Trước hết, cần phải khẳng định rằng, trong suốt chiều dài 96 năm hình thành và phát triển (21/6/1925 - 21/6/2021), báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, là “vũ khí săc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí luôn thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, báo chí còn là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là kênh thông tin quan trọng góp phần cùng Đảng, Nhà nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, đồng thời tổ chức thực hiện đường lối, chính sách ngày càng hiệu quả.
Nghị quyết Trung ưong 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới khẳng định: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ”1.
Mục tiêu, yêu cầu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là sự tiếp nối, phát triển nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X). Theo đó, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thực, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng. Vì vậy, cần “Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”2.
Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới... nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ.
Thực tế, dù ở trong bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh cụ thể nào hay xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí cũng luôn không ngừng trau dồi, học hỏi, tiếp cận với báo chí thế giới để có thể hội nhập, bắt kịp thời đại, hoàn thành tốt những chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng của Đảng; kịp thời khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, định hướng thông tin cho công chúng. Bắt kịp thời đại, hội nhập với báo chí thế giới, báo chí Việt Nam không chỉ phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao, khắt khe của công chúng, mà còn bảo đảm truyền tải thông tin đối ngoại một cách chuyên nghiệp, bài bản, đổi mới, sáng tạo, góp phần không nhỏ nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như câu nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường sử dụng và đã chính thức được đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong suốt chiều dài gần một thế kỷ hình thành và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, cùng với cả hệ thống chính trị, báo chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động, sáng tạo, thích ứng, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của đất nước, thể hiện đầy đủ, nổi bật sức mạnh của dân tộc Việt Nam đoàn kết, kiên cường, mạnh mẽ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong đối mặt, ứng phó với mọi tình huống khó khăn, thử thách. Các nhà báo luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học để có thể bắt nhịp cùng thời đại ở từng giai đoạn, thời điểm lịch sử khác nhau.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, trong môi trường truyền thông số, báo chí cách mạng Việt Nam chủ động, sáng tạo học hỏi, ứng dụng những thành tựu của thế giới để bắt kịp, hòa bước cùng thời đại với những sản phẩm báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, bám sát, chiếm lĩnh, làm chủ mặt trận thông tin, định hướng, giữ vững dòng thông tin chủ lưu, tích cực, xây dựng giá trị tốt đẹp, nhân văn trong hệ sinh thái truyền thông hết sức đa dạng, mới mẻ, hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự chuyển mình tích cực, sự thích ứng nhanh nhạy, hợp lý của báo chí giúp chúng ta có được những sản phẩm báo chí, cơ quan báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, có thể sánh ngang hàng với báo chí thế giới. Điều này được ghi nhận bằng những giải thưởng danh giá của báo chí thế giới trao cho các sản phẩm báo chí Việt Nam với nhiều hạng mục giải thưởng khác nhau.
Một điều đáng trân quý của báo chí Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử là sự thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc trong mỗi tác phẩm báo chí, cũng như cả nền báo chí. Những giá trị nhân văn cao cả, cốt lõi như sự chân thật, độ lượng, vị tha, khoan dung, vì cộng đồng luôn được đề cao, giữ gìn, phát huy, lan tỏa, qua đó mang lại sức mạnh tinh thần rất lớn, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh vì quyền con ngươi, quyền công dân, dân chủ, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào. Giá trị nhân văn của báo chí còn được thể hiện rõ ràng, cụ thể, sinh động thông qua tinh thần trách nhiệm của nhà báo, nền báo chí trước xã hội, trước nhân dân, trước công chúng dựa trên nền tảng, cơ sở đạo đức và pháp luật.
Không chỉ thể hiện xuyên suốt, rõ ràng, nổi bật từng yếu tố, báo chí cách mạng Việt Nam về cơ bản đã kết hợp chặt chẽ, biện chứng, nhuần nhuyễn, hiệu quả cả ba yếu tố chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, luôn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng và xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò của mình, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng, suốt chiều dài lịch sử phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta luôn cố gắng, quyết tâm, kiên định xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hội nhập, bắt kịp xu hướng của thế giới. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí Việt Nam càng thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, theo kịp xu hướng phát triển của báo chí thế giới, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, thực tiễn hiện nay cũng đặt ra một số vấn đề quan trọng đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời, triệt để.
Một là, còn có sự quan tâm chưa thật đúng mực, kịp thời đến hoạt động báo chí, từ những chủ trương, đường lối, chính sách cũng như kinh phí hoạt động hằng năm. Điều này khiến không ít cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, chăm lo, nâng cao đời sống của đội ngũ những người làm báo, cũng như quá trình tác nghiệp, hiện đại hóa hoạt động báo chí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo trong quá trình hành nghề.
Hai là, các cơ quan báo chí còn có sự đầu tư chưa đúng mực cho các thông tin liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”. Thực tế, mặt trận này chưa được nhiều cơ quan báo chí chú trọng, hiện nay chỉ có một số cơ quan báo chí thường xuyên, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này. Riêng Tạp chí Cộng sản những năm gần đây đã xây dựng, duy trì thường xuyên chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” trên cả ấn phẩm in và phiên bản điện tử. Các bài viết thuộc chuyên mục được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, với đầy đủ hệ thống luận cứ, luận chứng, lý lẽ chặt chẽ, thuyết phục nhằm đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá từ gốc, gắn chặt nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận, tư tưởng.
Ba là, các cơ quan báo chí đang thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế còn những lúng túng, vướng mắc nhất định dẫn đến một số cơ quan báo chí gặp khó khăn về việc chuyển đổi cơ quan chủ quản, tổ chức bộ máy. Điều này cần có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý để các cơ quan báo chí trong diện quy hoạch thay đổi, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, cũng như mỗi nhà báo có điều kiện, môi trường hoạt động chuyên nghiệp, bảo đảm đúng chức năng, tôn chỉ, mục đích của mình, phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và xu hướng báo chí thế giới.
Bốn là, nhiều cơ quan báo chí chưa bảo đảm sự cân bằng trong cập nhật thông tin, còn thiên lệch, ưu tiên những thông tin tiêu cực, giật gân, chưa chú trọng truyền tải, lan tỏa những thông tin, sự vật, sự việc tích cực, tốt đẹp trong xã hội. Do đó, chưa phản ánh đúng thực trạng đất nước. Đó cũng chính là "mảnh đất màu mỡ" tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bịa đặt nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước.
Năm là, tồn tại sự thương mại hóa báo chí, một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích. Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, tiêu cực làm hoen ố, vấy bẩy nền báo chí cách mạng, khiến xã hội có cảm giác thiếu tôn trọng nhà báo, nghề báo. Điều này cần được chấn chỉnh một cách kịp thời, quyết liệt, thường xuyên.
Một lần nữa, có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài gần một thế kỷ phát triển và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, nhân văn và bắt kịp thời đại. Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, trước mọi khó khăn, thử thách, các thế hệ nhà báo Việt Nam luôn trăn trở, thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ - người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, đó là, trước khi viết, phải trả lời những câu hỏi quan trọng: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?. Chỉ khi trả lời thấu đáo, chính xác ba câu hỏi đó, nhà báo, nền báo chí mới bảo đảm nguồn thông tin cung cấp là sự phản ánh chân thực các lĩnh vực của đời sống xã hội, là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ các hiện tượng xã hội, thực hiện tốt sứ mệnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và bạn đọc, thực sự là “vũ khí săc bén” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đóng góp to lớn vào thành công chung của sự nghiệp cách mạng của đất nước.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 66, tr. 424-425.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quổc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146.
PGS, TS. ĐOÀN MINH HUẤN
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản