Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên

Gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, trải qua hai cuộc trường chinh của dân tộc, với hai lần bị thực dân Pháp giam cầm ở Nhà tù Côn Ðảo, 30 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam gian khổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao khí phách anh hùng, bản lĩnh kiên cường của người cộng sản, một nhà lãnh đạo tài ba, có đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ðồng chí xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, trải qua hai cuộc trường chinh của dân tộc, với hai lần bị thực dân Pháp giam cầm ở Nhà tù Côn Ðảo, 30 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam gian khổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao khí phách anh hùng, bản lĩnh kiên cường của người cộng sản, một nhà lãnh đạo tài ba, có đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ðồng chí xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915-1998)
 

1. Người cộng sản anh dũng, kiên cường 
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915 trong một gia đình yêu nước tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên - một vùng quê văn hiến giàu truyền thống cách mạng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Nguyễn Văn Linh được bà nội đưa về Hải Phòng sống cùng với cậu là Nguyễn Đức Thụ. Sống cảnh lầm than của người dân mất nước, tận mắt chứng kiến tinh thần yêu nước và phong trào cách mạng sục sôi của công nhân, nông dân đất cảng chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, Nguyễn Văn Linh đã tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và dân tộc, sớm giác ngộ cách mạng và đi theo con đường của Đảng. Năm 1929, khi còn là học sinh tại trường Bonnal (Hải Phòng), Nguyễn Văn Linh đã tham gia phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo và trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng lớp đầu tiên của Đảng. Tháng 5/1930, trong một lần thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn chống đế quốc, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù chung thân, lưu đày ra Côn Đảo. 
Năm 1936, đồng chí được trả tự do và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1936 đến năm 1939, đồng chí tham gia phong trào công nhân, tích cực gây dựng các cơ sở của Đảng tại Hà Nội, Hải Phòng. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh và lưu đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Hai lần bị bắt và tra tấn dã man tại địa ngục trần gian Côn Đảo, song đồng chí không hề nao núng tinh thần, vẫn một lòng tin tưởng vào Đảng, anh dũng, kiên cường, cùng đồng đội biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về và được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1952, đồng chí được cử ra Việt Bắc học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau năm 1954, đồng chí trở lại cùng đồng bào chiến sĩ miền Nam gây dựng phong trào, tích cực đấu tranh tiến tới Đồng khởi. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong thời kỳ gay go nhất, khi kẻ thù tìm mọi cách nhấn chìm cách mạng miền Nam trong biển máu, hàng triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng, với trách nhiệm là Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã cùng tập thể các đồng chí Trung ương Cục kiên cường vượt qua sự khủng bố bạo tàn của kẻ thù, lãnh đạo cách mạng miền Nam vững vàng vượt qua thử thách, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6/1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư, được phân công là Thường trực Ban Bí thư. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí giữ trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới.
Có thể thấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương giao đảm đương nhiều cương vị khác nhau, kinh qua nhiều lĩnh vực tại nhiều địa bàn trọng yếu. Song, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn luôn nêu cao khí phách kiên cường của người cộng sản, gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, làm tròn trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó.
2. Nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và luôn đổi mới
Sau năm 1954, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm công khai xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ và tiến hành cuộc khủng bố đẫm máu cách mạng miền Nam. Với vai trò người đứng đầu Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày đêm bám trụ, lặn lội xuống cơ sở, tìm đường hướng đấu tranh cách mạng. Đồng chí đã đề nghị với Trung ương được sử dụng biện pháp đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát động phong trào Đồng Khởi, đưa cách mạng miền Nam sang thế chủ động tiến công. Sự ra đời của Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam (1959), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (1960) và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (1961) là sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, quân sự để Đảng ta chủ động tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam, phá tan âm mưu quốc tế hóa chiến tranh của Mỹ, tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhờ kinh nghiệm dày dạn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổng kết thực tiễn, đồng chí đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc xây dựng đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Năm 1980, khi là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã tiến hành thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây được coi là những bước đột phá đầu tiên, nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội "Đổi mới" của Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986, với chủ đề: "Hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để".


