Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

CT&PT - Trên cơ sở phân tích năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bài viết đề xuất bốn giải pháp nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năm giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Để thực hiện tốt các giải pháp trên thì một nội dung quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trình độ tư duy lý luận, trau dồi, rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật.

Cùng với việc khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, Đại hội XIII cũng chỉ ra những hạn chế của công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Trong đó, có những hạn chế như: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả”1; “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp”2. Trong khi đó, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo.

Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”3. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, việc nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới là rất cần thiết.

giai-phap-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-viet-nam-chinh-tri-va-phat-trien-1688634647.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Có nhiều cách tiếp cận về khái niệm lãnh đạo nhưng nhìn chung lãnh đạo được quan niệm là quá trình chủ thể ra quyết định (tức là xác định được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của tổ chức); tổ chức lực lượng, phương tiện, hình thành cơ chế, bộ máy... để thực hiện quyết định nhằm thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược đã đề ra; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định; tổng kết việc thực hiện quyết định và rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc ra quyết định tiếp theo.

Theo đó, năng lực lãnh đạo bao gồm năng lực ra quyết định; năng lực tổ chức thực hiện quyết định; năng lực tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định; năng lực tổng kết việc thực hiện quyết định và rút ra các bài học kinh nghiệm để điều chỉnh quyết định, tức là điều chỉnh mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược.

Đảng lãnh đạo trong điều kiện nắm giữ chính quyền được gọi tắt là đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là đảng chính trị giành được quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước thông qua và bằng pháp luật cùng các công cụ, phương tiện khác để thực hiện tầm nhìn, định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược của đảng. Năng lực cầm quyền của đảng là năng lực giữ chính quyền nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước hợp lý để đề ra được chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển đúng đắn, lãnh đạo nhà nước và nhân dân thực hiện được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của đảng.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, sự cầm quyền của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mục tiêu chiến lược của Đảng là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, tình hình thế giới có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo, đặt ra yêu cầu đối với đảng cầm quyền là phải nắm bắt kịp thời những vấn đề của thời đại như: vấn đề an ninh phi truyền thống, vấn đề biến đổi khí hậu, tác động đa chiều của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang có xu hướng chuyển sang đa cực, sự tranh giành quyền lực giữa các nước lớn, v.v.. Từ đó, có những chủ trương, chính sách phù hợp.

Ở trong nước, nền kinh tế đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội đặt ra; vẫn còn những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.. Những vấn đề này đang đặt ra yêu cầu mới đối với Đảng trong lãnh đạo, cầm quyền.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì phải nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định.

Hai năng lực này liên hệ, tác động lẫn nhau. Năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước sẽ tăng cường năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Ngược lại, năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định sẽ góp phần củng cố, tăng cường năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước.

1. Giải pháp nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền nhà nước

Thứ nhất, tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nếu Đảng không trong sạch, vững mạnh thì không thể có Nhà nước trong sạch, vững mạnh được.

Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng đủ năng lực lãnh đạo cách mạng. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại hội XIII đề ra hệ thống 10 giải pháp đồng bộ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đó là: (1) Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; (2) Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; (3) Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; (4) Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; (5) Củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; (6) Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; (7) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; (8) Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; (9) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (10) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới4.

Đảng và Nhà nước có trong sạch, vững mạnh toàn diện mới giúp Đảng củng cố, tăng cường giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước.

Đối với chính quyền nhà nước, Đại hội XIII đã đề ra các định hướng giải pháp: (1) Trên cơ sở tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tập trung “nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển”5. (2) “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”6. (3) “Nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội”7. (4) “Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả”8. (5) “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”9. (6) “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng”10.

Thực hiện được các định hướng giải pháp này thì sẽ góp phần nâng cao, tăng cường giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước của Đảng.

Thứ hai, thực hành dân chủ và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng là hạt nhân, nòng cốt của dân chủ, đoàn kết trong Nhà nước và trong xã hội. Vì Đảng ta vừa là thành viên vừa là hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Đoàn kết nhất trí là giá trị quý báu là nền tảng của năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”11; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”12.

Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng tức là thực hành dân chủ ở tất cả các cơ quan, các tổ chức của Đảng, trong toàn thể bộ máy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, trong các mặt của công tác xây dựng Đảng.

Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là cơ sở, nền tảng, hạt nhân để thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Do vậy, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng không chỉ là con đường, biện pháp, cách thức tốt nhất để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn là con đường, biện pháp, cách thức tốt nhất để thực hiện sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và trong toàn thể xã hội. Trên cơ sở đó mới nâng cao được năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước của Đảng.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo, cầm quyền phải khoa học, dân chủ, các tổ chức của Đảng và đảng viên phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Để lãnh đạo, cầm quyền một cách khoa học thì những quyết định, chủ trương, đường lối của Đảng phải là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; phản ánh được những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, lợi ích của nhân dân, dân tộc; kế thừa được tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.

Để lãnh đạo, cầm quyền một cách dân chủ, trước hết là trong nội bộ Đảng phải thực hành dân chủ; sự lãnh đạo, cầm quyền phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Những quyết sách lớn của Đảng phải được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên, chuyên gia, cán bộ lão thành nhiều kinh nghiệm, nhân dân và các tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương.

Các cấp ủy cởi mở, dân chủ; các đảng viên thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình, phát biểu, trình bày ý kiến riêng, thậm chí chất vấn các cấp ủy đảng. Các cấp ủy đảng có thể tiếp thu ý kiến, có thể không tiếp thu. Ý kiến gì không tiếp thu phải có giải trình, giải thích rõ ràng.

Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật trong việc giữ chính quyền nhà nước thì sự lãnh đạo, cầm quyền phải dựa trên các căn cứ pháp lý, nghĩa là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng và thông qua Hiến pháp và pháp luật thì tính chính danh, tính chính đáng về sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng rõ ràng, càng công khai, càng minh bạch.

Để làm được điều này phải hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật liên quan đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân; của các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; thể chế hóa cơ chế này một cách rõ ràng bằng các quy định mang tính pháp lý cụ thể. Đảng ta là lực lượng lãnh đạo và là lực lượng cầm quyền duy nhất cho nên cơ chế “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ” cần phải được thể chế hóa bằng pháp luật, bằng phát huy dân chủ và trên cở căn cứ khoa học.

Nhà nước quản lý xã hội và công dân bằng pháp luật. Vai trò làm chủ của nhân dân vừa dựa trên cơ sở của pháp luật vừa dựa trên cơ sở của tự giác, tự quản. Nếu cơ chế này được phát huy tối đa thì năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước cũng như vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân được củng cố và tăng cường.

Do vậy, trong cơ chế này phải có quy chế hoạt động rõ ràng, rành mạch, chỉ rõ mối quan hệ giữa các chủ thể: Đảng và Nhà nước, giữa Đảng với nhân dân và chiều ngược lại giữa nhân dân với Đảng, giữa nhân dân với Nhà nước cũng như giữa Nhà nước với Đảng.

Cơ chế này có một mẫu số chung, đó là vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc, nhưng không vì thế mà không giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng như mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước và với Đảng.

2. Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định

Thứ nhất, nâng cao năng lực ra quyết định, tức là năng lực xác định đúng đắn mục tiêu, tầm nhìn, định hướng thể hiện trong chủ trương, đường lối, giữ vững vai trò lãnh đạo chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, đường lối mà Đảng đã đề ra.

Chủ trương, đường lối đúng đắn là phải phản ánh được quy luật vận động của thực tiễn chính trị, thể hiện được lợi ích của nhân dân. Muốn vậy, phải thu hút được sự đóng góp trí tuệ của toàn thể nhân dân, của các cơ quan nghiên cứu khoa học, đội ngũ các nhà lý luận và hoạt động thực tiễn, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Việc lãnh đạo Nhà nước phải dân chủ, khoa học, không làm thay Nhà nước, đồng thời kiên quyết chống tình trạng lạm quyền, làm thay Nhà nước cũng như buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong toàn xã hội. Cùng với việc từng bước hoàn thiện cơ chế cụ thể để mỗi đảng viên thực hiện tốt các quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến; quyền được thảo luận, trao đổi, chất vấn lãnh đạo các cấp; quyền bảo lưu ý kiến; quyền được có thông tin liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Đảng v.v.. thì phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật phát ngôn, vi phạm kỷ luật đảng.

