Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng Việt Nam

CT&PT - Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo, tập hợp, tổ chức, giáo dục và đưa nông dân vào các phong trào cách mạng rộng lớn của dân tộc, làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo thực hiện “hợp tác hóa nông nghiệp”, chi viện đắc lực sức người, sức của cho đồng bào miền Nam kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào giai đoạn mới, cùng với việc tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng lãnh đạo giai cấp nông dân tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề tổ chức, động viên và tập hợp lực lượng cách mạng là một trong những vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình cách mạng. Trong từng giai đoạn lịch sử, chính đảng cách mạng phải căn cứ vào diễn biến tình hình để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và nhanh chóng đề ra những phương sách mới, bảo đảm sự chỉ đạo chiến lược, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Nói về vấn đề này, V.I. Lênin nhấn mạnh: “Các Đảng Cộng sản phải xây dựng chiến lược và sách lược của mình trên cơ sở kết hợp tinh thần tỉnh táo hoàn toàn khoa học trong việc phân tích tình hình khách quan của sự vật và quá trình tiến triển của nó với sự thừa nhận kiên quyết nhất của nghị lực cách mạng, của tinh thần sáng tạo cách mạng, của tính chủ động cách mạng của quần chúng”1.

Có thể khẳng định, vấn đề tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng là một trong những nguyên tắc chiến lược của chủ nghĩa Mác - Lênin, một yêu cầu tất yếu đối với tất cả các cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo, , trong đó liên minh với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò và khả năng cách mạng to lớn của giai cấp nông dân, tiến hành tổ chức, động viên và tập hợp họ cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức nước ta hình thành lực lượng cách mạng hùng hậu, làm nên những thắng lợi to lớn và vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

1. Vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng giải phóng dân tộc

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu, giai cấp nông dân chiếm hơn 90% dân số. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, khi bắt gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có nhận thức đúng đắn về vai trò và khả năng cách mạng của giai cấp nông dân phương Đông. Năm 1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva, Người đã đưa ra quan điểm: “tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”2. Năm 1927, trong Đường kách mệnh - tác phẩm tập hợp những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người nêu rõ vai trò và khả năng cách mạng của giai cấp nông dân: “Vì bị áp bức màsinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh. 1. Là vì công nông bị áp bức nặng hơn, 2. Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, 3. Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, nên công nông là gốc cách mệnh”3. Năm 1930, trong Sách lược vắn tắt trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người xác định chủ trương và nhiệm vụ: “1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. 2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. 3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia. 4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ. 5. Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp, trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”4.Có thể thấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ nắm rõ tình hình Việt Nam, mà còn đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò và khả năng của mỗi giai cấp, tầng lớp trong cách mạng giải phóng dân tộc. Với nhận thức đúng đắn về vai trò và khả năng cách mạng của giai cấp nông dân ở phương Đông nói chung, ở Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng, năm 1937, Nguyễn Ái Quốc được tuyển chọn vào lớp Nghiên cứu sinh do Viện Nghiên cứu Những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản mở tại Mátxcơva (Liên Xô). Cuối năm 1937, “Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản Luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á5. Điều này cho thấy, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến lực lượng nông dân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng trong điều kiện như nước ta - một nước thuộc địa nửa phong kiến, đội quân chủ lực của phong trào cách mạng phải bao gồm hai lực lượng cơ bản là công nhân và nông dân. Chỉ khi dựa vào hai lực lượng cơ bản đó, Đảng mới có khả năng mở rộng phong trào cách mạng đếncác giai cấp và tầng lớp khác có tinh thần yêu nước trong dân tộc. Trong Luận cương chính trị (năm 1930), Đảng ta khẳng định: “Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”6. Nhờ kết hợp nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ với yêu cầu cơ bản của cuộc đấu tranh trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng đã từng bước tổ chức, rèn luyện, giác ngộ giai cấp nông dân theo quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân. Cùng với giai cấp công nhân, những người trí thức yêu nước và đa số nông dân đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó trở thành động lực chính của cách mạng. Những người tiên tiến trong giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã tự nguyện gia nhập Đảng, gánh vác nhiệm vụ trọng đại của dân tộc. Điều này nói lên tính cách mạng, tính khoa học đúng đắn trong đường lối cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta, đồng thời thể hiện sự trưởng thành của giai cấp nông dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người nông dân bằng việc phát động quần chúng triệt để giảm tô. Từ thực hiện Thông tư giảm tô 25% của Ủy ban nhân dân Bắc Bộ (tháng 11/1945) đến thực hiện Sắc lệnh giảm tô của Chính phủ (tháng 7/1949), “đã đem lại cho nông dân 177.000 ha ruộng, trong đó có 18.400 ha tịch thu của thực dân Pháp, 39.600 ha ruộng của địa chủ và 119.000 ha ruộng đất công”7. Năm 1953, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra quyết liệt, Đảng vẫn chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu: “Người cày có ruộng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Năm nay chúng ta phải kiên quyết thực hiện triệt để giảm tô. Muốn vậy, phải ra sức phát động quần chúng nông dân, làm cho quần chúng tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn. Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ, kiểm tra. Sau khi giảm tô, giảm tức, quần chúng đã được phát động, tổ chức đã vững chắc, lực lượng đã đầy đủ, ưu thế chính trị đã về tay nông dân lao động, đa số nông dân đã yêu cầu thì sẽ thực hiện cải cách ruộng đất8. “Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân9.

