Sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

CT&PT - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc, có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh lòng dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Quan điểm của một số học giả phương Tây về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu phương Tây, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công phần lớn là do yếu tố may mắn, là kết quả của cuộc đảo chính Nhật - Pháp ngày 09/3/19451 hoặc do sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai tạo ra tình thế có lợi cho Việt Nam2. Một số học giả phương Tây còn cho rằng, phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là do những biến đổi chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra trong thời gian phátxít Nhật chiếm đóng.

Cũng có quan điểm cho rằng, tại thời điểm đó, ở Việt Nam và phần lớn khu vực Đông Nam Á xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, tạo điều kiện cho cách mạng thành công, Stein Tonnesson - nhà sử học Nauy luận giải: Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn đó là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của mình3. Thậm chí, ông còn khẳng định: “Trên thực tế, Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh chưa bao giờ lên kế hoạch cho cuộc Cách mạng Tháng Tám” và “chỉ đóng một vai trò khiêm tốn, không tương xứng”4 trong cuộc cách mạng này. Có thể thấy, yếu tố khách quan là quan trọng, song không thể phủ nhận hay hạ thấp vai trò của yếu tố chủ quan là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh.

David Marr - nhà sử học người Australia cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ là một cuộc “biến đổi”, “chuyển đổi”, chưa phải là một cuộc cách mạng theo đúng nghĩa của nó, chưa phá vỡ nền tảng kinh tế và cấu trúc xã hội đã từng tồn tại hàng thế kỷ ở đất nước này. Ông giải thích: “… ở khắp mọi nơi các viên chức thực dân vẫn tiếp tục làm việc, địa chủ tiếp tục thu địa tô, chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục giao việc cho thợ, vợ vẫn phục tùng chồng, con cái tiếp tục tuân lời cha mẹ”5.

chu-tich-hcm-doc-tuyen-ngon-doc-lap-1684207538.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 02/9/1945.

Mặc dù quan điểm của David Marr có nhiều điểm khác biệt, song cả ông và Stein Tonnesson đều nhấn mạnh “tính tự phát” của quần chúng nhân dân trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Theo David Marr, trong thời gian cách mạng chuẩn bị nổ ra ở một số địa phương như Hải Dương, Đông Triều, Hà Tĩnh, NghệAn… đã có nhiều nhóm quần chúng nhân dân tự tổ chức, nổi dậy giành chính quyền và tự gọi mình là Việt Minh, mặc dù họ mới chỉ nghe đến Việt Minh chứ chưa có bất kỳ mối liên hệ nào. Ở nhiều địa phương, sau khi nghe tin ở các địa phương khác, nhân dân cũng tự nổi dậy giành chính quyền mà không cần chờ đến khi nhận được chỉ thị từ cấp trên6.

Khác với cách nhìn nhận, đánh giá về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của các học giả trên, cũng có nhiều học giả khác đã phản bác, không đồng tình với những luận điểm đó, tiêu biểu là Alfred McCoy. Ông cho rằng, các phong trào giải phóng dân tộc đã diễn ra trong một thời gian dài kể từ khi chủ nghĩa thực dân đặt chân đến khu vực Đông Nam Á, như ở Việt Nam là từ năm 1858 đến năm 1945, chứ không phải đợi đến những năm chiếm đóng của phátxít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai7.

Có thể thấy, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, song với cách tiếp cận vấn đề dưới góc độ lịch sử quốc tế và phương pháp luận của một số học giả như Alfred McCoy, Stein Tonnesson, David Marr đã góp phần làm sáng rõ hơn về cuộc cách mạng ở Việt Nam. Đó là bối cảnh khu vực và thế giới đã tạo ra điều kiện khách quan thuận lợi, góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Song, phải khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc, đã đập tan xiềng xích, kìm kẹp của chế độ thực dân, phong kiến, đưa Việt Nam trở thành quốc gia độc lập, nhân dân ta được hưởng tự do. Và yếu tố quyết định thắng lợi đó chính là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đồng lòng của toàn thể dân tộc Việt Nam.

2. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đồng lòng của nhân dân Việt Nam

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta chủ trương: “thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”8; “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”9. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3/1935) khẳng định: “Đảng Cộng sản phải dùng hết, kéo hết các lực lượng phản đế xứ Đông Dương ra mưu cuộc vận động dân tộc giải phóng. Mặt trận phản đế bao hàm chẳng những quần chúng công nhân, nông dân lao động, dân nghèo thành thị, mà cả các lớp, các phần tử lẻ tẻ, cấp tiến trong các giai cấp khác, các lớp lao động người dân tộc thiểu số, người ngoại quốc… Không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái, hễ ai có tính chất phản đế là có thể kéo vào Mặt trận phản đế”10. Ngày 26/7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương11 nhằm thu hút các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, các dân tộc trong toàn Đông Dương thực hiện mục tiêu chống phátxít, chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do, cơm áo và hòa bình.

Có thể khẳng định, chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi là sự thay đổi chiến lược và sách lược kịp thời, chính xác của Đảng; phù hợp với trào lưu chung của cách mạng thế giới, tình hình cụ thể ở Đông Dương và diễn biến chính trị ở nước Pháp. Đảng không chỉ huy động “quảng đại nhân dân từ thành thị cho tới thôn quê, từ các dân tộc tiền tiến cho tới các bộ lạc hậu tiến, từ các phần tử có giác ngộ cho tới những lớp dân chúng mấy lâu nay còn yên tĩnh rụt rè, nay trở ra tham gia Mặt trận thống nhất”12, mà còn thu hút “những phần tử cấp tiến dân chủ người Pháp, người Nam, người Miên, người Lào, người Trung Quốc, người Thổ… liên hợp lại tranh đấu lập Mặt trận dân chủ”13.

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, chọn Cao Bằng làm nơi trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh, nhằm tập hợp đông đảo nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc. Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh được triển khai mạnh mẽ ở các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám tại lán Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng, quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”14... Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Mặt trận Việt Minh lấy cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu. Các đoàn thể yêu nước chống đế quốc thống nhất tên gọi “hội cứu quốc” như: Công nhân Cứu quốc hội, Nông dân Cứu quốc hội, Thanh niên Cứu quốc hội… Tất thảy vì mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tháng 10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh: “Liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”15. Năm 1943, tình hình trong nước có nhiều biến đổi, phong trào cách mạng trên thế giới dâng cao, điều này tác động mạnh đến các tầng lớp trí thức là những người vốn nhạy cảm trước những vấn đề chính trị. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Mặt trận Việt Minh lúc này cần có những định hướng phát triển nhằm thu hút các lực lượng trí thức, học sinh, sinh viên phục vụ cho cách mạng. Trước yêu cầu đó, tháng 02/1943, bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua. Dù mới chỉ là bản phác thảo, song đây được coi là một văn kiện quan trọng trong đường lối của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, có giá trị như một bản tuyên ngôn văn hóa của Đảng ta, xác định rõ những tính chất, phương hướng hoạt động để xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. Trên tinh thần của bản Đề cương, tháng 4/1943, Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam được thành lập, trở thành một thành viên quan trọng của Mặt trận Việt Minh.

Tháng 6/1944, với chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh, liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước chưa gia nhập Việt Minh nhằm mục tiêu giải phóng, độc lập dân tộc, Đảng ta chú trọng tìm hiểu khả năng, nguyện vọng của tầng lớp trí thức, dẫn dắt họ vào con đường đấu tranh. Được sự giúp đỡ của Đảng, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 30/6/1944, một số trí thức yêu nước và tiến bộ ở Hà Nội tổ chức cuộc họp thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Đảng Dân chủ Việt Nam đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Minh, hoạt động theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Việc Đảng Dân chủ Việt Nam gia nhập Mặt trận Việt Minh góp phần làm cho Mặt trận dân tộc chống phátxít thêm sâu rộng, làm thất bại âm mưu của phátxít và tay sai định lôi kéo tư sản dân tộc và tầng lớp trí thức Việt Nam.

Cùng với chủ trương thành lập Ai Lao Độc lập đồng minh và Cao Miên Độc lập đồng minh, tiến tới thành lập mặt trận chung Đông Dương Độc lập đồng minh nhằm phát huy sức mạnh các dân tộc Đông Dương, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chung là thực dân Pháp và phátxít Nhật, Đảng còn mở rộng Mặt trận Việt Minh thông qua việc liên lạc với một số người cộng sản và phái tả thuộc Đảng Xã hội Pháp trong quân đội Lê dương (quân đoàn người nước ngoài) và giới công chức Pháp ở Việt Nam…, tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng chống Nhật và sự đoàn kết rộng rãi của những người Việt Nam yêu nước ở Trung Quốc.

