Phát huy vai trò của công tác dân vận góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Trong những năm qua, công tác dân vận được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và đạt nhiều thành tựu, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào thành công của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cơ sở trình bày những thành tựu trong công tác dân vận góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bài viết chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện tốt để phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế của vấn đề đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”1, “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”2. Kế thừa những giá trị về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lượi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng miền Bắc; giúp nhân dân ta giành thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Vấn đề phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong năm thành tố của chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội đánh giá: Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân4.

Trong suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, công tác dân vận luôn có vai trò, ý nghĩa quan trọng, vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tối đa sức mạnh, tiềm năng sáng tạo của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.

1. Công tác dân vận góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Công tác dân vận góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến năm 1986

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng và nguyện vọng của đại đa số nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tạo thành lực lượng cách mạng đông đảo đi theo lá cờ tiên phong của Đảng. Cương lĩnh nhấn mạnh: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp… phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”5. Đại biểu cho giai cấp vô sản Việt Nam, với đường lối cách mạng đúng đắn, mục tiêu, chính sách hợp lòng dân, Đảng ta đã tập hợp quần chúng công nông vùng lên phá bỏ gông cùm nô lệ trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng tiếp tục được nêu rõ trong Chương trình Việt Minh: “liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”6 đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các hội cứu quốc, đứng trong hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh, trở thành nguồn sức mạnh to lớn làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là minh chứng sáng rõ cho tính đúng đắn trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đồng thời là minh chứng cho kết quả công tác dân vận của Đảng. Đảng tin vào dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tuyên truyền giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp nhân dân vào Mặt trận Việt Minh, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh với các hình thức từ thấp đến cao và cuối cùng là nổi dậy, đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa.

Đất nước giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Trong tác phẩm Dân vận (năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân7. Tư tưởng này của Người ngay lập tức trở thành cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (ngày 25/11/1945), Đảng ta xác định những vấn đề cơ bản về chủ trương, đường lối và phương pháp cách mạng mới, trong đó nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng8, “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”9. Đồng thời, Đảng chủ trương mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tăng cường đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào chống thực dân Pháp xâm lược. Chính phủ ra sắc lệnh xây dựng Quỹ Độc lập (ngày 04/9/1945) và Thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Tuần lễ vàng. Mặt trận Việt Minh và các cấp chính quyền tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng; cử cán bộ về tận thôn, xóm vận động nhân dân tích cực tham gia. Giai đoạn này, Trung ương Đảng quyết định ra Sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của nhân dân để tiến tới tổng phản công, toàn dân tích cực hưởng ứng; phong trào thi đua ái quốc và công cuộc tổng động viên kết hợp với nhau, phát triển mạnh mẽ làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giai đoạn kháng chiến ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975), Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách sát hợp nhiệm vụ. Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (họp từ ngày 21 đến ngày 26/12/1965) xác định: “chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc”10. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III xác định, lực lượng cách mạng miền Nam gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Hội nghị chủ trương mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nông làm cơ sở, đồng thời tranh thủ những người có khuynh hướng hòa bình, trung lập trong các tầng lớp khác tham gia, ủng hộ kháng chiến. Thông qua Mặt trận để vận động nhân dân, khai thác khả năng của quần chúng, sử dụng lực lượng quần chúng, xây dựng khối “công - nông - binh liên hiệp”, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù. Trung ương Cục miền Nam sử dụng mọi hình thức, biện pháp để tuyên truyền, giáo dục quần chúng thấy rõ âm mưu và ý đồ phản động của địch; đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng. Phát động phong trào quần chúng diệt ác phá kìm, bám trụ sản xuất, chống khủng bố gom dân, phát triển chiến tranh du kích, hình thành xã chiến đấu, phát động phong trào binh vận rộng lớn… thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về công tác Mặt trận, trong đó nêu rõ: “Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn đóng một vai trò quan trọng và công tác mặt trận vẫn phải được tăng cường”11.

