Những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương luôn duy trì vị trí cao. Trong bảng xếp hạng PCI năm 2019, Bình Dương đứng vị trí thứ 13 toàn quốc với 67,38/100 điểm, thuộc nhóm “Tốt”. Bình Dương cũng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2019 khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, Bình Dương tiếp tục dẫn đầu cả nước ở chỉ số Cơ sở hạ tầng, một điểm mạnh của Bình Dương trong nhiều năm qua. Về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas) năm 2019, Bình Dương đạt 88,2%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và xếp thứ 13 trong cả nước, tăng 2,9% so với năm 2018 (85,3%)1.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá thông qua các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) cho thấy Bình Dương chưa phải là địa phương có thứ hạng ổn định.
Một là, đối với chỉ số PCI: Môi trường kinh doanh, công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh đã được doanh nghiệp và nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá khá. Việc cải thiện môi trường kinh doanh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Chẳng hạn như, chính quyền tỉnh Bình Dương đang vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đây là khâu đột phá, tạo tiền đề thu hút đầu tư phát triển toàn diện và bền vững.
Dẫn nguồn kết quả PCI 2019, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết Bình Dương là tỉnh đứng đầu chỉ số Cơ sở hạ tầng năm 2019 và cũng là tỉnh liên tục dẫn đầu chỉ số này trên cả nước từ nhiều năm nay. “Ngay từ khi tái lập vào năm 1997 đến nay, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Với 29 khu công nghiệp, trong đó, nhiều khu công nghiệp có chất lượng tốt, Bình Dương đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư”.
Tuy nhiên, nếu so với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Bình Dương có kết quả xếp hạng PCI không ổn định.
Năm |
Điểm tổng hợp |
Kết quả xếp hạng |
2015 |
58,89 |
25 |
2016 |
63,57 |
4 |
2017 |
64,47 |
14 |
2018 |
66,09 |
6 |
2019 |
67,38 |
13 |
Nguồn: Báo cáo về PCI của VCCI.
Mặc dù đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng so sánh với địa phương có chỉ số tốt nhất cả nước và so với mục tiêu mà tỉnh Bình Dương đặt ra, tỉnh có thể tăng tốc và cải thiện hơn nữa. Đặc biệt, bên cạnh các chỉ số thành phần có số điểm khá cao như Tiếp cận đất đai, Đào tạo lao động, tiếp đến là các chỉ số: Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí thời gian, Gia nhập thị trường… thì có một số chỉ số có số điểm khá thấp, cụ thể là Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự....
Hai là, đối với chỉ số PAPI:
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là khẩu hiệu rất phổ biến ở Việt Nam. Có lẽ khẩu hiệu này tóm lược một cách đầy đủ nhất bản chất và mục đích của PAPI. PAPI không những cung cấp thông tin khách quan về những trải nghiệm và các mối quan hệ của người dân với các cơ quan chính quyền địa phương, hay những vấn đề “dân biết”, mà còn là phương tiện hỗ trợ việc thảo luận và thẩm định đề xuất chính sách ở cấp trung ương và địa phương nhằm tạo điều kiện để “dân bàn”. PAPI làm rõ những trải nghiệm thực tế của người dân, để từ đó các cấp chính quyền hành động thay cho dân và hiện thực hóa phương châm “dân làm”. PAPI còn là công cụ đánh giá hiệu quả thực tế của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở bằng cách tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ “dân kiểm tra”.
Nhìn chung, trong thời gian qua, chỉ số PAPI ở tỉnh Bình Dương đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì điểm số của tỉnh Bình Dương vẫn còn ở nhóm thấp và trung bình thấp trong nhiều năm qua (Năm 2017 là 33,50 - xếp thứ hạng thứ hạng 62/63, năm 2018 là 43,50/80 điểm - xếp thứ hạng thứ hạng 39/63); năm 2019, tỉnh Bình Dương đạt tổng điểm 43,97/80 điểm, xếp thứ hạng thứ hạng 25/63.
Chỉ số PAPI 2019 của tỉnh Bình Dương có sự cải thiện đáng kể, nhiều chỉ tiêu và nội dung thành phần đều tăng so với 2018. Để đạt được kết quả đó là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Những nỗ lực của chính quyền các cấp được người dân đồng thuận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số nội dung chưa được người dân đánh giá cao, nguyên nhân đó là: Thực trạng, một số nơi chính quyền cơ sở còn hạn chế trong quản lý điều hành công việc của địa phương; tinh thần, thái độ phục vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở chưa cao. Cùng với đó là việc công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều, nhất là công khai, chia sẻ thông tin với người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công khai các dự án, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân… Các dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương đều đã được đầu tư xây dựng, nhưng việc tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân tham gia sử dụng còn thấp, đặc biệt là các cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã…).
