Cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng đắn là nguyên nhân cơ bản bảo đảm cho sự thắng lợi của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc định ra đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng đắn lại càng quan trọng. Bởi vì, sai lầm về đường lối trong xây dựng chủ nghĩa xã hội có tác hại lâu dài đến toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Những người cộng sản “tả khuynh” đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề này thể hiện ở một loạt các vấn đề:
Trước hết, đối với vấn đề lãnh tụ, Đảng, giai cấp, quần chúng. Họ đã dùng các khái niệm này nhưng không hiểu mối quan hệ giữa các khái niệm đó, đã đối lập các khái niệm. Họ thừa nhận giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là thời kỳ chuyên chính vô sản nhưng họ đặt vấn đề ai phải thi hành chuyên chính vô sản, Đảng Cộng sản hay giai cấp vô sản; chuyên chính của Đảng hay chuyên chính của giai cấp; chuyên chính Đảng của các lãnh tụ hay chuyên chính của quần chúng. Thực chất quan điểm của họ nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, phá vỡ sự thống nhất của Đảng.
Về vấn đề này Lênin phê phán: Cách lập luận đó là mớ hỗn độn cũ rích, là luận điệu “tả khuynh” ấu trĩ. Phát biểu quan điểm của mình về khái niệm đó, Người chỉ rõ “Ai cũng biết rằng quần chúng chia thành các giai cấp; rằng chỉ có thể đối lập quần chúng với giai cấp, khi nào người ta cả tuyệt đại đa số nói chung, không căn cứ vào địa vị của họ trong chế độ sản xuất xã hội để phân biệt họ, mà đối lập với những tập đoàn chiếm giữ mỗi tập đoàn một địa vị đặc thù trong chế độ ấy; rằng thường thường, trong phần nhiều các trường hợp, hay ít ra trong những nước văn minh hiện nay thì các giai cấp đều do các chính đảng lãnh đạo; - rằng thông thường thì các chính đảng đều nằm dưới quyền lãnh đạo của những nhóm ít nhiều có tính chất ổn định, gồm những người có uy tín nhất, có ảnh hưởng nhất, có kinh nghiệm nhất, được bầu ra giữ những trách nhiệm trọng yếu nhất và người ta gọi đó là các lãnh tụ. Tất cả những điều đó là những điều sơ đẳng nhất. Tất cả những điều đó đều đơn giản và rõ ràng”1. Nhìn chung, các khái niệm này quan hệ chặt chẽ với nhau, kết hợp thành một chỉnh thể không chia cắt được. Tuy nhiên giữa các khái niệm đó cũng cần có sự phân biệt rõ, lẫn lộn giữa các khái niệm đó cũng là một sai lầm. Và trong tác phẩm này Lênin cũng đã chỉ ra những sự khác nhau đó. Người khẳng định, Đảng không phải là toàn bộ giai cấp, Đảng là đội tiên phong của giai cấp, Đảng còn khác giai cấp ở trình độ giác ngộ, lẫn lộn giữ Đảng và giai cấp sẽ dẫn đến hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng.
Lãnh tụ do Đại hội Đảng bầu ra, Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng giao cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trong tác phẩm Lênin cũng để cập đến nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nói về vấn đề lãnh tụ thì tác phẩm còn chỉ rõ là lãnh tụ khác Đảng ở yêu cầu về phẩm chất và năng lực. Lênin đòi hỏi lãnh tụ phải là những người có uy tín nhất, có kinh nghiệm nhất. Có những lãnh tụ như vậy mới lãnh đạo được Đảng, giai cấp và quần chúng. Lênin đánh gia cao vai trò của lãnh tụ và đồng thời Người kiên quyết phê phán, lên án mạnh mẽ tệ sùng bái cá nhân và Lênin đòi đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên quan liêu thoái hoá, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt, bọn tham ô, ăn cắp, bọn người lập ra hết ban này ban nọ, mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào.
Nói tóm lại, bên cạnh những khó khăn đó thì những người cộng sản “tả khuynh” còn chia rẽ nội bộ Đảng. Để nói rõ về việc này Lênin có viết và khẳng định trong tác phẩm “Điều buồn cười nhất là (nấp dười khẩu hiệu “đả đảo lãnh tụ”) người ta đã thực tế đem những lãnh tụ mới nói ra những điều quá ngu xuẩn và rối mù, thay thế những lãnh tụ cũ vẫn giữ những tư tưởng thật sự của con người về những sự vật giản đơn”2.