Đến Đại hội VI của Đảng - Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới của đất nước, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhận trọng trách trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự kiên định, vững vàng, sáng tạo trong khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Từ tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề ra khá toàn diện, có hệ thống quan điểm, nguyên tắc đổi mới. Đồng chí khẳng định, đổi mới toàn diện đất nước là tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam, là xu thế của thời đại; đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu mà phải giữ vững mục tiêu, nguyên tắc, định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật, và đề ra những việc cần làm ngay. Công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng tập thể lãnh đạo Đảng đề ra và kiên trì thực hiện đã thu được những thành tựu quan trọng. Nhờ thực hiện Nghị quyết 10 (Khoán 10) về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, vụ mùa năm 1988, nông nghiệp nước ta đạt được kết quả cao: từ một nước phải nhập khẩu lương thực và thiếu đói, chúng ta đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo/năm; lạm phát được ngăn chặn và đẩy lùi, sự bình ổn về kinh tế đã tạo bước ổn định về chính trị, xã hội. 
Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đặt nền móng cho Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta ghi nhận: “Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”1.
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi thành trì của các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, nước ta rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Trước thực trạng đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ động, sáng tạo đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững ổn định chính trị và thu được những thành tựu rất quan trọng.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú trọng tới công tác xây dựng Đảng. Đồng chí là người khởi xướng phong trào “Những việc cần làm ngay” thông qua chuyên mục cùng tên đăng trên báo Nhân dân những năm đầu đổi mới. Dưới bút danh N.V.L (sau này, đồng chí giải thích nghĩa là: Nói và Làm), đồng chí đã mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực, hạn chế, bất cập còn tồn tại trong Đảng, trong xã hội. “Những việc cần làm ngay” do đồng chí Nguyễn Văn Linh khởi xướng đã tạo ra luồng sinh khí mới trong toàn Đảng, toàn xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng và Nhà nước thời kỳ đó.
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII. Trên cương vị là Cố vấn, mặc dù tuổi cao sức yếu, đồng chí vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát từng diễn biến của đất nước, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đảng, Nhà nước.
3. Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tuy không được thường xuyên làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Từ khi bắt đầu có những hoạt động yêu nước đầu tiên đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí luôn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, đồng thời, là một nhà lãnh đạo quyết liệt và sáng tạo.
Cuối năm 1953, trong lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh bày tỏ ấn tượng và tình cảm đặc biệt: “Bác rất mạnh, rất vui, rất giản dị, rất linh hoạt. Mỗi lời nói của Bác đi sâu vào trong lòng người. Mỗi cử chỉ của Bác là một bài học thấm thía”2.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh thể hiện rõ phong cách làm việc mẫu mực, tầm nhìn hệ thống, toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đại đoàn kết toàn dân tộc. Gần dân, tin dân, vì dân đã trở thành phương châm, nguyên tắc, phong cách lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đồng chí đã dành nhiều thời gian đi xuống các địa phương, cơ sở, đến thăm công nhân hầm lò, công - nông trường, quân khu, đơn vị bộ đội, gia đình cách mạng, thương binh, liệt sĩ, tù chính trị Côn Đảo và nhiều địa phương trong cả nước. Sau này, trên cương vị là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng đồng chí vẫn thực hiện nhiều chuyến đi thực tế. Từ những chuyến đi khảo sát thực tiễn này, những ý tưởng mới, giải pháp mới sát với thực tiễn đã được đồng chí đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm ổn định nhanh chóng tình hình kinh tế - xã hội và phát triển đất nước.
Nhận thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng loạt các bài báo “Những việc cần làm ngay” của đồng chí đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của Nhân dân.
Trong cuộc sống thường ngày, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh sống giản dị, chân thành, nghĩa tình, gần gũi với đồng chí, đồng bào. Ở đồng chí thể hiện rõ những phẩm chất, cốt cách của người chiến sĩ cộng sản, không ham danh lợi, không màng địa vị cá nhân. Kết thúc Đại hội VI, dù vẫn còn minh mẫn và được nhiều đoàn đại biểu tín nhiệm đề cử, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xin rút, không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới với lời hứa “tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng”3.