Để khuyến khích các cấp chính quyền, trong đó có chính quyền cơ sở, cán bộ, công chức nhà nước và đại biểu dân cử đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, việc huy động người dân tham gia tích cực và chủ động vào quy trình chính sách đặc biệt là trong khâu giám sát thực hiện ngày càng trở nên bức thiết. Điều không kém phần quan trọng là hiểu được tâm tư, nguyện vọng và trải nghiệm của người dân. Các công cụ mới mang tính sáng tạo nhằm đo lường, theo dõi và thảo luận về hiệu quả quản trị và hành chính công là hết sức cần thiết để không ngừng tiến tới mức độ phát triển cao hơn và công bằng hơn. Một nội dung quan trọng trong quá trình chuyển đổi này là đổi mới công tác “dân vận” theo kiểu truyền thống bằng những hình thức và cách làm mới để người dân có thể chủ động tham gia vào các quá trình quản trị và hành chính công. Để thực hiện hiện điều này, tất yếu phải biên soạn và xuất bản Cẩm nang cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt hệ thống chính trị cơ sở, để từ đó nâng cao nhận thức và có giải pháp tuyên truyền nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công từ cấp cơ sở.
Ba là, về các chỉ số PAR INDEX và SIPAS: PAR INDEX là sự đánh giá hàng năm của chính các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và đánh giá của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công. Theo đó, kết quả xếp hạng cải cách hành chính hàng năm của tỉnh Bình Dương có xu hướng giảm và không ổn định qua các năm: năm 2017 xếp hạng thứ 7, đạt 83,71/100 điểm; năm 2018 xếp hạng thứ 15, đạt tổng điểm 79/100; năm 2019 xếp hạng thứ 17, đạt tổng điểm 82,30/100;
SIPAS là sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính. Chỉ số SIPAS bao gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; thái độ công chức trong giải quyết thủ tục hành chính; kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân; tiếp nhận xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. SIPAS năm 2019 của tỉnh Bình Dương đạt 88,02% xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 2,99% và tăng 10 bậc so với năm 2018). Kết quả SIPAS 2018 tỉnh Bình Dương đạt 85,03%, xếp hạng 23/63. Năm 2017 đạt 79,58%, xếp hạng 33/63.
Như vậy, qua xếp hạng các chỉ số của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương hàng năm về quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương cho thấy tính không ổn định, một số chỉ số có xu hướng giảm. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp có tính khả thi để nâng cao hiệu quả quản trị công trong những năm tới là một việc làm cần được quan tâm thoả đáng, đặc biệt cần tập trung là kiểm soát tham nhũng khu vực công, quản trị môi trường và sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở.
Bốn là, sự phân cấp quản lý kinh tế giữa các cấp chính quyền đã nâng cao vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ thế thụ động sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở chính sách, pháp luật của Trung ương và điều kiện cụ thể của địa phương. Chính quyền cấp tỉnh đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn. Cạnh tranh cấp tỉnh trở thành đặc thù của Việt Nam hiện nay ngoài ba cấp độ cạnh tranh phổ biến trên thế giới thường đề cập và phân loại là quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm. Các cấp độ cạnh tranh này liên quan và bổ sung nhau, tức là chúng có mối quan hệ tương quan mật thiết với nhau.
Tuy nhiên, phải nhận thức một cách rõ ràng rằng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phải được tạo nên từ năng lực cạnh tranh từ cơ sở, từ cấp huyện. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không tách rời quan hệ hợp tác, liên kết của từng địa phương trong tỉnh nhằm phát huy lợi thế của tỉnh. Do đó, cần thiết phải xây dựng Bộ chỉ số đo lường PCI, PAPI cấp huyện làm công cụ đo lường, giám sát hoạt động của các địa phương ở tỉnh Bình Dương hiện nay.
Năm là, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh trong những năm tiếp theo. Kết quả cũng cho thấy một số chỉ số của tỉnh đã có những cải thiện nhất định trong những năm qua. Tuy nhiên, sự cải thiện đó có thể chưa bền vững, một số trục nội dung còn có điểm số thấp như “Chi phí không chính thức”, “Cạnh tranh bình đẳng”. Ngay trong những trục nội dung đã có sự cải thiện và đang đứng ở vị trí khá cao của cả nước thì vẫn có nội dung thành phần có điểm số thấp. Những kết quả đó cho thấy, trong những năm tới tỉnh Bình Dương cần phải nỗ lực cải cách hơn nữa, cần thực hiện một chương trình hành động “dài hơi” nhằm làm chuyển biến căn bản nhận thức và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở là một việc làm cấp bách hiện nay.
1. https://pcivietnam.v64,47n/tin-tuc-su-kien/binh-duong-doi-moi-sang-tao-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-ct3476.html
ThS. ĐINH VIẾT PHƯƠNG
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương