CT&PT - Ngày nay, ngoại giao văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia. Là quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời, được coi là cái nôi của văn hóa châu Âu, Pháp đặc biệt chú trọng phát huy các lợi thế của văn hóa, ngoại giao văn hóa và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Trên cơ sở khái quát tiềm năng, lợi thế, những chính sách lớn, mục tiêu, chiến lược… của ngoại giao văn hóa Pháp, bài biết rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
1. Tiềm năng, lợi thế của ngoại giao văn hóa Pháp
Tiếng Pháp
Thông qua chính sách ngoại giao văn hóa của mình, Pháp đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ quốc tế, “Pháp luôn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Pháp, giữ gìn vị thế tiếng Pháp trong hệ thống ngôn ngữ thế giới”1. Nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ, 20/3/2019, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: “Tiếng Pháp đã tự giải phóng khỏi Pháp, nó đã trở thành một ngôn ngữ toàn cầu”.
Ngoại giao văn hóa Pháp đã đạt được nhiều thành tựu trên cả phương diện truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa Pháp và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trên thế giới. Theo Báo cáo về ngôn ngữ Pháp trên thế giới năm 2022, cộng đồng người nói tiếng Pháp trên thế giới đã tăng từ 210 triệu người (năm 2010) lên đến 321 triệu người (năm 2022) và là ngôn ngữ được giảng dạy nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau tiếng Anh2.
Văn học
Văn chương Pháp nổi tiếng với những tác phẩm đồ sộ, xuất sắc, để lại dấu ấn khó phai, với nhiều giải Nobel nhất trên thế giới.
Vào thế kỷ XIX và thế kỷ XX, nước Pháp đã xuất hiện nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới. Nửa đầu thế kỷ XX, những nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực đã giành giải Nobel như Romain Rolland, Anatole France, Andre Gide và Francois Mauriac… Nửa sau thế kỷ XX, những nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại: Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Samuel Beckett... cũng đã đạt được giải thưởng danh giá này.
Dù ở trường phái nào, văn chương Pháp cũng thấm đẫm tình yêu và sự khao khát tự do của con người lãng mạn. Sau thời kỳ cận đại, phương Đông rơi vào tình trạng trì trệ, lạc hậu, nước Mỹ chưa thành lập, chỉ có châu Âu phát triển nhất, trong đó mạnh nhất là Pháp, do đó, văn hóa Pháp cũng trở nên nổi bật nhất. Chủ nghĩa cổ điển Pháp đã thống trị châu Âu trong suốt hai thế kỷ, giới thượng lưu tại các nước khác khi đó đều xem việc nói được tiếng Pháp là một niềm tự hào.
Sự kiện Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai vào nửa đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng lớn đến trào lưu văn học Pháp. Những tác phẩm được chú ý trong thời kỳ này là những tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực, tập trung phản ánh hai cuộc đại chiến một cách chân thực. Đến nửa sau thế kỷ XX, văn học theo chủ nghĩa hiện đại dần chiếm ưu thế, những nhà văn di dân là những người đạt giải thưởng Nobel Văn học.
Kiến trúc
Văn hóa truyền thống Pháp được thể hiện rõ nét trên những công trình kiến trúc: bảo tàng, nhà hát, nhà thờ, tượng đài, bức phù điêu, vườn tượng, cầu, tòa tháp, những bức tường, vườn xây cổ xưa… Mỗi công trình đều có một nét đặc trưng riêng, song đều mang đậm tính văn hóa - lịch sử.
Hiện nay, Pháp có gần 40 công trình kiến trúc nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trong đó có Bảo tàng nổi Louvre - nơi trưng bày khoảng 35.000 hiện vật và nhiều tác phẩm nghệ thuật cho thấy lịch sử lâu dài của Pháp.
