Vận động chức sắc tôn giáo góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

CT&PT - Bài viết khái quát hoạt động truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch về tôn giáo trong tình hình hiện nay, phân tích, làm rõ tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 35-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị về công tác tôn giáo đối với vận động chức sắc tôn giáo, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

1. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng internet đã góp phần đáng kể vào sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của đất nước ta, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục... Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang triệt để lợi dụng những thành tựu của cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư với những chiêu thức, thủ đoạn mới nhằm tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên lĩnh vực tôn giáo, trong thời gian qua, cùng với những phương thức, thủ đoạn mang tính “truyền thống” nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa hữu thần và vô thần, giữa duy vật và duy tâm, giữa những người cộng sản và đồng bào các tôn giáo, cho rằng cộng sản là vô thần nên sớm muộn cũng tiêu diệt tôn giáo… gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động tích cực tuyên truyền với các nhận định, quan điểm xuyên tạc tình hình và chính sách tôn giáo ở nước ta như: Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo; các văn bản pháp luật Việt Nam về tôn giáo là “vi hiến”, “gò ép”, “là bước thụt lùi”; luật pháp Việt Nam có nhiều điều luật quy định “không rõ ràng” để kiểm soát, hạn chế tự do tôn giáo, sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia với các “tội danh mơ hồ” để “đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo; Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do tôn giáo……

Các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc trên lĩnh vực tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động đã gây ra những hệ quả tiêu cực về nhiều mặt, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, làm cho việc thực hiện chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta gặp nhiều khó khăn, khiến một bộ phận tín đồ các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài hiểu sai lệch về vấn đề tôn giáo của Việt Nam. Nguy hiểm hơn là từ những quan điểm sai trái, thù địch nêu trên, cùng với việc triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo và vấn đề dân tộc, chúng tập trung tuyên truyền, kích động chia rẽ tôn giáo, dân tộc, đòi ly khai, tự trị, gây mất an ninh trật tự, mất ổn định chính trị tại các vùng chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, tạo cớ cho các thế lực thù địch quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

2. Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm mang tính bước ngoặt, Đảng ta đặc biệt chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này. Trước tình hình các thế lực thù địch  ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm làm phai nhạt ý thức hệ, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới lật đổ chế độ, “giành chiến thắng mà không cần chiến tranh”; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là nội dung, nhiệm vụ cốt lõi trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, mà còn là yêu cầu cấp bách để bảo vệ sự tồn vong của Đảng, của chế độ trong giai đoạn hiện nay. Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đảng ta đặt ra là “đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”1.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ về công tác tôn giáo của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Trong đó, chỉ rõ: Công tác tôn giáo vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền chức sắc, đồng bào có đạo chưa thực sự đổi mới và phù hợp với thực tiễn Do đó, cần “… chủ động thông tin, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo trong giai đoạn hiện nay"2.

Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, đối với công tác tôn giáo, Đảng ta luôn khẳng định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”3. Đặc biệt, thông qua Nghị quyết số 35-NQ/TW và Chỉ thị số 18-CT/TW, Đảng ta đã chỉ ra các giải pháp cụ thể hóa đường lối, quan điểm trên, đó là: “đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền”4, Chú trọng công tác vận động chức sắc tôn giáo5, Chủ động tích cực tiếp xúc với các chức sắc để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo và giữa các tôn giáo6.

Trong công tác tôn giáo nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tôn giáo nói riêng, công tác vận động chức sắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của toàn hệ thống chính trị. Với vai trò, uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng tôn giáo, sự tham gia, ủng hộ của chức sắc có ý nghĩa quan trọng trong vận động cộng đồng bào tôn giáo thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc như Nghị quyết số 35-NQ/TW đã nêu: “… nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị7. Nghị quyết khẳng định quan điểm: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…8. Theo đó, trên lĩnh vực tôn giáo là bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.

Bên cạnh đó, công tác vận động chức sắc tôn giáo là “việc các cơ quan trong hệ thống chính trị tiến hành tác động đến chức sắc tôn giáo nhằm tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, làm cho họ hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Qua đó, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”9. Vận động chức sắc tôn giáo góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tôn giáo là việc các cơ quan trong hệ thống chính trị tiến hành tác động đến chức sắc tôn giáo nhằm tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, làm cho họ hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Qua đó, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tôn giáo. Trong tình hình hiện nay, công tác vận động chức sắc tôn giáo bao gồm các nội dung cụ thể như: Vận động chức sắc tôn giáo xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện xã hội; chấp hành tốt chính sách, pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong hoạt động của các tôn giáo (tranh chấp, khiếu kiện về nhà, đất có liên quan đến tôn giáo; mất đoàn kết trong nội bộ tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan…); vận động chức sắc, tín đồ chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống lại các đối tượng lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh, trật tự; tham gia phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách về tôn giáo…

3. Tôn giáo luôn tiềm ẩn những yếu tố hết sức phức tạp, khó lường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tôn giáo là một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, liên quan đến thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tác động đến con người, tổ chức, hoạt động của các tôn giáo, là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dễ đụng chạm đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ. Vì vậy, công tác này phải được tổ chức một cách thận trọng, bài bản theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả vận động chức sắc tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị về công tác tôn giáo, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tập trung khắc phục những bất cập, sơ hở, thiếu sót trong công tác tôn giáo. Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến tôn giáo như: đất đai, văn hóa, giáo dục, y tế... bảo đảm đồng bộ với pháp luật về tôn giáo. Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chú trọng tới vùng có đông đồng bào tôn giáo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng có nhiều đồng bào theo tôn giáo. Chú trọng công tác phát triển đảng viên là người có đạo, gắn với công tác xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Chủ động nắm chắc tình hình tôn giáo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề liên quan đến tôn giáo, không để phát sinh những điểm nóng, phức tạp…