Trong lời điếu đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hy sinh cao cả vì lý tưởng cao đẹp của Đảng. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sống trung thực thẳng thắn, chan hòa, gần gũi với mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức… luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cam với đồng bào, chiến sĩ”4.
4. Người con ưu tú của quê hương Hưng Yên
Hoạt động cách mạng từ khi còn niên thiếu, nhiều năm bôn ba khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, đảm đương những vị trí và công việc hệ trọng của đất nước nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn luôn quan tâm, hướng về quê hương Hưng Yên bằng tình cảm và sự tri ân sâu sắc. Trong những năm tháng xa quê, đồng chí đã có sáu lần về thăm và làm việc, ba lần viết thư, gửi điện thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân quê nhà. Đồng chí luôn căn dặn, động viên và mong muốn Đảng bộ và nhân dân quê nhà phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là chăm lo các đối tượng chính sách. 
Cuối năm 1967, trong lần ra Bắc báo cáo với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam, đồng chí đã tranh thủ về thăm quê hương và gặp gỡ họ hàng sau nhiều năm xa cách. Năm 1977, đồng chí về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên (hợp nhất bởi hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ). Ngày 27/01/1987, đồng chí về thăm xã Giai Phạm, gặp gỡ, trò chuyện, động viên, gợi mở hướng phát triển cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Năm 1993, đồng chí cùng phu nhân về thăm thị xã Hưng Yên. Năm 1994, sau khi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Hưng (hợp nhất bởi hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương), thăm huyện Mỹ Văn (hợp nhất bởi ba huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm), đồng chí đã về thăm xã Giai Phạm và dự Lễ khởi công xây dựng trường Tiểu học của xã. Năm 1995, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Giai Phạm lần thứ XVIII, nhiệm kỳ (1995-2000) diễn ra, do bận công việc, đồng chí không về dự được, đã gửi thư động viên, căn dặn Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 1996, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí cùng gia đình về thăm xã Giai Phạm, thăm họ hàng và làng xóm; đây là lần cuối cùng đồng chí về thăm quê. Ngày 14/3/1997, đồng chí gửi thư cho xã Giai Phạm, động viên Đảng bộ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời khen ngợi thầy và trò trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở mang tên Nguyễn Văn Linh đã giữ vững danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Tháng 11/1997, dù không thể về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV nhưng đồng chí vẫn gửi điện chúc mừng, gửi gắm những tình cảm chân thành: “Vì lý do sức khỏe, đáng tiếc, tôi không thể về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh ủy sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam”... Nội dung bức điện vừa thể hiện lòng mong muốn, vừa là lời căn dặn quý báu của đồng chí với quê hương, thôi thúc Đảng bộ, nhân dân Hưng Yên không ngừng phấn đấu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hưng Yên ngày càng giàu đẹp.
Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhiều công trình quan trọng gắn với tên của đồng chí như: Trường chính trị Nguyễn Văn Linh; Quảng trường Nguyễn Văn Linh... Đặc biệt, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay trên khu đất xưa của gia đình tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đây là công trình có tầm vóc và ý nghĩa lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên. Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được khánh thành ngày 17/9/2004 trong niềm phấn khởi và tự hào của đông đảo nhân dân Hưng Yên nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung. Khu lưu niệm trưng bày hơn 100 tài liệu, hiện vật giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go, thử thách của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Nhắc tới đồng chí Nguyễn Văn Linh là nhắc tới một nhân cách lớn, một tấm gương sáng suốt đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, trong bất cứ hoàn cảnh nào đồng chí cũng đem hết sức lực và trí tuệ của mình để cống hiến cho cách mạng và Nhân dân. Đồng chí là người con yêu quý, niềm tự hào của quê hương Hưng Yên và là người con ưu tú, người cộng sản mẫu mực của đất nước. 
1. Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Khả Phiêu đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29/4/1998.
2. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Nguyễn Văn Linh - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 339.
3. Báo Nhân dân, ngày 30/4/1998. 
4. Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 15.

ThS. Đỗ Thị Thu Hà 

Học viện Chính trị khu vực I

ThS. Trần Thị Thanh Giang

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/dong-chi-nguyen-van-linh-nguoi-hoc-tro-xuat-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-hung-yen-a187.html