Đổi mới, hoàn thiện thiết chế văn hóa

CT&PT - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả”1. Bài viết làm rõ thực trạng thiết chế văn hóa ở nước ta và đề xuất một số giải pháp đổi mới, hoàn thiện thiết chế văn hóa ở nước ta trong thời gian tới.

1. Vai trò của thiết chế văn hóa

Thiết chế văn hóa (Cultural institutions) là thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí”2; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Như vậy, thiết chế văn hóa không chỉ đơn thuần là những công trình vật chất cụ thể mà bao hàm trong đó là hệ thống cơ chế, chính sách vận hành; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức; nguồn lực tài chính và các chủ thể hoạt động. Thiết chế văn hóa thiên về những thực hành, sáng tạo và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, giai tầng trong cộng đồng dân cư.

Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cần thiết để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng (năm 1998) xác định: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có, ... nâng cấp các đơn vị văn hóa - nghệ thuật trọng điểm, tạo chất lượng mới cho toàn ngành”3.

Chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ4; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước5; đặc biệt, Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng đều nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa: “Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”6.

Thiết chế văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay7:

Thiết chế văn hóa phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như tài nghệ sáng tạo của chủ thể văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa truyền thống như đình, chùa, hay các thiết chế văn hóa hiện đại như nhà hát, thư viện, bảo tàng... đã trở thành biểu tượng, di sản văn hóa, phản ánh trình độ phát triển trong những giai đoạn, thời kỳ lịch sử cụ thể. Thiết chế văn hóa trở thành tài sản vô giá chứa đựng giá trị mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, có ảnh hưởng lớn đến giáo dục, hình thành nhân cách con người.

Thiết chế văn hóa không chỉ là nơi người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Chính sức hấp dẫn của thiết chế văn hóa đã huy động được tinh thần đoàn kết của nhân dân, giúp họ thêm yêu quý và gắn bó với quê hương, đất nước, bản làng.

Với tính chất là nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra những sự kiện lớn của địa phương, đất nước, thiết chế văn hóa đóng vai trò như trung tâm chính trị - hành chính, duy trì sự thống nhất, ổn định trong bộ máy quản lý của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay, thiết chế văn hóa càng có vai trò quan trọng trong việc động viên tinh thần nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới cũng như so với nhịp độ phát triển của các lĩnh vực khác thì việc đầu tư cho văn hóa, trong đó có thiết chế văn hóa vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng, nhất là việc đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí.

2. Thực trạng thiết chế văn hóa

Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa (như nhà văn hóa thôn bản, trung tâm văn hóa huyện, thị, tỉnh thành; hệ thống rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, bưu điện văn hóa...) không ngừng được đầu tư xây dựng và từng bước hiện đại8. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng tạo những điều kiện thuận lợi, để người dân khai thác, sử dụng những thiết chế sẵn có, đóng góp xây dựng những thiết chế văn hóa mới phù hợp với địa bàn cư trú, phong tục tập quán vùng miền để thiết chế văn hóa thật sự trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng; nơi người dân gặp gỡ, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm; trình diễn nghệ thuật; nơi ý Đảng. lòng dân cùng đồng thuận để tìm ra những kế sách phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh.

Hệ thống thiết chế văn hóa được các cấp quan tâm quản lý, vận hành, cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động. Đến nay, hệ thống thiết chế do ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý trên cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thông tin, trung tâm thông tin triển lãm, trung tâm văn hóa nghệ thuật...); 651/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa (đạt tỷ lệ  91%); 7.456/10.184 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao (đạt tỷ lệ 73,2%) và có 75.996/101.732 thôn, bản... có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 74,7%)9.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao do các bộ, ngành, đoàn thể khác quản lý gồm: hệ thống thiết chế thuộc Công đoàn: 04 cung văn hóa lao động hữu nghị là Việt - Xô (Hà Nội), Việt - Tiệp (Hải Phòng), Việt - Nhật (Quảng Ninh) và Cung Văn hóa Lao động (Thành phố Hồ Chí Minh); 30 nhà văn hóa lao động cấp tỉnh và 29 nhà văn hóa lao động cấp huyện. Hệ thống thiết chế văn hóa của Trung ương Đoàn Thanh niên: toàn quốc có 68 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi cấp tỉnh, thành phố; 168 nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi cấp huyện. Cách thức quản lý, vận hành được đổi mới phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Đến năm 2020, các thiết chế văn hóa từng bước hoạt động theo cơ chế tự chủ, thực hiện chính sách xã hội hóa một phần hoặc toàn bộ hoạt động10.

Bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trên tất cả các mặt. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đầu tư chưa đồng bộ; nội dung hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn. Việc khai thác, sử dụng các công trình văn hóa tại một số địa phương chưa hiệu quả; doanh thu từ khai thác các công trình còn thấp. Ở nhiều địa phương, sự phối hợp giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với ngành giáo dục và đào tạo trong việc khai thác sử dụng công trình thể thao ở cơ sở còn chưa chặt chẽ. Phần lớn các công trình xây dựng đã lâu, xuống cấp; trình độ quản lý của đội ngũ viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác, tổ chức dịch vụ...11. Bất cập rõ nhất trong khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa cơ sở là chưa hướng vào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện vẫn còn 20 tỉnh, thành phố ở tình trạng “Nhà văn hóa không nhà”. Nhiều trung tâm văn hóa cấp tỉnh, quận, huyện không có trụ sở, phải “ở nhờ” các đơn vị khác; nhiều xã, phường, thị trấn, ấp, thôn, bản chưa có nhà văn hóa, vì thiếu quỹ đất công và thiếu kinh phí xây dựng12.