Bên cạnh vấn đề Lãnh tụ, Đảng, giai cấp, quần chúng thì hoạt động của công đoàn phản động cũng là một vấn đề nổi cộm mà Lênin muốn nhắc tới trong tác phẩm. Những người cộng sản “tả khuynh” coi công đoàn là một tổ chức phản động. Theo họ những người cộng sản không cần, không được phép hoạt động trong công đoàn, họ tạo ra một tổ chức mới gọi là “Hội liên hiệp công nhân”.
Những người cộng sản tả khuynh luôn nói đến khái niệm quần chúng nhưng họ đã lạm dụng khái niệm đó và không hiểu mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Họ chủ trương rằng, những người cộng sản không tham gia công đoàn. Điều đó có nghĩa là tách Đảng và quần chúng, làm cho Đảng xa rời quần chúng.
Về vấn đề này Lênin khẳng định “Công đoàn đã đánh dấu một bước tiến phi thường của giai cấp công nhân trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản mới phát triển; nó đánh dấu giai đoạn công nhân chuyển từ trạng thái còn tản mạn yếu ớt sang những bước đầu tập hợp giai cấp”3.
Lênin cũng cho rằng công đoàn là tổ chức rộng rãi nhất để tập hợp công nhân. Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Đảng liên hệ với quần chúng thông qua công đoàn, công đoàn là tổ chức quần chúng nhưng phải có đảng viên hoạt động trong đó để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức quần chúng. Đảng liên hệ với quần chúng không chỉ thông qua tổ chức công đoàn mà còn thông qua các tổ chức khác như: hợp tác xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các tổ chức bảo hiểm. Ngoài những tổ chức trên, Đảng còn liên hệ với quần chúng bằng những hội nghị công nhân và nông dân. Những hình thức tổ chức trên thể hiện Đảng dân chủ với quần chúng.
Đảng cầm quyền thì phải bằng mọi hình thức tổ chức nhằm sử dụng và phát huy cao nhất sức mạnh của quần chúng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về vấn đề này Lênin đã khẳng định “Chỉ có độc một mình đội tiên phong thôi thì không thể thắng nổi. Ném độc một mình đội tiên phong vào một cuộc chiến đấu quyết định, khi mà toàn thể giai cấp, khi mà quần chúng đông đảo hoặc chưa có thái độ trực tiếp ủng hộ đội tiên phong, hoặc chưa có ít ra là một thái độ trung lập có thiện cảm đối với đội tiên phong, khiến họ hoàn toàn không thể ủng hộ kẻ địch được, thì đó không những là một điều dại dột mà còn là một tội ác nữa”4.
Trong tác phẩm này Lênin cũng chỉ ra tính phản động của công đoàn. Cái gọi là tính phản động chỉ là những nhược điểm, khuyết điểm còn tồn tại trong công nhân: Tính chất phường hội, đầu óc thủ cựu, tư tưởng nghề nghiệp hẹp hòi và cũng có cả những khuynh hướng phi chính trị. Tính phản động của công đoàn là không tránh khỏi trong thời kỳ chuyên chính vô sản. Chỉ khi nào công đoàn phát triển thành công đoàn công nghiệp thì không còn tính phản động nữa, đó là giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản, đó cũng là mục đích tương lai của giai cấp vô sản. Trong điều kiện hiện tại mà muốn đạt kết quả của tương lai thì không thể có được. Lênin coi sự mong muốn đó như người ta muốn dạy toán cao cấp cho trẻ em 4 tuổi.
Từ sự phân tích trên, Lênin đòi hỏi người cộng sản nhất thiết phải hoạt động trong công đoàn và phải công tác ở bất cứ nơi nào có quần chúng, kể cả những tổ chức phản động nhất. Những người cộng sản “tả khuynh” còn mắc sai lầm nghiêm trọng về việc xác định đường lối, cương lĩnh chính trị của Đảng trong vấn đề tham gia nghị viện tư sản.
Việc những người cộng sản “tả khuynh” cho rằng, chế độ nghị viện đã quá thời cả về phương diện lịch sử và phương diện chính trị. Đứng về phía phương diện lịch sử mà nói thì “chế độ đại nghị” đã quá thời về phương diện lịch sử. Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công thì thời đại nghị viện tư sản đã kết thúc, thời đại chuyên chính vô sản bắt đầu, nhưng trong vấn để sách luợc thực tiễn lại tính theo quy mô thế giới là một sai lầm hết sức nghiêm trọng về lý luận. Chẳng hạn như: ở Đức khi chưa có chuyên chính vô sản mà lại khẳng định nghị viện tư sản là quá thời thì quan điểm như vậy là sai lầm cả về thực tiễn và lý luận.
