Vai trò của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

CT&PT - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy chông gai, thử thách, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn trung thành, tận tụy với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó đồng chí để lại dấu ấn quan trọng trong những năm tháng đấu tranh giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vận động đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động cách mạng

Sau thời gian hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về nước. Đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ đầu tiên khi về nước là vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng, đặc biệt là xây dựng căn cứ địa cách mạng. Địa bàn được giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách là khu vực Cao Bằng và vùng Bắc Sơn - Võ Nhai. Thời điểm năm 1941 - 1942, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, một mặt luôn bị sự khủng bố gắt gao của kẻ thù, mặt khác vùng đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn không biết chữ, dân trí, văn hóa thấp, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu.

Tại Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp hăng hái đi khắp địa bàn hoạt động, tìm hiểu kỹ địa hình, tình hình chính trị, đời sống nhân dân và phong tục tập quán. Để thuận lợi cho quá trình vận động, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã học tiếng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… Bên cạnh đó, tài liệu tuyên truyền cũng được viết bằng nhiều thứ tiếng để phục vụ tuyên truyền rộng rãi. Qua sáng kiến này, trong quá trình tuyên truyền vận động, đồng chí nhanh chóng tiếp xúc, gần gũi với đồng bào, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và trình độ của quần chúng. Nhờ đó, đồng chí lựa chọn được những quần chúng ưu tú, tổ chức thành nhóm và huấn luyện. Theo đồng chí Võ Nguyên Giáp: “trong công tác vận động quần chúng… thì phải hiểu rõ trình độ quần chúng, có đi sát với trình độ quần chúng thì mới đưa quần chúng lên được”1.

Do bị địch kiểm soát gắt gao, các lớp huấn luyện khi đó thường diễn ra ngắn ngày, được mở ở dưới chân đèo, sườn núi, trong rừng sâu hoặc trong hang đá. Nội dung các bài tuyên truyền ngắn gọn, súc tích, làm cho quần chúng hiểu rõ bản chất của thực dân, đế quốc, thấu hiểu được nỗi khổ nhục của người dân mất nước, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do. Trong quá trình tuyên truyền và làm công tác huấn luyện, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu để phổ biến cho các đồng chí cùng thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí chỉ rõ: “Đồng bào phần lớn, lần đầu quen với những danh từ mới này, lại phải nhớ nhiều trong một lúc. Chúng tôi có kinh nghiệm đem một số danh từ đặt tên bí danh cho các đồng chí, để học viên dễ học, dễ nhớ. Từ đó xuất hiện nhiều tên mới như: Minh Khai, Ấu Triệu, Đấu Tranh, Độc Lập, Đề Thám, Hồng Phong…”. “Khi giảng về vấn đề đoàn kết để đánh Tây, đuổi Nhật thì vẽ người Mán, người Thổ, người Kinh cùng nắm tay nhau… cách này đã giúp anh chị em hiểu được dễ dàng hơn”2. Tại Hòa An và Nguyên Bình, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở thêm nhiều lớp huấn luyện, các đồng chí sau khi tham dự lớp học đều được giao nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển thêm hội viên mới.

Với sự hoạt động nỗ lực, không ngừng nghỉ, đầu năm 1942, tỉnh Cao Bằng có 3/9 châu thuộc Việt Minh, các xã đều có Ủy ban Việt Minh. Đây là một bước tiến mới trong lịch sử phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử sang gây dựng phong trào ở Cao - Bắc - Lạng, rồi tổng Kim Mã (Cao Bằng). Với tư duy chính trị sâu sắc, nhạy bén và dạn dày kinh nghiệm, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng tại những nơi này được gây dựng và diễn ra sôi nổi.

Cuối năm 1942, đầu năm 1943, hầu hết các xã, tổng ở Tây Bắc đều thành lập Mặt trận Việt Minh. “Các hội cứu quốc được mở rộng, phát triển rộng khắp thu hút nhiều hội viên tham gia. Hầu hết thanh niên nam nữ trong các xã hoàn toàn đều tham gia các tổ chức tự vệ, đều trải qua 2 đến 3 khóa huấn luyện về chiến thuật, cách đánh du kích và học tập chính trị. Mỗi xã đều thành lập được từ 1 đến 2 trung đội tự vệ chiến đấu được tổ chức và huấn luyện khá chặt chẽ”3. Công tác mua sắm vũ khí, tự trang bị vũ khí, chế tạo vũ khí thô sơ được trú trọng. Các tỉnh Cao - Bắc - Lạng trở thành căn cứ địa vững chắc của vùng Tây Bắc. Tổng Kim Mã, một nơi chưa tổ chức được Việt Minh đã thành lập được các hội cứu quốc, các Ban Việt Minh xã, tổng. Phong trào Kim Mã phát triển đã lan rộng sang các vùng xung quanh như Cẩm Lý, Khuổi Mán, Nậm Ty và nhiều làng bản ở hai huyện Ngân Sơn và Chợ Rã (Bắc Kạn).

Có được những kết quả trên, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác đã phải trải qua nhiều cuộc truy quét của kẻ thù, nhiều lần ẩn náu trong rừng sâu, vật lộn với mưa rừng, đói rét, bệnh tật, chờ khi địch rút mới quay lại bám đất, bám dân, bám bản để tuyên truyền, vận động. Tại những nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp hoạt động, mặc dù bị địch khủng bố đàn áp dã man, song đồng bào vẫn luôn tin tưởng vào cách mạng, nhờ đó các cơ sở cách mạng liên tục phát triển.

Trực tiếp tổ chức và phụ trách Ban Xung phong Nam Tiến

Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của Mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng, sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã củng cố lại Tỉnh ủy Cao Bằng và chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa nối Cao Bằng với Bắc Sơn - Võ Nhai. Trong thời gian này, Người cho rằng công tác liên lạc là tối quan trọng, bởi nó quyết định sự thống nhất về chỉ huy, phân phối lực lượng… Người xác định: “Phải cấp tốc tổ chức ngay con đường quần chúng từ Cao Bằng đến miền xuôi, thì lúc khủng bố mới có thể giữ vững được mối liên lạc, lúc hoạt động vũ trang các đội du kích mới có thể vận động một cách dễ dàng”4.

Xuất phát từ nhận định đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng quyết định mở rộng và phát triển căn cứ địa cách mạng theo ba hướng: Hướng Nam tiến từ trung tâm Cao Bằng phát triển xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Đây là hướng trung tâm và quan trọng nhất, có nhiệm vụ mở đường liên lạc từ Cao Bằng quan Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối liền với Chợ Đồn - Chợ Chu (Thái Nguyên). Hướng Bắc phát triển sang Đông Khê, Lạng Sơn, Đông Triều do đồng chí Chu Văn Tấn phụ trách. Hướng Tây tiến từ trung tâm Cao Bằng mở rộng sang Tuyên Quang,  Hà Giang và thông đường liên lạc với Côn Minh (Trung Quốc) do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách.

Trước thời cơ cách mạng sắp đến và phong trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền sôi nổi khắp cả nước, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 02/1943) xác định vấn đề mở đường Nam tiến, nối liền căn cứ Cao Bằng với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai là vô cùng cấp bách.

Xác định được tính chất đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ trên, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẩn trương tập trung hơn 100 cán bộ, đội viên, phần lớn là con em của tỉnh Cao Bằng tình nguyện thoát ly gia đình để tham gia. Đồng chí tổ chức 19 đội xung phong Nam Tiến phối hợp cùng với các địa phương - dùng lối vũ trang tuyên truyền, mở rộng hoạt động từ bản này sang bản khác, từ châu này sang châu khác theo các hướng đã xác định5.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa chỉ đạo hoạt động, vừa huấn luyện cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường. Theo đó, các đoàn Nam tiến phải tổ chức theo các triền núi đá, ven rừng. Đi đến đâu, đội có trách nhiệm tổ chức quần chúng đến đó; đội trước tổ chức, đội sau huấn luyện, củng cố và phát triển.

Bằng nhiều hình thức và phương thức vận động phù hợp, trên tuyến đường Nam tiến được xác định, các tổ chức cách mạng phát triển nhanh. Điển hình có những đội Nam tiến trong một tháng đã gây dựng được cơ sở Việt Minh trong 3 tổng; có đội trong hơn một tháng tiến gần 100 cây số, tổ chức hơn 80 làng bản vào Việt Minh…6.

Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đến cuối năm 1943, đội Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức và trực tiếp chỉ huy đã gặp đội Bắc tiến ở Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn) do đồng chí Chu Văn Tấn phụ trách. Nhiệm vụ mở đường Nam tiến, gây dựng phong trào, nối liền với Bắc Sơn - Võ Nhai được hoàn thành. Thắng lợi đó không những xây dựng được tuyến hành lang chính trị từ Cao Bằng tới Thái Nguyên, mà còn gây dựng được phong trào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở những điểm này. Đây là những điều kiện căn bản, kịp thời để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Xây dựng lực lượng vũ trang và trực tiếp lãnh đạo Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Việt Nam Giải phóng quân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Năm 1944, mâu thuẫn Nhật - Pháp phát triển lên đến đỉnh điểm. Tương quan lực lượng giữa hai bên có sự thay đổi lớn. Quân Nhật suy yếu rõ rệt khi phải căng mình chiến đấu tại nhiều nơi. Trong khi đó, quân Pháp nhận thấy tình hình càng kéo dài sẽ càng gây bất lợi cho quân Nhật, bề ngoài tỏ ra hòa hoãn với quân Nhật, nhưng thực chất bên trong đang tích cực chuẩn bị để khai chiến với Nhật. Hơn thế, cả Nhật và Pháp đều nhận ra, cách mạng Đông Dương đang phát triển mạnh, nếu hai bên tấn công sẽ gây nhiều bất lợi cho chúng.

Ngày 20/9/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Người tiếp tục đặt niềm tin vào đồng chí Võ Nguyên Giáp và giao trọng trách cho đồng chí tổ chức lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp những điều ngắn gọn, cơ bản nhất về đường lối quân sự cách mạng Việt Nam. Người nhấn mạnh yếu tố tồn tại, trưởng thành và chiến thắng của Đội Quân giải phóng. “Có chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo; Phải dựa chắc vào dân; Chỗ đứng chân phải là một căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ; Về phần người phụ trách tư cách người cầm quân, Người nhẹ nhàng phân tích cụm từ dĩ công vi thượng”, người làm tướng phải với tinh thần đặt cái chung, việc công lên trên tất cả”7.

Nắm vững tinh thần chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập đội quân chủ lực. Dựa vào sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí cộng sự và nhân dân địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn công việc đã hoàn thành. Đồng chí quyết định tổ chức trước 1 trung đội, gồm 34 chiến sĩ ưu tú được chọn lọc trong các đội vũ trang các châu. Đồng chí Hoàng Sâm là Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên Đội, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo - tác chiến, đồng chí Lâm Cẩm Như (tức Lâm Kính) phụ trách công tác chính trị. Về trang bị, Đội có 17 khẩu súng trường, còn lại là súng kíp. Hiện đại nhất và có số đạn phong phú nhất là khẩu súng tiểu liên Mỹ với 150 viên đạn do bà con Việt kiều ở Côn Minh gửi tặng.

Một ngày trước lễ thành lập Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình nhận được bức thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt trong bao thuốc lá. Đó là chỉ thị của Người về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể cách mạng tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và chỉ rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc8.

