1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức cơ sở đảng
Về vai trò của tổ chức cơ sở đảng
Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Là tổ chức tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân, hệ thống tổ chức của Đảng phải thật chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Trong hệ thống tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở.
Người cho rằng, tổ chức đảng ở cơ sở là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ. Chi bộ do chi ủy lãnh đạo; các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi ủy”1. Về vai trò của chi bộ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng… Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng… Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”2. “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc tốt”3. “Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan”4. “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt”5.
Từ đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”6. Người khẳng định: "Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh"7.
Nhiệm vụ của chi bộ
Chính vì chi bộ có vai trò quan trọng như vậy, cho nên muốn thực hiện tốt kế hoạch của Đảng, thì chi bộ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của chi bộ là:
“- Luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng.
- Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ.
- Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân, đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân.
Chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy, thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng.
- Chọn lọc đảng viên mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Chi bộ cần thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hăng hái, nâng cao trình độ giác ngộ của họ đến tiêu chuẩn đảng viên. Khi giới thiệu họ vào Đảng, thì phải hết sức cẩn thận.
- Chi bộ phải hiểu rõ lý lịch, mặt mũi chính trị, trình độ giác ngộ, ưu điểm và khuyết điểm của mỗi đảng viên cũ. Phải đôn đốc họ học tập và tham gia mọi công tác của Đảng.
Đối với những phần tử xấu chui vào trong Đảng, chi bộ phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, cùng với chính quyền và quần chúng tẩy trừ họ ra. Trách nhiệm của chi bộ là chấp hành kỷ luật của Đảng”8.
Đối với các loại hình chi bộ, như: Chi bộ các cơ quan, chi bộ nông thôn, chi bộ xí nghiệp, chi bộ quân đội… Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể phù hợp. Cụ thể, đối với chi bộ cơ quan, nhiệm vụ là:
“- Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ, và hết lòng hết sức phụng sự nhân dân.
- Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
- Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to…
- Tăng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc, giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ.
- Giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người đều hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ”9.
Đối với chi bộ ở nông thôn, Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ là: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã… Phải nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ của xã viên… Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng, phải kiên quyết chống bệnh quan liêu mệnh lệnh”10.
Về xây dựng chi bộ
Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những yếu tố quyết định sức mạnh của chi bộ là thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, như: Nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; liên hệ mật thiết với nhân dân. Người khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”11.
Người yêu cầu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”12. Người luôn nhắc nhở phải đoàn kết bằng việc nói đi đôi với làm, đoàn kết bằng tinh thần, thành thực, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật.
Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đoàn kết tốt thì phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, bởi “tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”13. “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”14.
Để làm cho chi bộ mạnh thì phải mở rộng dân chủ, thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”15.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do mỗi chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi đảng viên ra sức làm trọn 10 nhiệm vụ đã ghi trong Điều lệ Đảng do Đại hội lần thứ III của Đảng đã định ra”16. Vì vậy, Người yêu cầu: “Mỗi một chi bộ cần phải luôn luôn lấy 10 điều đó mà giáo dục đảng viên; mỗi một đảng viên cần phải luôn luôn ghi nhớ lấy 10 điều đó mà tự kiểm điểm. Phải như thế mới xứng đáng là một chi bộ tốt, một đảng viên tốt của Đảng ta”17.
Mỗi đảng viên phải quyết tâm xây dựng chi bộ trọng sạch, vững mạnh, phải làm cho chi bộ trở thành bốn tốt. Vậy thế nào là “chi bộ bốn tốt”? Hồ Chí Minh nêu tóm tắt: “Đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt”18.
Người cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, “Ở những chi bộ ấy có những đảng viên không gương mẫu, nội bộ thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng. Chẳng những không làm đúng mà có nơi, có lúc còn làm trái ngược đường lối, chính sách của Đảng. Tệ hơn nữa là trong những chi bộ ấy có một số đảng viên và cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh nặng”19.
Để tránh tình trạng có đảng viên kém, chi bộ kém, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức đảng là di sản vô giá, là kim chỉ nam để Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.
2. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế, chính trị ổn định, văn hóa - xã hội được nâng cao, quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường. Sự thống nhất phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân đem lại những thành tựu trên là chúng ta thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng20, về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng21. Đồng thời, ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, chỉ rõ: “Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở được quan tâm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, chất lượng sinh hoạt đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… của nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ cơ sở được nâng lên”.
Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, trong hoạt động của tổ chức cơ sở đảng cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ ra các biểu hiện:
- “Chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở.
- Một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.
- Mô hình tổ chức một số loại hình tổ chức cơ sở đảng còn bất cập, chậm được kiện toàn, sắp xếp. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng khu vực ngoài nhà nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, tỷ lệ có tổ chức đảng, đảng viên thấp, vai trò lãnh đạo mờ nhạt, lúng túng cả về nội dung và phương thức hoạt động. Một số tổ chức đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ở ngoài nước… hoạt động còn khó khăn.”
Nhiệm vụ của cách mạng đặt ra trong thời kỳ mới đòi hỏi tổ chức cơ sở đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của Đảng ta. Đảng ta luôn coi “Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở… Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh… là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”22.
Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ rõ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đề cao tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy”.
Để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra:
“1. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng
- Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở đảng đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung và thực tiễn của lĩnh vực hoạt động, địa phương, cơ quan, đơn vị. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” (Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).
-Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn... Đổi mới mô hình tổ chức cơ sở đảng ở cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng ở cấp tỉnh và cấp huyện. Quan tâm phát triển tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đông đồng bào tôn giáo, khu đô thị mới….
- Sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo ngành, lãnh thổ, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng bảo đảm phù hợp với thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức cơ sở đảng trong các tập đoàn, tổng công ty với cấp ủy địa phương, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
3. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
- Đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở... Kịp thời cụ thể hóa chủ trương của cấp trên phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh… Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá xếp loại hằng năm.
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ.
- Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm.
4. Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở
- Đẩy mạnh công tác đào tạo lý luận chính trị, tiếp tục nâng cao tỷ lệ bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở (ở xã, phường, thị trấn) có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên cơ sở… về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, công tác quần chúng, công tác dự báo, đánh giá tình hình, khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Các cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng ở đảng bộ, chi bộ nơi mình sinh hoạt; chịu trách nhiệm khi tổ chức đảng nơi mình đang sinh hoạt yếu kém, xảy ra tham nhũng, tiêu cực”.
1, 2, 4, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 286, 288, 453, 288-289, 453.
3, 12, 13, 18, 19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 278, 622, 622, 98, 99-100.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 504.
6, 7, 11, 16, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 28, 242, 28, 242, 243.
10, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 222, 67.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 521.
20. Xem Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa XI, khóa XII và XIII.
21. Xem Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/02/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; Kết luận số 38-KL/TW, ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW. Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân…
22. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW Đảng khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Theo Tạp chí Lý luận Chính trị
Kiều Trang tổng hợp
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/xay-dung-to-chuc-co-so-dang-trong-sach-vung-manh-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-a7838.html