1. Một cách tiếp cận độc đáo, sáng tạo về chính trị
Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, có bốn vấn đề cần lưu ý, phải được coi trọng ngang nhau, có mối quan hệ mật thiết với nhau, đó là chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “chính trị”, song về cơ bản là thống nhất. Theo quan điểm chung của chủ nghĩa Mác - Lênin, “chính trị” là những hoạt động liên quan tới mối quan hệ giữa các giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội, tập trung đấu tranh giai cấp nhằm giành địa vị thống trị trong nước, quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các quốc gia thông qua việc thiết lập chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước. Là một bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng, chính trị chứa đựng hệ tư tưởng chính trị, nhà nước, các đảng phái, gắn với chủ trương, đường lối, ý thức, lập trường, tổ chức, hoạt động chính trị liên quan đến quyền lợi của giai cấp và nhà nước. Chính trị không chỉ là biểu hiện tập trung của kinh tế, mà còn là biểu hiện tập trung của văn minh, của hoạt động sáng tạo, giải phóng và phát triển. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua đội tiên phong là đảng cộng sản, đòi hỏi phải có lập trường chính trị đúng đắn để phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, giáo dục ý thức giác ngộ chính trị và quyền làm chủ thật sự của nhân dân.
Từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản hơn 170 năm trước (năm 1848) cho đến ngày nay, vượt qua không gian, thời gian và hoàn cảnh khác nhau, quan niệm chính trị nêu trên hầu như không thay đổi và được xã hội chấp nhận. Quan niệm đó phản ánh đầy đủ những mặt cơ bản của chính trị với một cái nhìn hoàn chỉnh. Song, quan niệm này chưa chỉ ra được căn cốt, hạt nhân của chính trị - điều hết sức quan trọng và cần thiết để lý giải mối quan hệ giữa chính trị với giải phóng và phát triển.
Khi nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận ra tất cả các mặt, các khía cạnh dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh tập trung làm rõ đặc trưng, bản chất, cốt lõi, hạt nhân của chính trị, Người chỉ rõ: “Chính trị: Cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập thống nhất là sự đoàn kết”1. Gắn với đoàn kết, Hồ Chí Minh bàn tới sự trong sạch của Chính phủ cộng hòa dân chủ và đi đến kết luận: “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”2.
Đặt định nghĩa “chính trị” của Hồ Chí Minh bên cạnh các định nghĩa chính trị thường thức, chúng ta dễ dàng nhận ra điểm khác nhau cơ bản giữa định nghĩa “chính trị” mà Hồ Chí Minh đưa ra so với các quan niệm truyền thống, đó là Người không chỉ giải thích chính trị là gì, mà còn chỉ ra điểm cốt lõi của chính trị. Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh vượt gộp so với các cách hiểu thông thường để đi sâu vào bản chất, cái đích thực của chính trị trong chế độ mới dân chủ cộng hòa và xã hội chủ nghĩa.
Hai thành tố trong quan niệm chính trị của Hồ Chí Minh là “đoàn kết” và “thanh khiết” được nhìn nhận theo hướng hạt nhân, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, dưới ánh sáng khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đoàn kết: Theo quan niệm chung là liên hợp nhiều người, nhiều bộ phận thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. C. Mác từng kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”3.
V.I. Lênin cũng từng nói: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”4. Song, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết không chỉ là kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, mà đoàn kết là một tổ hợp hoàn chỉnh gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nét đặc sắc trong quan niệm về đoàn kết của Hồ Chí Minh đó là xuất phát từ thực tế Việt Nam. Theo Người, giai cấp đấu tranh có chừng mực, chủ yếu dồn tâm trí cho đoàn kết dân tộc. Trong bối cảnh Việt Nam, giải quyết mọi vấn đề của dân tộc đều có lợi ích của giai cấp; nói về giai cấp là củng cố, tăng cường đoàn kết dân tộc. Theo Người, hồn cốt của đấu tranh giai cấp chính là hóa giải những mâu thuẫn về quyền lợi bộ phận, giai cấp, tập trung cho toàn cục. Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư duy triết học, giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa giai cấp và dân tộc trên cơ sở tìm ra “mẫu số chung” của toàn dân tộc, thay vì khoét sâu, loại trừ, cách biệt, hẹp hòi. Giá trị cốt lõi trong tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh là ái quốc, là quy tụ, đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh để cứu quốc. Với nhận thức đó, khả năng thắng lợi của cách mạng luôn tỷ lệ thuận với năng lực tổ chức đoàn kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
Thanh khiết: Theo Hồ Chí Minh, cùng với yếu tố đoàn kết, chính trị còn cần phải thanh khiết từ to đến nhỏ. Đây được coi là một cách tiếp cận chính trị “vô tiền khoáng hậu”. “Thanh khiết” đã được đề cập đến nhiều, song coi đó là một khía cạnh đặc trưng của chính trị có lẽ chỉ có Hồ Chí Minh. Tư duy chính trị thanh khiết thể hiện sự cụ thể, rõ ràng, vừa độc đáo, sáng tạo, vừa trí tuệ, bản lĩnh, nhưng sâu xa hơn là đã làm rõ bản chất thực sự của chính trị, đồng thời là mục tiêu, động lực của chế độ mới. Người chỉ rõ: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”5.
