1. Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong thời gian qua
Với vai trò quan trọng, sách lý luận, chính trị luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xuất bản nói chung, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị nói riêng. Ban Bí thư đã ban hành nhiều Chỉ thị về công tác xuất bản: Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 31/3/1992 về việc tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị. Đây là những văn bản chỉ đạo quan trọng, sát hợp với từng bước thay đổi của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị qua mỗi giai đoạn cách mạng, tạo nền tảng chính trị và pháp lý để công tác xuất bản nói chung, công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị nói riêng có xung lực phát triển ngày càng hiệu quả, vững chắc.
Quán triệt thực hiện quan điểm chỉ đạo trong các chỉ thị nêu trên, trong thời gian qua, công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng nội dung. Chỉ tính riêng giai đoạn 2003 - 2018, kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới, đã có khoảng 60.000 đầu sách lý luận, chính trị được xuất bản, với trên 200 triệu bản, chiếm khoảng 6 - 8% số đầu sách và 8 - 10% số bản sách hằng năm. Về tỷ lệ sách lý luận, chính trị trong tổng số sách được xuất bản, bên cạnh các nhà xuất bản có tính chất chuyên ngành như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, nhiều nhà xuất bản khác cũng có sự nỗ lực rất lớn, duy trì tỷ lệ khoảng 25 - 35% sách lý luận, chính trị như: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Tư pháp...1.
Là cơ quan xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nòng cốt của Đảng và Nhà nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật luôn chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức xuất bản phẩm, nhiều cuốn sách có giá trị đã được xuất bản, đánh dấu bước phát triển lớn trong tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, tạo được tiếng vang cả ở trong nước và quốc tế.
Cơ cấu, thể loại sách lý luận, chính trị ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần khẳng định tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, các nhóm sách nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề lý luận và thực tiễn về Đảng cầm quyền; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; lãnh đạo và quản lý các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội... được quan tâm và tăng cường đầu tư.
Hình thức in ấn, trình bày sách lý luận, chính trị không ngừng được cải thiện. Nhiều cuốn sách được xuất bản với hình thức bìa cứng, trình bày trang nhã, thu hút sự quan tâm, chú ý của bạn đọc, đồng thời thuận tiện cho công tác bảo quản và trưng bày sách.
Bên cạnh công tác xuất bản, công tác phát hành sách lý luận, chính trị trong thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các nhà xuất bản và doanh nghiệp phát hành sách nỗ lực đa dạng hóa hình thức, kênh thông tin, nhằm đẩy mạnh việc đưa sách lý luận, chính trị đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, số lượng sách lý luận, chính trị đưa về cơ sở ngày càng tăng; tủ sách xã, phường, thị trấn được xây dựng và tăng cường củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tra cứu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Phương pháp truyền thông, tuyên truyền về sách lý luận, chính trị không ngừng được đổi mới, bảo đảm phù hợp và tiếp cận được với nhiều đối tượng bạn đọc, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Việc quảng bá, giới thiệu sách lý luận, chính trị cũng được chú trọng đầu tư thông qua việc giới thiệu sách mới, sách hay tại không gian hội chợ, triển lãm sách, nhất là trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn uy tín trong nước và quốc tế.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, song song với việc xuất bản và phát hành sách giấy truyền thống, hình thức xuất bản sách điện tử trở thành một trọng tâm phát triển. Trong thời gian gần đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tích cực đẩy mạnh hình thức xuất bản điện tử và trở thành một trong những nhà xuất bản có ưu thế nổi bật, giữ vị trí hàng đầu trong xuất bản sách điện tử lý luận, chính trị, hình thành kho dữ liệu số để phục vụ đông đảo bạn đọc. Các kênh truyền thông mạng xã hội cũng được khai thác triệt để nhằm quảng bá sách. Trên cơ sở phát huy những thế mạnh của mình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tăng cường nhiều hoạt động giới thiệu sách, trao tặng tài khoản sử dụng sách điện tử cho các cơ quan, đơn vị có đối tượng độc giả phù hợp với từng thể tài sách lý luận, chính trị; tăng cường phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa...
Về công tác quản lý, nhiều nhà xuất bản đã tăng cường đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy, tích cực chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, bảo đảm tính định hướng trong thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị được chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực xuất bản sách lý luận, chính trị trong tình hình mới. Nhiều nhà xuất bản đã xây dựng được đội ngũ biên tập viên có trình độ cao, có năng lực và uy tín trong tổ chức và biên tập bản thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Số đầu sách lý luận, chính trị có chất lượng chính trị cao, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và tính hấp dẫn chưa nhiều. Phần lớn sách lý luận, chính trị còn mang tính kinh viện, nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn cuộc sống, thiếu sức hấp dẫn với bạn đọc. Cơ cấu sách chưa thực sự hợp lý, chưa có nhiều đầu sách tổng kết thực tiễn, tập trung luận giải, làm sáng tỏ những vấn đề bao quát và mang tính hệ thống về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Việc xây dựng và phát triển mạng lưới phát hành sách lý luận, chính trị hiệu quả chưa cao, còn chậm đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động. Chất lượng đội ngũ cán bộ xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị có những mặt còn hạn chế, thiếu cán bộ biên tập có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tổ chức bản thảo, xử lý những thông tin, nội dung phức tạp, nhạy cảm. Xuất bản điện tử và khai thác các kênh phát hành sách hiện đại còn ở mức độ sơ khai, chưa bắt kịp với xu thế chung của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
2. Một số giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị theo Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư
Một là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch, chiến lược xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị
Hiện nay, tình trạng chung của rất nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách là ban hành, thực hiện kế hoạch năm rất chậm, vừa do công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch chưa tốt, vừa do phải chờ đợi sự phê duyệt của các cấp lãnh đạo và cơ quan quản lý. Không ít đơn vị hoạt động trong trạng thái “no dồn, đói góp”, đầu năm không có nhiều việc, đến những tháng cuối năm lại phải xử lý dồn dập các công việc của cả năm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả công việc, đồng thời tạo áp lực lớn đối với sức khỏe, tâm lý của đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết công việc.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan, đơn vị xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tham mưu công tác xây dựng kế hoạch cần tích cực, chủ động trong việc dự thảo và đốc thúc thực hiện kế hoạch. Với đặc thù công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị luôn gắn với các sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước, việc xây dựng kế hoạch, chiến lược cần bám sát các văn bản chỉ đạo thực hiện các hoạt động tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, tầm nhìn chiến lược của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Thành lập các tổ công tác chuyên biệt thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu dài hạn và ngắn hạn đối với sách lý luận, chính trị, từ đó gia tăng chất lượng công tác tham mưu xây dựng kế hoạch. Mặt khác, các cấp quản lý, trong đó có các cơ quan phê duyệt nội dung và kinh phí, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt văn bản của các đơn vị xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị. Xây dựng quy trình và tuân thủ tiến độ thực hiện quy trình xử lý công việc một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ quan quản lý cũng như cơ quan trực tiếp triển khai, bảo đảm công tác xây dựng và phê duyệt kế hoạch, chiến lược xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Hai là, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, đa dạng hóa loại hình xuất bản và phát hành, tăng tính hấp dẫn của sách lý luận, chính trị
Cần có chính sách ưu tiên, chế độ đãi ngộ phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... tham gia viết, biên soạn, biên dịch sách lý luận, chính trị. Tích cực tham gia triển lãm, hội chợ sách trong nước và quốc tế. Tăng cường đầu tư cho việc dịch những cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, nhằm phục vụ công tác thông tin đối ngoại, đồng thời gia tăng sức hấp dẫn của mảng sách lý luận, chính trị đối với độc giả.
Chú trọng công tác tuyển chọn, công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Muốn vậy, trước hết cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ... trong việc phân bổ chỉ tiêu, kinh phí đào tạo và bồi dưỡng đối với các cơ quan xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị.
Đối với nhiệm vụ đa dạng hóa loại hình sách lý luận, chính trị, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành cần tăng cường các biện pháp khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại; sách nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; sách cho người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Để làm được điều đó, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành cần tiến hành khảo sát để đánh giá chính xác nhu cầu của từng đối tượng bạn đọc, từ đó có kế hoạch điều chỉnh đề tài, nội dung và hình thức sách lý luận, chính trị, cũng như có hình thức phát hành sách phù hợp. Đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản sách lý luận, chính trị, đặc biệt là xuất bản sách điện tử; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, phát hành sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, nhất là mạng xã hội và đội ngũ tuyên truyền các cấp. Mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, ấn phẩm xuất bản với các nhà xuất bản nước ngoài.
Ba là, đổi mới công tác quản lý, cơ chế hoạt động, hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị
Về đổi mới cơ chế hoạt động, hiện nay, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị đã tích cực chuyển đổi loại hình hoạt động cũng như cách thức quản lý, vận hành. Song, để bảo đảm việc đổi mới theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và quy định pháp luật, trên tinh thần Chỉ thị số 44-CT/TW, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành cần có sự điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với thực tế hơn. Việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị là cần thiết, song lãnh đạo các đơn vị cần chủ động tiếp thu có chọn lọc để áp dụng đối với đơn vị mình.
Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện công tác quản lý, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Đối với nội dung Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022 - 2026 (ban hành kèm theo Quyết định số 2219/QĐ-TTg, ngày 29/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ), cần có những biện pháp quản lý, kiểm tra việc khai thác (bao gồm cả việc quy định trách nhiệm của các thư viện trong việc mua sách lý luận, chính trị), sử dụng sách lý luận, chính trị.
Về khung khổ pháp lý, cần tăng cường nghiên cứu xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích, ưu tiên và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Đối với nhiệm vụ tăng cường đưa sách lý luận, chính trị về cơ sở, cần duy trì chính sách đặt hàng xuất bản phẩm, hỗ trợ giá bán sách lý luận, chính trị, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở theo nội dung Chỉ thị số 44-CT/TW. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu nhằm thu thập ý kiến chuyên gia để hoàn thiện khung khổ pháp luật về hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.
Bốn là, tăng cường quản lý hệ thống, xây dựng trọng điểm trong mạng lưới các cơ quan xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị
Về công tác quản lý hệ thống, các cơ quan quản lý Trung ương cần quan tâm, kiên quyết trong việc rà soát, sắp xếp hợp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận, chính trị, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo và hoạt động kém hiệu quả. Hoạt động này cần được thực hiện dưới sự điều tiết tổng thể của một cơ quan Trung ương, tránh tình trạng cát cứ, “lợi ích nhóm” chi phối mục tiêu kiện toàn và đổi mới hệ thống vì mục đích chung. Trong đó, cần phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản và cơ sở phát hành cũng như kết nối các khâu trong quá trình xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị. Kịp thời ban hành các văn bản quản lý nhằm thúc đẩy và kiểm soát việc liên kết giữa các nhà xuất bản với các tổ chức liên quan cả ở trong nước và nước ngoài, trong thực hiện hoạt động in và phát hành sách lý luận, chính trị theo đúng quy định của pháp luật.
Để có được mạng lưới các cơ quan xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị vững mạnh, Chỉ thị số 44-CT/TW nêu rõ yêu cầu: “Xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị”, song bên cạnh sự nỗ lực, việc phát huy vai trò nòng cốt của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương, cơ chế, chính sách và đầu tư nhiều mặt của Trung ương Đảng và các cơ quan quản lý.
Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nền tảng hỗ trợ cho công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị
Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách lý luận, chính trị là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất, máy móc và hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều nhà xuất bản, nhất là của các nhà xuất bản chịu trách nhiệm chính đối với mảng sách lý luận, chính trị còn hạn chế. Trụ sở làm việc của nhiều nhà xuất bản còn khá chật hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các ý tưởng trong đổi mới hoạt động của nhà xuất bản. Hệ thống máy móc, trang thiết bị còn lạc hậu; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế cả về hệ thống trang thiết bị phần cứng, phần mềm và trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Để giải quyết những khó khăn, hạn chế đó, cần có chỉ đạo của các cơ quan quản lý ở Trung ương và sự đồng lòng, nhất trí của các nhà xuất bản, cơ quan phát hành sách lý luận, chính trị.
Các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cần được phân chia đầu tư theo quy mô và mức độ ưu tiên, phù hợp với thời gian và điều kiện đáp ứng. Tăng cường triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị thống nhất trong cả nước; cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lý luận, chính trị trên internet. Các cơ quan quản lý, các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị cần chỉ đạo khai thác tối đa các nguồn lực hiện có, bên cạnh định hướng biện pháp có tầm nhìn dài hạn, cần tập trung giải quyết những vướng mắc trước mắt bằng các giải pháp tình thế, những dự án đầu tư vừa và nhỏ.
Có thể nói, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là một văn kiện quan trọng, việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị này có vai trò thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản, in và phát hành nói chung và công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nói riêng. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp căn bản, trọng tâm là tập trung nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đa dạng hóa loại hình xuất bản và phát hành, tăng tính hấp dẫn của sách lý luận, chính trị, từ đó góp phần quán triệt thực hiện yêu cầu phát huy nội lực, thúc đẩy tinh thần tự đổi mới của các nhà xuất bản và cơ quan phát hành sách lý luận, chính trị trong bối cảnh mới.
1. Dẫn theo Hoàng Vĩnh Bảo: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Sách lý luận, chính trị với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức, Hà Nội, 2020.
PGS, TS. LÊ THỊ THỤC
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật