“Lời Bác dạy thanh niên” - Cuốn sách định hướng và tiếp thêm động lực “rèn đức, luyện tài” cho thế hệ trẻ Việt Nam, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước, bởi theo Người, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Người yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước, bởi theo Người, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Người yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.

Cuốn sách Lời Bác dạy thanh niên do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên, góp phần giáo dục, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng “rèn đức, luyện tài, dẫn dắt tương lai” cho thế hệ trẻ Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lời Bác dạy thanh niên.

Nội dung cuốn sách gồm những bức thư, bài viết, bài nói, lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thanh niên Việt Nam nhằm khích lệ, động viên, phát huy sức mạnh to lớn của thế hệ trẻ vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc. Thông qua việc tuyển chọn giới thiệu 35 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên, nội dung cuốn sách đã truyền tải một cách đầy đủ và toàn diện nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên.

1. Phát biểu tại Đại hội đại biểu thanh niên Hà Nội, ngày 24/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ của thanh niên là: “Đi sâu vào quần chúng để san sẻ những thường thức về chính trị và quyền lợi công dân; ủng hộ Chính phủ không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám đốc, tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ; chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự luyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà”.

2. Trong Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ, ngày 30/10/1945, Người khen ngợi tinh thần quyết hy sinh vì độc lập, tự do của thanh niên Nam Bộ và khẳng định: “Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng dọi khắp nước. Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết”.

3. Trong Bài nói tại Đại hội Thanh niên cứu quốc toàn xứ, ngày 25/11/1945, Người căn dặn: “Thanh niên có hăng hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại”.

4. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 01/1946, Người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”.

5. Trong Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 17/8/1947, Người nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

6. Trong bài viết Thanh niên phải làm gì? in trên Báo Sự thật, số 89, ngày 10/2/1948, Bác căn dặn: “Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập. Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị. Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do. Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà”.

7. Trong Thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ, ngày 15/9/1948, Bác nhắn nhủ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ trong phong trào thi đua ái quốc: “Bác mong các cháu sẽ cùng với thanh niên và nhi đồng toàn quốc, hăng hái xung phong. Các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Vương, của Trần Quốc Toản. Cho xứng đáng là thanh niên và nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập”.

8. Về Khuyên thanh niên, trung tuần tháng 9/1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch, Người đã ân cần thăm hỏi, căn dặn các đội viên khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ:

“Không có việc gì khó,

    Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

   Quyết chí ắt làm nên”.

9. Trong Thư khen ngợi những thanh niên kiểu mẫu trong dịp Tết, ngày 21/02/1952, Bác đã căn dặn thanh niên: “Các cháu được khen tuyệt đối chớ kiêu ngạo tự mãn, mà cần phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi, để giữ mãi cái danh dự vẻ vang là thanh niên kiểu mẫu”.

10. Trong bài viết Đội thanh niên xung phong, đăng trên Báo Nhân Dân, số 147,  từ ngày 11 đến ngày 15/11/1953, Người nhận định: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ” và chỉ ra: “Nhiệm vụ của Đội Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó việc dễ, và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên ta”.

11. Trong Thư gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ vùng địch tạm chiếm, đăng trên Báo Nhân Dân, số 163, từ ngày 01 đến ngày 05/02/1954, Bác căn dặn: “Thanh niên sẵn có chí khí vững chắc và một tương lai vẻ vang. Vậy mọi người đều phải cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm. Mọi người phải thi đua trau dồi đạo đức cách mạng, học tập và công tác, để trở nên những cán bộ kiểu mẫu mai sau”.

12. Tại buổi nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các Trường Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), ngày 18/12/1954, Người ân cần căn dặn các em học sinh: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập” và mục đích của việc học là “Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”.

13. Trong bài viết Nhiệm vụ của thanh niên ta đăng trên Báo Nhân Dân, số 657,  ngày 20/12/1955, Người căn dặn thanh niên phải học tập mãi, tiến bộ mãi để xứng đáng là người chủ nước nhà: “Tính trung bình, thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân - tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng lớn thì phải có nhiệm vụ lớn. Cho nên trong mọi công việc khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam..., trên các mặt trận đấu tranh để thống nhất nước nhà, toàn thể thanh niên gái và trai phải cố gắng nhiều nữa, tiến bộ hơn nữa, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của thanh niên. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”.

14. Trong buổi nói chuyện tại Đại hội liên hoan thanh niên tích cực ngành đường sắt, ngày 25/7/1956, Bác đã ân cần thăm hỏi, động viên và căn dặn thanh niên ngành đường sắt nói riêng và thanh niên cả nước nói chung:  

- Phải đoàn kết.

- Phải cố gắng xung phong làm đầu tàu trong mọi việc.

- Phải cố gắng học tập kỹ thuật, văn hóa, chính trị.

15. Nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ngày 15/10/1956, Bác nói chuyện về những kinh nghiệm trong thời kỳ thanh niên của Bác và căn dặn đối với thế hệ trẻ: “Ngày nay, thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có Mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình... Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh - để mình làm chủ mai sau”.

16. Trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 02/11/1956, Người khẳng định: “Muốn Đoàn củng cố và phát triển, thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu:

- Phải giữ vững đạo đức cách mạng: Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi.

- Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng.

- Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt.

- Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”.  

17. Tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 19/01/1959, Người giao nhiệm vụ cho thanh niên: “Nam nữ thanh niên phải làm sao thực hiện được tốt khẩu hiệu:

Việc gì khó có thanh niên,

Ở đâu khó có thanh niên.

... Nói chung thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa; muốn thế Đoàn Thanh niên phải củng cố và phát triển hơn nữa.

