Hoàn thiện lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng, phát triển là sự lựa chọn phù hợp với thực tiễn khách quan của đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Trên cơ sở trình bày quá trình hình thành lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bài viết tập trung làm rõ những nội dung lý luận hoàn thiện về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

1. Quá trình hình thành lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ thời kỳ đổ mới

Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tiến hành đổi mới “toàn diện” đất nước từ năm 1986, khi nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng và trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ sụp đổ. Đổi mới tại thời điểm này không chỉ đơn thuần là tìm ra các giải pháp cục bộ, “chữa cháy” cho nền kinh tế, mà còn là tìm ra mô hình phát triển mới và con đường phù hợp để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (tháng 9/1979) được coi là dấu mốc khởi đầu quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đất nước với chủ trương mới: phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần…, “bỏ ngăn sông, cấm chợ”, cho “sản xuất bung ra”, thừa nhận sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế1.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam với chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, tạo lập cơ chế quản lý thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong cơ cấu nền kinh tế, ngoài thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa với khu vực quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, Đảng đã thừa nhận và tôn trọng sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên.

Trên cơ sở những thành công bước đầu trong phát triển nền kinh tế đa thành phần, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) tiếp tục lộ trình xây dựng nền kinh tế hàng hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với cơ cấu thành phần kinh tế bao gồm: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) có sự định hình các thành tố cơ bản về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”2.

Mặc dù từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã có những bước phát triển nhất định về lý luận kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tuy nhiên, thị trường chỉ được coi là một cơ chế để điều tiết nền kinh tế, chưa được xác lập là một chỉnh thể, bao gồm cả cấu trúc nội tại và thiết chế vận hành. Về thực chất, Đảng ta chưa coi kinh tế thị trường là cơ sở kinh tế của xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) đánh dấu sự chuyển biến trong nhận thức và tư duy của Đảng từ coi thị trường như một công cụ, cơ chế quản lý kinh tế sang công nhận thị trường là một chỉnh thể, là cơ sở kinh tế của xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”3.

Về cơ bản, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được định hình. Mô hình này vừa phản ánh tính phổ quát của nền kinh tế thị trường hỗn hợp (thị trường và Nhà nước), vừa mang tính “định hướng xã hội chủ nghĩa”, với những đặc trưng là nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở: “từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường”4.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006), Đảng ta nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế được xây dựng ở một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”5.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) tiếp tục bổ sung và luận giải rõ hơn về nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường, vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”6.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) tiếp tục hoàn thiện nội hàm kinh tế thị trường trên cơ sở gắn kết từng cấu phần “bên trong” với mục tiêu và phương thức vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là: “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””7.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”8.

2. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những tổng kết sâu sắc về sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng và thành tựu phát triển đất nước trong 35 năm đổi mới, trong đó nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”9. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”10.

Trong đó, mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam là một kiểu kinh tế thị trường mới - không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ, mà nó còn mang những đặc điểm của thời kỳ quá độ. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối11.

Về quan hệ sở hữu: Tương ứng với quá trình vận động, phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất từng bước được xây dựng phù hợp, tiến bộ, với nhiều hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Về tổ chức, quản lý: Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về quan hệ phân phối: Bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Một đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Hay nói cách khác, kinh tế thị trường và tính định hướng xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không có sự mâu thuẫn. Đây là điểm đặc sắc trong mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”12; và coi đây là “một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”13. Đồng thời, mô hình kinh tế này cũng hướng đến giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, cụ thể là:

Nhà nước đóng vai trò bảo đảm thị trường và xã hội thực hiện đúng chức năng. Nhà nước không “làm thay” mà sử dụng các công cụ, chính sách, nguồn lực để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Thị trường giữ vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Kinh tế thị trường không phải vốn dĩ là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là kết quả tiến trình phát triển của văn minh nhân loại. Alvin Toffler khẳng định: Thị trường là một mạng lưới trao đổi được ví như một tổng đài, mà ở đó, hàng hóa, dịch vụ (cũng như tin tức) sẽ tìm tới nơi có nhu cầu. Do đó, nó không chỉ thuộc về tư bản, mà thiết yếu cho cả xã hội công nghiệp xã hội chủ nghĩa, cũng như bất kỳ đâu có hệ thống công nghiệp quy mô lớn gắn với động cơ lợi nhuận14.

Xã hội là điểm nổi bật trong mục tiêu phát triển của Việt Nam, do đó Đảng ta chủ trương kết hợp chặt chẽ mục tiêu, chính sách kinh tế với mục tiêu, chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội chính là tạo điều kiện, động lực cho tăng trưởng. Bởi lẽ, “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì lợi ích của toàn dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”15.