Định nghĩa về “Chính phủ” cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận theo hướng đặc trưng, bản chất. Theo cách hiểu thông thường, Chính phủ là cơ quan hành pháp, hành chính cao nhất của chính quyền một nước. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không nhìn nhận theo hướng tổ chức bộ máy như vậy, mà xem xét ở giác độ bổn phận đày tớ của Chính phủ. Tiếp cận chính trị dưới góc độ thanh khiết mang nhiều giá trị, không chỉ phản ánh bản chất tốt đẹp của Chính phủ cộng hòa dân chủ với một đội ngũ công bộc từ Chủ tịch toàn quốc xuống cơ sở, để phân biệt với chính trị thời thực dân, phong kiến làm việc để thăng quan phát tài, mà còn thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ với nhân dân.
Khi nghiên cứu di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể bắt gặp nhiều trường hợp có thiên hướng đề cao chất lượng của phạm trù chính trị. Người không trực tiếp trả lời chính trị là gì, nhưng đó lại là một cách tiếp cận rất “chính trị”. Chính trị học coi đó là sự khéo léo, khoa học, là nghệ thuật trong diễn đạt, đối xử, thuyết phục để đạt mục đích. Chẳng hạn, chính trị trong chế độ dân chủ cộng hòa và xã hội chủ nghĩa có nội dung căn cốt là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Cách tiếp cận như trên là cần nhưng chưa đủ. Và Hồ Chí Minh đã cho thấy cách tiếp cận thật sự sâu sắc và hoàn chỉnh của mình. Người chỉ rõ: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng là để làm đày tớ cho nhân dân... Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân. Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”6. Nói về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Người nhấn mạnh: “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng dân chủ của mình, dám nói, dám làm”7.
Hồ Chí Minh hiểu thấu rằng, nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. “Dẫn đường” được đề cập ở đây là sự chỉ dẫn để đi tới hạnh phúc, tự do. Giá trị cốt lõi của chính trị trong chế độ mới là đem lại hạnh phúc, tự do cho nhân dân. Muốn vậy, “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”8. Có thể khẳng định, đây là quan điểm chính trị chân chính, lấy mục đích vì dân, quyền lực của dân, dân là chủ, dân làm chủ và trách nhiệm của dân làm tiêu chí, là thước đo hiệu quả và sức mạnh.
Về cán bộ: Theo cách hiểu thông thường, cán bộ là người có nghiệp vụ, chuyên môn, có chức vụ trong cơ quan chính quyền hay tổ chức, đoàn thể. Xuất phát từ từ gốc trong tiếng Pháp và tiếng Anh - “Cadre”, người ta quan niệm cán bộ là khung, là nòng cốt. Ngày nay, cách hiểu về “cán bộ” mang tính rộng hơn, cụ thể hơn: cán bộ là người được bầu vào các cấp lãnh đạo, chỉ huy, là người làm công tác chuyên trách có hưởng lương. Ngay từ khi sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, C. Mác đã có những chỉ dẫn sâu sắc về cán bộ với những tố chất về tài năng, tín nhiệm, cầu thị, bản lĩnh, gương mẫu, biết thừa nhận sai lầm, không có đặc quyền đặc lợi, toàn tâm, toàn ý làm người đày tớ của dân.
Theo hướng tiếp cận của C. Mác, Hồ Chí Minh bàn nhiều đến hai chữ “đày tớ” ngay từ khi chính quyền vừa về tay nhân dân, chế độ cộng hòa dân chủ vừa được thiết lập. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ nhận thức sứ mệnh đày tớ còn là sự trung thành, học tập và làm việc suốt đời. Người nhấn mạnh: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời chứa các yếu tố cần và đủ, liên quan chặt chẽ tới chính trị.
2. Chính trị gắn với văn hóa vì mục đích giải phóng và phát triển
Với cách trình bày của Hồ Chí Minh, có thể hiểu rõ câu hỏi “tại sao chính trị lại là đoàn kết và thanh khiết?”, đó là để hiểu sâu hơn ý nghĩa và bản chất của chính trị. Bởi đoàn kết và thanh khiết là biểu hiện cao nhất của văn hóa. Văn hóa hiểu rộng ra cũng là chính trị, chính trị hiểu sâu cũng là văn hóa.
Theo V.I. Lênin, chính trị bắt đầu ở nơi có hàng triệu người, ở đâu có hàng triệu người thì ở đó mới có một nền chính trị nghiêm túc. Sự cố kết, đoàn kết của hàng triệu người sẽ tạo nên một nền chính trị chân chính. Muốn hàng triệu người đoàn kết thành một khối thống nhất thì trước hết đảng chính trị, chính khách, cán bộ, đảng viên phải thanh khiết, thật sự là công bộc, đày tớ trung thành, tận tụy của nhân dân. Có như vậy thì nhân dân mới tin, mới phục, mới yêu, và khi dân đã tin, đã phục, đã yêu thì họ sẽ hết lòng ủng hộ, giúp đỡ Đảng trong đấu tranh giành, giữ, bảo vệ chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Hồ Chí Minh đúc kết rằng: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”10.
Người khẳng định: Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no11, nghĩa là Người nói đến cả chính trị và văn hóa. Chỉ khi có một đảng đạo đức và văn minh mới có thể đưa dân tộc đến bến bờ hạnh phúc. Chính trị với nội hàm đoàn kết và thanh khiết tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù, đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn minh chiến thắng bạo tàn”12.
Để có chính trị chân chính thì Đảng phải chân chính cách mạng, nghĩa là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”13. Đảng không đạo đức, văn minh, cán bộ không thanh khiết sẽ có dịp tham nhũng, dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt đục khoét nhân dân. “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””14. Cán bộ không có đạo đức, không thanh khiết, lại hủ bại, hủ hóa, tha hóa quyền lực - tha hóa văn hóa, thì không thể lãnh đạo được nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người cách mạnh phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”15.
Chính trị nói chung, chính trị dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa nói riêng là đấu tranh giai cấp nhằm giành, giữ, thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước cho giai cấp công nhân. Với quan niệm chính trị là đoàn kết và thanh khiết, Người ý thức rất rõ tính quyết định của kinh tế đối với chính trị.
Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đưa ra những quan niệm đặc sắc, độc đáo về sự cần thiết “ưu tiên” chính trị và văn hóa so với kinh tế; về sự “độc lập tương đối” của chính trị so với kinh tế; “Chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế”16. Người khẳng định, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ; văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Trong giáo dục cán bộ, đảng viên, Người nhấn mạnh: “Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất, chúng ta vì nước, vì dân mà chịu khổ, một cái khổ rất có giá trị, thì vật chất càng khổ tinh thần càng sướng”17.
3. Chính trị đoàn kết và thanh khiết soi sáng công cuộc đổi mới
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta ý thức rất rõ những suy thoái về đạo đức trong Đảng, những “căn bệnh” của cán bộ, đảng viên nếu không được chữa trị, ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đánh giá về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; về mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ ở cả cơ sở và cơ quan Trung ương, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII khẳng định, đây “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”18. “Những hạn chế khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”19.
Nhận thức sâu sắc nguy cơ sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả sự tha hóa quyền lực, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Một trong những đột phá chiến lược về chính trị được nhiệm kỳ Đại hội XIII xác định là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”20. Qua đó cho thấy, Đảng ta kiên định, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị trong bối cảnh mới, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thành công.
1, 2, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 74, 75, 74-75.
3. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 749.
4, 16. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 42, tr. 86, 349.
6, 7, 9, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 292, 293, 670, 664.
8, 10, 11, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64-65; t. 7, tr. 270; t. 12, tr. 403; t. 6, tr. 127.
13, 15, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 289, 292-293, 176.
18, 19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 23.
20. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 200.
PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-chinh-tri-la-doan-ket-va-thanh-khiet-a7712.html