Lễ hội
Bên cạnh văn học, kiến trúc, Pháp cũng nổi tiếng với những buổi hòa nhạc, hoạt động văn hóa ngoài trời, đặc biệt là các lễ hội: Lễ hội Ánh sáng, Lễ hội nhiếp ảnh Rencontres d’Arles, Lễ hội khiêu vũ mùa hè, Lễ hội Nhạc rock Eurockéennes de Belfort, Lễ hội Avignon... Các lễ hội được tổ chức với nhiều loại hình nghệ thuật, phù hợp với sở thích của nhiều bộ phận dân chúng.
Trong đó, Lễ hội Ánh sáng là lễ hội truyền thống lớn nhất của Lyon và cũng là một trong những lễ hội lớn nhất nước Pháp, được tổ chức hằng năm với những tòa nhà lấp lánh ánh sáng, làm thành phố Lyon trở nên huy hoàng và lộng lẫy hơn.
Thời trang
Pháp được biết đến là một trong những cường quốc về thời trang, với Thủ đô Paris - “kinh đô thời trang” hàng đầu thế giới. Paris còn nổi tiếng là “kinh đô ánh sáng”, thành phố thanh lịch, tinh tế, đầy lãng mạn. Hằng năm, tại Tuần lễ thời trang Paris, các chương trình và sự kiện liên quan mang lại hơn 400 triệu Euro. Ngoài ra, các hội chợ liên quan đến Tuần lễ thời trang còn có sự tham gia của hàng chục nghìn chuyên gia trên khắp thế giới, với tổng chi phí hơn 1,2 tỷ Euro mỗi năm.
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp đóng góp chính vào GDP của Pháp. Theo nghiên cứu của Học viện Thời trang IFM Paris (Institut Français de la Mode và Quadrat Etudes), năm 2018, doanh thu trực tiếp của ngành thời trang là 154 tỷ Euro, chiếm 3,1% GDP của Pháp. Ngành công nghiệp thời trang còn tạo ra 1 triệu việc làm ở Pháp (trong đó có 616.000 việc làm trực tiếp và 384.000 việc làm gián tiếp)3.
Ẩm thực
Nhắc đến Pháp, không thể không kể đến bánh mì Baguette - một trong những biểu tượng ẩm thực của nước Pháp. Trong bữa sáng Pháp truyền thống của người Pháp, những miếng bánh mì được quét mứt và ngâm vào bát cà phê hay sôcôla nóng. Thông qua các bữa ăn trang trọng, lịch sự, ngon miệng, đầm ấm, các nhà ngoại giao Pháp và đồng nghiệp các nước có thể trò chuyện về nhiều chủ đề, nhất là văn hóa nghệ thuật, mở đường cho đối thoại, đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau trên bàn đàm phán sau này4.
Cựu Ngoại trưởng Pháp Charles Maurice de Talleyrand từng nói với vua Napoleon rằng: “Hãy cho tôi một đầu bếp giỏi và tôi sẽ đổi lại cho ngài một hiệp ước tốt”. Thế mạnh của ẩm thực Pháp càng được củng cố khi “bữa ăn kiểu Pháp” được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.
2. Chính sách của Pháp về văn hóa và ngoại giao văn hóa
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord dưới thời Napoléon từng nói với các đại sứ Pháp rằng: “Hãy làm cho họ yêu nước Pháp”. Nói một cách đơn giản, triển khai ý tưởng của Bộ trưởng Talleyrand cho các nhiệm vụ chính hiện tại của ngoại giao văn hóa Pháp là quảng bá sức hấp dẫn của đất nước, khuyến khích việc giảng dạy tiếng Pháp và truyền bá văn hóa Pháp ra nước ngoài để công chúng nước ngoài có ấn tượng, có thiện cảm, yêu quý đất nước, con người Pháp. Pháp rất chú trọng quan hệ hợp tác văn hóa với nước khác: “Pháp đã ký hiệp định văn hóa và kế hoạch giao lưu văn hóa với hơn 100 nước. Pháp không chỉ chiếm hàng đầu về số lần tổ chức triển lãm văn hóa ở nước ngoài mà còn có số giáo viên cung cấp cho nước ngoài, số trường học mở ở nước ngoài, số chuyên gia cung cấp cho UNESCO và cả ngân sách tài chính dùng cho văn hóa bình quân đầu người đứng ở top đầu thế giới”5.
