1. Dẫn nhập
Con người, nguồn lực con người luôn là vấn đề trọng tâm của mọi thời đại, bởi con người là chủ thể của mọi quá trình phát triển, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển từ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu hiện nay, thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của Việt Nam là phải nhanh chóng nâng cao tiềm lực mọi mặt để thực hiện rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, với thực trạng là một nước đang phát triển, vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ phát triển còn thấp thì sự phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, Việt Nam đã khẳng định việc phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước.
Vùng Nam bộ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gồm 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chia thành 02 tiểu vùng là Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, là vùng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mặc dù, có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhưng sự phát triển của vùng Nam bộ chưa bền vững. Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đã chỉ ra những biểu hiện của sự phát triển thiếu bền vững và một trong những nguyên nhân thuộc về vấn đề nguồn nhân lực: chất lượng nguồn lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc kinh tế; lợi thế của thời kỳ “dân số vàng” chưa được phát huy; lúng túng trong việc giải quyết sự mất cân bằng và những xung đột trong quá trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia, vùng và địa phương với mối tương quan giữa cái chung và cái đặc thù...
2. Yêu cầu về mặt lý luận và thực tiễn trong phát triển nguồn nhân lực của vùng Nam bộ hiện nay
Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực của vùng Nam bộ hiện nay đặt ra những vấn đề cấp bách cả về lý luận và thực tiễn, cần giải quyết để phát huy thế mạnh của vùng và tháo gỡ “nút thắt” về nhân lực cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể:
Về mặt lý luận
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến mọi mặt của đời sống con người và xã hội, vì vậy, những vấn đề lý luận cần phải thường xuyên được hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và quốc tế. Việc hệ thống hóa và bổ sung những vấn đề lý luận về phát triển nguồn nhân lực vùng cho phù hợp với các lý thuyết mới về nguồn nhân lực và việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết, tạo cơ sở khoa học cho các giải pháp thiết thực phát triển nguồn nhân lực.
Thứ hai, cần tiếp tục làm rõ sự tác động đối với việc phát triển nguồn nhân lực vùng Nam bộ từ những yếu tố như: đặc điểm tính cách con người, truyền thống văn hóa dưới sự tác động của hội nhập, giao lưu vùng, miền, khu vực, quốc tế; quá trình đô thị hóa; yếu tố địa lý, lịch sử, trình độ phát triển của hạ tầng cơ sở kỹ thuật, hạ tầng cơ sở xã hội; hậu quả chiến tranh, ảnh hưởng của chất độc màu da cam đối với từng giai đoạn, từng thế hệ con người của vùng, đặc biệt là thế hệ dân số đang trong độ tuổi lao động được sinh ra và lớn lên sau chiến tranh.
Thứ ba, cần bổ sung thêm những nghiên cứu về lý thuyết vận dụng cơ hội của thời kỳ cơ cấu dân số vàng cho phát triển vùng Nam bộ. Ở vùng Nam bộ hiện nay, việc tiếp tục phát triển các nghiên cứu này hết sức cần thiết vì đây là vùng có nhiều lao động trẻ và năng động nhất nước, trong khi cơ hội của thời kỳ cơ cấu dân số vàng chưa được tận dụng để tạo động lực phát triển.
Thứ tư, cần tiếp tục luận giải sự tác động của các yếu tố thời đại đến sự hình thành và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung và vùng Nam bộ nói riêng. Bởi sự hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam nói chung và vùng Nam bộ nói riêng đang tạo ra những thay đổi lớn về mọi mặt, hình thành những hệ giá trị mới có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành nhân cách, lối sống, tới mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ.
Thứ năm, cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề liên kết sử dụng và phát triển nguồn nhân lực giữa các tiểu vùng, vùng và với các vùng miền khác; liên kết quốc tế nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về nguồn nhân lực. Bởi vì, trong điều kiện toàn cầu hóa và phân công lao động quốc tế ngày càng mở rộng, vấn đề hợp tác, liên kết trong phát triển, kể cả phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò khá quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng, miền.
Thứ sáu, cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa và tiếp thu một cách phù hợp những bài học kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực vùng từ các vùng khác trong lãnh thổ Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Thứ bảy, vai trò, trách nhiệm, quan hệ chỉ đạo, phối hợp của Ban chỉ đạo vùng, các cơ quan nhà nước cần được xác lập như thế nào? Các cơ quan tổ chức chuyên trách phát triển nhân lực, quản lý phát triển nhân lực cần được xây dựng và hoạt động theo mô hình nào? Hình thức, mô hình phát triển nguồn nhân lực nào là phù hợp với vùng Nam bộ? Thể chế kinh tế thị trường đang hoàn thiện và những yếu tố khác cần được làm rõ để hạn chế những yếu kém, phát huy thế mạnh, đồng thời khuyến khích, động viên các nguồn lực và sự tham gia của xã hội trong phát triển nguồn nhân lực tại vùng Nam bộ. Những câu hỏi trên cần được nghiên cứu một cách có hệ thống để phát huy vai trò của toàn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực.
Về mặt thực tiễn
Vùng Nam bộ của Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức cấp bách trong phát triển nguồn nhân lực như sau:
Một là, sự khủng hoảng về cơ cấu nguồn nhân lực và nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Biểu hiện của sự khủng hoảng cơ cấu nguồn nhân lực là việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao (đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ) và dư thừa (tương đối) nguồn lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo. Tình trạng “thầy nhiều hơn thợ”, thất nghiệp, bán thất nghiệp, khiếm dụng lao động ở thành thị và nông thôn đang ở mức báo động. Nguồn nhân lực vùng Nam bộ, nhìn chung chất lượng còn thấp, trình độ ngoại ngữ yếu, chưa có tác phong công nghiệp, còn mang nặng thói quen và tập quán sản xuất nhỏ, kỷ luật lao động lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm đối với công việc; việc quản lý nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn bộc lộ nhiều bất cập làm cho nguồn nhân lực bị lãng phí... Những vấn đề trên là “điểm nghẽn” lớn nhất khiến vùng Nam bộ chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển.
Hai là, vùng Nam bộ đã lộ rõ những bất cập, hạn chế trong việc áp dụng các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững của vùng nên cần được nghiên cứu kịp thời và có tính hệ thống.
Ba là, hệ thống giáo dục - đào tạo, hệ thống đào tạo nghề vùng Nam bộ còn nhiều hạn chế, chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được nhu cầu về đào tạo nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình trạng chạy theo thị trường, coi nhẹ chất lượng, việc mở trường, mở ngành tràn lan, không chú ý đến nhu cầu của xã hội và nhu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Cơ sở vật chất, lực lượng giảng viên, giáo viên không tương xứng với quy mô và ngành đào tạo không còn là chuyện xa lạ. Sinh viên ra trường thất nghiệp, không làm đúng ngành, nghề được đào tạo; việc người sử dụng lao động phải đào tạo lại mới sử dụng được lao động tốt nghiệp đại học không còn là cá biệt. Sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào quá trình đào tạo là rất hạn chế.
Bốn là, sự phát triển sớm và nhanh các yếu tố thị trường tạo nên sự đa dạng, không đồng đều và dịch chuyển phức tạp nguồn nhân lực tại vùng Nam bộ: công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhất là tại vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đặc thù Nam bộ như trang trại, cánh đồng mẫu lớn… tạo ra sự phức tạp, đa dạng, không đồng đều và sự dịch chuyển nhanh, phức tạp của nguồn nhân lực trong vùng và các vùng khác. Thị trường lao động và thị trường giáo dục tại vùng Nam bộ cũng có những nét phát triển đặc thù. Các yếu tố này cần được làm rõ để có chính sách phát triển phù hợp.
Năm là, vùng Nam bộ xuất hiện nhiều vấn đề về môi trường, an sinh xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn lực. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết với việc giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới ở các khu đô thị vùng Nam bộ, trong đó việc bảo đảm chất lượng cuộc sống (vật chất, tinh thần, môi trường sống, môi trường làm việc) của người dân có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng nguồn nhân lực.
Sáu là, việc thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực quốc tế chưa được chú trọng. Vì vậy, cần có những đánh giá nghiêm túc, khách quan, khoa học để tận dụng cơ hội, khắc phục hạn chế nêu trên.
Bảy là, thực trạng đời sống khó khăn và trình độ dân trí thấp của một bộ phận nguồn nhân lực cần được nhanh chóng giải quyết. Nam bộ cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Việc phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người không chỉ là vấn đề phát triển nguồn nhân lực mà còn góp phần giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng…
Tám là, quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực tại vùng Nam bộ còn nhiều hạn chế và bất cập như: (1) Chính quyền địa phương chưa động viên, thúc đẩy các thành phần xã hội, các tổ chức khác trong xã hội đóng vai trò lớn trong phát triển nguồn nhân lực; (2) Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực được các ngành, địa phương triển khai khá nghiêm túc nhưng do vội vàng, thiếu sự chuẩn bị, tính khả thi, phù hợp và minh bạch chưa cao nên đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế; (3) Thiếu chiến lược phát triển nguồn nhân lực vùng; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thiếu sự liên kết giữa các địa phương và giữa các ngành trong vùng, chưa gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chưa gắn kết với chiến lược phát triển giáo dục; (4) Thể chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực khi thực thi tại vùng Nam bộ chưa gắn với tính đặc thù vùng, miền nhưng chưa được đánh giá đúng mức và toàn diện; nhiều chính sách đã không đến được với người dân; (5) Quyền và nghĩa vụ của người lao động, quyền tiếp cận với giáo dục, đào tạo của người dân thiếu tính cụ thể và thiếu biện pháp đảm bảo. Vì vậy, phải khẩn trương nghiên cứu để điều chỉnh thể chế, pháp luật, chính sách cho phù hợp với yêu cầu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những vấn đề lý luận và thực tiễn trên đây về phát triển nguồn nhân lực vùng Nam bộ cho thấy việc phát triển nguồn nhân lực vùng Nam bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là thật sự cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp phát huy thế mạnh, giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển nguồn nhân lực cho vùng Nam bộ hiện nay.
ThS. ĐINH VIẾT PHƯƠNG
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/yeu-cau-dat-ra-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-vung-nam-bo-a7836.html