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”9, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác lên kế hoạch hoạt động. Công cuộc chuẩn bị được triển khai khẩn trương song cũng rất công phu và thận trọng, tất cả hướng đến mục đích “trận đầu nhất định phải thắng”. Với quyết tâm và ý chí quyết thắng, chỉ hai, ba ngày sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã nhanh chóng lập nên hai chiến công lớn. Chiều ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dùng kế trá hình thành quân địch, mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (thuộc xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ngay sáng sớm hôm sau, ngày 26/12/1944, đột nhập đồn Nà Ngần (thuộc xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) tiêu diệt gọn hai đồn địch, giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch trong hai đồn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Chiến công Phai Khắt, Nà Ngần đã gây tiếng vang lớn, tạo niềm tin trong toàn quân và toàn dân, tạo bước ngoặt cho lực lượng vũ trang cả nước tổ chức khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa.

Từ tháng 3/1945 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Dù trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nỗ lực cống hiến, một lòng vì nước, vì dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cuối tháng 3/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân về đứng chân tại Chợ Chu (Thái Nguyên) hợp quân cùng với các cánh quân khác. Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp tham dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đây là Hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này. Tháng 5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ dự thảo nghị quyết về việc thành lập Khu Giải phóng. Ngày 15/5/1945, tại Chợ Chu, Thái Nguyên đã diễn ra Lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân, thống nhất các lực lượng vũ trang của Đảng như: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đội Cứu quốc quân… do đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đầu. Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Ngay đêm hôm đó, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Trong nửa đầu tháng 8/1945, đồng chí tiếp tục được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (ngày 14/8/1945); được bầu là thành viên Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) tại Đại hội quốc dân, đình Tân Trào (ngày 16/8/1945).

Trước không khí tổng khởi nghĩa sôi nổi trong cả nước, để tạo điều kiện Tổng khởi nghĩa kịp thời, chiều ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, tập hợp bộ đội Việt Nam Giải phóng quân, đọc Quân lệnh số 1, giao nhiệm vụ và thề quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, giải phóng thị xã Thái Nguyên, sau đó tiến về giải phóng Hà Nội và các tỉnh khác trong cả nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận nhiệm vụ cùng Giải phóng quân tiến về phía Nam.

Ngày 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy giành chính quyền tại Thái Nguyên. Cùng thời điểm này, đồng chí nhận được tin Hà Nội đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi và nhận nhiệm vụ của Tổng Bí thư Trường Chinh lên Tân Trào báo cáo với Bác và đón người về Hà Nội. Ngày 20/8/1945, Thái Nguyên giải phóng. Ngày 21/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Trung ương Đảng và các đơn vị Giải phóng quân trở về Hà Nội. Tại Hà Nội, đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp tục góp sức cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành các công việc lập quốc, lễ tuyên bố lập quốc, độc lập và giải quyết những công việc bộn bề của chính quyền non trẻ.

Như vậy, trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn giữ vai trò, vị trí chủ chốt và có nhiều đóng góp quan trọng cho thắng lợi này. Đó là quá trình đồng chí Võ Nguyên Giáp miệt mài tuyên truyền, tập hợp lực lượng, xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng mở rộng căn cứ địa và khu hoàn toàn; xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng đội quân chủ lực. Đó cũng là quá trình đồng chí Võ Nguyên Giáp tập trung trí tuệ đưa con thuyền cách mạng Việt Nam về đến đích, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại mới, thời đại rực rỡ của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

 

1, 2, 3, 8, 9. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 65, 53-54, 58-59, 135-136, 128.

4. Võ Nguyên Giáp: Khu Giải phóng - Một sự nghiệp vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc, Nxb. Cứu quốc, 1946, tr. 11.

5, 7. Xem Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam: Võ Nguyên Giáp - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 122, 131.

6. Hoàng Quang Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La: Căn cứ địa Việt Bắc (trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb. Việt Bắc, 1975, tr. 60.

Thượng tá, ThS. ĐẶNG CÔNG THÀNH, Thiếu tá NGUYỄN VĂN LONG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-cua-dong-chi-vo-nguyen-giap-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945-a7967.html