Các mục tiêu chính và chiến lược ngoại giao văn hóa Pháp
Theo Dự luật của Bộ Văn hóa năm 2010, các chính sách văn hóa của Pháp được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cải tổ bộ máy điều hành ngoại giao văn hóa. Luật quy định việc thành lập ba tổ chức quan trọng trong việc điều hành các hoạt động ngoại giao văn hóa của Pháp là Trung tâm Văn hóa Pháp (Viện Pháp - IF), Trung tâm Du học Pháp và Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp. Về tổng quan, chính sách văn hóa tại Pháp được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm soát, quản lý như những chính sách công, dưới sự bảo hộ của các cơ quan hành chính công, nằm trong khuôn khổ Hiến pháp quốc gia Pháp, đồng thời cũng là đối tượng chính trong các hiệp ước và định hướng của Liên minh châu Âu.
Trên phạm vi toàn cầu, Pháp tích cực tham gia vào các hoạt động của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) có trụ sở tại Paris, dựa trên sự tác động đồng thời của các Tổ chức chuyên môn khác nhau: Phái đoàn thường trực của Cộng hòa Pháp tới UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Pháp và Thỏa thuận hợp tác Pháp - UNESCO.
Mục tiêu của ngoại giao văn hóa Pháp gồm:
Một là, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây cũng chính là tinh thần chung thúc đẩy Pháp đưa ra sáng kiến Liên minh quốc tế về bảo vệ di sản trong các khu vực xung đột, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại những khu vực xung đột, bị chiến tranh tàn phá.
Hai là, quảng bá và phát huy giá trị của các sản phẩm sáng tạo đương đại của Pháp ra toàn cầu. Quảng bá, tuyên truyền hình ảnh quốc gia, giá trị của các sản phẩm sáng tạo được Pháp xác định là một công cụ tạo sức mạnh mềm của đất nước, là “mũi nhọn” trong chiến lược xây dựng và thực thi chính sách đối ngoại của quốc gia này.
Ba là, thúc đẩy lợi ích kinh tế từ hoạt động văn hóa, ngoại giao văn hóa. Hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Pháp có doanh thu đạt hơn 90 tỷ Euro, chiếm 3% của cải quốc gia. Văn hóa tồn tại trong mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội… với vai trò khơi dậy động lực phát triển. Với tầm quan trọng của văn hóa và ngoại giao văn hóa, Bộ Văn hóa Pháp đã xây dựng một chương trình đặc biệt mang tên “châu Phi và Caribê”, nhằm hỗ trợ tiếp cận các thị trường mới cũng như văn hóa kinh tế phát triển nền công nghiệp Pháp.
Để thực hiện mục tiêu của ngoại giao văn hóa, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực ngoại giao văn hóa rất lớn. Năm 2016, Bộ Ngoại giao và Phát triển Quốc tế đã phân bổ 750 triệu Euro cho hợp tác văn hóa quốc tế và ngoại giao văn hóa (Dự Luật Tài chính 2016). Chiều hướng châu Âu và quốc tế ngày càng quan trọng đối với các chính sách văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngoại giao văn hóa đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Pháp: 2/3 ngân sách được Bộ Ngoại giao Pháp dành cho hỗ trợ văn hóa, giáo dục và phát triển, bao gồm quảng bá nghệ thuật và ngôn ngữ Pháp, đồng thời tạo điều kiện giao lưu trí tuệ với văn hóa nước ngoài.
