1. Vài nét về chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đọc của một số quốc gia trên thế giới
Tại Nhật Bản, văn hóa đọc được quan tâm từ hơn 300 năm trước. Việc xuất bản sách, báo được coi là tiền đề cho những cuộc cách mạng làm thay đổi toàn bộ diện mạo của một nền văn hóa. Chẳng hạn, vai trò của Tân thư đối với phong trào Duy Tân của Nhật Bản là rất lớn. Từ thời Genroku (1688 - 1704), nước Nhật đã có hệ thống xuất bản khá đồ sộ với lượng sách lên tới 10.000 cuốn/năm. Những tài liệu được coi là Tân thư ở Nhật Bản thời kỳ này là sách, báo có xuất xứ từ Âu - Mỹ, bao gồm cả sách khoa học kỹ thuật, sách khoa học xã hội, văn hóa và văn học. Những trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi... đã có những đóng góp quan trọng vào việc mở mang tri thức cho người Nhật thông qua hoạt động dịch thuật và biên khảo. Ngày nay, người Nhật vẫn là một trong những dân tộc đọc sách nhiều nhất thế giới (bình quân một người đọc 40 cuốn sách/năm; người Nhật có thói quen đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm...).
Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về khuyến đọc: Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (năm 2001); Luật Chấn hưng văn hóa đọc (năm 2005); Luật Thư viện (ban hành ngày 30/4/1950, sửa đổi ngày 22/12/1999); Luật Thư viện trường học (ban hành ngày 01/4/1953, sửa đổi ngày 24/6/2016)...
Luật Chấn hưng văn hóa đọc xác định: Văn hóa đọc là hoạt động của tinh thần, được thực hiện với trọng tâm là việc đọc, viết những gì có thể thể hiện bằng chữ viết và hoạt động xuất bản, hay các hoạt động khác như: cung cấp văn bản cho con người cũng như xuất bản phẩm và kết quả của hoạt động này, xác định triết lý phát triển văn hóa đọc và giải pháp thực hiện triết lý.
Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em quy định: Hoạt động đọc sách của trẻ em (chủ yếu người dưới 18 tuổi) phải được xúc tiến trong môi trường tích cực để trẻ em có thể đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm giúp trẻ em rèn luyện ngôn ngữ, kiểm soát cảm xúc, nâng cao năng lực thể hiện, sức sáng tạo, khả năng tư duy, từ đó có đời sống sâu sắc hơn. Theo đó, 5 vấn đề gắn với phát triển văn hóa đọc là: (1) Văn hóa đọc là một lĩnh vực văn hóa tinh thần, có vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, xây dựng nhân cách con người; (2) Văn hóa đọc là bình đẳng, tạo mọi cơ hội để người dân tiếp cận, thụ hưởng kết quả của chính sách phát triển văn hóa đọc, chính sách phát triển xuất bản; (3) Phát triển văn hóa đọc trên nền tảng chữ quốc ngữ, phải gắn kết giữa sáng tác, xuất bản và thụ hưởng, cần tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc trên cơ sở đẩy mạnh và tăng cường kết nối 3 nội dung này; (4) Việc hình thành thói quen đọc, nhất là thói quen đọc sách cho trẻ em có vai trò quan trọng hàng đầu, qua đó yêu cầu việc tổ chức triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc cũng như các hoạt động phát triển văn hóa đọc phải đặc biệt chú ý mục tiêu này; (5) Phát triển văn hóa đọc là trách nhiệm của toàn xã hội, cần chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong bảo đảm các điều kiện phát triển văn hóa đọc.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã công bố “Kế hoạch cơ bản cho khuyến khích các hoạt động đọc sách cho trẻ em”. Thực hiện kế hoạch của Chính phủ, các địa phương đã xây dựng kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tự do đọc sách.
Là quốc gia có ngành xuất bản đứng trong “top” đầu, công tác xuất bản không ngừng phát triển, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách. Chuỗi cửa hàng bán sách lớn nhất Tsutaya thông báo doanh thu kỷ lục 113 tỷ yên, tương đương 1,1 tỷ USD trong năm tài khóa 2013. Số lượng sách và tạp chí phát hành tăng đều trong 10 năm gần đây với tốc độ đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia (trên 7%/năm).