Nhiều thiết chế văn hóa hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí lớn; nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa trở nên hoang hóa vì thiếu hoạt động thiết thực, thiếu nhân sự quản lý, địa điểm được xây dựng ở cách xa khu dân cư nên không thu hút được người dân tham gia. Nhiều nơi, thư viện xuống cấp, nghèo nàn về cơ sở vật chất, đầu sách. Bên cạnh đó, một số nhà văn hóa, trung tâm văn hóa hoạt động sai chức năng, không phát huy được vai trò là nơi sinh hoạt cộng đồng với những hoạt động văn nghệ, giao lưu thiết thực, bổ ích.

Một số thiết chế văn hóa thiên về các hoạt động trình diễn nghệ thuật như nhà hát, rạp chiếu phim mặc dù được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị nhưng chậm đổi mới trong nội dung, sáng tạo kịch bản nên không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Một số nhà hát truyền thống như tuồng, chèo, kịch không thu hút được công chúng. Mặt khác, là bởi sự lấn át của các loại hình nghệ thuật, truyền thông hiện đại với sức hấp dẫn về kỹ nghệ, nội dung, hình thức đã tạo sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Điều này đồng nghĩa với việc các thiết chế văn hóa và nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương do chạy theo thành tích nên đã huy động người dân đóng góp những khoản kinh phí lớn để xây nhà văn hóa; nhiều nhà văn hóa được xây dựng không bảo đảm chất lượng, thiếu thẩm mỹ do không được đầu tư đúng mức, do thất thoát, tham nhũng, khiến thiết chế văn hóa đó vô tình trở thành vật cản của sự phát triển13.

3. Giải pháp đổi mới, hoàn thiện thiết chế văn hóa

Thực hiện chủ trương xây dựng, phát triển nền văn hóa mới với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, một trong những yêu cầu quan trọng mà Đảng ta đã đề ra là “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa”14. Để đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, trong thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, thực hiện hiệu quả Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Đến năm 2030, bảo đảm có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh đủ ba loại hình thiết chế văn hóa, gồm: trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa. Bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng thông qua các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các thiết chế văn hóa khác như bảo tàng, thư viện... góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành chưa có quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa sớm ban hành quy hoạch của địa phương theo nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp của quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013, trong đó quan tâm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân.

Hai là, bảo đảm thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, chú trọng các thiết chế tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế này. Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng các công trình văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có. Khuyến khích đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô, giá trị nghệ thuật cao làm điểm nhấn ở các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn, gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, yêu cầu hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa ngoài công lập15.

Ba là, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động về văn hóa; căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước xem xét, ưu liên đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; bảo đảm sử dụng vốn đầu tư phát triển của nhà nước hiệu quả16. Củng cố, xây dựng và nâng cấp hệ thống các trường văn hóa - nghệ thuật, các trường năng khiếu. Dành ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng, đáp ứng một phần chi phí duy trì hoạt động đối với các trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện và cấp xã; các cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động; cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi. Đối với nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, ngân sách địa phương hỗ trợ tùy theo khả năng. Với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ một phần chi phí hoạt động.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể, nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đặc biệt là các nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.

Năm là, bên cạnh việc đầu tư về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng cho các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cần có những nghiên cứu, đánh giá khảo sát về nhu cầu, tâm lý của người dân trong xây dựng thiết chế văn hóa. Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người và đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người dân. Thiết chế văn hóa phải là những công trình kiên cố mang tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và khát vọng của nhân dân, tránh đơn điệu hóa một mô hình thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải được quan tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến xây dựng, kiện toàn mô hình làng văn hóa, nhà văn thôn, bản, tạo không gian, môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, nhân văn.

Sáu là, trong quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, cần xây dựng những mô hình thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng, học tập những mô hình hoạt động hiệu quả. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong khai thác thiết chế văn hóa khi có các trung tâm văn hóa quận, huyện, hoàn toàn tự chủ về kinh phí, không sử dụng ngân sách, như: Trung tâm văn hóa quận 1 (Nhà hát Bến Thành), Trung tâm văn hóa quận 10 (Nhà hát Hòa Bình), đạt doanh thu hằng năm từ 15 - 18 tỷ đồng. Những địa phương khác như thành phố Cần Thơ đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng và tổ chức hoạt động các trung tâm, nhà văn hóa; Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... sáp nhập trung tâm văn hóa với trung tâm học tập cộng đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tận dụng tối ưu nguồn lực cơ sở vật chất, kinh phí và nhân sự của các thiết chế văn hóa. Đó là những cách làm sáng tạo nhằm phát huy vai trò, công năng của thiết chế văn hóa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật hiện đại17.

Bảy là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đổi mới việc tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước; ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, kiểm tra giám sát và triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước, đồng thời chỉ đạo địa phương thực hiện chủ trương, chính sách đối với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng các công trình thể thao, văn hóa, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế này, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động thể dục của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 203018.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146.

2. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, t. 4, tr. 358.

3, 6. https://thuvienphapluat.vn.

4, 16.  Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

5. Ban Chấp hành Trung ương:Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

7, 17. Nguyễn Huy Phòng: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 26/4/201, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2482-xay-dung-va-hoan-thien-he-thong-thiet-che-van-hoa-o-viet-nam-hien-nay.html.

8, 12, 13. http://bvhttdl.gov.vn.

9, 10, 11, 18.  Báo cáo số 114/BC-BVHTTDL, ngày 15/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 44/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 303.

15. Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Tạp chí Lý luận chính trị điện tử

Phạm Hương tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/doi-moi-hoan-thien-thiet-che-van-hoa-a7905.html