Thứ hai, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Trong điều kiện có chính quyền nhà nước, Đảng phải thông qua Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước để tổ chức lực lượng, xác lập bộ máy, cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện, đưa chủ trường, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Cùng với lãnh đạo Nhà nước tổ chức thực hiện chủ trường, đường lối, Đảng trực tiếp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thông qua tổ chức đảng, đảng viên, các cơ quan, tổ chức tuyên truyền, cổ động, vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân đồng lòng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong thực tế.

Để lôi cuốn được toàn thể nhân dân tham gia phong trào hành động đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống thì trước hết chủ trương, đường lối phải phản ánh được nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phải có chương trình, kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình thực tế và toàn Đảng phải có quyết tâm cao.

Thứ ba, nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối. Để thực hiện tốt chức năng này cần phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện các khâu trong tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tình huống, những vấn đề nảy sinh để có biện pháp xử lý ngay từ mầm mống. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện kiểm tra, giám sát phải phát hiện được thực chất của vấn đề nảy sinh, kịp thời tháo gỡ để phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối vào cuộc sống.

Thứ tư, nâng cao năng lực tổng kết việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối. Muốn vậy, phải phát huy được vai trò của các nhà lý luận, các nhà hoạt động thực tiễn tham gia tổng kết thực tiễn. Năng lực tổng kết thực tiễn thể hiện cụ thể ở khả năng lựa chọn vấn đề để tổng kết đúng, trúng. Lựa chọn vấn đề đúng, trúng là xuất phát điểm cho việc phát huy được vai trò của công tác tổng kết thực tiễn.

Khi lựa chọn được vấn đề thực tiễn để tổng kết thì phải xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng tổng kết; khảo sát, thu thập số liệu một cách khoa học, khách quan. Trên cơ sở đó, phân tích, khái quát hóa, tìm ra những mặt mạnh, những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, vấn đề đặt ra và đề xuất phương án giải quyết. Qua đó đúc rút các bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện tiếp theo.

Những kết luận được rút ra từ tổng kết thực tiễn phải có tính khái quát cao, đóng góp vào phát triển lý luận, có ý nghĩa gợi mở, soi đường, chỉ đạo việc hoàn thiện chủ trương, đường lối tiếp theo cũng như việc đưa chủ trương, đường lối vào cuộc sống.

Thứ năm, nâng cao năng lực vận dụng các bài học kinh nghiệm được đúc kết từ tổng kết thực tiễn tổ chức triển khai, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Các bài học kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết chỉ có ý nghĩa quý báu khi được vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu các bài học được tổng kết công phu, nghiêm túc mà không được ứng dụng trong thực tiễn thì cũng không có giá trị.

Để nâng cao năng lực vận dụng các bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết thực tiễn, cần chú ý so sánh, đối chiếu các bài học kinh nghiệm đã được đúc kết với thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở đó có các căn cứ đề xuất việc điều chỉnh mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển, chủ trương, đường lối cũng như điều chỉnh việc tổ chức thực hiện.

Việc tổng kết và vận dụng các bài học phải khách quan, lịch sử cụ thể và gắn với nhu cầu thực tiễn. Thoát ly điều kiện lịch sử cụ thể, thoát ly hoàn cảnh thực tiễn, sẽ trở thành giáo điều hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Để thực hiện tốt các giải pháp trên, toàn Đảng cần phải nâng cao trình độ tư duy lý luận, trau dồi, rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật cho cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, phương pháp biện chứng duy vật với các nguyên tắc khách quan, phát triển, lịch sử cụ thể, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng có cơ sở, căn cứ để nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Hai nhóm giải pháp cho việc giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định có mối quan hệ biện chứng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau.

Nâng cao được năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước là cơ sở tiền đề nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định. Nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định là củng cố, tăng cường năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước trong mọi thời kỳ cách mạng.


1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 199, 90, 91, 180-199, 284, 285, 285, 286, 287, 288.

11, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611, 611.

Theo Tạp chí Lý luận Chính trị

Kiều Trang tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/giai-phap-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-viet-nam-a7843.html