Pháp xác định công cụ chính của ngoại giao văn hóa là các phương tiện nghe nhìn, do đó mức ngân sách phân bổ cho ngành này khá cao: 305 triệu Euro cho các kênh truyền hình TV5, RFI, CFI, France 24; 159 triệu Euro tài trợ các cơ quan, trung tâm dạy tiếng Pháp ở nước ngoài; 70,2 triệu Euro dành cho việc truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp, đặc biệt là thông qua mạng lưới liên minh, trung tâm văn hóa Pháp và các tổ chức chuyên ngành như TVFI, văn phòng xuất khẩu âm nhạc; 55,6 triệu Euro cho việc trao đổi khoa học, kỹ thuật và đại học.
Trong thời gian bùng nổ đại dịch Covid-19, ngân sách Pháp dành cho các lĩnh vực phục vụ văn hóa, ngoại giao văn hóa bị cắt giảm, đến năm 2022 lại được phục hồi ở mức xấp xỉ các con số trên. Tại một cuộc họp báo ở Paris vào ngày 26/9/2022, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rima Abdul Malak công bố: “Chính phủ Pháp sẽ phân bổ ngân sách kỷ lục 4,2 tỷ Euro cho các hoạt động văn hóa vào năm 2023, tăng 7% so với năm 2022”6. Pháp đã tài trợ nhiều chương trình giao lưu quốc tế, các Quỹ hợp tác quốc tế, hỗ trợ chương trình giảng dạy tiếng Pháp... Điều này cho thấy Pháp rất coi trọng ngoại giao văn hóa và dành nguồn tài chính để triển khai ngoại giao văn hóa.
Các trụ cột chính trong ngoại giao văn hóa Pháp
Chính sách hợp tác và thúc đẩy văn hóa của Bộ Ngoại giao Pháp dựa trên hai trụ cột chính, đó là: (1) Tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa và tri thức của Pháp. Nhờ việc phổ biến tác phẩm trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, sách, báo, thời trang, thiết kế, trò chơi điện tử, sáng tạo kỹ thuật số... mô hình văn hóa của Pháp đã vươn ra quốc tế. (2) Thúc đẩy và cơ cấu các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo (CCI). Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao Pháp. Bởi đây là một trong những ngành chính có tỷ lệ đóng góp doanh thu cao trong nền kinh tế Pháp với khả năng tạo ra việc làm và quảng bá hình ảnh của Pháp ra toàn thế giới.
Các tổ chức ngoại giao văn hóa Pháp
Cơ quan chính phụ trách việc thực hiện ngoại giao văn hóa là Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp (MEAE) cùng với mạng lưới các trung tâm phân bổ ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm :
Trung tâm Văn hóa Pháp (Viện Pháp - IF): trao đổi văn hóa và tiếp đón các đoàn văn hóa nước ngoài đến Pháp, góp phần thúc đẩy ngôn ngữ, tư tưởng và tri thức Pháp, đồng thời đào tạo nhân viên của mạng lưới văn hóa Pháp. Ở cấp độ địa phương, Trung tâm Văn hóa Pháp hoạt động dưới quyền của đại sứ ở nước sở tại.
Hiệp hội giáo dục Pháp ở nước ngoài: cung cấp giáo dục công cho trẻ em có quốc tịch Pháp sống ở nước ngoài và trẻ em các nước, củng cố mối quan hệ giữa Pháp và hệ thống giáo dục nước ngoài, góp phần mở rộng văn hóa và ngôn ngữ Pháp ra thế giới, cung cấp viện trợ cho giáo dục trẻ em Pháp.
Cơ quan quảng bá du học Pháp (Campus France: Là một tổ chức công được thành lập nhằm hỗ trợ thông tin cho sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu nước ngoài... muốn học tập, nghiên cứu tại Pháp, Campus France thực hiện các chương trình học bổng và trao đổi học sinh, đón tiếp sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài tại Pháp, tạo điều kiện di chuyển quốc tế cho sinh viên Pháp, quảng bá và nâng cao sức hấp dẫn của giáo dục Pháp…
Bên cạnh các tổ chức trên, Pháp còn có một số cơ quan quan trọng, hỗ trợ quảng bá các văn hóa phẩm của Pháp và bằng tiếng Pháp ra thế giới, có thể kể đến như: Hiệp hội phim Pháp (Unifrance), Trung tâm báo chí nước ngoài của Pháp (CAPE), TV France International (TVFI).