... Trong mọi việc, thanh niên phải làm đầu tàu, xung phong gương mẫu. Thanh niên hăng hái là tốt nhưng chớ xa rời quần chúng, xa rời thì không làm được đầu tàu - đầu tàu rời toa là vô dụng. Xung phong gương mẫu là mình làm tốt và giúp đỡ cho người khác cũng làm tốt. Phải cố gắng làm gương mẫu, làm đầu tàu, không tách rời quần chúng”.

18. Nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/1960, Bác căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư, tự lợi, tự kiêu tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

19. Nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Bác giao nhiệm vụ cho thanh niên: “Ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; trước mắt là phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta”. Người căn dặn: “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng” và phải đặc biệt chú ý những điều sau đây:

- Thanh niên có nhiều sáng kiến hay, gây những phong trào có ích và lúc đầu rất sôi nổi. Như thế là tốt. Nhưng phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực. Không nên chỉ có hình thức, càng không nên “đầu voi đuôi chuột.

- Trong sản xuất, thanh niên đều hăng hái, nhưng chưa biết nắm chặt lấy chỉ tiêu kế hoạch mà phấn đấu để hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

- Một số khá đông thanh niên chưa hiểu thấu rằng tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang, vì vậy họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”. Nhiều thanh niên nông thôn chưa hiểu rằng nông nghiệp là cực kỳ quan trọng cho quốc kế dân sinh, vì vậy mà họ chưa thật thích thú với sản xuất nông nghiệp. Thanh niên ta cần phải hiểu rằng: Bất kỳ công việc gì, mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều là vẻ vang, đều là anh hùng.

20. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962, Bác khen ngợi những cố gắng và thành tích đạt được của thanh niên nhưng cũng chỉ ra rằng phong trào thanh niên còn nhiều thiếu sót cần khắc phục và yêu cầu: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt. Xưa kia, lớp thanh niên trước xung phong làm cách mạng, kháng chiến, trải qua rất nhiều gian nan, nguy hiểm, có khi bị tù đày, tra tấn, có khi bị thương tật, chết chóc để cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi.

... Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:

- Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

- Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.

- Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”.

21. Trong Thư gửi thanh niên, ngày 02/9/1965, Bác rất vui lòng khen ngợi thanh niên trong cả nước. Bác căn dặn thanh niên:

- Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo.

22. Nói chuyện tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 25/3/1966, Bác khẳng định: “Thanh niên ta có cố gắng, có tiến bộ và có nhiều thành tích. Nhưng chớ vì thế mà tự cao, tự đại; phải khiêm tốn, phải luôn luôn cố gắng hơn nữa, vượt mọi khó khăn, để giành lấy thành tích nhiều hơn và to lớn hơn”. Người căn dặn thanh niên: “Nâng cao chí khí anh hùng cách mạng; nắm vững khoa học, kỹ thuật; ra sức học tập và sáng tạo; thực hiện cần cù và tiết kiệm; đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ không ngừng. Cần phát triển Đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng. Nói tóm lại, luôn luôn làm đúng những lời dạy bảo của Đảng”.

23. Trong Thư khen thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, ngày 26/9/1966, Bác khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đã cố gắng vượt mọi khó khăn gian khổ, lập nhiều thành tích. Bác mong thanh niên đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng.

24. Nói chuyện tại Đại hội thi đua các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc, ngày 12/01/1967, Bác căn dặn thanh niên: “Nhờ đâu mà chúng ta trở thành anh hùng? Nhờ có Đảng giáo dục, có Đoàn giúp đỡ, có nhân dân bồi dưỡng cho nên chúng ta mới có anh hùng. Anh hùng ấy không phải là anh hùng của một cá nhân. Vì dân tộc ta anh hùng, nước ta anh hùng, nhân dân ta anh hùng, Đảng ta anh hùng, cho nên mới nảy sinh nhiều đơn vị và nhiều người anh hùng”.

25. Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””. Đồng thời, Người nhắc nhở: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Đã hơn một phần hai thế kỷ trôi qua kể từ khi Bác về cõi vĩnh hằng, song đọc những bài viết, bài nói của Người về thanh niên, chúng ta càng thấy rõ tình cảm yêu thương sâu sắc, sự trân quý, niềm tin yêu và hy vọng của Bác vào thế thế tương lai, chủ nhân của đất nước. Những lời căn dặn của Bác đối với đoàn viên, thanh niên đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị định hướng, dẫn dắt và tiếp thêm động lực “rèn đức, luyện tài” cho thế hệ trẻ Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng “Tổ quốc ta ngày càng hùng cường; Đất nước ta ngày càng giàu mạnh; Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Dân tộc ta ngày càng vẻ vang, ngẩng cao đầu sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Khắc ghi những lời Bác dạy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, mỗi cán bộ đoàn viên, thanh niên Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã đề ra:

Một là, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; sức khỏe; văn hóa; kiến thức khoa học, công nghệ; kỹ năng sống, nghề nghiệp; ý chí lập thân, lập nghiệp; năng động, sáng tạo.

Hai là, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan tâm, chăm lo các nhóm thanh thiếu nhi yếu thế về cơ hội phát triển.

Ba là, xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và hành động; nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

ThS. PHẠM TRƯỜNG MINH

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn,

 Bí thư Đoàn Thanh niên C10, Bộ Công an

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/loi-bac-day-thanh-nien-cuon-sach-dinh-huong-va-tiep-them-dong-luc-ren-duc-luyen-tai-cho-the-he-tre-viet-nam-quyet-tam-hien-thuc-hoa-khat-vong-xay-dung-dat-nuoc-ngay-cang-phon-vinh-hanh-phuc-a1901.html