là người tiên phong trong tư tưởng cũng như hành động, bảo vệ anh em tù chính trị, đấu tranh chống lại bọn quản ngục. Trong thời gian bị tù đày ở Huế, Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu là hai đồng chí tích cực, đóng vai trò quan trọng trong công tác huấn luyện cho các đồng chí đảng viên, người hoạt động yêu nước bị giam ở nơi đây. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh huấn luyện về công tác xây dựng Đảng, về tiêu chuẩn đảng viên, cách thức kết nạp đảng viên, công tác bí mật, công tác vận động quần chúng3

 Trong thời gian bị tù đày ở Buôn Ma Thuột, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ cách mạng có tư tưởng chính trị vững vàng, lý tưởng kiên trung. Đồng chí tích cực triển khai công tác xây dựng Đảng, cụ thể đã góp phần quan trọng trong đào tạo, huấn luyện các chiến sĩ cách mạng, đảng viên về lý luận, đạo đức của người cách mạng, về phương pháp hoạt động cách mạng, như: phải tuyệt đối bí mật, cách viết, in, rải truyền đơn, cách diễn thuyết trước quần chúng, cách đối phó với mật thám lúc không may bị chúng bắt, xét hỏi, tra trấn4... Dù trong tù, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bồi dưỡng, kết nạp, huấn luyện được rất nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động trong tù có lý luận sắc bén, bản lĩnh kiên cường, phương pháp hoạt động cách mạng nhạy bén, linh hoạt.

Thời gian làm lãnh đạo trong Quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là giáo dục về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí luôn nêu cao, yêu cầu các đảng viên, chiến sĩ quân đội phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng chí đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của công tác tư tưởng với quan điểm công tác tư tưởng phải sát với thực tiễn, với tình hình thực tế đang diễn ra. Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn cán bộ cao và trung cấp quân đội vào ngày 12/5/1957, đồng chí nhận định: “Cuộc đấu tranh giai cấp của ta đã chuyển sang một hình thái mới, do đó cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tư tưởng giai cấp vô sản và tư tưởng giai cấp tư sản và các giai cấp phi vô sản khác trong nội bộ Đảng ta, quân đội ta đã trở thành một vấn đề thời sự trọng yếu của công tác tư tưởng”5.

Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ trần, trong bài “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Chí Thanh” đăng trên Báo Nhân dân có đoạn viết: “Đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo rất quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ và chiến sĩ mà chính bản thân đồng chí là một tấm gương sáng ngời”6.

Đồng chí góp phần bổ sung, làm rõ, vận dụng lý luận cách mạng vào điều kiện cụ thể

Qua các bài nói, bài viết, tác phẩm của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, có thể thấy đồng chí là nhà hoạt động cách mạng có lý luận sắc bén, đã vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào các lĩnh vực công tác mà đồng chí được phân công. Đồng chí đã cụ thể hóa, góp phần bổ sung làm rõ đường lối cách mạng của Đảng trong cách mạng giải phóng miền Nam, vận dụng sáng tạo để đưa phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí, cách mạng miền Nam đã giành được những thắng lợi vẻ vang, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm công tác văn hóa, văn nghệ nói chung và công tác văn hóa, văn nghệ trong Quân đội nói riêng. Xem đây là phương thức quan trọng để qua đó tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, ca ngợi về Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu trong quân đội, động viên tinh thần sáng tạo của các chiến sĩ. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ trần, Xã luận báo Quân đội nhân dân đã viết: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một trong những đồng chí cán bộ lãnh đạo rất quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội. Đồng chí đã chú ý giáo dục anh chị em làm công tác văn nghệ nâng cao lập trường giai cấp vô sản, nắm vững đường lối văn nghệ của Đảng, rèn luyện đạo đức, tác phong cách mạng, kiên quyết chống lại mọi quan điểm và biểu hiện sai lầm trong văn nghệ”7.

