Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền Kinh tế trong xu thế hội nhập Quốc tế

CT&PT - Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của hội nhập kinh tế và xu hướng toàn cầu hoá diễn ra rộng khắp. Hội nhập tạo động lực cho kinh tế các địa phương trong nước đổi mới và phát triển, nhưng hội nhập cũng mang lại những thách thức lớn đối với các nền kinh tế. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế của mỗi địa phương. Qua khảo sát và nghiên cứu những kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của một số quốc gia và địa phương, tác giả rút ra một số bài học cho Thành phố Hồ Chí Minh

1. Kinh nghiệm của một số quốc gia

Kinh nghiệm của Indonesia

Trong nhiều năm qua, Indonesia đã có tiến bộ đáng kể trong việc làm trong sạch, vững mạnh các thể chế kinh tế, chính trị để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như ở cấp địa phương.

 Mặc dù vậy, quá trình quản lý và điều hành ở quốc gia này vẫn còn nhiều nhược điểm, chẳng hạn như: cân bằng thu chi ngân sách nhà nước kém ổn định do kém năng lực thực hiện chi tiêu theo kế hoạch, đặc biệt là ở cấp địa phương; phân cấp quản lý cho các địa phương vẫn mang nặng tính dàn trải và sự liên kết chính sách giữa chính phủ với khu vực tư vẫn còn yếu.

Trước tình hình đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mình, Chính phủ Indonesia đã xây dựng những hành động ưu tiên, tập trung vào:

(i) Ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô thông qua phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hải quan và xây dựng những định chế, tập đoàn lớn (Clusters) nhằm phổ biến các cách thức quản lý tốt nhất và hỗ trợ tiếp thu các công nghệ mới, cũng như làm đầu tàu cho nền kinh tế.

(ii) Cải cách thể chế kinh tế và xã hội dựa trên cơ sở xây dựng lại cơ chế đối thoại tích cực giữa doanh nghiệp và chính phủ.

(iii) Tăng cường liên kết kinh tế và xã hội giữa các địa phương thông qua việc giảm thiểu các rào cản chính sách và quản lý nội địa đối với kinh doanh và đầu tư giữa các địa phương, xây dựng các quy định nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương đối với hoạt động đầu tư, chẳng hạn như các khoản trợ cấp lớn phi cạnh tranh.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản là đất nước thật sự khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, một bất lợi nữa đó là vốn. Nhật nổi lên từ chiến tranh thế giới thứ 2 với các nguồn vốn rất hạn chế. Sự sụp đổ của hệ thống zaibatsu (các tập đoàn cổ phần khổng lồ) cũng làm yếu đi hệ thống tài chính của quốc gia này. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật đã xác định chiến lược phát triển kinh tế của Nhật là tập trung phát triển ngoại thương.

Thị trường trong nước tuy không nhỏ, nhưng để đạt hiệu quả quy mô kinh tế phải cần đến thị trường nước ngoài. Rõ ràng việc gia nhập các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường thế giới rộng lớn. Song, việc gia nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế lại đi kèm theo những nghĩa vụ phải mở cửa thị trường nước mình đối với hàng ngoại và hoạt động đầu tư của các công ty nước ngoài trong khi trình độ phát triển kinh tế của Nhật Bản còn non yếu so với các nước Âu - Mỹ. Chính phủ Nhật Bản thấy rằng không có con đường nào khác, chỉ có cách là chấp nhận hội nhập và đặt kế hoạch giảm bớt thách thức, đồng thời đưa ra chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Nhật Bản có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chiến lược mở cửa, hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản gồm ba bộ phận không thể tách rời là:

Thứ nhất, việc mở cửa phải bảo đảm để hàng nhập không cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.

Thứ hai, việc mở cửa phải kết hợp với chiến lược, chính sách làm sao cho các ngành công nghiệp ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Thứ ba, để hội nhập có hiệu quả, tranh thủ được nhiều cơ hội của thị trường thế giới phải có chiến lược và tổ chức đẩy mạnh xuất khẩu.

Nghiên cứu chiến lược hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh của Nhật, chúng ta rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Từng bước thực hiện “tự do hoá mậu dịch” và bảo hộ sản xuất để tăng dần sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp.

- Xây dựng chiến lược phát triển và tăng sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước. Chiến lược đó là: tập trung phát triển những ngành có lợi thế so sánh trong tương lai như những ngành có khả năng tăng năng suất lao động nhanh, có khả năng tiếp thu công nghệ hiệu quả; những ngành có lợi nhuận tăng khi nhu cầu tăng nhanh. Nhật Bản còn ban hành những chính sách bảo hộ công nghiệp và xây dựng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp.

- Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt.

2. Kinh nghiệm của một số địa phương ở trong nước

Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương

Trong Báo cáo Tổng kết Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm năm qua 2015 - 2020, Bình Dương đạt thứ hạng không cao, nhưng các tiêu chí về tính năng động của lãnh đạo tỉnh, khả năng tiếp cận đất đai, chất lượng cơ sở hạ tầng và tính minh bạch trong cơ chế chính sách luôn được xếp vào nhóm dẫn đầu. Có được thành quả này là do lãnh đạo tỉnh đã phát hiện, vận dụng, đề xuất và đưa ra các sáng kiến riêng phù hợp với lợi thế của địa phương nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chẳng hạn như:

- Đi tiên phong trong thực hiện cơ chế một cửa giải quyết các dự án đầu tư; giải quyết nhanh các thủ tục giao và cho thuê đất; thể hiện ở việc UBND tỉnh Bình Dương đã đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh. Tại đây đã triển khai một số mô hình mới, hiện đại như bộ phận một cửa cấp tỉnh, phần mềm kiểm soát hồ sơ một cửa, phần mềm đánh giá công chức cán bộ… Ngoài ra, Bình Dương tiếp tục thực hiện mô hình một cửa tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

- Tích cực kêu gọi huy động vốn để phát triển cơ sở hạ tầng theo nhiều hình thức khác nhau như B.O.T, B.T.O và B.T.