Ngay sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, quan điểm đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được Đảng chú trọng, trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Lần đầu tiên công tác dân vận được lãnh đạo trực tiếp bằng: Thông báo số 01-TB/TW, ngày 23/01/1976 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác dân vận và Mặt trận, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 08/3/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác dân vận và Mặt trận. Ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước12. Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước họp từ ngày 31/01 đến ngày 04/02/1977 quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên phạm vi cả nước.

Những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta giành được là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong Mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang... theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”13; phát huy cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Công tác dân vận góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ năm 1986 đến nay

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phá thế bao vây cấm vận, tiến hành đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tiếp tục là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, đồng thời là nội dung cốt lõi của công tác dân vận trong tình hình mới.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân với 4 quan điểm chỉ đạo: (1) Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; (2) Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; (3) Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; (4) Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, thiếu gương mẫu, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tư tưởng này tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991): “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”14.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được xác định tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) với việc ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng ta đã cụ thể hóa bằng việc ban hành hệ thống văn bản liên quan đến công tác dân vận: về vận động các giới, giai tầng xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân... Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”15.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân. Nhà nước tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác dân vận, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành các văn bản pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; động viên nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đến nay là điểm nhấn trong đổi mới công tác dân vận, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp, các ngành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác dân vận góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước như ngày nay.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, công tác dân vận đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Cán bộ dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, động viên, sẻ chia, kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, các mô hình dân vận khéo như “Tổ an toàn Covid cộng đồng”, “Tổ tự quản của nhân dân”… được xây dựng, hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch và giữ vững thành quả khi kiểm soát được dịch bệnh, là minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân, nhân dân là chủ thể trong phòng, chống và chiến thắng dịch bệnh.

2. Giải pháp phát huy vai trò công tác dân vận góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Đảng một lần nữa khẳng định toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Trong thời gian tới, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và thiên tai, dịch bệnh, đòi hỏi công tác dân vận phải phát huy truyền thống và những kết quả đạt được để củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trọng tâm là tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác dân vận, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cần phải sâu sát cơ sở, gần dân, đánh giá và dự báo chính xác, kịp thời những diễn biến xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó đề xuất giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; cầu thị, lắng nghe và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống của nhân dân.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách dân vận của Người: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”16, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuân thủ pháp luật và đạo đức, lối sống; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản của Đảng về công tác dân vận. Xây dựng, bổ sung và nâng cao hiệu quả thực hiện các cơ chế phối hợp về công tác dân vận.

Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, miền; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ kết hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang; xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang gần gũi, thân thiện, có trách nhiệm với nhân dân, sẵn sàng bảo vệ nhân dân.

Bốn là, nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, trọng tâm là nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt”17 để nhân dân làm chủ; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Năm là, phát huy vai trò liên minh chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, nhất là tiếp tục phát huy vai trò công tác dân vận, sức mạnh khối đại đoàn kết trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: (1) Xây dựng nông thôn mới; (2) Giảm nghèo bền vững; (3) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước.

Ghi nhớ sâu sắc và thực hành hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là vấn đề sống còn”, “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”18. Do đó, phải luôn giữ gìn khối đại đoàn kết - chiếc chìa khóa vạn năng giúp Đảng ta trong 92 năm qua đưa đất nước vượt qua bao khó khăn đến bến bờ thắng lợi.


1, 2, 16, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 177; t. 14, tr. 186; t. 6, tr. 234; t. 4, tr. 55.

3, 5, 6, 11, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 65, tr. 156; 2002, t. 2, tr. 4; 2000, t. 7, tr. 149; 2002, t. 23, tr. 509; 2007, t. 51, tr. 130.

4. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 70.

7, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.

8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 26.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 26, tr. V.

12. Các tổ chức Mặt trận gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.

15, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 191, 173.

TS. PHẠM TẤT THẮNG

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-huy-vai-tro-cua-cong-tac-dan-van-gop-phan-cung-co-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-tinh-hinh-moi-a7723.html