Xây dựng Đảng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ cách mạng

Đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đồng chí luôn tích cực truyên truyền, truyền bá về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, về đường lối cách mạng của Đảng đến với cán bộ, đảng viên, trong quân đội và với quần chúng nhân dân.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng trong mọi hoàn cảnh. Đồng chí nêu rõ: “Tư tưởng của giai cấp vô sản là luôn luôn xuất phát từ lợi ích cách mạng để phục vụ cho cách mạng, còn tư tưởng của giai cấp tư sản và tiểu tư sản thì đầy rẫy tính ích kỷ, bần tiện của chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết đến mình, quan tâm đến lợi ích của mình”8. Với đồng chí, bảo vệ Đảng là luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng; đấu tranh chống các biểu hiện dao động, tư tưởng tiểu tư sản, phong kiến. Đồng chí luôn quán triệt: “Phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh ở trong Đảng, biểu hiện cụ thể của tư tưởng tiểu tư sản, đồng thời phải chống ảnh hưởng tư tưởng tư sản”9.

Đồng chí nêu rõ, trong quá trình hoạt động, các tổ chức đảng, đảng viên không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, sửa chữa; phải đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh bảo vệ tư tưởng của Đảng: “Để khắc phục những sai lầm, phát huy những tư tưởng đúng, chúng ta phải đặc biệt coi trọng việc giáo dục và đấu tranh tư tưởng”10.

Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ của cấp trên

Quá trình hoạt động cách mạng, dù được phân công nhiệm vụ gì, ở Trung ương hay địa phương, ra Bắc hay vào Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn chấp hành nghiêm túc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1967, Xã luận báo Quân đội nhân dân đã viết về đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “Đồng chí đã nêu một tấm gương trong sáng về lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng về lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, về lập trường giai cấp kiên định, về tinh thần cách mạng triệt để, tiến công kiên quyết và liên tục vào mọi kẻ thù giai cấp và dân tộc, chiến đấu không mệt mỏi để giành thắng lợi cho cách mạng, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chân lý, không lùi bước trước bất cứ nguy hiểm khó khăn nào, luôn luôn nêu cao khí phách kiên cường của người chiến sĩ Mácxít - Lêninnít”11. Đồng chí luôn khẳng định: “Đối với đường lối của Đảng, cán bộ, đảng viên ta đều nhất trí, song điều quan trọng hơn nữa là phải kiên quyết bảo vệ và phấn đấu đến cùng thực hiện đường lối của Đảng”12.

2. Về phẩm chất đạo đức cách mạng

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người khiêm tốn, giản dị, luôn lắng nghe, sẻ chia với đồng chí, đồng đội và nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã phản ánh tấm gương đạo đức trong sáng, hội tụ các phẩm chất cao đẹp nhất của người chiến sĩ cách mạng; giàu đức hy sinh, cống hiến vì cách mạng, vì dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Bất cứ ở đâu, làm gì, đồng chí luôn nhận được sự tín nhiệm, tin yêu, quý trọng của nhân dân, sự ngưỡng mộ, noi theo của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Về tình thương yêu, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người: Phẩm chất cao đẹp này bộc lộ từ rất sớm trong đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Trước khi tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí đã đấu tranh để bảo vệ, bênh vực người nghèo, đòi quyền lợi cho những người lao động bị địa chủ, cường hào bóc lột, hà hiếp. Thời gian ở trong tù, dù đối diện với nhiều hiểm nguy đe dọa đến tính mạng, song đồng chí vẫn luôn chủ trương tập hợp, kêu gọi anh em tù đoàn kết đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của các đồng chí đang bị tù đày, không bao giờ vì hoàn cảnh mà dập tắt ý chí chiến đấu. Quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ lúc nào, cương vị nào thì tình thương yêu, sẵn sàng giúp đỡ mọi người của đồng chí cũng luôn hiện hữu.

Quá trình lãnh đạo địa phương, đồng chí luôn quan tâm đến đời sống của bà con nông dân. Tại hội nghị cán bộ ở làng Nam Dương, huyện Phong Điền tháng 3/1947, đồng chí đã nêu lên một trong những vấn đề trọng tâm cần thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, đó là phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăm sóc bệnh binh, chăm lo đời sống cho bà con đi sơ tán13… Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định về đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “Anh hết lòng thương yêu nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội”14.

