CT&PT - Nguyễn Bỉnh Khiêm là sinh ra trong thời kỳ cực thịnh của triều Hậu Lê nhưng lại trưởng thành ở thời kỳ rối ren nhất của lịch sử nước nhà. Ông sống gần trọn thế kỷ XVI cho nên ông có đủ thời gian để chứng kiến buổi đầu suy vi và cát cứ của chế độ phong kiến, có điều kiện để hiểu sâu sắc về xã hội mà ông từng có lúc ra làm quan. Với kiến thức uyên bác vào bậc nhất đương thời, có quan hệ gắn bó với vận mệnh nhân dân, cho nên Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều trăn trở. Ông đã đề đạt những kiến nghị của mình về đường lối trị nước, về đạo làm người. Bằng việc sáng tác hàng nghìn bài thơ, trong đó đại đa số là thơ triết lý, thơ đạo lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ được cái chí, quan niệm nhân sinh và đặc biệt là tư tưởng của mình về chính trị - xã hội.
1. Quan niệm “trung” của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Quan niệm về “trung” xuất phát từ thời Xuân Thu. Dân trung với vua, vua nghĩ cách làm lợi cho dân cũng là trung. Điều đó cho thấy, không chỉ bề tôi phải có trách nhiệm với vua, mà vua cũng phải có trách nhiệm của mình. Để làm được điều đó, ông vua phải có đủ tư cách đạo đức. “Trung” có nghĩa là tận tâm, thành thật giúp người chứ không phải nhất định chết theo vua mới là “trung”. Tuy nhiên, đến đời Tần Hán, quan niệm về “trung” đã thay đổi. “Trung” được hiểu là trách nhiệm tuyệt đối của bề dưới đối với bề trên, của bề tôi đối với vua. Về sau, quan niệm về “trung” lại có sự thay đổi, nhưng quan niệm thời Tần Hán vẫn mang dấn ấn đậm nét của các nhà Nho.
Như vậy, việc Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan là xuất phát từ một quan niệm “quân thần không câu nệ và cũng không khác mấy so với Nho giáo truyền thống. Vả lại, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan là thời mà “người đi đường và người buôn bán đều đi tay không, ban đêm không có cướp…Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, trong cõi tạm yên”. Đó là điều mà bất cứ nhà Nho chân chính nào cũng mong muốn mang sự học của mình ra để giúp ích cho đời, để thực hiện lý tưởng đưa đất nước tới thời Nghiêu Thuấn, đem công trạng xuống dưới nhân dân, khiến cho “nông thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán hờn”. Đó không phải là một hành động xu thời. Cho nên, sau tám năm làm quan, nhận thấy vua tôi nhà Mạc đã đi theo vết xe đổ của lịch sử, không lo chính sự, quyền thần tham nhũng; càng ngày ông càng thấy ông vua trong hiện thực không phải là những “thánh quân”, những “hiền giả”, bề tôi trong hiện thực không phải là những người giữ nghĩa quân thần, chuộng đạo đức, mà chỉ là những người ham danh chuộng lợi, thấy lợi danh thì đua nhau bâu vào như con ruồi con kiến bâu vào mặt mỡ: “Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến. Ang không mặt mỡ, kiến bò chi”. Trước thực cảnh đó, ông hết sức can ngăn vua nhưng không được, ông về quê ở ẩn.
Như trên đã nói, một ông vua phải có đủ tư cách đạo đức mới có thể lãnh đạo được đất nước. Vậy khi ông vua đó mất tư cách đạo đức thì sẽ xử trí như thế nào? Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Quân nào thần ấy đã bấy, trên đầu bất chính dưới nay dấy loàn”. Đây là một tư tưởng cách mạng hơn Nho giáo rất nhiều. Bởi vì Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo cùng sống trong một xã hội đại loạn nhưng trong học thuyết của mình ông lại phản đối đấu tranh dưới bất kỳ hình thức nào dù là của quần chúng nghèo khổ vùng lên hay giữa giai cấp thống trị với nhau. Còn Mạnh Tử lại cho rằng: “Vua và chư hầu làm hại cho xã tắc thì thay đổi ông vua ấy mà đặt ông vua khác”. Theo ông, chỉ có hạng người “thiên lại” (người được trời sai khiến) mới làm được cách mạng. Như vậy, tư tưởng trên của Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt qua tư tưởng của Khổng Tử rất nhiều và tiến bộ hơn cả tư tưởng của Mạnh Tử. Ông cho rằng không chỉ có hạng người “thiên lại” mới có quyền làm cách mạng, mà bất kỳ tầng lớp nhân dân nào cũng có quyền làm như vậy. Do đó, ở ông có sự nhất quán chứ không rơi vào mâu thuẫn như Mạnh Tử khi cho rằng “dân là người chở thuyền mà người lật thuyền cũng là dân” nhưng lại không cho dân cái quyền làm cách mạng – chủ trương tiến bộ nhưng phương thức thì bảo thủ.
