Nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và khoa học và công nghệ

​​​​​​​CT&PT - FDI được đánh giá là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lao động, việc làm và đặc biệt là sự phát triển của khoa học và công nghệ. FDI bổ sung cho nguồn vốn đầu tư, cung cấp công nghệ mới, giải quyết việc làm phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì FDI cũng đã và đang tạo ra nhiều vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống.

1. Khả năng tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững ở các nước được quyết định bởi trình độ kỹ thuật - công nghệ. Trong thời đại ngày nay khi mà khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão thì việc các nước đang phát triển tự nghiên cứu để phát triển khoa học kỹ thuật để đuổi kịp về trình độ phát triển với các nước phát triển là việc khó khăn và tốn kém. Con đường nhanh nhất để phát triển kỹ thuật - công nghệ và trình độ sản xuất của các nước đang phát triển là phải biết tận dụng được những thành tựu kỹ thuật - công nghệ tiên tiến của nước ngoài thông qua chuyển giao công nghệ. Tiếp nhận FDI như là một phương thức hữu hiệu cho phép các nước này nâng cao trình độ công nghệ bằng cách tiếp thu được trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Fan (1999) ước tính năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng theo hình thức sở hữu (nhà nước, tập thể và doanh nghiệp có vốn nước ngoài). Sử dụng dữ liệu của 28 ngành sản xuất công nghiệp ở 20 tỉnh, thành của Trung Quốc trong giai đoạn 1993 - 1995, tác giả đã chỉ ra rằng, khu vực “nước ngoài” có tăng trưởng TFP cao nhất; Sun (1998) cũng tìm thấy bằng chứng là tốc độ tăng trưởng năng suất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (phần lớn định hướng xuất khẩu) tại Trung Quốc cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước), khoảng cách này còn cao hơn đối với doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghiệp thâm dụng vốn. Hơn nữa, khi khảo sát vấn đề lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước, Fan chỉ ra hiệu ứng lan tỏa dương và xuất hiện trong các ngành công nghiệp, chủ yếu là thâm dụng lao động, có trình độ công nghệ thấp và trung bình giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài1.

Các nghiên cứu đều cho rằng FDI là kênh quan trọng phổ biến công nghệ đến các nước nhận đầu tư. Gorge (2004) cho rằng FDI có ảnh hưởng đến trình độ công nghệ của nước nhận đầu tư, tuy nhiên năng lực công nghệ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Kokko (1994), Blomstrom (1985) nghiên cứu trường hợp của Mehico đã nhận định rằng ảnh hưởng trên hầu như ít xảy ra đối với các ngành được Chính phủ bảo hộ. Theo đó, năng lực hấp thụ công nghệ và khoảng cách về công nghệ của nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư là hai yếu tố sinh ra ảnh hưởng này. Trong một nghiên cứu về Trung Quốc, Xiang Li (2001) cho rằng hình thức sở hữu của doanh nghiệp trong nước cũng là một yếu tố quyết định đến sự xuất hiện của tác động tràn. Theo tác giả, tác động tràn thông qua bắt chước, sao chép công nghệ không xuất hiện ở các doanh nghiệp nước ngoài, mà ở các doanh nghiệp tư nhân. Trái lại, tác động tràn do cạnh tranh lại xuất hiện ở doanh nghiệp nước ngoài, nhưng không gây áp lực lớn cho doanh nghiệp tư nhân. Ở một nghiên cứu khác, Sjoholm (1999) khi nghiên cứu về Indonexia không tìm thấy sự khác nhau về mức độ của tác động tràn theo hình thức sở hữu của các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác cũng ở Indonexia, ví dụ như Taki (2001) lại cho rằng doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài tạo ra tác động tràn mạnh hơn là doanh nghiệp liên doanh2.

Phát triển công nghệ trở thành yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đối với Việt Nam thì công nghệ là động lực phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. FDI được coi là kênh quan trọng để phát triển năng lực công nghệ của nước tiếp nhận đầu tư, trong dài hạn đây chính là lợi ích căn bản của nước tiếp nhận đầu tư, nó không chỉ khuyến khích mà còn gây áp lực về đổi mới công nghệ, từ đó làm tăng năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp trong nước. Trong chuyển giao công nghệ, hai yếu tố cấu thành chủ yếu là phần cứng (công nghệ kỹ thuật được nhập vào cùng với thiết bị máy móc) và phần mềm (chuyên gia kỹ thuật, tri thức, bí quyết quản lý, năng lực tiếp thị,...). Trong hai yếu tố trên thì phần mềm thường khó chuyển giao hơn vì nhà đầu tư nước ngoài ít muốn chuyển giao. Thông qua FDI, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới để phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ hiện đại như: cơ khí chính xác, điện tử, công nghiệp phần mềm, bưu chính - viễn thông, công nghệ sinh học… FDI còn góp phần thúc đẩy phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu chế xuất với trình độ công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp FDI đã sản xuất và đưa ra thị trường nhiều mặt hàng trước đây chúng ta phải nhập khẩu do trình độ công nghệ trong nước còn lạc hậu. Chuyển giao công nghệ thông qua con đường FDI thường được thực hiện bởi các công ty xuyên quốc gia. Tuy nhiên, việc chuyển giao những công nghệ mới, có tính cạnh tranh cao thường khó thực hiện được, vì các công ty này sợ lộ bí mật hoặc mất bản quyền công nghệ do việc bắt chước, cải biến và nhái lại công nghệ của các công ty nước chủ nhà, đây chính là hạn chế cơ bản trong chuyển giao công nghệ thông qua FDI. Nhưng các công ty nước ngoài cũng sẵn sàng bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để thành lập liên doanh, từ đó xuất hiện quá trình rò rỉ công nghệ.

Bên cạnh chuyển giao các công nghệ sẵn có, các dự án FDI còn tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ của nước chủ nhà, nhờ đó mà năng lực công nghệ của nước tiếp nhận FDI ngày càng phát triển hơn. Mặt khác, trong quá trình sử dụng các công nghệ hiện đại của nước ngoài đội ngũ chuyên gia cũng như công nhân trong nước học được rất nhiều kinh nghiệm. Muốn học được công nghệ hiện đại như vậy đòi hỏi lực lượng lao động trong nước (chuyên gia và công nhân) phải nỗ lực rất nhiều mới có thể nhanh chóng tiếp thu được công nghệ hiện đại, sau đó cải biến cho phù hợp với điều kiện của nước mình và biến chúng thành công nghệ của mình. Công nghệ của nước tiếp nhận FDI được cải thiện làm cho năng suất lao động ngày càng được tăng lên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, vấn đề chuyển giao công nghệ thông qua FDI cũng có nhiều vấn đề tiêu cực như: nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ không phù hợp, giá đắt hơn thực tế,… Công nghệ lạc hậu xét về lâu dài sẽ gây hậu quả rất lớn cho nước chủ nhà, mặc dù giá có rẻ hơn, phù hợp với điều kiện của nước nghèo. Thế nhưng, loại công nghệ kém sức cạnh tranh, năng suất thấp và gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, chuyển giao công nghệ thông qua FDI thường được thực hiện bởi các công ty xuyên quốc gia, công nghệ hiện đại có tính cạnh tranh thường chuyển giao rất hạn chế vì các công ty này sợ lộ bí mật hoặc mất bản quyền công nghệ do việc bắt chước, cải biến và nhái lại công nghệ của các công ty nước chủ nhà. Đây là một cản trở lớn trong chuyển giao công nghệ thông qua FDI. Sự độc quyền chiếm giữ các bí quyết công nghệ cao trong tay các công ty xuyên quốc gia làm cho các nền kinh tế kém phát triển như Việt Nam khó vươn lên trong việc xây dựng nền tảng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển giao công nghệ không phù hợp là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới kinh tế học phát triển, công nghệ hiện đại được sản xuất ở các nước phát triển phù hợp với những yếu tố như: sử dụng ít lao động, nhiều vốn, yêu cầu trình độ công nhân có tay nghề cao, có phụ tùng thay thế,… Trong khi đó, những điều kiện này ở các nước đang phát triển thường không đáp ứng được làm giảm hiệu quả của công nghệ. Yếu tố con người trong quá trình tiếp nhận công nghệ nước ngoài cũng là vấn đề hết sức nan giải, quyết định đến khả năng hấp thụ của doanh nghiệp trong nước trong sử dụng một cách có hiệu quả tri thức bên ngoài từ các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng kỹ thuật tới triển khai dây chuyền sản xuất mới. Hiện nay, Việt Nam thiếu chuyên gia thẩm định mức độ hiện đại và chi phí chuyển giao công nghệ, do vậy thường bị phía đối tác nước ngoài qua mặt. Đội ngũ công nhân kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ tiên tiến.

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh xuất phát từ mô hình Solow và tiến thêm một bước nữa bằng cách giải thích tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế thông qua lan tỏa kiến thức và sự tồn tại của vốn con người. Lan tỏa kiến thức là một kênh của chuyển giao kiến thức (công nghệ) từ các chi nhánh công ty nước ngoài đến các doanh nghiệp nước nhận đầu tư. Blomstrom và Kokko (1998) khảo sát bốn kênh của lan toả FDI. (1) Hiệu ứng bắt chước - giả định xảy ra khi các doanh nghiệp trong nước học hỏi công nghệ cao cấp từ các chi nhánh công ty nước ngoài. (2) Hiệu ứng cạnh tranh xảy ra khi các chi nhánh của các công ty nước ngoài gây áp lực buộc các đối thủ cạnh tranh trong nước phải cập nhật công nghệ và kỹ thuật của họ. (3) Hiệu ứng liên kết nước ngoài ngụ ý rằng các doanh nghiệp trong nước cũng học hỏi để xuất khẩu như các chi nhánh của công ty nước ngoài. (4) Hiệu ứng đào tạo cho thấy luôn có sự di chuyển nhân viên từ các chi nhánh của công ty nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước có những khóa đào tạo cho nhân viên địa phương (Blomstrom & Kokko, 1998). Kết quả của lan tỏa kiến thức là doanh nghiệp trong nước có thể tăng tốc độ tăng trưởng sản lượng của họ và do đó góp phần vào sự gia tăng của tăng trưởng GDP.

Về mặt thực chứng, có bằng chứng vững chắc cho thấy tồn tại hiệu ứng lan tỏa từ FDI đến nền kinh tế, mặc dù độ lớn của nó còn tranh cãi (Blomstrom, Globerman, và Kokko, 2000). Findlay (1978) thì cho rằng FDI gia tăng tốc độ tiến bộ công nghệ ở nước đón nhận đầu tư thông qua hiệu ứng lây lan từ công nghệ hiện đại hơn và từ thực hành quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất của các doanh nghiệp trong nước có mối quan hệ dương với sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, Blomstrom (1986) và Kokko (1994) tìm thấy bằng chứng kinh tế lượng về sự lan tỏa của FDI mang dấu dương đối với trường hợp Mexico; Blomstrom, Kokko và Zejan (1994) đối với Uruguay; và Sjoholmn (1999) đối với Indonesia. Aitken, Hanson, và Harrison (1997) phát hiện các nhà đầu tư công nghiệp nước ngoài tại Mexico có vai trò như những tác nhân thúc đẩy xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trong nước - khả năng sinh lời của một doanh nghiệp Mexico tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu có mối tương quan dương và nó có mối quan hệ gần gũi với MNCs. Từ kết quả thực nghiệm, nhóm nghiên cứu này kết luận rằng sự lan tỏa xuất khẩu xuất hiện trực tiếp hoặc gián tiếp từ cách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài hành động như một người dẫn dắt về công nghệ, quản lý, dịch vụ phân phối và các thông tin về thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng có cùng kết luận như trên. Aitken và Harrison (1991) thấy ít chứng cứ hoặc chứng cứ hạn chế đối với trường hợp Venezuela; Harrison (1996) phát hiện rằng, các doanh nghiệp liên doanh ở Morocco và Venezuela có mức sinh lời cao hơn các doanh nghiệp trong nước, nhưng không có cơ sở kết luận về sự lan tỏa ngắn hạn mang dấu dương từ doanh nghiệp nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước. Theo Harrison, trong ngắn hạn FDI có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước thông qua việc tranh giành thị trường, dù trong dài hạn FDI không làm biến mất sự lan tỏa tích cực.

Thực tiễn ở Việt Nam cũng được tìm thấy ảnh hưởng tích cực của FDI đến năng suất lao động các ngành. Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2006), cho biết sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI làm thay đổi năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước theo hướng tích cực hay cho thấy dấu hiệu của việc xuất hiện tác động tràn tích cực3. Ở góc độ ngành, FDI có ảnh hưởng dương đối với các nhóm ngành, nhưng chỉ có ý nghĩa ở nhóm ngành chế biến thực phẩm. Xét trên giác độ loại hình doanh nghiệp, sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI dường như không có ảnh hưởng gì tới năng suất lao động của doanh nghiệp nhà nước cùng ngành nói chung và trong từng nhóm khảo sát nói riêng, trong khi đó lại có tác động làm tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, những nghiên cứu thực nghiệm đã làm rõ vai trò, tác động của FDI đối với sự phát triển khoa học và công nghệ. Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp ở Việt Nam phải có các giải pháp phù hợp để thu hút FDI một cách có chọn lọc, đem lại hiệu quả thu hút FDI cao đối với nền kinh tế nói chung.


1. Fan X. (1999), Technological Spillovers from Foreign Direct Investment and Industrial Growth in China, Unpublished Ph.D. Dissertation, Australian National University, tr.169.

2, 3. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2006), Tác động của Đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Dự án Sida, tr.135.

TS. NGUYỄN THỊ OANH

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nghien-cuu-moi-quan-he-giua-fdi-va-khoa-hoc-va-cong-nghe-a7396.html