Sự kiên trung, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của người đảng viên cộng sản trước quân thù: Một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của người chiến sĩ cách mạng, đảng viên cộng sản là sự kiên trung về ý chí, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, niềm tin vào chế độ. Đồng chí đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, lý tưởng cộng sản, từ đó luôn một lòng sắt son đi theo Đảng; tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng; không bao giờ dao động, hoài nghi về năng lực lãnh đạo của Đảng, về con đường cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Chính niềm tin, lòng trung thành tuyệt đối đó đã thôi thúc người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Thanh ra sức hoạt động cách mạng, làm việc hiệu quả để đóng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; hy sinh lợi ích cá nhân và cả tính mạng vì sự nghiệp của Đảng.

Sự kiên trung, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với chế độ của đồng chí Nguyễn Chí Thanh được thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Năm 1939, khi bị địch bắt và giam ở Huế, biết đồng chí là người đứng đầu tổ chức Đảng Cộng sản ở tỉnh Thừa Thiên, bọn mật thám Pháp tìm cách khai thác thông tin, chúng dùng mọi thủ đoạn để tra hỏi, nhưng đồng chí không khai một lời15. Sự kiên trung, khí phách anh dũng của người cách mạng Nguyễn Chí Thanh trước quân thù đã làm cho quân thù phải nể phục.

Sự kiên trung, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng - tiếng gọi của non sông, đất nước của đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn được thể hiện rõ qua việc đồng chí sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để được hoạt động cách mạng. Bị địch bắt, cầm tù, thân thể trong tù nhưng ý chí, lý tưởng cộng sản, tinh thần tranh đấu của đồng chí luôn sáng ngời.

Trong thời gian bị cầm tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cho thấy khí phách anh dũng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Đồng chí không cam chịu phải chết dần chết mòn trong nhà lao; không buông xuôi, tuyệt vọng mà luôn đấu tranh vì lý tưởng sống: “Sống để về với Đảng, với phong trào cách mạng của nhân dân”16 . Đồng chí đã tập hợp, huấn luyện cho các đồng chí đang cùng bị giam. Phần lớn các đồng chí bị địch bắt giam ở đây chưa trải qua các cuộc đấu tranh với địch trong nhà tù nên tâm lý, tinh thần chưa được tôi luyện, phương pháp đấu tranh còn non yếu. Một mặt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm công tác tuyên truyền lý tưởng cộng sản, đường lối, chủ trương của Đảng; mặt khác làm công tác phát triển đảng viên, huấn luyện đảng viên hoạt động đấu tranh cách mạng trong tù, mà trước hết là để các đồng chí đó có thể tự đấu tranh bảo vệ mình trước kẻ thù.

Bị địch bắt, dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cho thấy tinh thần dũng cảm và thái độ không khoan nhượng trước kẻ thù, dù là đòn roi hay cám dỗ. Đồng chí không khai bất cứ một lời nào gây ảnh hưởng đến đồng chí, đồng đội, cách mạng. Đồng chí đã cho thấy bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, để bọn địch thấy rằng “không thể nào dùng những phương pháp tàn nhẫn mà bẻ gẫy sự chống đối kiên quyết của những người chiến sĩ đã được thử thách”17. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh xem nhà tù là nơi tôi luyện ý chí, phẩm chất, khí tiết, sự bền gan của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Để được trở về với nhân dân, với tổ chức, với cách mạng, với Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã hai lần vượt ngục thành công. Vượt ngục là vấn đề hệ trọng, rất nguy hiểm, cơ may để thoát được rất ít và nếu thất bại sẽ bị địch bắn chết, hoặc nếu bắt lại thì cũng tra tấn hết sức man rợ, tăng án phạt tù và hành hạ dã man hơn trước rất nhiều. Nhưng dù phải hy sinh, với quyết tâm trở về hoạt động cách mạng, về với Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã quyết định vượt ngục, thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, không cam chịu ngồi trong lao để nhìn đồng bào đang bị đọa đày, đau khổ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cho thấy phẩm chất cao đẹp của nhà hoạt động cách mạng, như lời lãnh tụ của Đảng Cộng sản Bungari, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí Đimitơrốp đã nói vào năm 1939: “không sợ chết, đó không phải là chủ nghĩa anh hùng cá nhân; đó thực là phẩm chất của người cộng sản”18.