Tại Trung Quốc, đọc được xác định là quyền văn hóa cơ bản nhất của công dân, là sự bảo đảm cơ bản để nâng cao tố chất của công dân. Trong quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan đến cải cách sâu rộng cơ chế văn hóa, thúc đẩy sự phát triển vĩ đại và thịnh vượng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, xác định: phải bảo đảm các quyền và lợi ích cơ bản về văn hóa của nhân dân, như: quyền đọc sách và đọc báo; đẩy nhanh sự phát triển hội nhập giữa văn hóa thành thị và văn hóa nông thôn, củng cố các trung tâm văn hóa cấp quận, thôn, bản; triển khai sâu rộng các hiệu sách và các dự án văn hóa khác có lợi cho người dân; lấy đọc sách làm điểm khởi đầu, thiết lập hệ thống dịch vụ văn hóa công cộng toàn diện; xây dựng các dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; mọi công dân có quyền thụ hưởng các thành tựu văn hóa, có quyền tham gia các hoạt động văn hóa, quyền phát triển sáng tạo văn hóa và quyền lựa chọn văn hóa.
Hiện nay, việc đọc ở Trung Quốc đã được luật hóa, chuyển từ “chỉ tiêu mềm” sang “chỉ tiêu cứng” về xây dựng văn hóa và được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Luật Thư viện công cộng (ngày 04/11/2017) xác định: “Nhà nước khuyến khích công dân, pháp nhân và các tổ chức khác trong xã hội đóng góp cho hoạt động thư viện”, nhằm “thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thư viện, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện công cộng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản của công dân, nâng cao trình độ văn minh của xã hội, nâng cao tố chất khoa học và văn hóa cho công dân, truyền bá văn minh của nhân loại, giữ gìn tự tôn văn hóa truyền thống của dân tộc”. Sau khi được luật hóa, việc khuyến khích người dân đọc sách được tổ chức thống nhất, công tác hỗ trợ tài chính được bảo đảm thực hiện.
Để thúc đẩy văn hóa đọc, cùng với công tác thư viện, công tác xuất bản cũng được chú trọng phát triển. Theo số liệu của Beijing Open Book, từ năm 2015 đến năm 2019, thị trường sách Trung Quốc liên tục tăng trưởng hơn 10%/năm. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của ngành xuất bản bị sụt giảm1. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và để đối phó với đại dịch Covid-19, Hiệp hội Nhà xuất bản Trung Quốc khuyến khích các đơn vị tăng cường phát hành ấn bản sách điện tử. Xuất bản kỹ thuật số đang trở thành một trong những phân khúc nổi bật nhất và được quan tâm, chú trọng tại quốc gia này. Tháng 10/2018, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitat) đã phối hợp công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh đô thị toàn cầu 2018 - 2019”, trong đó Thâm Quyến được xếp hạng là một trong 10 thành phố hàng đầu của Trung Quốc về năng lực cạnh tranh đô thị toàn cầu. Phấn đấu trở thành đầu tàu vừa phát triển về kinh tế, vừa phát triển về văn hóa với đề xuất “Hãy để thành phố được tôn trọng vì tình yêu đọc sách”, Thâm Quyến không chỉ được cộng đồng quốc tế ghi nhận với kỳ tích kinh tế của mình, mà còn được thế giới biết đến với hình ảnh một thành phố thích đọc sách và danh hiệu “Thành phố kiểu mẫu toàn cầu về việc người dân đọc sách” do UNESCO trao tặng.
Tại Hàn Quốc, vấn đề phát triển văn hóa đọc được Nhà nước rất quan tâm. Ủy ban Quốc gia về thông tin và thư viện (trực thuộc Phủ Tổng thống) có vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc hoạch định chính sách, chiến lược để phát triển thông tin và thư viện nói chung, văn hóa đọc nói riêng tại Hàn Quốc. Theo Luật Thư viện, thành viên Ủy ban là thành viên Chính phủ (bộ trưởng các bộ có liên quan), các chuyên gia đầu ngành về thông tin và thư viện tại Hàn Quốc. Trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Cục Chính sách về thông tin và thư viện có nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch và chiến lược hoạt động của ngành thư viện Hàn Quốc, đồng thời thể chế hóa kế hoạch hoạt động đối với từng năm (trên cơ sở tình hình và đăng ký thực hiện kế hoạch của các thư viện trong cả nước).