Hai là, việc vận động chức sắc tôn giáo góp phần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tôn giáo cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Chức sắc tôn giáo là bộ phận lãnh đạo của các tôn giáo, là những người am hiểu giáo lý, giáo luật, hiến chương, điều lệ… của tôn giáo mình Do đó,  trước khi tiến hành vận động chức sắc tôn giáo, cần nắm bắt đầy đủ thông tin về đặc điểm tâm lý, thói quen, nhu cầu, nguyện vọng, những vấn đề còn vướng mắc trong tư tưởng, nhận thức, đặc biệt là quan điểm cá nhân của chức sắc được thể hiện trong các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội để có phương pháp, nội dung vận động, thuyết phục phù hợp. Cần chọn cử những cán bộ vận động có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong làm việc nghiêm túc, nhiệt huyết trong công tác; am hiểu giáo lý, giáo luật các tôn giáo; có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tôn giáo. Bên cạnh đó, tùy vào mục đích vận động, tình huống tiếp xúc phải tính toán kỹ về thành phần tham gia tiếp xúc, nội dung vận động, phải có sự bàn bạc, thống nhất trước giữa các ban, ngành, lực lượng tham gia vận động.

Ba là, trong quá trình vận động chức sắc tôn giáo, cần kiên trì thuyết phục, cảm hóa kết hợp với đáp ứng nhu cầu chính đáng của chức sắc. Theo đó, cán bộ làm công tác vận động cần khơi gợi trong mỗi chức sắc tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc; giúp họ hiểu rõ bản chất tốt đẹp của chế độ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự tương đồng giữa Nhà nước Việt Nam với các tôn giáo trong mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước; phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đề cao những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng đất nước nhằm vận động chức sắc tham gia xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”; giúp họ xóa bỏ mặc cảm, định kiến với chế độ, thu hẹp khoảng cách giữa chức sắc tôn giáo với chính quyền, nhận thức theo hướng tích cực. Đặc biệt là phải làm cho chức sắc nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước; sự phản khoa học, phi logic, trái với thực tiễn của các luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, cán bộ vận động cần gần gũi, quan tâm lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng, tâm tư của chức sắc, tín đồ để tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời; hướng dẫn, giúp đỡ chức sắc tổ chức các hoạt động tôn giáo theo đúng chính sách, pháp luật, làm cho họ ngày càng tin tưởng vào cán bộ, vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm hoạt động tôn giáo, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Các cơ quan, ban ngành cần duy trì thường xuyên mối quan hệ, thăm hỏi, động viên chức sắc vào những dịp lễ trọng của các tôn giáo; chung vui, chúc mừng chức sắc trong những sự kiện quan trọng (phong phẩm, suy cử…); chia buồn, thăm hỏi, hỗ trợ khi bản thân hoặc gia đình chức sắc gặp khó khăn, hoạn nạn… Qua đó, góp phần  tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình thân, làm cho mối quan hệ giữa chức sắc và chính quyền càng ngày càng gắn bó bền chặt hơn.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về tôn giáo trên không gian mạng. Trong thời kỳ bùng nổ của internet và mạng xã hội như hiện nay, phần lớn việc giao tiếp, chia sẻ thông tin, thể hiện quan điểm của cá nhân… đều được tiến hành qua các hội, nhóm, diễn đàn… trên không gian mạng. Các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tôn giáo cũng theo đó lan truyền với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, quản lý internet, mạng xã hội, xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng; phối hợp thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những đơn vị cung cấp dịch vụ mạng, cơ quan, báo chí, trang thông tin điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả; chủ động theo dõi, nắm tình hình, ngăn chặn, triệt phá các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội, các hội, nhóm kín đăng tin giả, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần định hướng tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí về các sự kiện quan trọng, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm có liên quan đến tôn giáo; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 tại các đơn vị, địa phương; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các kênh tuyên truyền, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Động viên chức sắc, tín đồ các tôn giáo viết và đăng tin, bài, lan tỏa thông tin tích cực về việc thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc, quảng bá hình ảnh, thành quả từ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta một cách rộng rãi nhằm “phủ xanh” thông tin tích cực trên không gian mạng. Cung cấp thông tin kịp thời, hướng dẫn, giúp đỡ chức sắc, tín đồ thể hiện quan điểm, chính kiến, tranh luận phản bác các luận điệu xuyên tạc sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Năm là, công tác vận động chức sắc tôn giáo cần được tiến hành một cách tập trung, có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cần có sự tham mưu, phối hợp giữa cơ quan, ban, ngành, Ban Chỉ đạo 35 tại các đơn vị, địa phương dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hoặc biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, “khoán trắng” cho một vài cơ quan chuyên trách.


1, 4, 7, 8. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

 

2, 5, 6. Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

3. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo, Hệ thống Tư liệu - Văn kiện Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-cong-tac-ton-giao-3474.

9. Trần Thị Minh Ngọc, Lê Thị Hiếu: Nâng cao hiệu quả công tác vận động chức sắc tôn giáo theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 9/2020, tr. 77.

ThS. LÊ THỊ HIẾU

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/van-dong-chuc-sac-ton-giao-gop-phan-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-trong-tinh-hinh-moi-a7813.html