Bên cạnh đó, trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những bài viết quan trọng về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cùng tổ chức công đoàn vững mạnh; Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; Chăm lo cho thanh niên là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; Xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa; Xây dựng lực lượng Công an thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân…; đồng thời nhấn mạnh phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam; trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”; khơi dậy khát vọng hùng cường, thịnh vượng Việt Nam… xây dựng, phát triển thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tính đúng đắn của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam lựa chọn được minh chứng rõ qua những kết quả sau:

Thứ nhất, bức tranh kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc rõ nét: Kể từ năm 1986 đến nay, kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình khoảng 7% mỗi năm (Xem Hình 1); quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đôla, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN16. Lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Nếu năm 1986 lạm phát “phi mã” lên đến ba con số là 775%17 thì hiện nay tỷ lệ lạm phát được duy trì dưới 5%/năm. Bội chi ngân sách bảo đảm dưới ngưỡng an toàn 5% GDP; nợ công giảm sâu dưới mức trần 65% GDP18.

Hình 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1986 - 2021

Đơn vị tính: % 

mo-phong-cua-nhom-tac-gia-dua-tren-so-lieu-cua-tong-cuc-thong-ke-1682046671.png

Nguồn: Mô phỏng của nhóm tác giả dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê.

Cùng với tăng tốc về số lượng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này cũng được cải thiện ấn tượng. Xét trên bình diện tổng thể theo cấu trúc ba yếu tố đầu vào của nền kinh tế: vốn, lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP (bao gồm chất lượng nguồn nhân lực, thể chế, cơ sở hạ tầng, mức độ sẵn sàng công nghệ, phản ánh chất lượng tăng trưởng) cho thấy, TFP của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 được nâng lên đáng kể (Xem Hình 2).

Hình 2: Tỷ trọng đóng góp TFP vào tốc độ tăng trưởng 2011 - 2020

Đơn vị tính: %

ty-trong-tfp-tong-cuc-thong-ke-1682049873.jpg

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo trở thành điểm sáng: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chiếm 58%, đến cuối năm 2020 giảm còn 4,8% (Xem Hình 3).

Hình 3: Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giai đoạn 1993 - 2020 

Đơn vị tính: %

ty-le-ho-ngheo-o-viet-nam-giai-doan-1993-2020-1682050279.jpg

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Theo dữ liệu so sánh của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ người nghèo so với dân số của Việt Nam năm 2015 ở mức 9,8%, thấp hơn nhiều so với con số tương ứng của Philipine (25,2%), Ấn Độ (21,9%), và thấp hơn cả Thái Lan (12,6%), Indonexia (11,3%)19.

Đến nay, Việt Nam có hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn20.

Có thể nói, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố21.

Như vậy, lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện tại là kết quả của sự “tích hợp” tiến trình đổi mới, tổng kết “nội hàm” phát triển không ngừng của nền kinh tế, đồng thời phản ánh quỹ đạo “tiến hóa tất yếu” của mô hình kinh tế thị trường đương đại. Do đó, mô hình này không phải là xa lạ, “dị biệt”, mà ngược lại, là một kiểu phát triển kinh tế thị trường mới, là một mô hình tiến bộ, phù hợp, thể hiện rõ ở mục tiêu hướng tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, giữa thế kỷ XXI, trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Quản lý kinh tế: Giáo trình Quản lý kinh tế (Hệ cử nhân chính trị), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 35.  

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 334.

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 60, tr. 132.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 65, tr. 145.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 204-205.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 102.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128.

9, 10, 11, 15, 21. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 24, 25, 26, 21-22, 33.

12, 13. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 27.

14. Alvin Toffler: Làn sóng thứ ba, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2019.

16, 20. Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 31, 32.

17. Các đợt lạm phát từ 1986 đến nay (18/6) Cổng thông tin điện tử Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngày 06/8/2010, http://vnep.ciem.org.vn/tin-tuc/34969/cac-dot-lam-phat-tu-1986- den-nay-18-06?topicId=5781.

18. Hương Giang: Năm 2020, mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 35 triệu đồng tiền nợ công, Báo Thanh tra điện tử, ngày 23/5/2022, https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/nam-2020- moi-nguoi-dan-viet-nam-ganh-hon-35-trieu-dong-tien-no-cong-197559. html.

19. Trương Minh Tuấn: Sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 05/6/2017, http://nhandan.vn/suc-thuyet-phuc-cua-kinh-te-thi-truong-dinhhuong-xa-hoi-chu-nghia-post294550.html.

TS. NGUYỄN VĂN ĐIỂN

 ThS. HÀ THỊ VIỆT THÚY

ThS. VÕ VĂN BIÊN

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/hoan-thien-ly-luan-ve-mo-hinh-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-trong-tac-pham-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-a7285.html