Nhiều văn bản về phát triển văn hóa đọc gắn với thư viện đã được ban hành: Luật Thư viện, Luật Khuyến khích hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc (có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2003); Luật Khuyến khích thư viện quy mô nhỏ (có hiệu lực thi hành từ ngày 04/5/2016); Luật Khuyến khích thư viện trường phổ thông, thư viện đại học... Trong đó, Luật Thư viện xác định: trách nhiệm của Nhà nước và chính quyền địa phương là hỗ trợ phát triển thư viện và xây dựng kế hoạch hành động cần thiết để mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng tri thức, thông tin một cách tự do và không phân biệt đối xử. Năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Kế hoạch phát triển toàn diện cho hệ thống thư viện”, tập trung vào Thư viện Quốc gia Hàn Quốc và các thư viện công cộng. Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ đưa ra “Kế hoạch tái sinh toàn diện cho thư viện trường học”.
Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương nỗ lực cải thiện nhiều dịch vụ cho trẻ em, như: xây mới thư viện hoặc mở rộng các dịch vụ dành cho trẻ em hiện có trong các thư viện công cộng. Những nỗ lực này nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin và thư viện của người dân địa phương. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng tài liệu số, tài liệu điện tử, Thư viện số Quốc gia và các thư viện số đã được thành lập. Các nhà xuất bản phối hợp chặt chẽ với các thư viện trong việc cung cấp các phiên bản số.
Hoa Kỳ là một quốc gia thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa đọc. Thực hiện phương châm “Thư viện là một giá trị của nước Mỹ”, mạng lưới thư viện đã được Chính phủ quan tâm đầu tư và trở thành một phương tiện để “khám phá lại quá khứ và xây dựng tương lai”. Trong các thư viện, vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu đọc và sử dụng thông tin, đẩy mạnh các dịch vụ tra cứu, cung cấp thông tin theo yêu cầu được chú trọng. Trong thời đại internet toàn cầu, với sự phát triển nhanh của các phương tiện kỹ thuật số, các thư viện không ngừng phát triển và đổi mới công tác phục vụ, cho phép người đọc có thể mượn, trả sách tự động. Lee Rainie - Giám đốc sáng lập của Tổ chức Pew (Đề án Internet & Cuộc sống Mỹ) cho rằng: Các thư viện đang “chớp” lấy thời cơ của thời đại internet. Họ đã bổ sung thêm kho tư liệu, nâng cấp phần cứng và phần mềm, cũng như nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ. Nhiều tổ chức đã phải thay đổi trong thời đại internet, nhưng thư viện vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội. Đồng thời, các thư viện đã từng bước chuyển đổi thành những trung tâm cộng đồng hiện đại, cung cấp dịch vụ internet, tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng tin học, lớp học dành riêng cho các đối tượng thuộc mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh dịch vụ chủ yếu là sách (doanh số sách in năm 2021 tăng hơn 8% so với năm 2020), các thư viện còn cung cấp băng đĩa CD, DVD và sách điện tử, cho phép nghe qua máy MP3. Mô hình thư viện thân thiện phục vụ trẻ em, người khuyết tật được triển khai ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.
Là quốc gia quan tâm đến việc đầu tư cho tài nguyên giáo dục mở lớn nhất trên thế giới (OER), nhiều bang của nước Mỹ (28/51 bang) có chính sách đối với OER. Bộ Giáo dục Mỹ có chương trình GoOpen cho các trường phổ thông. Riêng bang California, năm 2012, Thư viện số nguồn mở California đã được thành lập, dưới sự quản lý của Đại học bang California phối hợp với các trường cao đẳng cộng đồng California, nhằm tập hợp và cung cấp các tư liệu nguồn mở thông qua phương thức web trên internet để sinh viên, giảng viên và nhân viên dễ dàng tìm kiếm, áp dụng, sử dụng, hoặc sửa đổi các tư liệu khóa học mà không mất hoặc mất ít chi phí. Năm 2021, bang này đã dành 115 triệu USD ngân sách của mình để phát triển OER, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có thể sử dụng sách giáo khoa 0 USD...