Tính cương trực, thẳng thắn: Bản chất của người nông dân gần gũi, chân thật đã ăn sâu trong con người Nguyễn Chí Thanh từ thời niên thiếu được biểu hiện bằng đức tính cương trực, thẳng thắn khi tham gia cách mạng. Đồng chí rất ghét thói ba hoa, né tránh, tham lam, không dám nhận trách nhiệm. Tại một hội nghị, khi có những cơ sở tham ô lại đổ lỗi do thiên tai, đồng chí nói thẳng: “Đó là đảng ủy tai, chứ thiên với tai gì!”19.

Tính cương trực, thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn thể hiện ở quan điểm, việc làm của đồng chí trong đấu tranh chống lại những sai lầm, hạn chế, đồng thời nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Năm 1947, trong một hội nghị cán bộ tại làng Nam Dương, huyện Phong Điền, đồng chí nói: “Bộ đội ta rất anh dũng, rất gan dạ. Đồng bào ta có tinh thần cách mạng rất cao, rất thiết tha với cách mạng, muốn theo Đảng, theo Chính phủ chiến đấu để giành độc lập, tự do. Điều đáng trách là chúng ta không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc. Chúng ta không biết cách động viên toàn dân chiến đấu”20.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; xây dựng tình đoàn kết: Trong bài nói chuyện tại Hội nghị chỉnh huấn cán bộ cao và trung cấp của Quân đội ngày 12/5/1957, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nói về vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề: nguồn gốc và hoàn cảnh phát sinh chủ nghĩa cá nhân trong Đảng và trong Quân đội; biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, hình thái và sự phát triển của nó; phương hướng khắc phục. Trong đó, các “căn bệnh” như: công thần địa vị, kiêu ngạo, đòi hỏi, hưởng thụ, tư lợi, cục bộ địa phương, tự do vô kỷ luật… chính là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân21.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của tập thể, tổ chức, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng chí đã sống như lời đồng chí đã nói: “Nếu ta chỉ luẩn quẩn trong sự suy bì tủn mủn thì nó sẽ ảnh hưởng đến hoài bão, đến lòng tin tưởng và sức phấn đấu của mình cho chủ nghĩa cộng sản như thế nào? Lo lắng cho bản thân mình là cần, chính sách có chỗ nào chưa đủ hoặc không đúng thì đề nghị, phê bình, nhưng tư tưởng chủ yếu chỉ đạo trong mỗi một người cách mạng là phải lo cho cách mạng trước hết, đặt cách mạng lên trên hết. Nếu quá lo lắng cho cá nhân mình thì làm cộng sản, làm cách mạng thế nào được”22.

Từ lúc bị tù đày đến lúc là bí thư chi bộ, lãnh đạo địa phương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị hay trong đời sống thường nhật, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết. Điều này thể hiện tư cách đạo đức của người cách mạng, đồng thời là tố chất cao đẹp cần có của người lãnh đạo.

Đồng chí Văn Tiến Dũng - người cùng công tác trong Quân đội với đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhận xét: “Bản thân đồng chí cũng là tấm gương về cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chan hòa gần gũi quần chúng, sống giản dị, trong sạch, trong nếp sống và giáo dục gia đình cũng làm như vậy”23. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương trong sáng về đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, như lời của đồng chí từng nói: “Đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cái cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”24.

3. Về tác phong làm việc, phong cách của một nhà lãnh đạo

Quá trình hoạt động cách mạng, công tác của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã để lại dấu ấn, hình ảnh đậm nét về một chiến sĩ cách mạng, một cán bộ lãnh đạo luôn tận tâm, tận lực vì công việc. Với đồng chí, phải luôn đặt hiệu quả của công việc lên hàng đầu. Bản thân đồng chí luôn tiên phong trong mọi hành động, là người có nhiều sáng kiến trong công tác. Ở vị trí nào đồng chí cũng luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển, nổi bật là điển hình “Đại Phong” khi công tác ở lĩnh vực nông nghiệp và phong trào “Ba Nhất” khi công tác trong quân đội.

