Tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay

CT&PT - Trong bối cảnh hiện nay, trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, công tác truyền thông nói chung và công tác truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết số 35-NQ/TW chỉ rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong những năm qua, công tác truyền thông nói chung và truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Song, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và những rào cản, trở ngại trong công tác truyền thông dân tộc nói riêng đang trở thành yếu tố để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, bài viết chỉ ra vai trò, thực trạng của công tác truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

2. Vai trò của công tác truyền thông dân tộc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ, đặc biệt là trong công tác truyền thông dân tộc giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, lợi dụng những rào cản trong công tác truyền thông dân tộc hiện nay như: sự bất đồng về ngôn ngữ; tỷ lệ đọc thông, viết thạo thấp; tâm lý thiếu tự tin, e ngại; truyền thông chủ yếu bằng Tiếng Việt, dịch vụ xã hội ở nhiều nơi còn thiếu, phương tiện truyền thông còn nhiều hạn chế..., các thế lực thù địch, phần tử cơ hội ra sức tuyên truyền bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu sai về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, từ đó gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là thủ đoạn không mới, song rất nguy hiểm, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được coi là một trong những nội dung quan trọng của công tác truyền thông dân tộc.

Thông qua hoạt động truyền thông dân tộc, người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển” và bảo vệ thành quả của Đảng trong lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc của Việt Nam. Công tác truyền thông dân tộc đã giúp người dân hiểu, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật.

Truyền thông dân tộc có vai trò hướng dẫn, cổ vũ, động viên đồng bào sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; khơi dậy quyết tâm, thúc đẩy đồng bào các dân tộc tự giác vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên cạnh đó, công tác truyền thông dân tộc là “vũ khí sắc bén” đập tan những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao nhận thức, giúp người dân có đủ “sức miễn dịch” và khả năng “tự đề kháng” trước mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ dân tộc...

3. Thực trạng công tác truyền thông trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những thủ đoạn cơ bản, xuyên suốt mà các thế lực thù địch sử dụng để chống phá cách mạng nước ta. Chúng ra sức lợi dụng những yếu kém trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; triệt để lợi dụng các phần tử cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị... nhằm xuyên tạc, hạ bệ, phủ nhận thành tựu công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, lợi dụng những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh..., chúng đưa ra luận điệu: “Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”. Đây là sự vu khống, bịa đặt một cách trắng trợn, lố bịch, cần được vạch trần và đấu tranh bác bỏ.

Trước tình hình đó, công tác truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, truyền thông được đào tạo bài bản, có lập trường tư tưởng vững vàng, nhạy bén chính trị; am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm truyền thông ngày càng được chú trọng đầu tư với hình thức trình bày phong phú. Nội dung sản phẩm truyền thông mang tính thời sự, phản ánh chính xác, kịp thời những thông tin của địa phương; phù hợp trình độ dân trí, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng dân tộc thiểu số khác nhau; trong đó, đặc biệt lồng ghép các chương trình có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn một số hạn chế, bất cập: Nội dung của các sản phẩm truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính đơn điệu, các sản phẩm truyền thông chưa có sự chuyên biệt phù hợp với đặc trưng văn hóa, tập quán của từng dân tộc. Lực lượng cán bộ làm công tác truyền thông dân tộc còn mỏng, thiếu và yếu cả về kiến thức, kỹ năng, chưa thu hút được sự quan tâm của đồng bào. Kinh phí đầu tư cho công tác truyền thông còn hạn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất như tủ sách pháp luật, nhà văn hóa, hệ thống thông tin truyền thanh công cộng, các trang thiết bị kỹ thuật thu, dựng chương trình, thu phát sóng của đài phát thanh, truyền hình cũng như các đài cấp huyện, xã còn thiếu, không đồng bộ, công suất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đồng bào dân tộc thiểu số… 

4. Giải pháp tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của chủ thể làm công tác truyền thông dân tộc, đặc biệt là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền địa phương, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tuyên truyền viên về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các âm mưu, thủ đoạn, quan điểm sai trái, thù địch; về khoa học kỹ thuật, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...

Thứ hai, đổi mới nội dung và phương thức truyền thông dân tộc. Theo đó, cần sản xuất nhiều sản phẩm truyền thông có nội dung dễ hiểu, phản ánh, nhận diện trực tiếp các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù dịch đang chống phá tại địa phương; nội dung truyền thông phong phú, mang tính mới mẻ, gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân, có tính chuyên biệt đối với mỗi dân tộc và từng địa phương khác nhau; truyền thông trên nhiều kênh khác nhau, đa dạng, hiệu quả; sáng tạo và phát triển các kênh chuyên biệt của từng địa phương.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên các cấp; tuyển chọn đội ngũ làm công tác truyền thông dân tộc là người am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán và tình hình địa phương; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn dành  cho cán bộ truyền thông dân tộc thiểu số, qua đó giúp họ nhận diện và cảnh giác với các quan điểm, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. 

Thứ tư, tăng cường đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác truyền thông, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Có thể khẳng định, việc chú trọng công tác truyền thông dân tộc, đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động mang tính chiến lược của đất nước, góp phần đập tan luận điệu xuyên tạc và âm mưu phản động của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự công bằng, đồng thuận trong xã hội.

ThS. PHAN HỒNG VÂN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tang-cuong-cong-tac-truyen-thong-ve-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-hien-nay-a7257.html