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều dự án phát triển thư viện đa quốc gia đã được các tập đoàn, tổ chức triển khai, tiêu biểu như: Chương trình Thư viện toàn cầu do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ (Chương trình này cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam); Chương trình xây dựng các thư viện nhỏ miễn phí... Thư viện nhỏ miễn phí (Little Free Library) được thành lập ngày 16/5/2012 tại St. Paul, Minnesota với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận sách cho độc giả ở mọi lứa tuổi và thành phần. Theo đó, hơn 150.000 thư viện nhỏ miễn phí đã được thiết lập tại 115 quốc gia với hàng triệu cuốn sách được trao đổi mỗi năm. Tại đây, trẻ em được mượn sách mà không bị giới hạn về thời gian và số lượng, không cần phải trả lại sách nếu chúng thực sự yêu thích cuốn sách đó, tuy nhiên, chúng được khuyến khích đổi sách, nhằm bảo đảm thư viện luôn đầy ắp sách.
Từ năm 2015, Chính phủ Singapore đã thực hiện các chương trình khuyến khích việc đọc như một thói quen và xây dựng cộng đồng bạn đọc trong cả nước. Để thực hiện chức năng phát triển văn hóa đọc và khuyến khích học tập thông qua việc sử dụng thư viện, Hội đồng Thư viện Quốc gia Singapore xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đọc và học tập dựa trên 5 nguyên tắc: (1) Nhu cầu của người đọc trong tương lai; (2) Tiêu chuẩn cơ bản về dịch vụ thư viện ở Singapore trong mối tương quan với các nước khác; (3) Hướng đến các nhóm người sử dụng yếu thế trong xã hội (người có thu nhập thấp, không có điều kiện đến thư viện); (4) Tối ưu hóa nguồn lực thư viện và xã hội hóa hoạt động thư viện; (5) Dịch vụ phù hợp với sáng kiến của Thư viện Quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định vai trò cốt lõi của thư viện trường học là phát triển, duy trì thói quen đọc sách và kỹ năng học tập suốt đời. Singapore tăng cường nỗ lực để thư viện nhà trường tập trung hơn vào việc thúc đẩy văn hóa đọc.
Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến việc đọc của dân chúng. Nhà nước đã thành lập Quỹ Thư viện Raja Rammohun Roy như một cơ quan độc lập thuộc Cục Văn hóa, do Bộ Giáo dục quản lý. Trong khoảng 10 năm (1972 - 1982), Quỹ đã cung cấp 250 triệu rupee (31,79 triệu USD) để hỗ trợ 15.000 thư viện nông thôn. Nhờ đó, đến năm 1989, Ấn Độ đã có 7.180 thư viện và 18.000 điểm phục vụ (chi nhánh, điểm dừng điện thoại di động...); các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Calcutta tăng lên đáng kể.
Chương trình thư viện trường học, “hoạt động Blackboard” (Bảng đen) được bắt đầu với việc cung cấp tài liệu học tập và giảng dạy cần thiết. Chính sách quốc gia về sách (năm 1986) đã tác động đến thư viện với khuyến cáo:
Tất cả các cơ quan liên quan thực hiện cung cấp tài liệu đọc cho trẻ em và 10% ngân sách giáo dục hằng năm của Chính phủ được sử dụng để mua sách cho thư viện. Nhờ đó, Ấn Độ đã trở thành quốc gia ham đọc nhất thế giới và được NOP World Culture Score Index xếp hạng cao nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân (trung bình một tuần một người Ấn Độ dành gần 11 giờ để đọc sách). Mặc dù là quốc gia có trình độ dân trí giữa các tầng lớp rất cách biệt (số người biết chữ chỉ chiếm 27,4% dân số), nhưng có đến 25% người trẻ đọc sách thường xuyên và 49% người được đi học lựa chọn đọc sách như một cách để giải trí.