Quan niệm “trung” của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ bó hẹp trong quan hệ vua - tôi mà còn gắn liền với các mối quan hệ khác. Nói cách khác, “trung” vừa là kết quả, vừa là điểm xuất phát của các khái niệm “hiếu”. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, trên một phương diện nào đó, hiếu là một cơ sở, một tiền đề của trung. Người không có hiếu, ắt không thể “trung” với đúng nghĩa của nó. Với ông, khái niệm “trung” đã được mở rộng ra rất nhiều so với khái niệm “trung” của Nho giáo truyền thống Trung Quốc. Trong Bi ký quán Trung Tân có đoạn ghi: “Có người hỏi ta rằng “Quán ấy đặt tên là Trung Tân có nghĩa là gì?” Ta trả lời rằng: “Trung nghĩa là đứng giữa không chênh lệch, giữ vẹn được điều thiện thời không đâu không phải là điều trung vậy; Tân có nghĩa là cái bến, biết chỗ đáng đậu là bến chính, không biết chỗ đáng đậu là bến mê vậy. Đó, cái quán ta đặt tên Trung Tân chính là nghĩa ấy. Như trung với vua, hiếu với cha mẹ, thuận giữa anh em, hòa giữa vợ chồng, tín giữa bạn bè thì là trung vậy”. Ở đây, chữ “trung” rõ ràng là khác với Nho gia từ Mạnh Tử trở đi. Song điều này hoàn toàn dễ hiểu. Người Trung Quốc đã phải nói về ông: “An Nam lý học hữu Trình tuyền” (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi danh trong làng lý học Việt Nam).
Ông suốt đời đam mê Kinh Dịch, và quan niệm “trung” của ông cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của bộ kỳ thư này. Ở đây, “trung” là một đạo lý phổ quát trong vũ trụ - cả tự nhiên lẫn nhân sinh. “Trung” là không thiên lệch, không thái quá và cũng không bất cập. Trong tự nhiên, “trung” là quân bình âm dương, nóng lạnh, điều hòa giữa bốn mùa. Trong xã hội, “trung” là chuẩn mực điều hòa cho mọi mối quan hệ xã hội, tránh sự “cùng cực”, như ông đã nói:
“Đạo ở mình ta lấy đạo trung.
Chờ cho đục, chờ cho trong”.
(Thơ Nôm, bài 104)
Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, “trung” không chỉ gắn với quan niệm “hiếu”, “tín” mà còn gần với việc giải quyết tư lợi: “Thấy của phi nghĩa đừng có lòng tham, vui làm điều thiện, lại có độ lượng bao dung người khác, suy lòng chí thành để đối đãi với mọi người, đó cũng là trung vậy”. Bên cạnh đó, “trung” còn gắn chặt với chữ “thiện”. Nếu như Nho giáo hậu kỳ tuyệt đối đề cao khái niệm “trung” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại đề cao khái niệm “thiện” :
“Chi thiện tư vi cực.”
(Chi thiện ấy là chỗ cùng tốt).
(Thơ Ngụ hưng ở Trung Tân)
Như vậy, “trung” trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ bó hẹp trong quan niệm Nho giáo truyền thống mà còn được mở rộng, đào sâu bởi các chuẩn mực giá trị đạo đức như hiếu, tín, lợi, thiện.
2. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nhân nghĩa là truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc ta, được hun đúc qua các thế hệ từ ngàn xưa cho đến nay và ngày càng được duy trì và phát triển. Ngay từ khi mới khai thiên lập địa, các cư dân của dân tộc Việt đã luôn phải đương đầu với nhưng hiểm họa thiên nhiên, khắc phục những trở ngại của thiên nhiên (mưa nguồn, nước lũ, phong ba, hạn hán…) đòi hỏi những thành viên của cộng đồng phải liên kết với nhau để tiến hành các công trình thủy lợi tưới tiêu, đảm bảo cho sự phát triển của một nền kinh tế mà nông nghiệp lúa nước là chủ đạo. Chính do nhu cầu của việc trị thủy, làm thủy lợi và đoàn kết chống quân xâm lược mà người Việt Nam sớm đã có tinh thần cố kết cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Sống trong một xã hội loạn lạc, luôn gần gũi với nhân dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy nỗi đau khổ của dân cũng là nỗi đau khổ của mình. Suốt đời ông ôm ấp một một nguyện vọng là trên đất nước thân yêu của mình xuất hiện một xã hội thái bình, thịnh trị.
Nhân nghĩa theo quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm khác xa với nhân nghĩa của các nhà nho cũ ràng buộc con người. Mục đích của nó là thông qua giáo huấn củng cố và tăng cường địa vị thống trị của một ông vua, một dòng họ. Con đường nhân nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm là đường lối của một nhà nho gắn bó với dân. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng truyền thống cơ bản của dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo. Hai yếu tố đó luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Thương nước tức là thương dân, thương dân tức là thương người, mà theo quan niệm của Nho giáo, đó chính là nhân nghĩa. Chứng tỏ rằng quan niệm về nhân nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự kết tinh những yếu tố tích cực của tư tưởng nhân nghĩa truyền thống đã có từ lâu đời ở Việt Nam.
3. Tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Hoàn cảnh xuất thân và nội dung giáo dục khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm là một con người của giai cấp phong kiến và bảo vệ lợi ích của giai cấp này. Nhưng do sống gần nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như sức mạnh của nhân dân; đồng thời do kế thừa tư tưởng tốt đẹp của Nguyễn Trãi, và cũng do biết đúc kết kinh nghiệm của lịch sử, nên ông đã xây dựng đường lối chính trị nhân nghĩa, trong đó quyền lợi của vua phải gắn bó với quyền lợi của nhân dân và phải lấy việc bảo đảm đời sống của nhân dân làm cơ sở. Ông thấy được vai trò to lớn của nhân dân trong sự yên nguy của xã tắc, bởi vậy, một tư tưởng thân dân sâu sắc đã được hình thành trong ông. Ông mong muốn nhân dân được ấm no, hạnh phúc và quan niệm người làm vua phải biết được sự ảnh hưởng to lớn của dân đến vận mệnh đất nước, phải gần dân, sống giữa lòng dân, thấu hiểu dân và làm được việc tốt cho dân.
Có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ đầu tiên đề xuất việc phải có chính sách đối với người tàn tật. Trong tờ sớ dâng lên vua Mạc lúc sắp mất và khi còn tại triều, ông khuyên nhà vua “phải hết lòng tu thân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng…”. Còn “người tàn tật mù lòa thì phải dạy cho họ nghề hát, nghề bói để tự nuôi sống mình”. Đó là một lời khuyên vừa thể hiện quan điểm nhân ái, vừa văn minh cũng rất thiết thực.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của triều đình đối với việc đem lại đời sống yên vui cho dân. Có lẽ phần đóng góp riêng của ông trong tư tưởng trị nước chính là ở chỗ ông đã nhận thức rõ, rất rõ mối quan hệ biện chứng giữa hai thế lực đối trọng vua – dân với thế nước. Dân được thái bình thì vua cũng được thái bình, vua anh minh như Nghiêu Thuấn thì dân cũng thuần thành như thời Nghiêu Thuấn.
Trong tư tưởng cơ bản của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi “nước lấy dân làm gốc”, “bền nước yên dân là việc đầu mối”. Theo ông, vấn đề trị nước phải lấy dân làm sức mạnh. Tư tưởng này xuất phát từ một nguyện vọng là xây dựng xã hội vua hiền tôi trung. Ông thiết tha gìn giữ một kỷ cương, thật tâm mong mỏi thiên hạ được bình yên. Khát vọng này tuy chỉ là một mơ ước, nhưng nó lại đáp ứng với mơ ước của cả triệu người nông dân nghèo khổ. Bởi vậy, ông luôn khuyên vua hãy vì dân, vì nước, ái quốc thì hãy ưu dân.
4. Quan niệm về công danh và nhàn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Có thể nói, chỗ đáng quý nhất ở con người Nguyễn Bỉnh Khiêm là mặc dầu công danh và chức tước vào bậc nhất nhưng ông vẫn không hám. Ông khinh bỉ bọn hám danh lợi, ông chán ghét những kẻ đua chen về danh lợi, những bọn tham tàn làm quan trong triều mà luôn luôn phàn nàn về đời loạn lạc, coi giàu sang là cái không đáng để tâm tới, giàu sang cũng rất nguy hiểm nhưng được giàu sang thì ông cũng không phải là muốn cự tuyệt. Có điều là ông có không mừng, mất không tiếc. Làm quan, chức tước cao thì chỉ càng thêm lo lắng cho người hết lòng vì nước vì dân, nhưng được về nghỉ ở quê nhà thì cũng rất thú vị, có khi còn thú vị hơn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không màng đến danh lợi, ông quá thấu hiểu cái thực trạng mưu danh tính lợi, ganh đua bổng lộc chốn quan trường bởi thế ông tìm đến “nhàn dật” để tĩnh tâm và để tránh mình khỏi sự xô bồ nơi bon chen, toan tính ấy. Ông ở ẩn nhưng không né tránh trách nhiệm với thời thế, ông hết sức giúp đỡ và bày tỏ ý kiến với triều Mạc. Ông đã làm quan và về hưu nhiều lần. Điều này chứng tỏ hai điểm trong tư tưởng của ông: ông không hám công danh, không thích quyền thế, nhưng ông trung thành với nhà Mạc và ông cũng sẵn sàng góp sức khi được trao nhiệm vụ chứ không phải trước sau chỉ muốn về nhà nghỉ, về nhàn dật.
Ông lo cho nước, cho dân nhưng lý tưởng chính trị của ông lại không thể thoát ra khỏi mô hình quân chủ Nho giáo. Ông cảm thấy bế tắc, bất lực, một mặt vẫn tâm niệm “đạo thánh hiền xưa luống chuốc mòng”, mặt khác lại thấy “cửa Khổng, làng Nho đạo khó khăn”. Mâu thuẫn đó cuối cùng được ông giải quyết bằng cách xa lánh con đường công danh, trở về cuộc sống ẩn dật, ca ngợi thú an nhàn để giữ trọn phẩm cách và lý tưởng cao đẹp của mình. Không thể “thỏa lòng” giúp dân, giúp nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm rút về quê nhà, sống nhàn dật - tự do, tự tại, thư thái, thanh thản.
Có thế thấy một nét mới của ẩn sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm là dù tàng, dù ẩn nhưng ông không ngoảnh đi, trái lại, ông chăm chú nhìn vào đời, sẵn sàng làm những gì đời cần đến, chỉ miễn là không phải lao vào vòng danh lợi, làm hoen ố tấm lòng trung trinh của một nhà nho chí sĩ. Bản chất chữ “nhàn” của ông là nhàn thân chứ không nhàn tâm. Nhàn mà vẫn lo âu việc nước, việc đời. Nhàn là tìm kiếm sự thanh thản chứ không phải sự lười nhác. Nguyễn Bỉnh Khiêm hành ít mà tàng nhiều, xuất ít mà xử nhiều chỉ bởi lẽ ông không gặp thời, không thi thố được tài kinh bang tế thế. Phải lui về sống ở quê suốt một thời gian dài trong khi vẫn ước vọng đến một xã hội lý tưởng vua sáng tôi hiền, một xã hội muôn dân đều mong ước.
Tóm lại, tư tưởng chính trị - xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biểu hiện rõ được những suy tư và ước vọng của ông về thời thế. Đường lối ấy xuất phát từ nhận thức sâu sắc về yêu cầu cơ bản của đời sống, về vai trò của dân trong xã hội. Đó là đường lối được xây dựng trên cở sở vững chắc là yêu cầu về dân sinh, dân chủ. Yêu cầu người làm vua phải gần dân, thân dân, làm việc gì cũng phải nghĩ đến dân. Những tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ có vị trí quan trọng trong xã hội đương thời mà nó còn có ý nghĩa to lớn đối với thời đại hiện nay.
ThS. Phạm Thị Hương
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/mot-so-tu-tuong-chinh-tri-xa-hoi-cua-nguyen-binh-khiem-a1768.html