Tác động của hội nhập quốc tế đến tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa

CT&PT - Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam chính thức được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khóa VII) vào năm 1994. Kể từ khi chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền được đặt ra đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực hiện thực hóa các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền  vào Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời, hoàn thiện hơn nữa lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

CT&PT - Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam chính thức được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khóa VII) vào năm 1994. Kể từ khi chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền được đặt ra đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực hiện thực hóa các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền  vào Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời, hoàn thiện hơn nữa lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

1. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương thức quan trọng để củng cố và phát huy nội lực trong bối cảnh hội nhập tế

Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam, “Hội nhập quốc tế phải nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”1. Những lợi ích đó chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng khi đất nước có nội lực vững mạnh với những chính sách, thể chế bổ trợ và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phương thức quan trọng để củng cố và phát huy nội lực khi gia nhập sân chơi chung quốc tế. Bởi vì, khi chúng ta có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khả năng thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật hiệu lực, hiệu quả nghĩa là chúng ta đã có môi trường pháp lý ổn định và văn minh làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội tồn tại và phát triển.

Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước pháp quyền đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, đảm bảo để các cơ chế, chính sách đều phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng của toàn xã hội, của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục đích “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là yếu tố cần thiết, là giải pháp để phát huy tối đa nội lực, để đảm bảo uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn kết chặt chẽ với quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hành chính nhà nước, tăng cường năng lực tài phán chính là biện pháp nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo tôn trọng các quyền sở hữu hợp pháp của công dân, tổ chức; bảo đảm quyền bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường; bảo đảm quyền cạnh tranh theo đúng các quy định của pháp luật; bảo đảm vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước không can thiệp hành chính vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp... Tất cả các hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng giữa công dân với nhà nước, quyền của công dân là nghĩa vụ của nhà nước và ngược lại, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế... là những điều kiện cần trong một nền kinh tế thị trường hiện đại theo các tiêu chuẩn văn minh, có như thế chúng ta mới có thể đủ điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, tạo cơ sở để củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để hội nhập quốc tế, việc nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là cực kỳ quan trọng. Ở nhà nước pháp quyền luôn tôn trọng pháp luật và đảm bảo thực hiện các quy định pháp luật, nhà nước pháp quyền là nhà nước có trách nhiệm cao với những cam kết của mình dù là cam kết trong nước hay là quốc tế. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế, cùng với đó là chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế vừa là để củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, vừa là góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

2. Hội nhập quốc tế đã có nhiều tác động và cũng đặt ra các yêu cầu khách quan đối với xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Những yêu cầu đặt ra cho các quốc gia khi hội nhập quốc tế đó là phải xây dựng thể chế dân chủ, tôn trọng và thực thi pháp luật, xử lý được vấn nạn tham nhũng, nâng cao tính minh bạch và chịu trách nhiệm trong công việc của nhà nước để tạo lập vững chắc cơ sở xã hội dựa trên sự đoàn kết, hợp tác và đồng thuận của dân tộc và toàn xã hội. Chỉ có như vậy mới có khả năng ổn định, tăng trưởng và phát triển ở trong nước, đồng thời tham gia có hiệu quả vào hội nhập quốc tế, giải quyết hợp lý, hài hòa lợi ích dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, thế giới. Khi hội nhập quốc tế, mỗi nhà nước luôn chịu sự tác động và chi phối từ bên ngoài, của tình hình quốc tế khu vực và toàn thế giới, nhất là tác động của các nước lớn, các nền kinh tế mạnh, khung pháp luật quốc tế trở thành hệ quy chiếu đối với cải cách luật pháp, cải cách hành chính quốc gia và ngay cả cải cách tư pháp mà mỗi nhà nước phải đáp ứng.

Do đó, Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi phải đẩy mạnh đổi mới chính trị, cải cách nền hành chính quốc gia, sửa đổi pháp luật hiện hành và xây dựng một số đạo luật mới phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của luật pháp quốc tế.

Việt Nam đã xác định nhiệm vụ của mình trong việc đáp ứng các cam kết quốc tế, từ đó có những định hướng và bước đi phù hợp để tiến hành tự do hoá thương mại, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, tự do hóa giá cả và thương mại hoá nền kinh tế. Những động thái về cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đều là các bước để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể: Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng quyền con người, đảm bảo dân chủ và bảo đảm cho các thiết chế thị trường hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, không hành chính hóa các quan hệ kinh doanh và dân sự, do đó số lượng văn bản pháp luật được ban hành trong các nhiệm kỳ của QH đã tăng lên rất nhanh và gấp nhiều lần làm cho khung pháp lý ngày càng hoàn chỉnh; cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính đã trở thành chương trình hoạt động lớn và thường xuyên được quan tâm của Nhà nước ta, từ đó đã đạt được những kết quả khả quan, nền hành chính nhà nước đang phát triển theo hướng hiện đại, hiệu lực và hiệu quả và dân chủ; cải cách tư pháp toàn diện đã làm cho thực thi pháp luật được nghiêm minh, chế độ trách nhiệm được củng cố, việc áp dụng các biện pháp chế tài hợp lý, đảm bảo tính răn đe của pháp luật; bệnh quan liêu, nạn hội họp, giấy tờ, bệnh hình thức, phô trương, nói nhiều làm ít được hạn chế, đội ngũ công chức dần bước tới chuyên nghiệp, có trình độ và được đào tạo kỹ năng cơ bản; công tác quản lý nhà nước được đổi mới, nhà nước chú trọng công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và có biện pháp đảm bảo việc thực hiện theo kế hoạch đặt ra phù hợp với tình hình đất nước, phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo quản lý nhà nước trên cơ sở pháp luật, đảm bảo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những yêu cầu khách quan đặt ra nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế thành công:

Hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi nhà nước phải có đủ năng lực để xây dựng được hệ thống pháp luật đáp ứng các yêu cầu của sân chơi chung quốc tế, cụ thể hiện nay là đáp ứng các yêu cầu của WTO và những sân chơi song phương, đa phương khác mà Việt Nam là thành viên; đòi hỏi bộ máy nhà nước phải có năng lực tổ chức thực thi luật pháp vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân hài hòa với lợi ích của các đối tác trên trường quốc tế tuân thủ theo những chuẩn mực chung là cạnh tranh, công bằng và minh bạch; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng cần xây dựng được hệ thống tài phán hành chính làm việc có hiệu quả nhằm bảo vệ pháp luật và công chức chịu trách nhiệm trước người dân trong những hoạt động công vụ của mình. Đây là những chuẩn mực chung mà các nhà nước pháp quyền phát triển trên thế giới đều phải hướng tới.

Như vậy, để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế, “công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp”2.

Trong lĩnh vực lập pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật với một chất lượng mới, hiệu quả mới, thật sự tạo dựng được một môi trường pháp lý vừa ổn định, vừa thông thoáng và minh bạch cho sự vận hành của các quan hệ kinh tế - xã hội, đảm bảo sự quản lý xã hội thật sự theo luật pháp, bằng pháp luật đúng với tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật đó phải có sự tương thích với luật chơi chung quốc tế, phải phù hợp với những cam kết quốc tế mà Nhà nước đã thiết lập. Vì thế cần cơ cấu lại thẩm quyền và trách nhiệm xây dựng luật giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữa các bộ phận chức năng của cơ quan lập pháp.

Trong lĩnh vực hành pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các phương diện từ cải cách thể chế hành chính (mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công đến xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp. Mục tiêu của cải cách này đều phải hướng tới nền hành chính dân chủ, hiệu quả, năng động và minh bạch và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có chế độ tài phán dân chủ, khách quan và có hiệu lực trong việc bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, có khả năng xử lý đúng đắn các xung đột, tranh chấp trong nước và cả những xung đột có yếu tố quốc tế theo đúng quy định pháp luật quốc gia và quốc tế.

Quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài tạo cơ hội hợp tác, trao đổi giữa các nước về kinh nghiệm xây dựng BMNN, cơ chế vận hành của các thiết chế thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và đòi hỏi có sự tương thích về pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia. Hệ thống pháp luật của các nước dần mang tính quốc tế, lấy tiêu chí tiến bộ làm chuẩn mực. Việt Nam cũng không nằm ngoài quá trình đó. Trong hội nhập và toàn cầu hóa, khoảng cách giữa các hệ thống pháp luật và tư pháp cần xích lại gần nhau hơn, đảm bảo cho các quốc gia tương trợ nhau trong lĩnh vực tư pháp, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu, như môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố và các vấn đề khác về tư pháp.

 Quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện mở rộng quan hệ song phương, đa phương và cơ hội tiếp cận vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Quá trình này đặt ra yêu cầu khắt khe đối với các cơ quan nhà nước trong xu thế hợp tác và cạnh tranh. Nếu không có hệ thống pháp luật minh bạch, đầy đủ và hệ thống tư pháp mạnh, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả, công lý không được bảo đảm thì việc kêu gọi đầu tư vào Việt Nam sẽ rất khó khăn, Việt Nam sẽ mất cơ hội để phát triển nhanh.

Đảm bảo các quyền con người, cần nhận thức và thực hiện tốt Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết 48 đã đặt ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có nhiệm vụ củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi pháp luật, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội mà Việt Nam là thành viên; hoàn thiện chế độ bảo hộ của nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chế độ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là tòa án trong việc bảo vệ các quyền đó. Việc làm hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế nói chung và với các yêu cầu của các điều ước quốc tế về quyền con người nói riêng là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện đầy đủ hơn các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, mà còn là đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Kết quả là các cơ quan có trách nhiệm đã đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hơn một trăm luật, pháp lệnh, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội..., góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch. Đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân... Ðồng thời, phát triển hệ thống thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật3.

Hội nhập quốc tế là yếu tố thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nhà nước hợp hiến, hợp pháp, được xây dựng, tổ chức và hoạt động trên cơ sở những quy định của Hiến pháp, pháp luật và vận hành trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.


1. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 10/4/2013 về Hội nhập quốc tế.

2. Nguyễn Thị Báo, Tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạp chí Dân chủ và pháp luật online, Nguồn: http://moj.gov.vn/tcdcpl/tintuc/Lists/NghienCuuTraDoi/View_detail.aspx?ItemID=506.

3. Thông tin tại Hội thảo “Sơ kết việc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.

TS. Quách Thị Minh Phượng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tac-dong-cua-hoi-nhap-quoc-te-den-tien-trinh-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-viet-nam-xa-hoi-chu-nghia-a1829.html