Thưa các đồng chí đại biểu,
Thưa các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam và Gặp mặt, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu, các thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Xuất bản, In và Phát hành sách lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí,
Sách là kho tàng tri thức vô cùng quý giá của nhân loại, giúp con người phát triển và hoàn thiện nhân cách. Sách giúp ta hiểu về quá khứ, làm chủ hiện tại, nắm lấy chân lý và sức mạnh trên con đường đi tới tương lai. Bất kỳ thời đại nào, con người cũng lấy việc học, việc đọc sách làm trọng. Các bậc hiền nhân đã dùng những từ ngữ đẹp nhất cho sách và việc đọc sách. Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng. Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý”1.
Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò quan trọng của sách, đã viết nhiều tác phẩm để tuyên truyền đường lối cách mạng, vận động quần chúng nhân dân, giáo dục cán bộ, đảng viên, lấy đó làm vũ khí đấu tranh với kẻ thù, tiêu biểu như các tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925), Đường kách mệnh (năm 1927), Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Cần kiệm liêm chính (năm 1949)… Cho đến nay, những tác phẩm đó vẫn tràn đầy sức sống và vẹn nguyên giá trị để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong cuộc sống và công tác.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngành Xuất bản nước ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xuất bản kịp thời hàng nghìn đầu sách với hàng triệu bản in ở cả hai miền Nam, Bắc, trở thành một “binh chủng” quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là vũ khí tinh thần sắc bén, góp phần bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, anh dũng chiến đấu, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, hàng triệu đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - văn nghệ, giáo dục và đào tạo… đã được xuất bản. Nhiều bộ sách có giá trị về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, về Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng kết thành tựu 35 năm đổi mới, về văn học, nghệ thuật... đã được xuất bản, kịp thời tổng kết, giới thiệu những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Đến nay, ngành Xuất bản đã phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Hệ thống các nhà xuất bản ổn định; năng lực, trình độ của những người làm xuất bản có nhiều tiến bộ. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên; chất lượng chính trị, văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật - nghiệp vụ của xuất bản được tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Các ấn phẩm ngày càng đa dạng, từ sách in truyền thống, sách điện tử, sách nói đến áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… Lĩnh vực in ngày càng phát triển, tiệm cận trình độ khu vực và thế giới. Lĩnh vực phát hành có bước tiến đáng kể, đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, nhiều tác phẩm của Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế. Ngành Xuất bản đã thật sự phát huy tốt vai trò của mình trong việc lưu giữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Qua 70 năm xây dựng và phát triển, để ngành Xuất bản có được thành tựu to lớn như hôm nay là xương máu, hy sinh của bao thế hệ cán bộ, nhân viên toàn ngành trong những năm tháng chiến tranh ác liệt; là sự nỗ lực, bền bỉ, liên tục tìm tòi, nghiên cứu, không ngại khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, luôn đổi mới, sáng tạo của đội ngũ những người làm xuất bản cả nước trong các thời kỳ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu rất đáng tự hào mà ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua.
Thưa các đồng chí,
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Xuất bản cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, đó là: Năng lực của một số nhà xuất bản còn hạn chế, chưa chủ động tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tìm hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Còn thiếu những tác phẩm có giá trị xứng tầm với công cuộc đổi mới đất nước, chưa thực sự góp phần làm tốt sứ mệnh “soi đường” cho nhân dân trong việc kiến tạo các giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ. Một bộ phận người làm xuất bản còn hạn chế về kiến thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Tình trạng vi phạm bản quyền, vi phạm quyền tác giả, in lậu chưa được khắc phục triệt để. Chưa tạo được cơ chế hữu hiệu để động viên, khích lệ các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu sáng tác và công bố tác phẩm.
Thưa các đồng chí,
Đảng ta xác định, “sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…”; “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc”2. Trong thời gian tới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, ngành Xuất bản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành, xứng đáng là vũ khí tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi xin nêu một vài gợi ý để ngành Xuất bản quan tâm thực hiện như sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò của sách, sự cần thiết phải đọc sách, học từ sách để có thêm tri thức, trình độ, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ khi có đông đảo người đọc sách thì ngành Xuất bản mới phát triển. Muốn có đông bạn đọc thì phải không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, có nhiều đầu sách hay, giá trị, bảo đảm mỗi xuất bản phẩm ra đời không chỉ cung cấp, phổ biến tri thức, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghiên cứu, học hỏi của độc giả, mà quan trọng hơn là để người đọc sau khi tiếp nhận, lĩnh hội tri thức, thông tin trong sách sẽ có những tiến bộ nhất định trong nhìn nhận, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, sống tốt hơn, đẹp hơn.
Thứ hai, để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, đòi hỏi đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học và công nghệ, đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất; không chỉ cung cấp tri thức, mà còn cổ vũ, khuyến khích bảo vệ cái tốt, hướng con người tới chân, thiện, mỹ; phê bình những thói hư tật xấu, khơi dậy khát vọng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ cho bạn đọc. Các nhà xuất bản phải là nơi để các tác giả gửi gắm niềm tin, là bệ đỡ cho các tác phẩm; chủ động khai thác bản thảo, phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức các cuộc vận động sáng tác theo chủ đề để có thêm nhiều tác phẩm giá trị. Mỗi nhà xuất bản phải là “bộ lọc” để lựa chọn những tác phẩm có giá trị đích thực; dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các nhà in phải tiếp tục đổi mới, cải tiến công nghệ in, chất liệu in thân thiện, in thêm nhiều sách đẹp. Các công ty phát hành sách phải bám sát cơ sở, đưa sách tới đúng địa chỉ người cần đọc, giúp độc giả tiếp cận sách một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Thứ ba, hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả. Các nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, có giải pháp đồng bộ để giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành, như: đổi mới mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị; có chính sách thu hút đầu tư cho ngành Xuất bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin, tri thức, hưởng thụ văn hóa của người dân trong thời kỳ mới, trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Thứ tư, cơ quan chỉ đạo, quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam cần chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực xuất bản, bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức hội đối với hoạt động xuất bản; tạo hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp, thuận lợi để ngành Xuất bản phát triển; bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động xuất bản; đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in và phát hành; bảo vệ bản quyền, quyền tác giả, xử lý nghiêm tình trạng in sách lậu, tạo lập môi trường xuất bản lành mạnh. Trước hết, phải tập trung nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng, hài hòa các mối quan hệ trong hoạt động xuất bản, như: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.
Thứ năm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản có chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, có ý thức trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành Xuất bản trong thời kỳ mới.
Thưa các đồng chí,
Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước đang đặt ra cho ngành Xuất bản sứ mệnh vẻ vang và trách nhiệm lớn lao. Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của ngành Xuất bản trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, tạo điều kiện để ngành Xuất bản phát triển. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 70 năm qua, ngành Xuất bản sẽ tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xin chúc các đồng chí đại biểu, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xuất bản qua các thời kỳ, các điển hình tiên tiến, người làm xuất bản tiêu biểu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí.
(*) Tiêu đề do Ban Biên tập Tạp chí Chính trị và Phát triển đặt
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 274.
2. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, https://thuvienphapluat. vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Chi-thi-42-CT-TW-nang-cao-chatluong-toan-dien-hoat-dong-xuat-ban-68323.aspx.
Đồng chí VÕ VĂN THƯỞNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/xay-dung-nganh-xuat-ban-in-va-phat-hanh-sach-xung-dang-la-vu-khi-tu-tuong-cua-dang-a7264.html