- Từ năm 2013, UBND tỉnh đã xây dựng và đồng thời quyết tâm thực hiện Đề án nâng cao PCI của tỉnh Bình Dương. Đây chính là đề án thể hiện tính năng động, tiên phong mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất của lãnh đạo tỉnh. Đây cũng là chính là giải pháp trọng tâm mà Bình Dương đang hướng tới.

Tất cả các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành của tỉnh luôn được công bố công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với sự quyết tâm của UBND tỉnh trong việc cải cách hành chính và tận dụng lợi thế hạ tầng và vị trí thuận lợi đã tạo thông thoáng cho môi trường để thu hút các nhà đầu tư FDI. Bình Dương chính là điểm đến hấp dẫn so với các tỉnh, thành khác. Kết quả là hàng trăm doanh nghiệp của Nhật đã chọn Bình Dương làm “bến đỗ” cho thấy sự hấp dẫn của mảnh đất này. Nhật Bản trở thành nước đầu tư nhiều vốn FDI nhất vào Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại.

Kinh nghiệm của Thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là một trong những cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền các nước Lào, Thái Lan... Để khai thác những lợi thế, tiềm năng hiện có và xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, những năm qua, Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và chủ động hội nhập quốc tế như giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế, giảm giá nhiều loại dịch vụ, bổ sung ưu đãi đầu tư với các lĩnh vực ưu tiên, cải tiến thủ tục hành chính, sửa đổi một số chính sách tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai dự án như thế chấp quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bảo lãnh đầu tư… Chính quyền Thành phố cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn về khung pháp lý cho hoạt động đầu tư, ban hành các quy định về cải tiến thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, quản lý quá trình thực hiện dự án đầu tư… Kết quả là, môi trường kinh doanh của Thành phố Đà Nẵng thời gian qua luôn được đánh giá cao so với các địa phương khác trong cả nước.

Cụ thể, trong kết quả xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua chỉ số PCI do VCCI và dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam công bố, Tp. Đà Nẵng liên tục đứng trong nhóm địa phương dẫn đầu.

Có được kết quả đó, lãnh đạo tỉnh cùng với các cấp chính quyền, các sở, ngành đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự chuyển hướng căn bản trong công tác cải cách hành chính, tạo động lực thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư bảo đảm phát triển bền vững trong xu thế hội nhập, hợp tác và cạnh tranh. Cụ thể:

Một là, Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình hoạt động “Năm Doanh Nghiệp” trên cơ sở thực hiện đề án phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2025. Bởi đòn bẩy để gia tăng kết quả đánh giá các chỉ số thành phần là các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Hai là, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật trong điều kiện của Thành phố.

Ba là, tập trung quan tâm về công tác cán bộ thông qua việc phát huy vai trò của người đứng đầu, cùng với lực lượng cán bộ, công chức - viên chức điều hành quản lý nhà nước qua các cơ chế chính sách để cho doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi, được phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bốn là, UBND Thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính ở các đơn vị, lĩnh vực cụ thể: Phòng chuyên môn trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế Thành phố và Cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy.

Năm là, duy trì định kỳ hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; quan tâm đến doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn nhưng cũng chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sáu là, tập trung cải thiện tính hiệu quả một số chỉ số thành phần PCI như “Tiếp cận đất đai”; “Thiết chế pháp lý” và “Cạnh tranh bình đẳng”.

3. Bài học cho Thành phố Hồ Chí Minh

Một là, cần tạo ra một môi trường kinh doanh tự do, phi bảo hộ, tăng cường mở cửa và hội nhập quốc tế để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa hướng đến sự cải tiến và sáng tạo. Chính quyền địa phương cần tăng cường tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, xem đây là một cải cách trong phương thức quản lý hành chính nhà nước theo hướng giảm bớt tính quan liêu, hành chính, chuyển sang hướng phục vụ quản lý công nhằm phát triển kinh tế của Thành phố.

Hai là, cải cách thể chế gắn liền với cải cách kinh tế vĩ mô, nói cách khác, việc thay đổi thể chế chính sách quản lý công theo hướng thị trường dựa trên dự báo tác động của các biến số kinh tế vĩ mô sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách nền tài chính công và khuyến khích đầu tư hiệu quả hơn vào khu vực công, xây dựng mối liên kết khu vực công - tư nhằm xác định các ưu tiên trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện, nhằm tạo nên sự đồng thuận về chiến lược phát triển kinh tế tổng thể;

Ba là, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích những hình thức cạnh tranh mới ngày càng đa dạng; tăng cường liên kết kinh tế, đặc biệt tập trung phát triển mạnh các cụm doanh nghiệp thế mạnh. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kinh doanh như xúc tiến thương mại cho khu vực tư nhân, cung cấp các thông tin kinh doanh cho doanh nghiệp, dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh và các dịch vụ công nghệ…

Bốn là, cải cách nền tài chính công và khuyến khích đầu tư hiệu quả hơn vào khu vực công. Xây dựng mối liên kết giữa khu vực công - tư nhằm xác định các ưu tiên trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm là, tăng cường liên kết kinh tế, đặc biệt tập trung phát triển mạnh các cụm doanh nghiệp thế mạnh.

ThS. TRỊNH THỊ PHƯỢNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-nen-kinh-te-trong-xu-the-hoi-nhap-quoc-te-a7423.html