Thực trạng xã hội hóa giáo dục - đào tạo ở thành phố Hồ Chí Minh

CT&PT - Những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đã triển khai các hoạt động xã hội hóa giáo dục sôi động nhất trong cả nước. Từ thực tế triển khai các hoạt động xã hội hóa giáo dục tại các địa bàn của thành phố cho thấy rằng xã hội hóa giáo dục đã góp phần đáng kể vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố, tạo điều kiện và cơ hội học tập tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp phù hợp để việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đạt được hiệu quả cao. Để tiếp tục phát huy những thành tựu của xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi hơn và góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần có những định hướng chiến lược và giải pháp cho xã hội hóa giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh.

Xã hội hoá giáo dục là một quá trình mà cả cộng đồng và xã hội cùng tham gia vào giáo dục. Trong đó mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.

Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát triển không ngừng với truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tích cực đổi mới. Nhờ vậy, luôn là ngọn cờ đầu của cả nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giúp thành phố ngày một phát triển, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một số thành tựu nổi bật là:

- Bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân Thành phố.

- Sớm xác định mục tiêu hội nhập quốc tế, thực hiện mô hình trường học tiên tiến và dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. Mục tiêu là học sinh Thành phố đạt trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.

- Phong trào đổi mới phương pháp dạy - học, dạy học hướng vào cá nhân học sinh, đề cao dạy phương pháp tự học, tăng cường tính chủ động cho học sinh, phong trào học sinh nghiên cứu khoa học phát triển mạnh.

- Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường. Số lượng học sinh các nước đến giao lưu với học sinh Thành phố và ngược lại mỗi năm đều tăng. Các trường cũng ký kết hợp tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều nước. Các chương trình đào tạo quốc tế thu hút ngày càng đông học sinh, sinh viên tham gia.

Trong đó, một số thành tựu trong công tác xã hội hóa giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh như:

- Các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực, phát triển mạnh việc xã hội hóa giáo dục, đến nay, số lượng trường ngoài công lập đạt 808, chiếm 37,27% tổng số trường trên địa bàn Thành phố (2.168 trường), tăng 113% so với năm 2010 chỉ đạt 379 trường (chiếm tỷ lệ 23,69% tổng số trường). Trong số đó, số trường mầm non ngoài công lập là 650 trường (chiếm 59,09% tổng số trường mầm non), số trường THPT ngoài công lập là 82 trường (chiếm 43,85% tổng số trường THPT), số trường Tiểu học và THCS ngoài công lập lần lượt là 19 và 7 trường (chiếm tỷ lệ 3,85% và 2,59% tổng số trường Tiểu học và THCS), số trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp ngoài công lập là 46 trường (chiếm 71,88% tổng số trường)1.

- Đa dạng hóa các loại hình giáo dục đã tạo điều kiện bổ sung mặt mạnh cho nhau giữa các loại hình giáo dục, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao của xã hội. Tạo điều kiện tăng thu nhập giáo viên một cách phù hợp đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

- Qua triển khai thực hiện thí điểm mô hình trường chất lượng cao đã thu được một số kết quả khả quan: Với phương pháp giảng dạy hiện đại, giáo viên có điều kiện quan tâm tìm hiểu và hướng dẫn từng học sinh rèn luyện nhân cách, xác định lý tưởng, hướng nghiệp và xây dựng phương pháp tự học cho học sinh trong quá trình dạy học; học sinh năng động, tự tin, bản lĩnh, sẵn sàng hội nhập, thân thiện, có đủ điều kiện phát triển toàn diện theo mục tiêu đào tạo của nhà trường. Việc đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất được tiến hành từng bước đã đáp ứng được cơ bản yêu cầu giảng dạy tiên tiến; cùng với ngân sách nhà nước, các khoản thu bổ sung mới có thể đáp ứng việc đầu tư hiện đại. Xây dựng mức thu phù hợp của trường tiên tiến sẽ tạo động lực các trường của thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng vươn lên đạt trình độ tiên tiến của khu vực, nâng cao tính cạnh tranh trong việc đào tạo nhân lực, nhân tài phục vụ việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Mô hình trường tiên tiến đang thực hiện là khả thi và phù hợp, đáp ứng các nhu cầu học tập của học sinh, sự đòi hỏi của xã hội và thời đại hội nhập quốc tế. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đào tạo lớp thanh niên mới năng động, sáng tạo.