Ngoài ra, Pháp còn có ảnh hưởng vững chắc nhờ vào một trong những mạng lưới văn hóa lớn nhất thế giới của mình, bao gồm: Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hệ thống truyền thông đại chúng có định hướng quảng bá ra nước ngoài (France Médias Monde, TV5 Monde, Agence France Presse) và toàn bộ mạng lưới giáo dục ở nước ngoài.
3. Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đối với Việt Nam
Từ kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, có thể rút ra một số bài học thiết thực đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Việt Nam có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời nên cần tiếp tục tăng tiến quốc lực, biến văn hóa, ngoại giao văn hóa thành “sức mạnh mềm” quốc gia
Vấn đề là phải “gạn đục khơi trong”, duy trì, phát triển những lợi thế có tính nền tảng; xây dựng, nâng cao, phát triển những thành tố mới, tiến bộ, hợp thời đại để vừa củng cố cơ sở truyền thống vững chắc, vừa hòa với tính hiệu quả, nhân văn, phổ quát của thế giới. Những sự kiện quan trọng như: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa” (năm 2022), Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (năm 2022)… đã bước đầu tiếp cận đúng, toàn diện các khía cạnh, mở ra phương thức giải quyết vấn đề “khơi thông nguồn lực văn hóa”, tìm biện pháp “khắc phục các điểm nghẽn”, xem xét vị trí của văn hóa, bảo đảm phù hợp với giai đoạn mới. Từ đó, có những chính sách, chiến lược, sách lược bài bản, lâu dài để văn hóa phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng hơn nữa giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, tiếp thu có ưu tiên, chọn lọc từ tinh hoa văn hóa nhân loại
Ngoại giao văn hóa là hoạt động hai chiều, do đó, cần chú trọng khâu “đầu ra” nhưng phải có cơ chế chọn lọc chuẩn xác, dân chủ, khoa học, lựa chọn các tác phẩm, sản phẩm văn hóa nổi trội, thể hiện tính chân, thiện, mỹ, hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của dân tộc. Cùng với các hoạt động thúc đẩy quan hệ đa phương, đẩy mạnh giao lưu trên lĩnh vực văn hóa nhằm góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, cần phải có chính sách tiếp thu tinh hoa văn hóa, tri thức hay kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến của thế giới vào Việt Nam bằng các chính sách, biện pháp phù hợp và có tính chuyên nghiệp cao. Về nghiên cứu, trao đổi học thuật, các cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hóa của Việt Nam như Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Ngoại giao, các viện nghiên cứu văn hóa… cần chủ động hơn nữa trong việc trao đổi, hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chương trình giảng dạy, giáo trình… với các đối tác Pháp.
Thứ ba, về tài chính, cần có sự đầu tư nguồn ngân sách phù hợp để triển khai ngoại giao văn hóa và bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực con người làm ngoại giao văn hóa
Mặc dù xác định ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao, song nguồn tài chính để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa vẫn còn hạn chế và không ổn định. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế cấp nguồn ngân sách ổn định cho ngoại giao văn hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút các nguồn xã hội hóa; có cơ chế khuyến khích, động viên khu vực tư nhân tham gia, đồng hành với các hoạt động ngoại giao văn hóa. Ví dụ: trong công tác bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, cần có sự đầu tư thích đáng để bảo tồn và phát triển các khu di tích, âm nhạc, điệu múa truyền thống, sưu tầm trang phục cổ, từ đó hiện đại hóa để phù hợp với thời gian, thời đại.
Hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, vừa được đào tạo cơ bản về ngoại giao, vừa có kiến thức về văn hóa và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Do đó, trước hết, cần tập trung đào tạo cơ bản tại các trường đại học chính quy, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho cán bộ ngoại vụ địa phương. Về dài hạn, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và cử người Việt Nam tham gia làm việc tại các tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế liên quan đến văn hóa, ngoại giao văn hóa.
Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện tại nước ngoài, tranh thủ các diễn đàn đa phương để truyền thông điệp ra thế giới về hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn có tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ hòa bình. Pháp là tấm gương tăng cường sự hiện diện tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, cũng như nỗ lực dẫn dắt các chương trình hợp tác quốc tế thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại bảo tồn di sản văn hóa, chương trình giao lưu mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Điều đó cho thấy, Pháp là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Từ đó, Pháp có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề có liên quan đến Pháp, ủng hộ các ứng cử viên của Pháp trong các cuộc tranh cử vào vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế... Khi quốc lực Việt Nam tăng lên, chúng ta cũng có thể tham gia tích cực, chủ động hơn tại các diễn đàn quốc tế, vấn đề là phải sớm quan tâm đến vấn đề này, có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là về mặt nhân sự.
Thứ tư, trong khi việc sử dụng tiềm lực kinh tế của Việt Nam để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa còn hạn chế, cần phát huy vai trò của các cơ quan đại diện tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cũng như nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và các thành tựu khác của văn minh thế giới để đóng góp cho sự phát triển đất nước
Cơ quan đại diện (các đại sứ quán, tổ chức đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đại diện cơ quan truyền thông đại chúng…) cần kiện toàn cơ chế, lựa chọn cán bộ đủ tâm, đủ tài, đủ tầm, làm việc hiệu quả, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, khen thưởng, xử phạt phù hợp với giai đoạn mới. “Muốn chính sách đi vào thực tiễn, cần người thực hiện đủ năng lực, vì thế cần tăng cường việc chọn lựa nhân sự làm tham tán, tùy viên văn hóa tại các đại sứ quán nước ta ở nước ngoài. Cần cụ thể tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ các cán bộ chuyên môn này, cần đầu tư họ theo hướng: Vừa có phẩm chất tư tưởng, trình độ ngoại giao, ngoại ngữ, lại am hiểu nghiệp vụ văn hóa - truyền thông, thấu hiểu các đặc thù như: tính chất giao thoa văn hóa, văn hóa tinh hoa, văn hóa địa chúng, văn hóa vùng, khu vực… để vận dụng thuần thục, đáp ứng yêu cầu của ngành, của đất nước”7.
Xu thế toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa ngày càng trở thành dòng chủ lưu trong bối cảnh thế giới hiện nay. Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy chung đó. Để tăng cường và phát huy sức mạnh mềm trong ngoại giao văn hóa, Việt Nam cần chăm lo củng cố hoạt động hợp tác, giao lưu trao đổi văn hóa, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với từng giai đoạn, từng lĩnh vực đối với các đối tác cụ thể, tạo nền tảng cho sự tin cậy, mong muốn cùng kết nối, phát triển mối quan hệ hợp tác cùng chung sống dài lâu và bền vững giữa Việt Nam với các quốc gia trên toàn thế giới.
1, 5. Lê Thanh Bình: Truyền thông giao lưu văn hóa với vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2015, tr. 66, 67.
2. Gilles Adda: Report on the French Language, European Language Quality, 2022, tr. 5.
3. How Fashion Impacts France, Pascal Morand Explores fashion’s importance to French economy. Artsandculture.google.com.
4. Minh Khôi: Văn hóa bánh mì của Pháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Báo Tuổi trẻ online, ngày 30/11/2022, https://tuoitre.vn/van-hoa-banh-mi-cua-phap-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-20221130175255944.htm.
6. Rebecka Leffler: French culture minister pledges €4.2bn in cultural support for 2023, Screendaily.com.
7. Lê Thanh Bình (Chủ biên): Giao thoa văn hóa và chính sách văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 188.
PGS, TS. LÊ THANH BÌNH
NGUYỄN MAI TRANG
Học viện Ngoại giao
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/ngoai-giao-van-hoa-phap-va-bai-hoc-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam-a1898.html