Về phía phương diện chính trị, Lênin cho rằng “Về phương diện chính trị, chế độ đại nghị đã quá thời chưa? Đó lại là một việc khác. Nếu điều đó là đúng thì lập trường của những người cộng sản “tả khuynh” là vững. Nhưng phải chứng thực điều đó bằng một sự phân tích nghiêm túc, thế mà những người cộng sản “tả khuynh” lại không biết ngay cả cách làm việc đó”5.
Những người cộng sản “tả khuynh” đã lẫn lộn giữa chủ quan và khách quan. Họ đem ý muốn chủ quan thay cho việc thực hiện khách quan. Đây là một sai lầm rất nguy hiểm của người cách mạng. Lênin khẳng định rằng: Đảng Cộng sản phải tham gia nghị viện tư sản. Nghị viện tư sản là tổ chức phản cách mạng do giai cấp tư sản lập ra nhưng quần chúng lạc hậu còn tin ở nghị viện, coi nghị viện là đại biểu chân chính của họ cho nên người cộng sản phải tham gia vào tổ chức đó để giáo dục, giác ngộ, thức tỉnh quần chúng. Người cộng sản tham gia nghị viện không phải là để duy trì tổ chức này mà để đấu tranh xóa bỏ nghị viện. Người cộng sản không tham gia nghị viện tức là bỏ rơi quần chúng lạc hậu và như vậy sẽ không bao giờ giải tán được nghị viên.
Về vấn đề này, Lênin cũng đưa ra một kết luận: “Thực tế đã chứng minh rằng ngay cả vài tuần trước khi nền Cộng hòa Xô-Viết thắng lợi. Ngay cả sau thắng lợi đó thì việc tham gia một nghị viện dân chủ tư sản cũng không những không có hại gì cho giai cấp vô sản cách mạng, mà còn giúp cho giai cấp vô sản có thể chứng minh được dễ dàng hơn cho quần chúng chậm tiến thấy vì sao những nghị viện ấy đáng phải giải tán, còn làm cho việc giải tán nghị viện dễ thành công, làm cho chế độ đại nghị tư sản dễ trở thành quá thời về phương diện chính trị”6.
Sau vấn đề tham gia nghị viện tư sản nên hay không nên là vấn đề thỏa hiệp của những người cộng sản “tả khuynh” thì vấn đề thỏa hiệp cũng là mộ vấn đề nổi cộm trong tác phẩm. Những người cộng sản “tả khuynh” nêu khẩu hiệu: “không bao giờ thỏa hiệp” và không chấp nhận một sự liên minh dựa dẫm nào.
Lênin cho rằng đấu tranh cách mạng có lúc phải thỏa hiệp. Bởi vì, tiến hành cách mạng không phải hoàn toàn thuận lợi và dễ dàng mà còn có những lúc cách mạng gặp khó khăn. Trong những hoàn cảnh khó khăn, phức tạp đòi hỏi người cách mạng phải biết lựa chiều để tránh tổn thất cho cách mạng. Cách mạng không phải chỉ biết có tiến công, khoa học tiến công phải được bổ sung bằng khoa học rút lui khi cần thiết, rút lui là để chuẩn bị tiến công giành những thắng lợi lớn hơn. Để chứng minh luận điểm trên trong tác phẩm Lênin viết rõ: “Sách lược đúng đắn của người cộng sản là phải lợi dụng, chứ không phải là không biết đến những sự dao động ấy, mà lợi dụng những sự dao động ấy, tức là nhượng bộ những phần tử đang hướng về giai cấp vô sản; và chỉ nhượng bộ trong lúc và trong chừng mực là họ hướng về giai cấp vô sản, đồng thời phải đấu tranh chống những kẻ quay về phía giai cấp tư sản. Nhờ áp dụng sách lược đúng đắn ấy, nên ở nước chúng ta, phái men-sê-vích đã ngày càng tan rã, và đang tan rã khiến cho bọn thủ lĩnh cố bám lấy chủ nghĩa cơ hội bị cô lập, còn những công nhân ưu tú, những phần tử ưu tú đang trong phái dân chủ tiểu tư sản thì chạy sang hàng ngũ chúng ta. Đó là một quá trình lâu dài, và những gỉai pháp nóng vội: “không bao giờ được thỏa hiệp, không bao giờ được lựa chiều” chỉ làm cho sự mở rộng ảnh hưởng của giai cấp vô sản cách mạng và cho sự phát triển lực lượng của giai cấp này”7.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 41; tr.29 - 30, tr.32, tr.41, tr.97, tr.5, tr.55, tr.7.
NGUYỄN LAN ANH
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/cuong-linh-duong-loi-chinh-tri-cua-dang-theo-quan-diem-cua-lenin-a7523.html