Với mục đích, tôn chỉ và tổ chức rõ ràng, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một khối đoàn kết toàn dân được kiến tạo rộng khắp, vững chắc và phát triển mạnh mẽ từ Bắc đến Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trước hết là do Đảng ta đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân, “cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”16, “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”17. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì chính sách của Đảng đúng, và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công”18; “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi… Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc19; “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đó dân ta làm chủ nước ta”20. Nói đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, nhà báo người Argentina Jorge Tuero từng ca ngợi: Cách mạng Tháng Tám thành công là minh chứng của việc đưa ra sách lược đúng đắn, cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình, đưa ra những quyết sách cần thiết vào thời điểm thích hợp, kết hợp với quá trình chuẩn bị cả về chính trị và quân sự kỹ lưỡng để bảo đảm tính đoàn kết dân tộc, trên cơ sở khối liên minh công nông đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/194521. Giáo sư người Nga Aleksandr Sokolovsky cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa rất lớn: “Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại. Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam”22.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà đỉnh cao là Mặt trận Việt Minh. Sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh thể hiện rõ những đặc trưng giá trị văn hóa Việt Nam luôn đặt chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc ở bậc thang giá trị cao nhất. Như vậy, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng ngời chính nghĩa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp đoàn kết các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, thân sĩ yêu nước trong nước; những người chưa từng tham gia đời sống chính trị, lầm đường, lạc lối trong ngụy quân, ngụy quyền… trở về với dân tộc, theo cách mạng đứng lên chống kẻ thù. Khi thời cơ đến, theo hiệu triệu của Đảng và Mặt trận Việt Minh, cả nước nhất tề nổi dậy, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với vũ trang quần chúng, dũng cảm xông lên đập tan bộ máy chính quyền của phátxít Nhật và phong kiến tay sai, giành quyền làm chủ đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đã tổng kết 4 bài học có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trong đó nhấn mạnh bài học: “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc””23. Quá trình đổi mới đất nước đã thể hiện nhất quán và sâu sắc tư tưởng lấy dân làm gốc của Đảng ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) tổng kết bài học: “đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”24. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”25.

Phát triển quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc26. Khơi dậy mọi nguồn lực của đất nước tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập là phương pháp cách mạng trong thời kỳ mới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi nhân tố, mọi lực lượng kinh tế, xã hội tham gia vào tiến trình cách mạng là một trong những nội dung, cách thức và biện pháp quan trọng của Đảng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, phát huy sức mạnh nội lực của các giai tầng, các tôn giáo, các dân tộc; sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế; sức mạnh của trong nước và kiều bào ở nước ngoài; bằng các phương pháp; trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - đối ngoại...

Kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”27. Thực hành được dân chủ thực chất trong xã hội là tiền đề quan trọng tạo nên sự đồng thuận và đoàn kết xã hội vì sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, cần “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”28.

Trải qua 77 năm, những bài học và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn vẹn nguyên giá trị, có tác động mạnh mẽ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là minh chứng sáng rõ con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn.


1. Philippe Devillers: Histoire du Vietnam de 1940 - 1952, Édition du seuil, Paris, 1952.

2. Daniel Hémery: “Aux origins des guerres d’independence Vietnamienes: Pouvoir colonial at phénomène communiste en Indochine avant la Seconde Guerre Mondiale”, in: Mouvement social, No.101, 1977, p. 35.

3, 4. Stein Tonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh and de Gaulle in a World at War, PRIO, Oslo, 1991, p. 6, 424- 415.

5. David Marr: Vietnam 1945: The Quest for Power, University of California Press, Berkeley, 1995, p. 4.

6. Xem Stein Tonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh and de Gaulle in a World at War, Sđd, p. 1, 424 và David Marr: Vietnam 1945: The Quest for Powe, Sđd, p. 2.

7. Alfred McCoy (ed.): Southeast Asia under Japanese Occupation, Yale University Press, New Haven, 1980.

8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 4.

10, 23, 24. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 85; t. 47, tr. 549; t. 65, tr. 140.

11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 222, 224, 597.

14, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 113.

15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 149, 119.

18, 19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 24, 25.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 85.

21, 22. Thu Uyên: Cách mạng Tháng Tám trong mắt bạn bè quốc tế, Báo Biên phòng, ngày 30/8/2018, https://www.bienphong.com.vn/ cach-mang-thang-tam-trong-mat-ban-be-quoc-te-post269405.html.

25. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 14.

26. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 158.

27, 28. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118, 38.

PGS, TS. VŨ QUANG VINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/su-lanh-dao-cua-dang-chu-tich-ho-chi-minh-va-vai-tro-cua-nhan-dan-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945-a7719.html