Cuối năm 1955, nhờ phát động quần chúng triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất, đã đem lại cho giai cấp nông dân nước ta 456.000 ha ruộng, góp phần xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến. Cũng trong thời kỳ này, “từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Nam Bộ, nông dân được chia cấp 750.000 ha ruộng đất, ở nhiều nơi địa tô phong kiến đã giảm 25%”10. Những thành quả của giảm tô và cải cách ruộng đất đã góp phầnlàm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và là nguồn sức mạnh đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân sẽ giúp Đảng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng: “Về quân sự, nông dân sẽ càng hăng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã ngụy quân. Về kinh tế - tài chính, nông dân sẽ đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính Nhà nước được dồi dào. Về chính trị, khi nông dân đã nắm chắc ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn. Về văn hóa, “có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh. Còn những vấn đề khác, như công an nhân dân, thương binh, bệnh binh, vệ sinh nhân dân, v.v. đều dựa vào lực lượng quần chúng nông dân mà dễ dàng giải quyết”11. Có thể nói, thực hiện cải cách ruộng đất là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người nông dân từ mất nước trở thành người làm chủ ruộng đất và làm chủ đất nước - bước phát triển vượt bậc của giai cấp nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Từ cuối năm 1954 đến năm 1975, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; còn tại miền Nam, nhân dân ta tiếp tục đấu tranh chống Mỹ và tay sai, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. 

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm của Đảng, nếu trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức có nhiệm vụ lịch sử là đánh thắng đế quốc xâm lược và địa chủ phong kiến, thì trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ lịch sử mới là chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có nắm vững quan điểm và mục đích đó mới giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân. Đảng phải phát huy những nhân tố quyết định thành công của cách mạng, trong đó vấn đề nông dân, nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, một trong những vấn đề cần lưu ý là đoàn kết với tầng lớp phú nông. Đảng chủ trương đoàn kết với các tầng lớp nông dân, lôi kéo trung nông để có đủ sức cô lập và cải tạo tư sản.Ngay khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến kinh tế nông nghiệp, xác định lấy nông nghiệp làm điểm xuất phát: “Nước ta là một nước nông nghiệp, muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung, phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính”12. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) khẳng định: “Trong nền kinh tế quốc dân miền Bắc, nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng; nông dân lao động là một lực lượng sản xuất to lớn. Muốn đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải đi từ nông nghiệp, phải dựa vững vào lực lượng của nông dân lao động và phát huy tính tích cực cách mạng của họ”13.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (năm 1981), Đảng chủ trương phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Để tạo động lực cho giai cấp nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương đột phá trong cơ chế quản lý nông nghiệp. Đặc biệt, chủ trương “Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” với “Khoán 100” và “Khoán 10” đã góp phần động viên giai cấp nông dân hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh, đưa năng suất, sản lượng lương thực tăng cao chưa từng có. Chính sách “Khoán” không chỉ tạo ra bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Thực tiễn cho thấy, nhờ chính sách “Khoán”, nông nghiệp có sự phát triển rõ rệt, bảo đảm lương thực, thực phẩm, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, gia tăng nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao đời sống của nhân dân, từ một nước thiếu lương thực thường xuyên, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới.    

Thực hiện đường lối đổi mới, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, biện pháp nhằm giải phóng sức sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp đó, tại các nhiệm kỳ Đại hội sau của Đảng đều nhấn mạnh phải đặc biệt quan tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, chuyển lao động thủ công của giai cấp nông dân sang lao động cơ giới, từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa; là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, nhằm khai thác mọi tiềm năng, tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao trong nông nghiệp.

Kế thừa quan điểm trên, ngay từ năm 1996, Đảng ta đã đề ra chủ trương: “Có chính sách khuyến khích và trợ giúp nông dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giải quyết các khó khăn về vốn, về giá cả vật tư nông nghiệp và hàng nông sản, về thị trường tiêu thụ sản phẩm”14. Để triển khai thực hiện chủ trương trên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm trợ giúp nông dân trong sản xuất kinh doanh, động viên nông dân tham gia các phong trào thi đua: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Điện, đường, trường, trạm”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng làng, bản, ấp văn hóa”, “Chương trình 134’, “Chương trình 135”, v.v.. 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là sự nghiêp của toàn Đảng, trong đó lực lượng cơ bản là giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện hiệu quả, cần tiến hành những biện pháp kinh tế - kỹ thuật; tạo sự chuyển biến thực sự trong tư duy của người nông dân; áp dụng những biện pháp về năng suất lao động và đất đai, khoa học và công nghệ để tạo ra lượng hàng hóa nông sản lớn, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, giá thành, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Cùng với những vấn đề nêu trên, Đảng phải tiếp tục nâng cao sự giác ngộ cho giai cấp nông dân, thực hiện liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; tổ chức, đoàn kết nông dân chặt chẽ dưới nhiều hình thức, trong đó Hội Nông dân đóng vai trò nòng cốt; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của giai cấp nông dân; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nông dân đi đôi với phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới,  văn minh, tiến bộ; tích cực áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, không ngừng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người nông dân để thực hiện nền sản xuất hàng hóa toàn diện, văn minh, có hiệu quả trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển đất nước, trong đó có nông dân, nông nghiệp và nông thôn: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”+15. “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị, tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái”16.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh đã chứng minh rằng, liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã góp phần nâng cao uy tín và sức mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, giúp giai cấp nông dân phát huy mạnh mẽ truyền thống, vai trò và khả năng cách mạng của mình, tạo cơ sở để củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, là nền tảng vững chắc để xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và xây dựng quân đội nhân dân; đồng thời, là điều kiện cần thiết để chuyển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, từng bước đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang.

1. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 13, tr. 21-22.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 232; t. 2, tr. 288; t. 3, tr. 3.

5. Hồng Hà: Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 324.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 2, tr. 94.

7, 10. Tổng cục Thống kê Việt Nam: Con số và sự kiện (1945-1989), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 64, 68.

8, 9, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 30, 31, 31-32.

12. Hồ Chí Minh: Về liên minh công nông, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 223.

13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 21, tr. 537; t. 55, tr. 37.

PGS, TS. LÊ VĂN YÊN

Nguyên Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-va-dang-ta-ve-vai-tro-cua-giai-cap-nong-dan-trong-cach-mang-viet-nam-1-a7848.html