- Chế độ học phí và nguồn tài trợ từ phụ huynh, các tổ chức xã hội đã góp phần thực hiện tốt hơn công bằng trong giáo dục, đảm bảo sự bình đẳng trong việc đóng góp của các gia đình và người học và điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách, tạo sự bình đẳng về cơ hội học tập trong xã hội, nâng cao điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

- Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của Thành phố thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo được quan tâm (từ 2009 đến 2016, Thành phố đã phê duyệt 59 dự án với tổng vốn đầu tư 7.160 tỷ, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 3.022 tỷ).

- Nhận thức về xã hội hoá của các ngành, các cấp và cộng đồng được nâng lên một bước, đặc biệt là các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác xã hội hoá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, với đặc thù là một đô thị đặc biệt, tập trung đông dân, dù thành phố luôn quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục nhưng tình trạng quá tải đã dẫn đến những bất cập trong công tác giáo dục. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách, ngành Giáo dục - đào tạo cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ, xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Trong quá trình đẩy mạnh xã hội hóa ngành giáo dục và đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh cũng vẫn còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn cụ thể như:

Đối chiếu với các tiêu chí của Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao hiện nay thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt chỉ tiêu (tỷ lệ học sinh ngoài công lập).

Nhận thức về xã hội hóa ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ, tốc độ xã hội hoá còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục - đào tạo của thành phố. Mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và cơ chế hoạt động vốn có luôn là sự cản trở nặng nề cho những người thực hiện.

Nhu cầu học tập của người dân Thành phố rất lớn đòi hỏi nhiều loại hình đa dạng nhưng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo sự tham gia của người dân. Một số quận, huyện chưa bố trí kinh phí để thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, hoạt động chủ yếu lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, dự án nên hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế.

Chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên. Cơ chế tự chủ nhà trường về tài chính, học phí, tuyển dụng... chưa được quan tâm, tạo điều kiện thực hiện.

Các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều mới chủ yếu tập trung ở nội thành, nội thị, nơi đông dân, mức độ phát triển xã hội hoá còn thấp ở khu vực ngoại thành và vùng xa, vùng khó khăn, dịch vụ còn thiếu so với nhu cầu, chất lượng chuyên môn sâu chưa đạt được như khối công lập, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu và yếu, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Tâm lý người dân vẫn còn trông chờ vào sự chăm lo của Nhà nước, chưa tin tưởng vào chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập.

Công tác quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, công tác quản lý du học còn nhiều bất cập do chưa có đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý. Việc liên kết, liên doanh, cho thuê cơ sở vật chất còn chưa khai thác hết công suất tại các trường công lập hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn ràng buộc…

Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố (Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND Thành phố) vẫn chưa thật sự phát huy tác dụng đối với đơn vị trường học công lập do nguồn thu từ học sinh hạn chế, không đảm bảo kinh phí trả nợ vay trong vòng 7 năm; các đơn vị trường học công lập không có khả năng đối ứng vốn khi giao dịch với các tổ chức tín dụng.

Quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, quản lý đứt khúc theo cơ cấu quản lý khác nhau của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đầu tư tản mạn thiếu tập trung và chưa đúng mức để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Do vậy, nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện thì trong thời gian tới Thành phố đã ban hành và tập trung thực hiện Đề án xã hội hóa ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 được xác định là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2020 hệ thống giáo dục thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nên giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.


1. Đề án xã hội hóa ngành GD&ĐT TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

ThS. NGUYỄN HỮU VINH

Học viện Ngoại giao

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thuc-trang-xa-hoi-hoa-giao-duc-dao-tao-o-thanh-pho-ho-chi-minh-a7367.html