Không chỉ Nhà nước, các nhà hảo tâm cũng rất quan tâm đến việc phát triển thư viện và chăm lo đến việc đọc của dân chúng. Triệu phú Rohini Nilekani đã thành lập một quỹ từ thiện uy tín và được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 48 nhà từ thiện của thế giới năm 2010. Nilekani được mời làm đối tác thành lập Pratham Books, một nhánh của Pratham - tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất tại Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhằm đem đến cho trẻ em nhiều đầu sách chất lượng cao, được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Là nhà xuất bản phi lợi nhuận, Pratham Books luôn tìm cách thúc đẩy cơ hội đọc sách và học tập cho mọi người, đặc biệt là việc đưa sách đến với trẻ em một cách dễ dàng hơn thông qua việc cung cấp sách giá rẻ tới hàng triệu trẻ em, phát hành sách nói cho trẻ em khiếm thị, sách ngôn ngữ địa phương và sử dụng cả giấy phép truy cập mở Creative Commons để có thể trao lại quyền cho cộng đồng (cho phép bất kỳ ai cũng có thể dùng, viết lại, dịch lại, thậm chí tự tạo câu chuyện mới từ nội dung đã có). Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (ngày 08/9) hằng năm trở thành ngày kể chuyện của Pratham Books, với sự tham gia của đông đảo bạn đọc. Tại đây, nhiều người cùng đọc một cuốn truyện cho trẻ em trên khắp cả nước, đem lại niềm vui đọc sách, mở ra chân trời tri thức và thúc đẩy trí tưởng tượng của trẻ em.
Văn hóa đọc là một nét đặc trưng của nước Đức. Tại quốc gia này, nhiều người quan niệm món quà tặng nhau ý vị và phổ thông nhất sau những bông hoa chính là “sách” - một loại “cảo thơm” được mọi người, mọi nhà vô cùng trân quý. Có thể nói, “đọc sách” là một đòi hỏi, một nhu cầu của người Đức, “có sách”, “giữ sách”, “bảo tàng sách” là nét đặc thù của đời sống văn hóa Đức. Theo đó, mỗi năm có nhiều hội chợ sách được tổ chức, thư viện luôn là lựa chọn hàng đầu của những người yêu thích nghiên cứu. Với lịch sử 500 năm, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt là nơi gặp gỡ thường niên của đại diện các nhà xuất bản sách, công ty đa phương tiện và công nghệ trên khắp thế giới, nhằm nắm bắt xu hướng mới của thị trường xuất bản, ký kết các hợp đồng mua bán bản quyền để phổ biến hay dịch thuật, là dịp để các quốc gia giới thiệu về đặc trưng văn hóa đọc sách của dân tộc mình.
Là đất nước có công nghệ phát triển vượt bậc, nơi diễn ra hội chợ sách lớn nhất thế giới, song Đức luôn khuyến khích người dân đọc sách in. Hiện nay, Đức có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân nước này đến thư viện nhiều hơn cả đến rạp chiếu phim và sân vận động (năm 2009, chỉ có 70 triệu lượt người đến sân vận động, 146 triệu lượt người đi xem phim, nhưng có đến 200 triệu lượt người đến thư viện đọc sách).
Là nước có số lượng sách xuất bản theo đầu người và số lượng người trẻ đọc sách cao nhất thế giới, Chính phủ Israel rất quan tâm đến việc thiết lập mạng lưới thư viện (cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện), vì vậy, dù chỉ có 8 triệu dân, nhưng Israel có tới hơn 1.000 thư viện công cộng với nhiều sách quý.
Với thói quen và đam mê đọc sách, việc phát triển trí tuệ được người Do Thái hết sức quan tâm. Trong các gia đình người Do Thái, tủ sách chiếm vị trí rất quan trọng: mỗi gia đình luôn có một tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác, tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm trong nôi. Để tạo sự hấp dẫn của sách đối với trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương khiến trẻ chú ý; khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, họ nhỏ một vài giọt mật lên trang sách, cho trẻ nếm để gieo vào tiềm thức trẻ sự “ngọt ngào” của sách. Cha mẹ Do Thái cũng rất quan tâm đến thói quen đọc sách của trẻ: khi trẻ đọc sách, họ tận tâm hướng dẫn, cổ vũ; khi trẻ đã có khả năng đọc tốt, họ trở thành “người đồng hành”, thường xuyên cùng con đọc sách.