Đồng chí Đoàn Chương - người nhiều năm công tác cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhận xét: “Nét nổi bật anh Thanh là sự nhạy bén, sắc sảo trong công việc. Có việc tưởng chừng giản đơn thì Anh lại phát hiện được những khía cạnh sâu sắc và phức tạp của nó. Có việc tưởng chừng khó khăn phức tạp thì Anh lại giải quyết có vẻ giản đơn nhưng dứt điểm”25. Không chỉ vậy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn “là một con người có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình cách mạng rất cao, có nhiều sáng tạo trong công tác”26.

Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn gắn bó với những công việc hệ trọng, gian nan, vất vả, nhưng đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trao cho, luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người cộng sản có lý tưởng sống cao đẹp, luôn quyết tâm hành động để đạt được mục tiêu đề ra; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tư tưởng bảo thủ, bàn lùi, những người hoài nghi, dao động về tư tưởng, lập trường. Đồng chí từng nói: “Người cộng sản mà không chăm lo đến lợi ích sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, lợi ích của giai cấp và của nhân dân mà chỉ lấy mức hưởng thụ làm điều kiện để phấn đấu thì tức là đã thoái hóa về mặt tư tưởng, không thấm nhuần đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Từ đó, đồng chí yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên ta lấy lý tưởng cộng sản chủ nghĩa làm mục tiêu phấn đấu của mình, thì lại càng nâng cao tinh thần hy sinh phấn đấu, đem hết sức mình cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp cách mạng”27.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh của một nhà lãnh đạo luôn tâm huyết vì nhiệm vụ, vì công việc. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ tư lệnh trong lễ tang Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu: “Đồng chí đã tỏ ra là một người lãnh đạo xuất sắc, đem hết tài năng và nghị lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và quân sự của Đảng”28.

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, giàu lòng yêu nước và đậm nghĩa tình đã góp phần hình thành nên những đức tính, phẩm chất tốt đẹp trong con người đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ thuở thiếu thời. Để rồi, những đức tính đó phát triển, hình thành nên một chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Thanh sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách trong công tác cũng như trong đời sống hằng ngày. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, từ người nông dân nghèo đến lãnh đạo xuất sắc của tỉnh Thừa Thiên cho đến khi trở thành vị tướng tài ba, lãnh đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là tấm gương của một nhà hoạt động cách mạng suốt đời vì lý tưởng cộng sản, sẵn sàng cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc. Trong Điếu văn đồng chí Nguyễn Chí Thanh ghi nhận: “...dù hoàn cảnh khó khăn phức tạp đến đâu, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh trao cho; đồng chí xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, được nhân dân và Quân đội ta vô cùng yêu mến”29.


1, 25. Đoàn Chương: “Người con ưu tú của quê hương, đất nước”, in trong Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1987, tr. 29, 30.

2. Hồng Chương: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh”, in trong Một lòng vì Đảng, vì dân, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 77.

3, 4, 5. Hồng Chương: “Trong nhà tù”, in trong Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Sđd, tr. 71, 77, 70.

5, 8, 21, 22, 24.  Nguyễn Chí Thanh: Chống chủ nghĩa cá nhân, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1959, tr. 12, 5, 2, 8, 22.

6, 7, 11, 29. Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Sđd tr. 18, 23, 22-23, 66-67.

26, 28. Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Sđd, tr. 14. 

9, 10, 12, 27. Nguyễn Chí Thanh: Nâng cao lập trường tư tưởng vô sản, đoàn kết, phấn đấu giành thắng lợi mới, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr. 27, 31, 25, 11.

13, 19, 20. Chế Lan Viên: “Anh Thanh”, in trong Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Sđd, tr. 106, 82, 104.

14. Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội ta”, in trong Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, tr. 21.

16. Tỉnh ủy Đắk Lắk - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột (1930 - 1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 37.

17, 18.  Mácxen Uynla: Thái độ người cách mạng trước quân thù, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 37, 76.

23. Văn Tiến Dũng: “Một người con trung hiếu, mẫu mực của Đảng và nhân dân ta”, in trong Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người, Sđd, tr. 26.

Theo Tạp chí Lý luận chính trị điện tử

Phạm Hương tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nguyen-chi-thanh-tam-guong-sang-ngoi-ve-tu-tuong-dao-duc-tac-phong-cua-nguoi-chien-si-cong-san-a8024.html