Trên cơ sở chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đọc của một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam như sau:
Một là, trong công tác xuất bản, cần đa dạng hóa các xuất bản phẩm, hình thành nhiều loại hình ấn phẩm khác nhau: sách in (truyện tranh, sách bỏ túi, sách phổ biến kiến thức), sách điện tử, sách nói. Cần có chính sách tăng cường đầu tư cho xuất bản sách có giá thành rẻ với số lượng lớn, nhằm cung cấp cho nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là thanh thiếu niên, tầng lớp dân cư nghèo, người khuyết tật... Ngành xuất bản và thư viện cần có sự phối hợp trong quảng bá và cung ứng dịch vụ cho người đọc ở bất cứ định dạng nào.
Hai là, trong công tác thư viện, cần không ngừng đổi mới phương thức phục vụ, phát triển nguồn tài nguyên thông tin, đặc biệt là tài nguyên thông tin số; tăng cường các dịch vụ thư viện qua không gian mạng, dịch vụ thư viện lưu động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; bên cạnh việc cung cấp thông tin tài liệu, cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đặc biệt tập trung trang bị và phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho người sử dụng thư viện.
Ba là, trong giáo dục và đào tạo, cần chú trọng giáo dục thói quen, kỹ năng đọc sách cho trẻ em cũng như các đối tượng người đọc khác trong và ngoài nhà trường.
Bốn là, để tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa đọc, cần chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là bài học về hình thành tủ sách gia đình của người Do Thái; thúc đẩy xuất bản phẩm in của Mỹ, Đức, Nhật Bản; tăng cường đầu tư phát triển thư viện nhỏ của Mỹ, Hàn Quốc... Đồng thời, để nhận được sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức đối với hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc, Nhà nước cần xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích tài trợ cho thư viện, trong đó tập trung vào các giải pháp thiết thực như: vinh danh nhà tài trợ, miễn, giảm thuế cho các hoạt động tài trợ lớn nhằm phát triển văn hóa đọc.
Hiện nay, về cơ bản, Việt Nam đã tham khảo các chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đọc của nước ngoài thông qua các nội dung quy định tại Luật Xuất bản, Luật Thư viện, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Vấn đề lớn nhất trong việc đưa các chính sách này vào cuộc sống chính là nhận thức và sự đầu tư. Từ thực trạng phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động phát triển văn hóa đọc thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các sự kiện tôn vinh văn hóa đọc: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Tuần lễ học tập suốt đời...
Thứ hai, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực xuất bản và thư viện để triển khai các chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, Đề án Sách quốc gia, các chương trình phát triển văn hóa đọc, nhất là phát triển văn hóa đọc cho các đối tượng yếu thế (thiếu nhi, đồng bào thiểu số, người khuyết tật, người dân ở nông thôn, miền núi...).
Ba là, xây dựng chính sách và đầu tư phát triển tài nguyên giáo dục mở; tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, gắn với nâng cao khả năng tự học, tự đọc, đổi mới phương thức đánh giá đối với người học.
Bốn là, Nhà nước cần có hình thức tôn vinh, khích lệ, khen thưởng thỏa đáng đối với các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, đóng góp cho phát triển văn hóa đọc; bổ sung quy định cụ thể về miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp có hỗ trợ, đóng góp lớn; miễn, giảm thuế đối với các trang thiết bị và sách ngoại nhập hoặc các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài; tạo cơ chế thông thoáng cho các thư viện trong việc tiếp nhận hỗ trợ phát triển văn hóa đọc từ nước ngoài.
1. Theo dữ liệu từ kho lưu trữ của Cục Xuất bản Trung Quốc, năm 2020, các nhà xuất bản ở Trung Quốc đã phát hành 268.369 đầu sách mới, giảm 3% so với năm 2019.
TS. VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ
ThS. ĐOÀN QUỲNH DUNG
Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch